Categories
Mang thai Chuyển dạ - Sinh nở

Các phương pháp khởi phát chuyển dạ và những điều cần biết

Nhiều mẹ bầu trải qua làn sóng cảm xúc lo lắng, hoang mang khi đã quá ngày dự sinh nhưng con chưa ra đời. Khi thai trễ ngày, mẹ bầu phải đối mặt với rất nhiều căng thẳng: cơ thể nặng nề, chân và lưng bị đau, mất năng lượng. Khởi phát chuyển dạ có thể là một giải pháp tốt trong trường hợp này.

Cùng MarryBaby tìm hiểu về khái niệm, quy trình và phương pháp khởi phát chuyển dạ nhé.

Khởi phát chuyển dạ là gì?

Khi chuyển dạ xảy ra mà không có sự can thiệp của nhân viên y tế thì được gọi là chuyển dạ tự nhiên.

Khởi phát chuyển dạ là khi chủ động tạo ra cuộc chuyển dạ bằng sự can thiệp y khoa. Các phương pháp khởi phát chuyển dạ sẽ làm mềm cổ tử cung; xóa mỏng, kích thích tạo ra cơn co tử cung; và thúc đẩy mở cổ tử cung. Khởi phát chuyển dạ được thực hiện khi thai phụ chưa có dấu hiệu chuyển dạ tự nhiên nhưng có chỉ định chấm dứt thai kỳ bằng cách sinh ngả âm đạo.

Chỉ định thường gặp của khởi phát chuyển dạ:

  • Thai quá ngày dự sinh.
  • Chấm dứt thai kỳ vì sức khỏe thai: thai chậm tăng trưởng trong tử cung, ối vỡ non, ối vỡ sớm, thiểu ối
  • Chấm dứt thai kỳ vì sức khỏe mẹ: tiền sản giật.
khởi phát chuyển dạ là gì?
Khởi phát chuyển dạ là gì? Là phương pháp hỗ trợ mẹ sinh sản dễ dàng hơn

Tại sao mẹ bầu cần phải khởi phát chuyển dạ?

Khởi phát chuyển dạ được thực hiện để kích thích tạo các cơn co thắt của tử cung nhằm cố gắng sinh thường qua ngã âm đạo. Một số lý do dẫn đến khởi phát chuyển dạ bao gồm:

  • Thai kỳ của mẹ bầu đã kéo dài hơn 41 đến 42 tuần.
  • Mẹ bầu có vấn đề về sức khỏe.
  • Có vấn đề với thai nhi, chẳng hạn như tăng trưởng kém.
  • Có hiện tượng giảm nước ối.
  • Mẹ bầu bị nhiễm trùng tử cung.
  • Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ hoặc bị đái tháo đường trước khi mang thai.
  • Mẹ bầu bị tăng huyết áp mãn tính, tiền sản giật.
  • Mẹ bầu bị vỡ ối non.
  • Mẹ đã vỡ ối nhưng chưa có cơn gò tử cung.

Đôi khi, khởi phát chuyển dạ được tiến hành theo yêu cầu của mẹ bầu vì những lý do không liên quan đến y tế. Chẳng hạn như cơ thể không thoải mái; tiền sử chuyển dạ nhanh hoặc sống xa bệnh viện. Khởi phát chuyển dạ theo chọn lọc không nên được thực hiện trước 39 tuần của thai kỳ.

[inline_article id=275426]

Khi nào không nên khởi phát chuyển dạ?

Một số tình trạng có thể khiến việc sinh nở qua đường âm đạo không an toàn cho mẹ bầu hoặc thai nhi. Cụ thể như sau:

  • Nhau tiền đạo (nhau thai lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung – cổng ra của tử cung).
  • Thai nhi ngôi ngang hoặc thai ngôi mông.
  • Sa dây rốn (dây rốn sa xuống âm đạo trước thai nhi).
  • Nhiễm herpes sinh dục đang hoạt động.
  • Một số loại phẫu thuật tử cung trước đây, chẳng hạn như một số loại sinh mổ hoặc phẫu thuật cắt bỏ u xơ to.

Trong những tình huống này, mẹ bầu có thể phải sinh mổ để bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi.

