Categories
Mang thai 3 tháng cuối

Khó thở khi mang thai tháng thứ 9: Phải làm sao để kiểm soát nhịp thở tốt hơn?

Hầu hết các mẹ bầu đều cảm thấy khó thở khi mang thai tháng thứ 9. Điều này nói chung là vô hại và không ảnh hưởng đến lượng oxy mà em bé nhận được.

Vì vậy, điều đầu tiên mà mẹ cần làm là đừng lo lắng nữa. Hãy chuẩn bị cho mình một tinh thần thật thoải mái cho hành trình vượt cạn sắp tới được thuận lợi nhé.

Vì sao bà bầu thường bị khó thở khi mang thai tháng thứ 9?

Dưới đây là những lý do làm mẹ bầu khó thở vào cuối thai kỳ:

1. Em bé ngày càng lớn dần gây áp lực lên cơ hoành

Trong ba tháng cuối của thai kỳ, em bé đang lớn dần trong bụng sẽ đẩy tử cung của mẹ lên cơ hoành (cơ bên dưới phổi). Khi đó, cơ hoành sẽ di chuyển lên khoảng 4 cm so với vị trí trước khi mang thai. 

Những thay đổi này khiến phổi cũng bị ảnh hưởng và khó mở rộng hoàn toàn. Mẹ bầu không thể hít vào nhiều không khí trong mỗi lần thở được như trước nên dẫn đến tình trạng khó thở sau khi ăn hoặc khó thở khi nằm.

2. Sự gia tăng hormone thai kỳ

Nhịp thở của mẹ bầu tháng thứ 9 còn bị ảnh hưởng do sự gia tăng hormone progesterone. Sự thay đổi của hormone này khiến mẹ hít thở chậm hơn thay vì linh hoạt như trước. 

Khó thở khi mang thai tháng thứ 9
Phổi khó mở rộng hoàn toàn do áp lực của em bé trong bụng sẽ khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy khó thở

3. Hen suyễn

Mang thai có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn mẹ vốn đã có lại càng trở nên tồi tệ hơn. Nếu bị hen suyễn, mẹ nên nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp điều trị an toàn trong thai kỳ, chẳng hạn như thuốc hít hoặc thuốc uống,…

4. Bệnh cơ tim sau sinh

Đây là một dạng suy tim có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai hoặc ngay sau khi sinh. Các triệu chứng bao gồm khó thở, mệt mỏi, tim đập nhanh, sưng mắt cá chân và huyết áp thấp,… 

Nhiều phụ nữ ban đầu có thể cho rằng các triệu chứng của họ là do mang thai, nhưng tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thường phải điều trị mới cải thiện được các triệu chứng.

5. Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông bị mắc kẹt trong động mạch trong phổi. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến hô hấp gây ho, đau ngực và khó thở.

Khó thở khi mang thai tháng thứ 9 có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Mặc dù việc khó thở có thể gây nhiều trở ngại cho mẹ bầu nhưng may mắn là chúng không gây ảnh hưởng gì đến em bé. Mỗi lần hít thở không lấy được nhiều oxy nhưng lượng oxy mẹ hít vào vẫn sẽ lưu lại trong phổi lâu hơn để mẹ lấy ra đủ lượng oxy mà mẹ và em bé cần.

Tuy nhiên, trong những trường hợp khó thở do bệnh lý như hen suyễn, suy tim, tắc phổi,… mẹ cần đi khám càng sớm càng tốt vì nếu để lâu, bệnh có thể gây nguy hiểm đến thai kỳ.

Bà bầu khó thở là hiện tượng sinh lý bình thường, không ảnh hưởng đến thai nhi

Khó thở khi mang thai tháng thứ 9 như thế nào là nguy hiểm?

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy tình trạng khó thở của mẹ bầu đang không ổn:

  • Mạch đập nhanh
  • Tim đập nhanh và mạnh
  • Cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Tức ngực
  • Môi và đầu ngón tay, ngón chân có màu hơi xanh 
  • Ho dai dẳng nhiều ngày, ho ra máu
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Có tiền sử bệnh hen suyễn

Khi gặp những dấu hiệu này, mẹ bầu hãy kiên hệ với bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm.

Mang thai tháng thứ 9 cần chú ý những gì để làm giảm tình trạng khó thở?

