Categories
Vô sinh - Hiếm muộn Chuẩn bị mang thai

Hành trình làm IVF của mẹ: Vì con là món quà tuyệt vời nhất!

Để được chào đón con đến với mình, rất nhiều người mẹ đã phải trải qua quá trình dài nhiều đau đớn, vất vả, áp lực cả về tinh thần lẫn sức khỏe trong những phương pháp sinh sản nhân tạo. Câu chuyện của người mẹ dưới đây cho chúng ta nhiều cảm xúc về những nỗ lực và sự chủ động để có con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Người mẹ Phạm Xuân Trang, 30 tuổi, làm nhân viên văn phòng, hiện sống ở quận 3, TP.HCM là một người mẹ rất đặc biệt khi đã quyết định mang song thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, hay còn gọi là làm IVF.

Vì sao giữa những cách mang thai khác, chị lại chọn phương pháp IVF để có con?

Vợ chồng tôi kết hôn từ 2017, đến năm 2020 thì đến thời điểm phù hợp để có con. Sau khi để “thả” tự nhiên khoảng hơn nửa năm với đủ mọi nỗ lực thì vợ chồng tôi vẫn chưa có con. Sau đó, vợ chồng tôi quyết định đi kiểm tra khả năng có con thì cho ra kết quả thì tôi bị đa nang buồng trứng còn còn chồng tôi thì có dấu hiệu bất thường về hình thái tinh trùng. Với tình hình như vậy thì bác sĩ tại phòng khám Ngọc Lan chuyên khoa hiếm muộn tư vấn hai phương pháp có thể hỗ trợ chúng tôi: một là bơm tinh trùng vào tử cung (IUI), hai là thụ tinh nhân tạo (IVF).

Đối với trường hợp của chúng tôi, phương pháp IUI chỉ có khả năng thành công khoảng 10% thôi. Tôi thấy để có con bằng cách này thì sẽ tốn quá nhiều thời gian để thử đi thử lại. Tôi muốn sử dụng cách hiệu quả mang lại kết quả nhanh chóng hơn vì đây đã là thời điểm phù hợp nhất để sinh con, nên cuối cùng tôi chọn làm IVF.

Việc làm có thai bằng phương pháp làm IVF chắc chắn sẽ rất khó khăn hơn mang thai tự nhiên rất nhiều, còn riêng với chị đã phải trải qua quy trình làm IVF này như thế nào?

quy trình làm ivf

Người mẹ nào cũng vậy, việc mang thai tự nhiên đã nhiều vất vả, nhưng mang thai bằng phương pháp IVF còn khó khăn hơn gấp bội. Về phía người chồng thì rất nhẹ nhàng, đơn giản, chỉ có lấy tinh trùng một lần là xong. Còn về người vợ thì phải trải qua nhiều quy trình đau đớn hơn.

Bắt đầu từ ngày kinh thứ ba, quy trình chích thuốc vào vùng bụng gần buồng trứng để tăng kích cỡ buồng trứng sẽ kéo dài 2 tuần cho đến ngày rụng trứng. Việc chích thuốc diễn ra hàng ngày, thậm chí có ngày chích 2 lần.

Sau đó thì bác sĩ sẽ tiến hành gây mê để hút trứng. Tôi khác nhiều mẹ khác khi buồng trứng của tôi bị quá kích nên khi lấy trứng ra phối thì được đến khoảng 25 cái phôi – tương đương với cả mấy năm mình rụng trứng. Đó là điều thành công ban đầu hơn mức tưởng tượng. Lúc đó, hai vợ chồng mừng rỡ vô cùng.

Lấy trứng xong rồi, tôi tiếp tục phải chích thuốc và uống thuốc, đặt thuốc ở âm đạo. Có thể tính đến từ lúc bắt đầu cho tới khi mang thai là hàng trăm mũi kim tiêm vào người. Quá trình chích thuốc kéo dài rất đau đớn và mệt mỏi, vùng bụng bị căng to, rất nặng nề và khó chịu.

