Mẹ đơn thân không chỉ luôn phải duy trì công việc, cân đối ngân sách chi tiêu mà còn phải một mình nuôi dạy con trẻ. Cuộc sống thường khó khăn và bạn cần phải nỗ lực gấp nhiều lần so với khi có đôi có cặp. Song tất cả sẽ chẳng thành vấn đề một khi bạn đã sẵn sàng cho việc không có đàn ông bên cạnh.
Có rất nhiều bí quyết để cuộc sống khi làm mẹ đơn thân không bị rơi vào khủng hoảng và ảnh hưởng tới nhận thức cũng như tâm lý của con. Bạn có thể tham khảo 8 điều sau để tìm ra “ánh sáng” cho cuộc sống đơn thân nhé.
1. Tạo một mạng lưới có thể trợ giúp cho cuộc sống của bạn
Nhiều bà mẹ đơn thân có xu hướng thu mình, ngại kết giao với những người xung quanh. Điều này chẳng tốt chút nào với một phụ nữ đơn độc. Nếu bạn nằm trong số này, hãy nghĩ đến những lúc trái gió, trở trời, ốm đau bệnh hoạn. Hoặc bạn nghĩ đến việc con trẻ bỗng trở nên cô lập và thiếu đi những kỹ năng xã hội.
Tất nhiên, phụ nữ đơn thân sẽ có những nhạy cảm nhất định, song bạn hãy cố gắng gạt bỏ để sống cởi mở hơn. Có thêm nhiều mối quan hệ bạn bè cũng có nghĩa là bạn sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ. Song điều quan trọng nhất là con trẻ sẽ có thêm cơ hội giao tiếp và học hỏi được nhiều kỹ năng sống từ những người thân quen xung quanh mình.
Ngoài ra, việc chứng kiến cuộc sống gia đình hạnh phúc của người khác có thể giúp trẻ xóa đi nhiều suy nghĩ tiêu cực về hôn nhân, đàn ông. Hoặc điều này cũng có thể gieo vào đầu con bạn ước muốn có một gia đình đầm ấm, đầy đủ cha mẹ. Đứa trẻ có thể vì thế mà mở lòng hơn với những người đàn ông xung quanh mẹ mình. Thậm chí, chúng còn có thể khuyên mẹ nên kết hôn để được hạnh phúc trọn vẹn.
2. Dọn bớt đồ dùng cũ
Không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để bước ra khỏi quá khứ. Phụ nữ yếu đuối thường dễ bị tổn thương khi “chạm” phải những thứ đã từng hiện diện trong cuộc sống lứa đôi. Mẹ đơn thân rất dễ rơi vào tình trạng tự “sát thương” chính mình nếu như bạn không biết cách sắp xếp lại mọi thứ trong cuộc sống mới.
Vì thế, sẽ tốt hơn nếu bạn mạnh dạn loại bỏ bớt những đồ vật cũ, thứ có thể gợi lại kỷ niệm đau buồn khiến bạn tổn thương.
Đồ nữ trang thời cưới hỏi, những tấm hình chung với người ấy, đồ đạc của những ngày hai người còn quấn quýt bên nhau… hãy cất kỹ chúng vào một ngăn tủ hoặc tốt hơn nếu bạn nhờ bố mẹ đẻ cất giữ giùm.
3. Mẹ đơn thân nên đầu tư vào việc rèn luyện sức khỏe
“Có sức khỏe là có tất cả”, điều này càng đúng với hoàn cảnh làm mẹ đơn thân sau ly hôn. Khi còn người đàn ông bên cạnh, bạn có thể nghỉ ngơi trong những lúc ốm đau mà không phải lo lắng tới việc chăm sóc con cái. Song giờ đây, nếu bạn không khỏe, có nghĩa rằng con cái sẽ không biết nương tựa vào đâu.
Việc kiếm tiền tất nhiên là yếu tố sống còn lúc này, song không có nghĩa là bạn nên làm việc kiểu “bán sống, bán chết”. Bạn hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn mỗi ngày, nấu những bữa ăn ngon để mẹ con cùng tận hưởng. Việc nấu nướng có ảnh hưởng tích cực tới tâm lý của con trẻ. Bé sẽ cảm nhận được không khí gia đình, sự ấm áp từ bàn tay chăm sóc của mẹ. Việc giữ gìn nếp sinh hoạt gia đình cũng giúp trẻ trưởng thành hơn khi lớn lên.
Ngoài ra, bạn cũng nên dành thời gian tập thể dục mỗi ngày. Nếu có điều kiện, bạn hãy tham gia một vài lớp học thú vị như gym, nhảy, yoga…
Khi ra ngoài và gặp gỡ mọi người, tâm trạng của bạn sẽ được cải thiện. Bạn sẽ nhận được nguồn năng lượng tích cực từ những người xung quanh để sống tốt hơn mỗi ngày.