>>>> Mẹ bầu có thể xem thêm Những điều cần biết khi sinh mổ để bảo vệ sức khỏe

Các phương pháp khởi phát chuyển dạ

Các phương pháp khởi phát chuyển dạ

1. Bóc tách màng ối

Bác sĩ thực hiện bóc tách màng ối bằng cách sử dụng một ngón tay (của bàn tay đã đeo găng) đưa vào trong âm đạo qua cổ tử cung (nơi kết nối âm đạo với tử cung). Bác sĩ sẽ di chuyển ngón tay qua lại để tách màng ối (nơi chứa em bé và nước ối) với thành tử cung.

Khi lớp màng này bị tách ra khỏi thành tử cung, cơ thể sẽ tiết ra hormone prostaglandin; giúp chuẩn bị cổ tử cung để sinh và có thể gây ra các cơn co thắt. Phương pháp này có hiệu quả với một số phụ nữ, nhưng không phải tất cả mẹ bầu đều có thể sử dụng.

2. Bấm ối

Bác sĩ bấm ối bằng cách dùng một chiếc móc nhựa nhỏ để làm vỡ màng ối. Nếu cổ tử cung đã sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ; thì việc chọc ối thường mang lại quá trình chuyển dạ sau vài giờ.

Bấm ối có thể được thực hiện trước hoặc sau khi mẹ bầu đã được cung cấp oxytocin nhằm hỗ trợ chuyển dạ khi cổ tử cung giãn ra và đầu của em bé đã di chuyển xuống khung chậu. Hầu hết phụ nữ chuyển dạ trong vòng vài giờ sau khi túi ối bị vỡ; nhưng đôi khi có thể cần dùng oxytocin.

[inline_article id=85203]

3. Khởi phát chuyển dạ bằng foley

Một phương pháp khác là dùng một trái bóng cao su gọi là bóng Foley để đưa vào tử cung.

Để thực hiện khởi phát chuyển dạ bằng foley, bác sĩ sẽ sử dụng ống thông Foley. Đây là một ống cao su dài, có một quả bóng bơm hơi ở một đầu mà bác sĩ có thể đổ đầy không khí hoặc nước vô trùng vào.

Khi quả bóng phồng lên bên trong cổ tử cung, nó sẽ tạo áp lực lên các tế bào cổ tử cung; giúp tử cung giãn ra và lớp màng ối được tách ra khỏi thành tử cung, gây tăng tiết prostaglandin. Oxytocin và prostaglandin là những hormone giúp thúc đẩy quá trình chuyển dạ.

4. Khởi phát chuyển dạ bằng oxytocin

Oxytocin là một hormone tự nhiên của cơ thể, có tác dụng gây co thắt cơ tử cung tạo ra các cơn gò tử cung. Nồng độ hormone tăng lên khi có chuyển dạ. Sử dụng hormone oxytocin tổng hợp đưa vào cơ thể mẹ bầu sẽ giúp khởi phát các cơn co tử cung; từ đó khởi phát chuyển dạ.

khởi phát chuyển dạ bằng oxytocin

Hormone oxytocin được truyền liên tục qua đường tĩnh mạch. Các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc (Pitocin) với liều lượng nhỏ trước; và sau đó tăng dần cho đến khi quá trình chuyển dạ tiến triển tốt.

Sau khi tiêm, nhịp tim thai nhi và cơn co tử cung cần được theo dõi chặt chẽ. Oxytocin cũng thường được sử dụng để thúc đẩy quá trình chuyển dạ diễn ra chậm hoặc bị đình trệ.

5. Prostaglandin

Bác sĩ sẽ sử dụng hormone prostaglandin để giúp làm chín muồi cổ tử cung. Thuốc prostaglandin được sử dụng bằng nhiều hình thức (uống hoặc ngậm, đặt âm đạo…) và theo các loại Prostaglandin khác nhau.

Hiện tại chủ yếu là dùng đường đặt âm đạo. Chỉ sử dụng một mình prostaglandin cũng đủ để gây chuyển dạ; nhưng trong một số trường hợp, prostaglandin có thể được dùng trước khi bơm oxytocin cho mẹ bầu.

6. Kích thích núm vú

Kích thích núm vú có thể khiến tử cung co lại và thúc đẩy quá trình chuyển dạ. Các động tác kích thích núm vú kích thích sản xuất oxytocin. Oxytocin là hormone khiến tử cung co lại và vú tiết sữa.

Tuy nhiên, việc kích thích núm vú để giục sinh cần được hướng dẫn cẩn thận bởi bác sĩ và có sự theo dõi bằng máy monitor (thiết bị chuyên dụng để đo, theo dõi và phân tích các dấu hiệu sinh tồn). Bạn tránh tự ý làm tại nhà vì sẽ gây kích thích cơn co tử cung và không thể tự kiểm soát được cơn co. Đôi khi gây cơn co cường tính rất nguy hiểm.