Vậy sau bao lâu thì chị chính thức có thai khi làm IVF thành công?

Lần đặt phôi đầu tiên của tôi không thành công dù đã là phôi loại 1 với khả năng dính bầu rất cao. Mất khoảng chừng 2 tuần lưng chừng ở giữa việc có thai hay không với rất nhiều hy vọng phập phồng. Chờ qua 1 tháng đến lần đặt phôi thứ hai thì tôi quyết định đặt hai phôi để tăng khả năng dính bầu mặc dù bác sĩ có khuyến cáo tôi về khả năng mang thai đôi và những rủi ro đi kèm với việc mang thai đôi. May mắn đến lần này thì vợ chồng tôi được nhận tin vui khi đã chính thức mang thai.

Sau khi đón nhận tin cấy phôi thành công thì cảm xúc của chị và chồng như thế nào?

kinh nghiệm làm ivf thành công

Tôi phải trải qua đến hơn 10 lần đến thử máu để kiểm tra có thai hay không. Khi biết tin vui, tôi chỉ thở phào nhẹ nhõm, thầm cảm ơn mọi thứ đã suôn sẻ. Nhưng tôi vẫn chưa thật sự quá mừng vì với quá trình IVF, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Có thai rồi vẫn có thể sảy, chỉ sau quá trình 3 tháng đầu mang thai thì mới vào vùng an toàn. Làm IVF thì phải theo dõi quá trình mang thai rất kỹ thế nên vợ chồng tôi xác định phải đi từng bước cẩn trọng, không quá mong chờ ở phía trước.

Trong 40 tuần mang song thai, chị đã trải qua những khó nhọc, đau đớn như thế nào trên cơ thể?

Tôi bị tiểu đường thai kỳ, phải kiêng cữ trong việc ăn uống rất nhiều. Tôi còn bị rối loạn tuyến giáp nên trong mấy tháng liền, tôi uống thuốc trị tuyến giáp rất nhiều nên đâm ra tôi bị nổi mẩn đỏ trên lưng và vai rất nặng. Những chiếc mụn sưng tấy và rất ngứa, vô cùng khó chịu.

Đặc biệt, tôi còn bị nghén rất nặng, hầu như buồn nôn cả ngày, ngày nôn 2-3 cữ trong cả 3 tháng đầu. Còn trong 3 tháng cuối, thì thai đè lên dạ dày nên bị trào ngược axit khiến tôi bị đau ở vùng ngực ghê gớm.

Không chỉ vậy, quá trình thai kỳ của tôi rất nặng nề vì chân tôi còn bị sưng phù. Mỗi lần đi khám thì bác sĩ đều “than trời”, cứ tưởng tôi bị dư đạm trong máu. Việc mang thai đôi còn có nguy cơ tiền sản giật cao nên tôi phải uống thuốc phòng ngừa. Không chỉ vậy, tôi còn phải đặt vòng nâng cổ tử cung ngay từ 3 tháng giữa đến lúc gần sinh.

Quá trình chị chuyển dạ và sinh ra hai “thiên thần” bé nhỏ diễn ra như thế nào?

Chỉ mới khoảng 36 tuần, khi đi khám thai định kỳ thì lúc đó tôi đã bắt đầu có cơn co thắt mạnh, có dấu hiệu sinh non nên bác sĩ cho tôi nhập viện gấp. Buổi sáng đi khám, buổi chiều nhập viện, ngày phải chích thuốc dưỡng thai 3 lần. Tôi phải ngồi xe lăn để y tá đẩy đi chứ không được tự ý đi lại và phải tháo gấp vòng nâng cổ tử cung nếu không sẽ gặp nguy hiểm.

