Kiêng cữ khi mang thai là việc vô cùng cần thiết để giúp bảo vệ thai nhi và mẹ khỏi những ảnh hưởng đáng tiếc từ việc sinh hoạt cũng như ăn, uống sai cách. Tuy nhiên, nếu việc kiêng cữ khi mang thai vô lý, cổ hủ lại không những chẳng giúp ích gì cho thai kỳ mà có khi còn gây tổn hại đến mẹ bầu và em bé. Mẹ bầu nên tham khảo ngay những quan niệm kiêng cữ sai lầm sau để tránh nhé.
Những kiêng cữ khi mang thai sai lầm trong việc làm đẹp
1. Không được nhuộm tóc
Trước hết, mẹ cần hiểu rằng các hóa chất có trong thuốc nhuộm, nếu xâm nhập vào cơ thể thì đều thông qua da đầu chứ không phải qua các sợi tóc. Khi mẹ nhuộm tóc, lượng thuốc nhuộm vô tình bám vào da đầu là rất ít và khả năng cơ thể hấp thụ hóa chất từ thuốc nhuộm cũng rất thấp. Do đó, nếu trong suốt thời gian bầu bí, mẹ chỉ nhuộm tóc một hoặc hai lần thì chẳng có gì phải lo lắng cả.
Để an tâm hơn, mẹ nên tránh nhuộm tóc trong 3 tháng đầu thai kỳ vì đây là giai đoạn khá nhạy cảm khi thai nhi mới thành hình nên dễ bị tác động của các yếu tố bên ngoài. Nhuộm highlight, dùng keo xịt tóc màu hoặc sáp nhuộm màu tóc tạm thời cũng là những cách hay để mẹ có kiểu tóc đẹp mà không ảnh hưởng gì tới em bé trong bụng.
2. Không được tẩy lông
Mang thai không có nghĩa là chị em phải để bản thân trở nên xấu xí và “lông lá”. Có thể mẹ sẽ đặt câu hỏi là bụng bầu to như vậy, cắt móng chân còn khó huống chi tẩy lông? Vậy thì chị em gái trong nhà, bà ngoại hoặc các cô bạn thân của mẹ ở đâu? Chẳng lẽ không ai có thể giúp mẹ trong chuyện làm đẹp này ư? Đừng để bản thân thiếu tự tin chỉ vì đôi chân đầy lông các mẹ nhé!
3. Bơ cacao ngăn rạn da
Chẳng những không thể ngừa rạn da, bơ từ hạt cacao còn khiến cho làn da bầu trở nên nhạy cảm hơn. 90% mẹ bầu sẽ có nguy cơ phải đối mặt với rạn da và không có gì có thể ngăn chặn được, ngay cả những loại kem đặc trị. Tuy nhiên, thường nhiên bổ sung vitamin E và sử dụng dầu dừa, dầu ô-liu có thể giúp tình trạng rạn, nứt da của bầu đỡ hơn một chút.
Kiêng cữ khi mới mang thai và quan niệm về sinh hoạt sai lầm
1. Không được nuôi chó, mèo
Vật nuôi trong nhà mà điển hình nhất là chó, mèo là những người bạn trung thành và thân thiết của nhiều người. Chỉ riêng việc vuốt ve chúng cũng có thể khiến cho mẹ thấy thật nhẹ nhõm và thư giãn. Vậy thì tại sao lại phải loại bỏ những con thú cưng ra khỏi gia đình nhỉ? Có thể mẹ sẽ cần thận trọng một chút với những chú chó to lớn để đề phòng chúng nhảy lên bụng của mẹ nhưng như thế không có nghĩa là các bà bầu phải “đoạn tuyệt” với chó cưng của mình.
Với mèo thì mẹ chỉ cần tuân thủ một nguyên tắc: Không tự mình dọn chất thải của mèo trong suốt thời gian bầu bí. Lý do là trong phân mèo có một loại ký sinh trùng có thể gây ra toxoplasmosis, một bệnh nhiễm trùng cơ hội tác động nghiêm trọng. Do đó, nếu bạn không tiếp xúc với chất thải của mèo, việc nuôi mèo khi mang thai không có gì phải lo ngại.
2. Tắm đêm khó đẻ
Theo quan niệm dân gian, những mẹ bầu nếu thường xuyên tắm đêm thường sẽ sinh khó và dễ bị nhiễm lạnh vào buổi tối. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu phòng tắm kín và tắm bằng nước ấm, việc tắm đêm cũng không gây hại gì đâu mẹ nhé! Nhưng tất nhiên, không nên thường xuyên tắm đêm và không nên tắm quá khuya.
3. Nên đi bộ nhiều
Chắc hẳn không chỉ một mà rất nhiều lần bạn nghe nói về việc đi lại nhiều khi mang thai sẽ giúp xương chậu giãn nở và giúp dễ sinh con hơn. Điều này không hẳn sai lầm, vì theo các chuyên gia, thường xuyên đi bộ hoặc tập thể dục trong thời gian mang thai có thể giúp mẹ vượt cạn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không nên quá sức. Nếu thấy mệt, mẹ nên nghỉ ngơi chứ không nên cố quá.