>> Xem thêm: 8 cách làm cổ tử cung mở nhanh để đẻ thường nhẹ tênh

Khi nào khởi phát chuyển dạ được xem là thành công?

Khởi phát chuyển dạ được xem là thành công khi đáp ứng được một trong hai tiêu chí sau:

  • Điểm Bishop tăng ≥ 3 điểm sau khởi phát chuyển dạ (12 giờ). Điểm Bishop là thang điểm đánh giá độ chín muồi của cổ tử cung trước khi khởi phát chuyển dạ. Điểm Bishop càng cao thì cổ tử cung càng chín và sẵn sàng cho chuyển dạ.
  • Sinh ngả âm đạo trong vòng 24-48 giờ.

Các nguy cơ liên quan đến khởi phát chuyển dạ

Nếu cơ thể chưa sẵn sàng, quá trình khởi phát có thể thất bại; và sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày cố gắng; mẹ bầu có thể phải sinh mổ (mổ lấy thai). Điều này có vẻ dễ xảy ra hơn nếu cổ tử cung chưa giãn hoặc mềm đủ.

Khi sử dụng prostaglandin hoặc oxytocin, mẹ bầu sẽ có nguy cơ xuất hiện các cơn co thắt bất thường hoặc tim thai biến đổi bất thường. Mặc dù hiếm gặp nhưng nguy cơ bị rách tử cung (vỡ tử cung) sẽ tăng lên khi sử dụng những loại thuốc này. Các biến chứng khác liên quan đến việc sử dụng oxytocin là huyết áp và natri trong máu thấp.

Các nguy cơ liên quan đến khởi phát chuyển dạ
Các nguy cơ liên quan đến khởi phát chuyển dạ

Một nguy cơ tiềm ẩn khác của việc kích thích chuyển dạ là sinh con non tháng muộn (sinh sau 34 và trước 37 tuần). Vì ngày dự sinh có thể bị sai. Trẻ sinh non tháng có thể gặp các vấn đề tạm thời như vàng da, khó bú, khó thở hoặc khó duy trì nhiệt độ cơ thể.

Nếu khởi phát chuyển dạ thất bại, mang thai ngoài 42 tuần cũng có thể gặp rủi ro. Nhuững lo ngại bao gồm:

  • Sinh thường qua ngả âm đạo có thể trở nên khó khăn hơn khi em bé lớn hơn. Khi trẻ lớn hơn, nguy cơ bị chấn thương trong khi sinh, chẳng hạn như gãy xương, tăng lên.
  • Nhau thai giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho em bé đang bị suy giảm chức năng.
  • Nước ối có thể trở nên ít hoặc chứa phân su – phân đầu tiên của em bé. Nếu trẻ hít phải phân su có thể gây suy thai.

Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi mẹ bầu quyết định làm bất cứ điều gì để đẩy nhanh quá trình chuyển dạ. Việc kích thích chuyển dạ tốt nhất nên có sự can thiệp của bác sĩ.

Vậy mẹ cần làm gì khi được chỉ định khởi phát chuyển dạ? Trước hết, mẹ bầu cần giữ bình tĩnh và chú ý lắng nghe hướng dẫn của các bác sĩ để thực hiện chính xác các yêu cầu. Ngoài ra, mẹ bầu cũng không nên ăn quá nhiều trong trường hợp khởi phát chuyển dạ bằng thuốc vì dạ dày có thể sẽ rất khó chịu.

Thông thường, việc khởi phát chuyển dạ sẽ diễn ra êm đẹp và bạn sẽ mau được thấy thiên thần nhỏ của mình.

>> Xem thêm: Thai 39 tuần quan hệ có sao không? Những lưu ý mẹ bầu cần biết

Categories
Mang thai 3 tháng cuối

Lịch khám thai 3 tháng cuối và những lưu ý quan trọng cho mẹ bầu

Lịch khám thai 3 tháng cuối đối với các mẹ bầu là rất quan trọng. Trong thời gian này, mẹ cũng phải trải qua sự biến chuyển liên tục của cơ thể và những cơn gò tử cung. Đây chính là khoảng thời gian chị em nên tuân thủ đúng lịch khám thai và bổ sung thêm kiến thức để sẵn sàng chào đón thiên thần nhỏ ra đời.

