Categories
Mang thai 3 tháng cuối

Lịch khám thai 3 tháng cuối và những lưu ý quan trọng cho mẹ bầu

Lịch khám thai 3 tháng cuối đối với các mẹ bầu là rất quan trọng. Trong thời gian này, mẹ cũng phải trải qua sự biến chuyển liên tục của cơ thể và những cơn gò tử cung. Đây chính là khoảng thời gian chị em nên tuân thủ đúng lịch khám thai và bổ sung thêm kiến thức để sẵn sàng chào đón thiên thần nhỏ ra đời.

Tầm quan trọng của khám thai 3 tháng cuối 

Khám thai định kỳ, nhất là ở ba tháng cuối phải thực hiện, bởi vì những lý do sau đây:

  • Theo thống kê, tỷ lệ tử vong của thai nhi sẽ giảm đáng kể nếu mẹ thực hiện đúng lịch khám thai 3 tháng cuối. Bên cạnh đó, sức khỏe cũng như thể chất của đứa trẻ cũng tốt hơn so với những bé không được theo dõi định kỳ.
  • Người mẹ sẽ biết được sự phát triển của em bé trong bụng thông qua những lần thăm khám. Đồng thời, nếu có những bất ổn, bác sĩ có thể hỗ trợ xử lý để giảm thiểu các nguy cơ sinh non cho mẹ và bé. Đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi.
  • Các chuyên gia sẽ tư vấn cho các mẹ những thực phẩm nên và không nên sử dụng trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ. Thông qua đó, giúp thai nhi khỏe mạnh và thông minh hơn.

Thông thường, các kết quả kiểm tra sẽ có độ chính xác vào các thời điểm nhất định. Bởi vì, thai nhi vẫn tiếp tục phát triển không ngừng trong suốt thời kỳ mang thai.

Chính vì thế, thai phụ cần thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của trẻ và sức khỏe của mẹ.

Lịch khám thai 3 tháng cuối
Lịch khám thai 3 tháng cuối rất quan trọng trong thai kỳ của mẹ

Lịch khám thai 3 tháng cuối theo tuần cho mẹ bầu

Tam cá nguyệt thứ 3 bắt đầu từ tuần thai thứ 28 cho đến khi bé chào đời. Kể từ tuần thứ 28 cho đến tuần thứ 34, mẹ nên đi khám thai cách mỗi 3 tuần.

Đến tuần thứ 34 trở đi đến tuần thứ 38, khoảng cách thời gian này được giảm xuống thành 2 tuần. Cuối cùng là từ tuần thứ 39 đến tuần thứ 42, mẹ sẽ phải đến khám mỗi tuần. Lịch khám thai 3 tháng cuối chi tiết sẽ diễn ra như sau:

1. Khám thai tuần 28

Trong tuần thứ 28, khi đi khám thai, mẹ bầu sẽ cần phải tiến hành các thăm khám thường quy sau:

  • Thực hiện thêm nhiều xét nghiệm sàng lọc cần thiết như siêu âm, đặc biệt là xét nghiệm Non-stress (NST)
  • Nếu mẹ bầu và thai nhi bất đồng nhóm máu, bác sĩ sẽ cân nhắc cho mẹ sử dụng thuốc Anti-D Immunoglobulin
  • Cân nhắc bổ sung sắt nếu mẹ bầu bị thiếu máu.
  • Kiểm tra cân nặng
  • Đo bề cao tử cung để tính tuổi thai
  • Đo huyết áp và xét nghiệm protein trong nước tiểu
  • Tiêm thuốc hỗ trợ nếu mẹ có nguy cơ sinh sớm trong trường hợp: song thai, nhau tiền đạo trung tâm,…

2. Khám thai tuần 31

Đối với mẹ bầu mang thai bé đầu tiên, mẹ cần đi khám vào tuần thứ 31 để bác sĩ hoặc nữ hộ sinh thực hiện:

  • Đo kích thước tử cung để tính tuổi thai
  • Đo huyết áp và xét nghiệm protein trong nước tiểu
  • Kiểm tra cân nặng
  • Siêu âm xác định ngôi thai. Hướng dẫn mẹ cách xoay ngôi thai tự nhiên nếu ngôi thai chưa thuận. Siêu âm cũng giúp đánh giá sự tăng trưởng thai.
  • Từ tuần 32 sẽ tiến hành đo Non-stress test để kiểm tra hoạt động tim thai
  • Thông báo kết quả nếu mẹ bầu đã được thực hiện xét nghiệm sàng lọc trong tuần 28
Lịch khám thai 3 tháng cuối
Khám thai tuần thứ 31 rất quan trọng với chị em lần đầu mang bầu

3. Khám thai tuần 34

Trong tuần thứ 34, mẹ bầu sẽ được nữ hộ sinh hoặc bác sĩ cung cấp thông tin về việc chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và sinh nở. Những thông tin này bao gồm cách nhận biết dấu hiệu chuyển dạ tích cực, cách đối phó với cơn đau khi chuyển dạ và kế hoạch sinh nở của mẹ.