4 Bà bầu không được với tay
Với tay qua đầu khi mang thai sẽ khiến thai nhi bị thai quấn cổ hoặc con khó xoay đầu xuống dưới là một quan niệm được rất nhiều mẹ tin tưởng và truyền tai nhau. Tuy nhiên, cho tới hiện tại cũng không có một nghiên cứu nào chứng minh vấn đề này. Các chuyên gia y tế cũng chỉ khuyên mẹ bầu hạn chế bê đồ nặng hoặc với tay lấy đồ trên cao để tránh bị té ngã, gây hại cho con.
5. Bà bầu nghén nặng sinh con gái
Không chỉ ốm nghén mà có rất nhiều quan niệm dân gian giúp mẹ đoán giới tính của bé ngay từ khi chưa sinh. Nhưng theo các chuyên gia, việc cảm thấy nghén, khó ăn, thèm chua hay mặt mụn không liên quan gì đến giới tính thai nhi đâu mẹ nhé!
6. Không được châm cứu và massage
Châm cứu có rất nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai, từ chuyện giảm đau lưng, đau khớp cho tới tác dụng xoa dịu những cơn ốm nghén và cảm giác mệt mỏi thường trực. Dĩ nhiên, trước khi tham gia một liệu trình châm cứu, mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn hình thức châm cứu phù hợp cho phụ nữ mang thai và có thể là một vài địa chỉ đáng tin cậy nữa chứ.
Tương tự với phương pháp châm cứu, massage không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp mẹ thư giãn tinh thần một cách tuyệt vời. Điều quan trọng là bạn tìm được những spa uy tín với dịch vụ massage dành riêng cho bà bầu. Lý do là các chuyên viên sẽ cần sử dụng những kỹ thuật massage chuyên biệt để đảm bảo đạt được hiệu quả trị liệu mà không ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi.
Quan niệm sai lầm về những món ăn kiêng cử khi mang thai
1. Ăn cay dễ sinh non
Thực tế, hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào chứng minh bà bầu ăn cay sẽ sinh non cả. Nhưng việc ăn cay nhiều, ăn cay quá mức có thể gây ra một số ảnh hưởng xấu cho hệ tiêu hóa. Vì vậy, dù thích nhưng cũng nên ăn vừa phải thôi mẹ nhé!
So với những nguy cơ có thể tránh khỏi nói trên, việc phải từ bỏ con vật cưng của mình đối với những bà mẹ đã quen chăm sóc thú nuôi có thể mang đến tác hại tâm lý to lớn hơn nhiều nên các mẹ nên cân nhắc và lựa chọn nhé.
2. Phải ăn thịt kho mặn
Không chỉ thịt kho mà tất cả những thực phẩm mặn, nhiều muối đều không được khuyến khích trong thời gian mang thai và sau khi sinh. Bởi ăn mặn quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, như triệu chứng co giật.
Những kiêng cữ sai lầm sau khi sinh
1. Ở phòng kín sau sinh
Sau sinh, những bà mẹ ngày xưa luôn được khuyên không nên đi lại nhiều, không ra khỏi phòng, luôn phải nằm trong phòng kín vì sợ gió và nhiễm lạnh. Theo các chuyên gia y tế, đây là một quan niệm sai lầm. Sau sinh 24 tiếng, mẹ đã có thể tự lo đi lại. Phòng của mẹ và bé cần thoáng, sạch. Phòng quá kín gió sẽ khiến mẹ và bé bị thiếu ô-xy, tù túng, thiếu ánh sáng sẽ gây ẩm mốc và tăng nguy cơ nhiễm trùng cho mẹ.
2. Nằm than sau sinh
Để giữ ấm cho mẹ và giúp bé cứng cáp khỏe mạnh, theo quan niệm dân gian, phụ nữ sau sinh phải nằm than. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nhất là bác sĩ nhi, đây là điều tuyệt đối không nên làm. Bởi trong khí than có chứa khí CO rất cao, và có thể làm mẹ và bé bị ngạt thở, nhất là trong phòng kín gió.
3. Bôi nhọ nồi lên trẻ sơ sinh
Ông bà thường quan niệm khi cho bé sơ sinh ra ngoài nên bôi nhọ nồi để trừ tà, trừ ma. Tuy nhiên, các bác sĩ nhi cực kỳ phản đối điều này mẹ nhé! Do cấu trúc da trẻ sơ sinh rất mỏng và nhạy cảm nên nếu bôi những thứ bẩn lên da, bé rất dễ bị nhiễm trùng da, gây nguy hiểm.
[video-embeb title=’5 quan niệm phổ biến nhưng hoàn toàn sai lầm khi mang thai’ description=” url=’https://youtube.com/embed/7kDw4UP_Dy8″>’ ][/video-embeb]
Qua bài viết này Marry Baby hy vọng có thể giúp các bà bầu kiêng cữ khi mang thai đúng cách, biết chọn lọc các phương pháp kiêng cữ khoa học để tốt cho thai kỳ.