Tầm quan trọng của khám thai 3 tháng cuối 

Khám thai định kỳ, nhất là ở ba tháng cuối phải thực hiện, bởi vì những lý do sau đây:

  • Theo thống kê, tỷ lệ tử vong của thai nhi sẽ giảm đáng kể nếu mẹ thực hiện đúng lịch khám thai 3 tháng cuối. Bên cạnh đó, sức khỏe cũng như thể chất của đứa trẻ cũng tốt hơn so với những bé không được theo dõi định kỳ.
  • Người mẹ sẽ biết được sự phát triển của em bé trong bụng thông qua những lần thăm khám. Đồng thời, nếu có những bất ổn, bác sĩ có thể hỗ trợ xử lý để giảm thiểu các nguy cơ sinh non cho mẹ và bé. Đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi.
  • Các chuyên gia sẽ tư vấn cho các mẹ những thực phẩm nên và không nên sử dụng trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ. Thông qua đó, giúp thai nhi khỏe mạnh và thông minh hơn.

Thông thường, các kết quả kiểm tra sẽ có độ chính xác vào các thời điểm nhất định. Bởi vì, thai nhi vẫn tiếp tục phát triển không ngừng trong suốt thời kỳ mang thai.

Chính vì thế, thai phụ cần thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của trẻ và sức khỏe của mẹ.

Lịch khám thai 3 tháng cuối
Lịch khám thai 3 tháng cuối rất quan trọng trong thai kỳ của mẹ

Lịch khám thai 3 tháng cuối theo tuần cho mẹ bầu

Tam cá nguyệt thứ 3 bắt đầu từ tuần thai thứ 28 cho đến khi bé chào đời. Kể từ tuần thứ 28 cho đến tuần thứ 34, mẹ nên đi khám thai cách mỗi 3 tuần.

Đến tuần thứ 34 trở đi đến tuần thứ 38, khoảng cách thời gian này được giảm xuống thành 2 tuần. Cuối cùng là từ tuần thứ 39 đến tuần thứ 42, mẹ sẽ phải đến khám mỗi tuần. Lịch khám thai 3 tháng cuối chi tiết sẽ diễn ra như sau:

1. Khám thai tuần 28

Trong tuần thứ 28, khi đi khám thai, mẹ bầu sẽ cần phải tiến hành các thăm khám thường quy sau:

  • Thực hiện thêm nhiều xét nghiệm sàng lọc cần thiết như siêu âm, đặc biệt là xét nghiệm Non-stress (NST)
  • Nếu mẹ bầu và thai nhi bất đồng nhóm máu, bác sĩ sẽ cân nhắc cho mẹ sử dụng thuốc Anti-D Immunoglobulin
  • Cân nhắc bổ sung sắt nếu mẹ bầu bị thiếu máu.
  • Kiểm tra cân nặng
  • Đo bề cao tử cung để tính tuổi thai
  • Đo huyết áp và xét nghiệm protein trong nước tiểu
  • Tiêm thuốc hỗ trợ nếu mẹ có nguy cơ sinh sớm trong trường hợp: song thai, nhau tiền đạo trung tâm,…

2. Khám thai tuần 31

Đối với mẹ bầu mang thai bé đầu tiên, mẹ cần đi khám vào tuần thứ 31 để bác sĩ hoặc nữ hộ sinh thực hiện:

  • Đo kích thước tử cung để tính tuổi thai
  • Đo huyết áp và xét nghiệm protein trong nước tiểu
  • Kiểm tra cân nặng
  • Siêu âm xác định ngôi thai. Hướng dẫn mẹ cách xoay ngôi thai tự nhiên nếu ngôi thai chưa thuận. Siêu âm cũng giúp đánh giá sự tăng trưởng thai.
  • Từ tuần 32 sẽ tiến hành đo Non-stress test để kiểm tra hoạt động tim thai
  • Thông báo kết quả nếu mẹ bầu đã được thực hiện xét nghiệm sàng lọc trong tuần 28
Lịch khám thai 3 tháng cuối
Khám thai tuần thứ 31 rất quan trọng với chị em lần đầu mang bầu

3. Khám thai tuần 34

Trong tuần thứ 34, mẹ bầu sẽ được nữ hộ sinh hoặc bác sĩ cung cấp thông tin về việc chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và sinh nở. Những thông tin này bao gồm cách nhận biết dấu hiệu chuyển dạ tích cực, cách đối phó với cơn đau khi chuyển dạ và kế hoạch sinh nở của mẹ.