Buổi khám thai ở tuần 34 sẽ tiếp tục những xét nghiệm trong buổi khám ở tuần thứ 28 và tuần thứ 31. Thêm vào đó, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ cung cấp cho mẹ thông tin về việc sinh mổ (nếu mẹ có nguy cơ) để mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất.

Cụ thể là bạn sẽ được giải thích lý do về việc có nguy cơ sinh mổ, quy trình diễn ra như thế nào, rủi ro và lợi ích cũng như tác động của sinh mổ đến việc mang thai và sinh nở trong tương lai.

4. Khám thai tuần thứ 36

Buổi khám thai tuần thứ 36 sẽ là buổi chia sẻ và cung cấp thông tin, mẹ bầu sẽ được nữ hộ sinh hoặc bác sĩ cung cấp thông tin về việc:

  • Xét nghiệm khung chậu
  • Nuôi con bằng sữa mẹ
  • Cách chăm sóc trẻ sơ sinh
  • Bổ sung vitamin K và thực xét nghiệm sàng lọc cho trẻ sơ sinh
  • Sức khỏe của mẹ sau khi bé chào đời
  • Trầm cảm sau khi sinh.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng được:

  • Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, đo bề cao tử cung để đánh giá tuổi thai
  • Siêu âm kiểm tra vị trí của bé
  • Xét nghiệm protein trong nước tiểu
  • Hướng dẫn mẹ cách xoay ngôi thai tự nhiên nếu ngôi thai tư thế ngôi mông.

5. Tuần thứ 38 khám những gì?

Trong buổi khám thai này, mẹ bầu sẽ được cung cấp những thông tin về cách nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh. Ngoài ra, mẹ cũng được trang bị kiến thức để chuẩn bị cho trường hợp thai kỳ kéo dài hơn 41 tuần.

6. Khám thai tuần thứ 40

Đây là buổi khám thai mẹ không nên bỏ qua nếu dù là lần mang thai thứ mấy. Nếu chưa có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ sẽ được phổ biến những cách giúp kích thích chuyển dạ. Đây chỉ là phổ biến trước, không khuyến khích mẹ bầu thực hiện nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

Nếu quá 40 tuần vẫn chưa có dấu hiệu sanh, bạn nên tham khảo với bác sĩ về vấn đề nhập viện theo dõi.

Những buổi khám thai cuối cùng gúp mẹ sẵn sàng đón bé chào đời

7. Tuần thứ 41 khám gì?

Nếu thai kỳ đã bước sang tuần thứ 41 nhưng mẹ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ sẽ yêu cầu làm kiểm tra nước ối và khám sức khỏe của mẹ. Khi có kết quả, bác sĩ sẽ quyết định việc nên tiếp tục chờ đợi hoặc thực hiện tác động thúc đẩy quá trình sinh nở.

8. Lần khám thai cuối vào tuần thứ 42

Nếu thai kỳ đã qua mốc 41 tuần, chạm mốc 42 tuần mẹ vẫn chưa sinh bé thì bác sĩ sẽ tiến hành tăng cường theo dõi thai nhi và sức khỏe của người mẹ.

Mẹ bầu nên làm gì trong 3 tháng cuối thai kỳ?

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, điều quan trọng là mẹ bầu cần phải giữ cho mình một tinh thần thoải mái để chào đón bé yêu. Ngoài ra, mẹ hãy thực hiện những điều sau để có sự chuẩn bị đầy đủ nhất:

  • Tham gia những lớp học trang bị kiến thức cho mẹ bầu (thường các bệnh viện sẽ tổ chức hàng tuần)
  • Chuẩn bị kế hoạch nuôi con bằng sữa mẹ
  • Chuẩn bị giỏ đồ đi sinh đầy đủ
  • Chọn bệnh viện sinh, bác sĩ, nữ hộ sinh đáng tin cậy để đỡ sinh
  • Chuẩn bị nơi ở cho mẹ và bé sau sinh sạch sẽ, chu đáo.
  • Theo dõi cử động của thai nhi
  • Ghi nhớ và tuân thủ đầy đủ lịch khám thai

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của khám thai 3 tháng cuối. Đây là thai kỳ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc chuyển dạ.

Do đó ngoài việc khám thai, siêu âm thai định kỳ, mẹ bầu cũng nên chú ý về chế độ dinh dưỡng để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh và thai nhi phát triển một cách tốt nhất. Nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và theo dõi.