Vài ngày sau khi vừa tròn 37 tuần thai là tôi đã phải phẫu thuật sớm để lấy con ra, chứ không được kéo dài đến 40 tuần. May mà được “trời thương” nên việc lâm bồn sinh rất nhanh chóng và nhẹ nhàng. Quá trình sinh con của tôi đi đến đoạn kết thúc nhanh chóng nhưng lại có rất nhiều sự lo lắng, bất an như vậy đấy (cười).

Việc cùng lúc chăm sóc hai bé song sinh chắc hẳn cũng là áp lực không hề nhỏ với vợ chồng chị?

Chăm sóc hai bé một lúc rất là cực nên tôi từ khi mang bầu đến khi sinh xong là đã tụt 20kg. Đặc biệt là 1 tháng đầu tôi hoàn toàn không có sữa cho con bú vì cơ địa là một, một phần là vì uống thuốc quá nhiều trong lúc mang thai. Hai bé của tôi quá bé mà tôi thì lại không có sữa. Chuyện bé bú ti trực tiếp cũng rất khó khăn nên tôi phải chấp nhận cho bé uống sữa công thức bên ngoài. Mất cả mấy tháng sau thì tôi kiên trì hút sữa bằng máy thì mới bắt đầu có những tia sữa đầu tiên.

Trong giai đoạn mấy tháng chờ sữa mẹ, gia đình rất lo lắng, nên cứ hỏi han thậm chí là đôi khi trách móc là sao 1, 2 tuần rồi vẫn chưa có sữa. Nhưng vô tình những câu hỏi ấy khiến tôi vô cùng tổn thương. Lúc ấy, mình rất cần những người có thể hiểu được sự khó khăn, đau đớn thậm chí là bất lực của những người mẹ không có sữa như tôi.

Nếu có lời nhắn nhủ dành cho những người mẹ đang có ý định làm IVF đặc biệt là việc mang thai đôi, chị sẽ nói gì?

IVF quan trọng nhất là tinh thần ở mỗi người mẹ còn ai cũng phải trải qua quy trình tương tự nhau nếu mà chọn phương pháp này. Chích thuốc bao nhiêu, chu kỳ bao lâu thì mình không thể kiểm soát được. Tôi cũng mừng vì chu trình IVF của tôi trải qua cũng khá nhanh.

Thời gian làm IVF, người mẹ sẽ luôn đau đáu việc có thai hay là chưa, chờ đến ngày lấy trứng, đặt phôi, là một cái áp lực vô cùng nặng nề đè lên người phụ nữ. Tôi thấy nếu mình đã đi vào con đường này thì mình sẽ không kiểm soát được là nó sẽ kéo dài bao lâu, mất bao lâu mới thành công nên mình cứ cố gắng vượt qua mỗi ngày.

Làm sao có thể không suy nghĩ đến nó khi ngày nào mình cũng phải chích thuốc, uống thuốc, lấy máu, phẫu thuật rất là đau đớn. Nên tôi nghĩ rằng những người mẹ cứ tâm niệm là mình có thể phải đi rất lâu, tới khi nào mình cảm thấy mình vẫn còn đi được, sức khỏe tinh thần của mình vẫn còn tốt. Còn nếu cảm thấy bản thân không đủ sức chịu đựng thì nên dừng lại nghỉ một chút.

Cảm ơn và chúc chị luôn hạnh phúc với tổ ấm của mình.

Tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn – vô sinh về phương pháp làm IVF

Cùng MarryBaby tìm hiểu thông tin chuyên môn được chia sẻ bởi Thạc sĩ. Bác sĩ Huỳnh Kim Dung – bác sĩ Sản phụ khoa công tác tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ về phương pháp thụ tinh nhân tạo – IVF. Như là, quy trình làm IVF như thế nào? Chi phí làm IVF? Và kinh nghiệm làm IVF thành công là gì nhé.

Đối với việc thụ tinh nhân tạo (IVF) hiện nay, tỷ lệ thành công ở Việt Nam là bao nhiêu, trung bình mỗi cặp vợ chồng làm IVF tốn bao lâu để có con thành công?

