Lạc nội mạc tử cung có thể xảy ra với bất kỳ người phụ nữ nào. Vậy lạc nội mạc tử cung có thai được không? Có thể chữa lạc nội mạc tử cung không? Câu trả lời có ngay trong bài viết này.
1. Lạc nội mạc tử cung là gì?
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các mô nội mạc bên trong tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung (endometriosis), thường là trên các cơ quan khác bên trong khung chậu hoặc khoang bụng hoặc trong cơ tử cung (adenomyosis hay còn gọi là bệnh tuyến cơ tử cung). Các khối u lạc nội mạc tử cung có thể to lên và xảy ra các thay đổi như nội mạc tử cung chính vị, gây viêm, tăng sinh mạch và đau vùng chậu.
Đôi khi lạc nội mạc tử cung không gây ra triệu chứng quá rõ rệt. Tuy nhiên, nếu có các triệu chứng dưới đây thì bạn có thể đang mắc lạc nội mạc tử cung:
- Đau khi quan hệ.
- Tử cung to hơn bình thường.
- Thường xuyên đầy hơi, chướng bụng.
- Cường kinh
- Đau vùng chậu mạn hoặc đau bụng kinh
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy hormone, gen di truyền hoặc viêm nhiễm phụ khoa có thể góp phần gây ra bệnh lạc nội mạc tử cung. Vậy lạc nội mạc tử cung có mang thai được không?
2. Lạc nội mạc tử cung có mang thai được không?
Lạc nội mạc tử cung có thể khiến bệnh nhân khó mang thai hơn và có thể dẫn đến nhiều biến chứng hơn khi mang thai. Một nghiên cứu được công bố trên Minerva Ginecologica cho thấy phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung có nguy cơ sảy thai, sinh non, thai nhỏ, và rối loạn tăng huyết áp hơn phụ nữ không mắc. Nhà khoa học Vercellini vào năm 2014 cũng đã phát hiện ra rằng phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung giảm 28% khả năng mang thai lâm sàng và sảy thai. Sau đó, nhóm của tiến sĩ Horton đã công bố một phân tích tổng hợp khác vào năm 2019 cho thấy tỷ lệ mang thai lâm sàng giảm, tỷ lệ thai sống giảm và tỷ lệ sẩy thai tăng ở nhóm phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung.
Lạc nội mạc tử cung còn có thể gây ra các vấn đề như viêm, tổn thương các cơ quan xung quanh và tạo ra mô sẹo, khiến sự di chuyển của trứng vào buồng tử cung khó khăn. Sự tích tụ các yếu tố viêm cũng “gây độc” cho phôi đã thụ tinh, lạc nội mạc trong cơ tử cung gây bất thường tại chỗ, mất cân bằng nội tiết, miễn dịch khiến phôi khó làm tổ, tăng các biến chứng thai kỳ.
[key-takeaways title=””]
Tuy nhiên, người mắc lạc nội mạc tử cung vẫn có thể mang thai. Lạc nội mạc tử cung có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai của một phụ nữ, nhưng không phải tất cả các trường hợp đều bị ảnh hưởng. Người mắc lạc nội mạc tử cung có mang thai được hay không còn tùy thuộc vào mức độ và vị trí lạc nội mạc tử cung, cũng như các yếu tố khác.
[/key-takeaways]
Vẫn có một số phụ nữ có thể mang thai tự nhiên mà không gặp khó khăn, trong khi những người khác có thể cần sự can thiệp y tế hoặc các liệu pháp thụ tinh hỗ trợ để tăng khả năng mang thai.
Nếu bạn đang gặp vấn đề về lạc nội mạc tử cung và muốn mang thai, tốt nhất là tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa sản để xác định tình trạng của bạn và nhận được sự tư vấn, điều trị phù hợp.
3. Cách điều trị lạc nội mạc tử cung
Vì hormone estrogen thúc đẩy sự phát triển của mô nội mạc tử cung nên thông thường các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung thường sẽ biến mất sau khi mãn kinh. Nếu bạn đang trong độ tuổi sinh sản, có một số phương pháp điều trị có thể giảm đau và làm giảm các triệu chứng đau đơn khác do lạc nội mạc tử cung gây ra:
- Thuốc giảm đau: Người bị lạc nội mạc tử cung có thể uống thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen (Advil®, Motrin®) hoặc naproxen (Aleve®), giúp giảm đau bụng kinh.
- Thuốc nội tiết tố: Một số loại thuốc nội tiết tố có thể giúp điều trị kinh nguyệt chảy máu bất thường (triệu chứng của lạc nội mạc tử cung).
- Thuốc không chứa nội tiết tố: Các loại thuốc như axit tranexamic có thể làm giảm chảy máu âm đạo.
- Phẫu thuật cắt bỏ khối lạc nội mạc: Bạn có thể phẫu thuật để loại bỏ mô lạc nội mạc tử cung nhưng hiệu quả về cải thiện các triệu chứng thì chưa chắc.
- Cắt bỏ tử cung: Nếu không còn nhu cầu sinh con, bạn có thể xem xét phương pháp phẫu thuật loại bỏ tử cung. Sau khi cắt bỏ tử cung, bạn sẽ không còn chu kỳ kinh nguyệt và không thể mang thai.
>> Xem thêm: Quan hệ mạnh có ảnh hưởng đến niêm mạc tử cung không?
4. Lạc nội mạc tử cung nên ăn gì?
Mặc dù không có một chế độ ăn cụ thể được khuyến nghị cho phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung, nhưng một chế độ ăn lành mạnh và cân đối có thể có lợi cho sức khỏe chung và quản lý các triệu chứng liên quan đến lạc nội mạc tử cung. Dưới đây là một số nguyên tắc chung về chế độ ăn cho phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung:
- Chế độ ăn giàu chất xơ: Bao gồm rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, hạt và các nguồn thực phẩm giàu chất xơ khác. Chất xơ giúp duy trì sự cân bằng hormone và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
- Thực phẩm giàu chất chống viêm: Bao gồm hạt chia, hạt lanh, quả mọng, cây cỏ biển, hạt cải, đậu nành, nghệ và gừng.
- Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa: Bao gồm các loại thực phẩm giàu vitamin C, vitamin E và các chất chống oxy hóa khác như dứa, cam, quýt, kiwi, cây cỏ biển, cây cải xanh, cà chua, cây nho, hạt hướng dương và hạt nho khô.
- Chất béo bão hòa: Nên ưu tiên chất béo lành mạnh từ các nguồn như dầu ô liu, dầu hạt cải, hạt chia và cá.
- Hạn chế tiêu thụ các chất kích thích: Như caffeine và cồn có thể gây kích thích đến hệ thống hormone.
>> Xem thêm: Bụng có nhịp đập lạ có phải có thai không? Dấu hiệu mang thai lạ!
[inline_article id=298478]
Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn phần nào giảm bớt lo lắng về vấn đề lạc nội mạc tử cung có mang thai được không hay u lạc nội mạc buồng trứng có con được không. Lạc nội mạc tử cung vẫn có thể có thai. Tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ định kỳ để sớm phát hiện bệnh hoặc để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Bạn còn có thể tham gia cộng đồng và đặt câu hỏi để các chuyên gia, bác sĩ trả lời về mọi vấn đề mà mẹ đang thắc mắc. Còn chần chừ gì nữa mà không bấm đăng ký trở thành thành viên MarryBaby tại góc bên phải trên màn hình để được hưởng quyền lợi độc quyền ngay bạn nhỉ!