Việc chăm sóc bé luôn là một thử thách đối với cha mẹ. Hầu hết các cặp vợ chồng đều lúng túng khi lần đầu đảm nhận thiên chức này.
Từ em bé chưa biết nói cho tới khi chập chững biết đi, tập nói, làm sao để biết khi nào trẻ đã bú no rồi hoặc khi nào trẻ muốn ăn và rất nhiều điều khó hiểu khác nữa? Nếu nắm được một số thói quen bản năng của trẻ, bạn sẽ chăm sóc bé dễ dàng hơn rất nhiều.
Dưới đây là 9 bí quyết phát hiện nhu cầu của trẻ nhỏ từ các bác sĩ nhi khoa Hoa Kỳ. Xin mời bạn cùng theo dõi và áp dụng cho việc chăm sóc bé nhé.
1. Làm thế nào để hiểu tiếng khóc của bé?
Theo các bác sĩ Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ có tới 6 loại tiếng khóc. Và mỗi loại tiếng khóc của bé lại có ý nghĩa riêng.
+ Tiếng khóc “neh” có nghĩa là: “Con đang đói”.
+ Tiếng khóc “owh” có nghĩa là: “Con đang buồn ngủ”.
+ Tiếng khóc “heh” có nghĩa là: “Con đang khó chịu”.
+ Tiếng khóc “eairh” có nghĩa là: “Con có ga”.
+ Tiếng khóc “eh” có nghĩa là: “Con cần phải ợ”.
2. Cách giúp bé ngủ an toàn
Việc sắp xếp giường, cũi gọn gàng cho bé sơ sinh khi ngủ rất quan trọng. Bởi vì những vật dụng, đồ chơi lộn xộn không chỉ khiến bé khó đi vào giấc ngủ mà còn có thể gây nguy hiểm cho bé. Ví dụ như việc bị thú bông lớn đè vào miệng mũi có thể khiến bé ngừng thở và tử vong.
Do đó, cha mẹ nên đặt bé ngủ trên bụng mình hoặc trên giường, cũi sau khi đã dọn dẹp đồ đạc gọn gàng. Tuyệt đối không để bé ngủ ở nơi xung quanh có quá nhiều đồ chơi, chăn mềm, đồ đạc. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên đặt bé ngủ ở ghế hoặc sofa vì có thể khiến con gặp nguy hiểm.
3. Dấu hiệu nhận biết bé đang đói
Làm thế nào để biết được em bé đang đòi ăn? Việc này nghe có vẻ khó khăn đối với trẻ sơ sinh nhưng nếu để ý bạn sẽ dễ dàng nhận ra.
Trước khi khóc đòi ăn, hầu hết các bé đều phát tín hiệu cho ba mẹ biết mình đang đói bụng. Trẻ thường có hành động rúc rích và di chuyển cằm như thể bé đang tìm kiếm bình sữa. Cùng với đó, bé hay cho tay vào miệng, ngậm môi hoặc thè lưỡi.
4. Cách cho bé đi ngủ đúng giờ
Tiến sĩ người Mỹ, Erin Leichman khuyên rằng đối với trẻ lớn hơn đã biết xem tranh ảnh thì bạn nên chuẩn bị một cuốn sách phù hợp với độ tuổi của bé và đặt gần giường ngủ, chẳng hạn loại sách ảnh bằng vải để mẹ xem cùng con thay vì mất công tìm kiếm. Việc này giúp tiết kiệm thời gian cho khâu chuẩn bị đi ngủ và tăng tốc thói quen đi ngủ của trẻ.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên rèn cho con thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Cách này sẽ giúp thiết lập nhịp sinh học, có lợi cho giấc ngủ của trẻ.
Đặc biệt, bạn nên cho bé ngủ trong phòng yên tĩnh, không để sáng đèn. Điều này giúp bé dễ đi vào giấc ngủ hơn.
5. Giúp bé ăn thức ăn mới
Cha mẹ không nên dùng đồ ăn làm phần thưởng mỗi khi khuyến khích bé ăn một món mới. Vì việc này sẽ khiến bé ác cảm với đồ ăn và coi các món ăn tốt như rau là không ngon. Thay vào đó, cha mẹ nên đưa ra phần thưởng cho bé là những tràng vỗ tay khen ngợi, tặng bé một món đồ chơi hoặc cho con xem một bộ phim hoạt hình mà bé yêu thích.
Ngoài ra, mỗi lần cho bé ăn một món mới, cha mẹ không nên ép con phải ăn hết phần. Bởi vì điều này sẽ khiến con cảm thấy sợ ăn nếu món đó không hợp khẩu vị. Thay vào đó, mẹ chỉ nên cho con ăn thử một chút rồi tăng dần vào các lần sau. Cách này giúp bé có thể tiếp nhận đồ ăn dễ hơn.
6. Cách để dỗ trẻ nín khóc
Khóc là bản năng của trẻ nhỏ, tuy nhiên việc khóc quá nhiều có thể khiến bé bị nấc cụt, trớ và viêm họng. Do đó, cha mẹ cần dỗ dành bé để con mau nín khóc.
Tiến sĩ người Mỹ Robert Hamilton bật mí các bước quan trọng để dỗ trẻ ngừng khóc. Đầu tiên, phải đặt hai cánh tay của bé ngang ngực và cha mẹ đỡ lấy con nhẹ nhàng. Tiếp theo, bạn bế bé lên rồi đu đưa con ở góc 45 độ để giúp con cảm thấy dễ chịu và có thể bình tĩnh trở lại.
7. Cách để phát hiện bé có bú đủ sữa hay không
Mẹo đơn giản là bạn chỉ cần quan sát lúc cho bé bú. Nếu thấy má của con tròn căng, không bị hóp có nghĩa là con đã bú đủ sữa. Điều này đặc biệt chính xác khi bé có thêm các cử chỉ như chạm cằm và bầu ngực mẹ và môi dưới trề ra.
8. Cách giao tiếp với bé
Việc dùng ký hiệu ngôn ngữ có thể hữu ích để giúp cha mẹ giao tiếp với trẻ trước khi con biết nói. Một số dấu hiệu cha mẹ cần cần rèn cho con hiểu bao gồm:
+ “Uống nước” – ngón tay cái để miệng.
+ “Ở đâu?” – ngửa lòng bàn tay.
+ “Sợ hãi” – vỗ ngực liên tục.
+ “Nhẹ nhàng” – vỗ nhẹ vào mu bàn tay.
9. Cách chọn vị trí cho bé trên ô tô
Các chuyên gia khuyến khích cha mẹ nên đặt con ngồi ở vị trí ghế phía sau trong ô tô để giảm tác động của tai nạn, nếu có. Tùy vào số đo cơ thể và độ tuổi của trẻ mà chọn ghế phía sau có thiết kế phù hợp. Tuy nhiên, bạn cần luôn đảm bảo chỗ ngồi của trẻ có dây thắt an toàn và để được nôi.
Việc nuôi dạy trẻ không hề dễ dàng với bất kỳ cha mẹ nào. Tuy nhiên, một số cách trong bài viết này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi chăm sóc bé, nhất là những người lần đầu làm cha mẹ.
Hanako