4. Không ngại hẹn hò
Hẹn hò có thể là một cuộc phiêu lưu với bạn song cũng có thể là một cơ hội tốt để trẻ nhìn thấy khía cạnh lành mạnh của các mối quan hệ.
Nhiều bà mẹ đơn thân cảm thấy e ngại với việc hẹn hò vì sợ con sẽ bị tổn thương hoặc gặp rủi ro khi mẹ bước vào cuộc hôn nhân mới.
Tuy nhiên, e ngại này có thể tước đi cơ hội hạnh phúc của bạn và cả cơ hội trẻ được người cha mới che chở. Vì thế, bạn hãy bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực và mở lòng đón nhận mối quan hệ mới. Khi bạn vui vẻ, hạnh phúc thì năng lượng tích cực sẽ lan tỏa tới con cái và khiến chúng hạnh phúc theo.
5. Mẹ đơn thân nên dạy con quản lý tài chính từ sớm
Những đứa trẻ sống trong gia đình đổ vỡ sẽ cần nhiều kỹ năng và trưởng thành hơn những đứa trẻ bình thường. Các con không có nhiều sự trợ giúp từ bố, thậm chí là gia đình bên nội. Vì thế, việc dạy cho con kỹ năng quản lý tiền bạc từ sớm là rất cần thiết để giúp con tự sinh tồn khi lớn lên.
Mẹ có thể dạy con kiếm tiền, chi tiêu, tiết kiệm từ độ tuổi lên 5 bằng cách khuyến khích con phụ giúp việc nhà như gấp quần áo, đổ rác, quét nhà. Mỗi ngày hoàn thành công việc con sẽ được nhận 10.000 đồng.
Số tiền này con nên sử dụng ra sao? Mẹ có thể gợi ý cho con lấy 5.000 để mua kẹo, còn 5.000 thì nuôi heo đất. Con có thể dùng số tiền tiết kiệm này hàng năm để thực hiện kế hoạch mà con ấp ủ, ví dụ như mua một bộ cọ vẽ, một cuốn truyện hoặc mua quà cho ông bà hoặc làm từ thiện…
Lưu ý, bạn không phải trả tiền cho mọi việc nhà mà trẻ làm. Thay vào đó, bạn hãy khuyến khích trẻ thực hiện thêm cả những việc không được trả công để giúp bé nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức chia sẻ việc nhà.
6. Đưa con đi chơi
Những đứa con của bà mẹ đơn thân thường có xu hướng khép mình hơn so với trẻ bình thường. Nếu khép mình quá mức, có thể trẻ sẽ dễ mắc phải các vấn đề về tâm lý như ngại giao tiếp, thiếu tự tin, mặc cảm về bản thân, nhận thức chậm hoặc sai lệch, trầm cảm…
Do đó, đưa con đi chơi, thăm thú, giao tiếp với thế giới bên ngoài là cách tốt nhất để mẹ gỡ bỏ những mảng tối có thể hình thành trong tâm trí của trẻ.
7. Giúp trẻ tạo thói quen trong sinh hoạt và sống có nề nếp
Mẹ nên rèn các thói quen trong sinh hoạt để giúp con sống có nề nếp, kỷ luật từ sớm. Đây là việc cần thiết cho tương lai sau này khi con rời xa vòng tay của mẹ.
Bạn hãy thiết lập giờ đi ngủ và thức dậy, giờ học bài, giờ đi chơi, giờ xem phim và yêu cầu con thực hiện.
Những thói quen khác như ăn xong bỏ bát vào bồn xả nước, phụ mẹ bày bát đĩa ra bàn khi đến giờ ăn, ngủ dậy gấp chăn màn… Tất cả đều giúp con rèn tính kỷ luật và học cách chia sẻ việc nhà với mẹ.
[inline_article id=196581]
8. Hình tượng đàn ông tốt
Bố mẹ luôn là những hình mẫu đầu tiên về người đàn ông và người phụ nữ trong tâm trí của trẻ. Vì thế, việc bố mẹ tốt hay xấu có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của trẻ về con người trong xã hội sau này. Nếu bố yêu thương mẹ, gia đình, trẻ sẽ có hình dung về người đàn ông tốt, ngược lại, chúng sẽ mặc định tất cả đàn ông đều là người xấu.
Để xóa bỏ ác cảm về người đàn ông trong đầu con trẻ, bạn nên chỉ cho trẻ thấy nhiều hình mẫu đàn ông tốt mà con tin cậy, ví dụ như ông nội, ông ngoại, chú, bác thầy giáo chủ nhiệm, bố của bạn thân con…
Thực tế, rất nhiều cô gái bị ám ảnh về người cha không tốt của mình và không bao giờ muốn yêu hoặc kết hôn.
Cuộc sống của mẹ đơn thân không dễ dàng chút nào, song nếu bạn biết gạt bỏ quá khứ và chủ động sắp xếp tương lai thì mọi thứ sẽ ổn thỏa và tốt đẹp.
Hanako