Tình trạng khó thở có thể kéo dài khiến mẹ bầu luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu, ngủ không ngon giấc. Vậy mang thai tháng thứ 9 cần chú ý những gì để cảm thấy khỏe hơn?

Dưới đây là một số mẹo giúp mẹ kiểm soát cơn khó thở và thở được một cách dễ dàng hơn, hãy thử áp dụng mỗi khi bị khó thở mẹ nhé:

1. Thay đổi tư thế nằm: Mang thai tháng thứ 9 có nên nằm ngửa không?

tháng thứ 9 thai kỳ, bụng bầu của mẹ đã khá to nên hiện tượng mẹ bầu khó thở khi ngủ hoặc khó thở khi nằm là chuyện rất bình thường. Vậy nằm như thế nào là thoải mái và an toàn nhất? Mang thai tháng thứ 9 có nên nằm ngửa không?

Câu trả lời là không. Bà bầu nằm ngửa khiến toàn bộ trọng lượng thai nhi đè lên cột sống, cơ lưng, ruột và các mạch máu lớn, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh khớp, bệnh trĩ, giảm huyết áp và khó thở, đồng thời còn làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu vận chuyển đến thai nhi.

Bà bầu mang thai tháng thứ 9 không nên nằm ngửa

Trong khi đó, nằm sấp cũng không phải là một ý kiến hay vì rõ ràng, đây không chỉ là một tư thế nằm khi mang thai khó chịu mà việc để trọng lượng cơ thể mẹ đè lên thai nhi còn rất dễ gây tổn thương bé.

Nằm nghiêng là vị trí tốt nhất cho bà bầu tháng thứ 9, đặc biệt là nghiêng sang trái. Trong khi tư thế nghiêng sang phải vẫn có thể gây áp lực lên dây chằng và màng tử cung thì tư thế nghiêng sang trái hoàn toàn thuận lợi cho việc lưu thông máu và bài tiết chất thải.

2. Tập thể dục giúp cải thiện nhịp thở

Một trong những cách giúp bà bầu hít thở dễ dàng hơn đó là tập thể dục. Ở tháng thứ 9, mẹ có thể tập các bài tập yoga trước sinh để vừa luyện tập nhịp thở, vừa vận động các cơ một cách nhẹ nhàng để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn sắp tới diễn ra dễ dàng hơn.

Một điều mẹ bầu cần lưu ý là dù mẹ lựa chọn hình thức tập thể dục nào cũng đừng quá lạm dụng nó nhé. Hãy lắng nghe những gì cơ thể mình mách bảo và nếu không chắc chắn các bài tập này có an toàn hay không, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

3. Thư giãn

Bước vào tháng thứ 9 là mẹ và bé đã bước vào những tuần cuối cùng của thai kỳ, điều mẹ cần làm lúc này là nghỉ ngơi để cơ thể được thư giãn, đừng để bản thân ngập chìm trong công việc hay căng thẳng, mệt mỏi. 

Hãy thả lỏng cỡ thể và hít thở nhẹ nhàng. Nghe một bài nhạc hay xem một cuốn phim hài vui vẻ cũng là cách hay để mẹ quên đi những cảm giác khó chịu hiện tại.

4. Di chuyển chậm 

Đi, đứng và di chuyển một cách thật chậm rãi sẽ giúp mẹ giảm bớt công việc của tim và phổi. Ngoài ra, khi cảm thấy khó thở, mẹ có thể thử ngồi dậy hoặc đứng thẳng lên, ngửa vai, nâng ngực và ngẩng đầu lên cao để giảm áp lực khỏi khung xương sườn. 

Tư thế này có thể giúp phổi của mẹ có nhiều không gian để mở rộng hơn và mẹ sẽ hít thở được nhiều không khí hơn.

Như vậy, mẹ bầu khó thở khi ngủ hoặc khó thở sau khi ăn là hiện tượng vô cùng phổ biến ở tháng thứ 9 của thai kỳ. Ở những ngày gần sinh, em bé sẽ dần di chuyển xuống khung xương chậu và mẹ có thể thở dễ dàng hơn một chút. Nếu mẹ quá lo lắng về tình trạng khó thở của mình, hoặc việc khó thở gây cản trở quá nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của mẹ, hãy đến bác sĩ kiểm tra để cảm thấy yên tâm hơn.