ThS. BS Huỳnh Kim Dung: Tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm được tính dựa trên số trường hợp sinh em bé khỏe mạnh sau khi làm IVF trên tổng số trường hợp được chuyển phôi trong thời gian nhất định. Đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả sau điều trị IVF. Đối với một trung tâm hỗ trợ sinh sản, đôi khi sẽ gặp khó khăn trong việc thống kê tỉ lệ này do bị mất dấu 1 số trường hợp (bệnh nhân về quê theo dõi thai, thay đổi số điện thoại liên lạc,…). Cho nên, tỷ lệ thành công sau điều trị IVF hiện nay chủ yếu được tính dựa trên tổng số trường hợp có thai lâm sàng (siêu âm thấy túi thai) sau chuyển phôi từ 5-7 tuần trong khoảng thời gian nhất định. Tức là chỉ cần siêu âm thấy túi thai xem như IVF đã thành công. Hơn nữa, tỷ lệ thành công của IVF còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây vô sinh và tuổi người phụ nữ. Đối với mỗi cặp vợ chồng mong con, bác sĩ sẽ ước đoán về tỷ lệ thành công khác nhau. Có 1 điều chắc chắn rằng, tỷ lệ thành công của IVF không bao giờ đạt được con số 100%. 

Hiện tại ở Việt Nam, tỷ lệ thành công của 1 ca làm IVF dao động trong khoảng 30-60% trong vòng chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm, cao hơn so với phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung). Đối với nhóm bệnh nhân trẻ, tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với nhóm bệnh nhân nhiều tuổi. Cụ thể, nhóm bệnh nhân từ 42 tuổi trở lên xác suất thành công chỉ khoảng 10%, đối với nhóm từ 30 tuổi trở xuống, xác suất thành công có thể lên đến 60-70%. 

Vì thế các cặp đôi đang mong con thì đừng chần chừ mà hãy sớm đến gặp bác sĩ để nhận được những cách điều trị trong độ tuổi vàng. 

Để việc thụ tinh đạt kết quả, người mẹ cần lưu ý tới các vấn đề nào?

ThS. BS Huỳnh Kim Dung:

  • Về ăn uống
    • Người nữ cần bổ sung từ thức ăn và thực phẩm chức năng chứa nhiều Acid folic và omega 3, ngay từ khi có ý định mang thai, trước cả khi thực hiện IVF. 
    • Người nam cần ăn những thức ăn có lợi cho tinh trùng và các thực phẩm chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ, ví dụ như các loại hạt, giá, hột vịt lộn…
  • Về thuốc men
    • Như đã nói ở trên, bác sĩ sẽ kê cho 2 vợ chồng một số loại thực phẩm chức năng để hỗ trợ cho quá trình điều trị. Riêng người phụ nữ sẽ sử dụng thuốc nuôi dưỡng nội mạc tử cung, thuốc kích trứng theo phác đồ, sau khi chuyển phôi vào buồng tử cung bác sĩ sẽ cho tiêm thêm các loại thuốc giúp duy trì sự phát triển của phôi. 
  • Về sinh hoạt vợ chồng/ sinh hoạt hàng ngày
    • Giữ vệ sinh vùng kín theo hướng dẫn của bác sĩ. 
    • Sau khi đặt phôi thai vào buồng tử cung, 2 vợ chồng tuyệt đối không quan hệ tình dục, người nữ vận động nhẹ nhàng và nghỉ ngơi trong 2 tuần đầu. 
  • Về tinh thần
    • Luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, vui vẻ. Tránh những cảm xúc lo âu, căng thẳng, bất an. Nếu tinh thần các cặp vợ chồng bất ổn sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết cục của quá trình điều trị. Cụ thể là tinh trùng sẽ yếu đi, còn tử cung của người nữ thì tăng co bóp khiến tỷ lê sẩy thai, thai ngoài tử cung tăng lên. 
    • Bạn có thể thư giãn bằng cách thiền, tập trung vào hít thở, trò chuyện cùng nhau,….
  • Về sức khỏe/ tập luyện
    • Tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng, theo thể chất, đều đặn, ít nhất 2 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút là được. Người nữ tốt nhất là tập các bài yoga thư giãn, thiền (thiền bất cứ tư thế nào thấy thoải mái, không nhất thiết chỉ thiền ngồi). 