Buổi khám thai ở tuần 34 sẽ tiếp tục những xét nghiệm trong buổi khám ở tuần thứ 28 và tuần thứ 31. Thêm vào đó, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ cung cấp cho mẹ thông tin về việc sinh mổ (nếu mẹ có nguy cơ) để mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất.

Cụ thể là bạn sẽ được giải thích lý do về việc có nguy cơ sinh mổ, quy trình diễn ra như thế nào, rủi ro và lợi ích cũng như tác động của sinh mổ đến việc mang thai và sinh nở trong tương lai.

4. Khám thai tuần thứ 36

Buổi khám thai tuần thứ 36 sẽ là buổi chia sẻ và cung cấp thông tin, mẹ bầu sẽ được nữ hộ sinh hoặc bác sĩ cung cấp thông tin về việc:

  • Xét nghiệm khung chậu
  • Nuôi con bằng sữa mẹ
  • Cách chăm sóc trẻ sơ sinh
  • Bổ sung vitamin K và thực xét nghiệm sàng lọc cho trẻ sơ sinh
  • Sức khỏe của mẹ sau khi bé chào đời
  • Trầm cảm sau khi sinh.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng được:

  • Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, đo bề cao tử cung để đánh giá tuổi thai
  • Siêu âm kiểm tra vị trí của bé
  • Xét nghiệm protein trong nước tiểu
  • Hướng dẫn mẹ cách xoay ngôi thai tự nhiên nếu ngôi thai tư thế ngôi mông.

5. Tuần thứ 38 khám những gì?

Trong buổi khám thai này, mẹ bầu sẽ được cung cấp những thông tin về cách nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh. Ngoài ra, mẹ cũng được trang bị kiến thức để chuẩn bị cho trường hợp thai kỳ kéo dài hơn 41 tuần.

6. Khám thai tuần thứ 40

Đây là buổi khám thai mẹ không nên bỏ qua nếu dù là lần mang thai thứ mấy. Nếu chưa có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ sẽ được phổ biến những cách giúp kích thích chuyển dạ. Đây chỉ là phổ biến trước, không khuyến khích mẹ bầu thực hiện nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

Nếu quá 40 tuần vẫn chưa có dấu hiệu sanh, bạn nên tham khảo với bác sĩ về vấn đề nhập viện theo dõi.

Những buổi khám thai cuối cùng gúp mẹ sẵn sàng đón bé chào đời

7. Tuần thứ 41 khám gì?

Nếu thai kỳ đã bước sang tuần thứ 41 nhưng mẹ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ sẽ yêu cầu làm kiểm tra nước ối và khám sức khỏe của mẹ. Khi có kết quả, bác sĩ sẽ quyết định việc nên tiếp tục chờ đợi hoặc thực hiện tác động thúc đẩy quá trình sinh nở.

8. Lần khám thai cuối vào tuần thứ 42

Nếu thai kỳ đã qua mốc 41 tuần, chạm mốc 42 tuần mẹ vẫn chưa sinh bé thì bác sĩ sẽ tiến hành tăng cường theo dõi thai nhi và sức khỏe của người mẹ.

Mẹ bầu nên làm gì trong 3 tháng cuối thai kỳ?

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, điều quan trọng là mẹ bầu cần phải giữ cho mình một tinh thần thoải mái để chào đón bé yêu. Ngoài ra, mẹ hãy thực hiện những điều sau để có sự chuẩn bị đầy đủ nhất:

  • Tham gia những lớp học trang bị kiến thức cho mẹ bầu (thường các bệnh viện sẽ tổ chức hàng tuần)
  • Chuẩn bị kế hoạch nuôi con bằng sữa mẹ
  • Chuẩn bị giỏ đồ đi sinh đầy đủ
  • Chọn bệnh viện sinh, bác sĩ, nữ hộ sinh đáng tin cậy để đỡ sinh
  • Chuẩn bị nơi ở cho mẹ và bé sau sinh sạch sẽ, chu đáo.
  • Theo dõi cử động của thai nhi
  • Ghi nhớ và tuân thủ đầy đủ lịch khám thai

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của khám thai 3 tháng cuối. Đây là thai kỳ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc chuyển dạ.

Do đó ngoài việc khám thai, siêu âm thai định kỳ, mẹ bầu cũng nên chú ý về chế độ dinh dưỡng để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh và thai nhi phát triển một cách tốt nhất. Nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và theo dõi.