thụ tinh nhân tạo ivf

Trong trường hợp làm IVF không thành công, thời gian cách giữa 2 lần thụ tinh là bao lâu? Tỷ lệ thành công có bị giảm xuống theo số lần làm hoặc thời gian làm không ạ?

ThS. BS Huỳnh Kim Dung: Trong trường hợp làm IVF lần 1 thất bại, nếu còn phôi trữ đông thì khi muốn làm lại lần 2 sẽ được bỏ qua các bước như kích trứng, chọc hút trứng và sẽ tiến hành chuẩn bị nội mạc tử cung rồi chuyển phôi vào buồng tử cung. Bệnh nhân có thể thực hiện lại lần 2 chỉ cần cách lần 1 một chu kỳ kinh nguyệt, miễn là thấy đủ sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Trường hợp sức khỏe có vấn đề, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho bạn ổn định rồi mới thực hiện lại IVF. Đối với phụ nữ trên 35 tuổi càng cần phải tranh thủ thực hiện lại IVF sớm, không nên trì hoãn quá lâu sẽ khiến tỷ lệ thành công giảm thấp. 

 Như đã nói ở trên, nếu thực hiện IVF ở độ tuổi còn trẻ thì tỷ lệ thành công khá khả quan, không quan trọng bạn thực hiện lần 1, lần 2 hay 3,… Bên cạnh đó, theo các tài liệu nghiên cứu hiện tại ở Việt Nam và trên thế giới, tỷ lệ thành công khi thực hiện IVF phôi tươi hay phôi đông lạnh là tương đương nhau, hơn nữa phôi đông lạnh lại có ưu điểm trong một số trường hợp nhất định. 

Trung bình chi phí làm IVF tại Việt Nam là bao nhiêu? 

ThS. BS Huỳnh Kim Dung: Hiện nay, chi phí cho 1 lần làm IVF trung bình dao động khoảng 70-100 triệu. Chi phí này còn phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khoẻ của hai vợ chồng, các bệnh lý cần điều trị trước khi tiến hành thụ tinh nhân tạo, đáp ứng của buồng trứng với thuốc. Đối với các cặp vợ chồng lần đầu đi khám hiếm muộn phải tốn thêm 1 khoản tiền để làm các xét nghiệm thăm dò. Trong trường hợp cần trữ phôi, bạn phải đóng phí duy trì phôi trữ cho bệnh viện hàng năm. Khi muốn chuyển phôi lại thì chi phí khoảng 15 triệu/lần. Như vậy, số tiền mỗi cặp đôi cần chuẩn bị là không giống nhau. 

Những cơ sở y tế nào uy tín và có kinh nghiệm thực hiện thành công phương pháp IVF mà các cặp vợ chồng có thể tham khảo?

ThS. BS Huỳnh Kim Dung: Sau đây mình xin liệt kê một số cơ sở đại diện mà mình biết trong số nhiều nơi uy tín trên cả nước (mình chỉ nêu đại diện, vẫn còn các cơ sở tay nghề cao khác):

Tại Miền Bắc:

  • Bệnh viện Phụ sản Trung ương
  • Bệnh viện Bạch Mai

Tại Miền Nam

  • Bệnh viện Từ Dũ
  • Bệnh viện Mỹ Đức

Đồng bằng sông Cửu Long:

  • Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ
  • Khoa Hiếm muộn –  BVĐK Quốc tế Phương Châu