Những tháng cuối thai kỳ, một số triệu chứng khó chịu như sưng mắt cá chân, khó ngủ, đau lưng, đi tiểu nhiều, và nhất là bụng căng cứng khiến mẹ hết sức hoang mang. Mẹ tự hỏi mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng có nguy hiểm không?
Liệu tình trạng bụng căng cứng cuối thai kỳ có phải là dấu hiệu chuyển dạ? MarryBaby sẽ chia sẻ đến mẹ một số thông tin hữu ích nhé.
Bụng căng cứng cuối thai kỳ như thế nào?
Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 8 là một trong những hiện tượng phổ biến nhiều mẹ bầu gặp phải. Mẹ sẽ thấy bụng căng lên, kèm cảm giác hơi tức tức khó chịu, thỉnh thoảng vùng bụng dưới như thắt lại.
Hiện tượng này thường kéo dài 20 – 30 giây và có thể xảy ra vài lần trong ngày. Nếu những cơn căng cứng không gây đau đớn, mẹ chỉ hơi khó chịu thoáng qua và không kèm theo triệu chứng bất thường thì đây chỉ là cơn gò sinh lý bình thường.
Mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng nguyên nhân do đâu
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 8 như:
1. Sự giãn nở của tử cung
Thai nhi ngày càng phát triển và những chuyển động mạnh mẽ của em bé một trong nhiều nguyên nhân làm cho bụng căng lên trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Kích thước tử cung tăng lên, giãn nở và chèn ép đến các cơ quan khác. Lúc này, lớp mỡ dưới da bụng của mẹ cũng sẽ bị kéo căng ra, khiến mẹ có cảm giác căng tức và dễ dàng cảm nhận mọi tác động của thai nhi vào thành bụng.
2. Các cơn co thắt Braxton-Hicks
Các cơn co thắt Braxton-Hicks tương tự như các cơn co thắt chuyển dạ Tuy nhiên, đây chỉ là chuyển dạ giả, là bước tập luyện để cơ thể mẹ làm quen với chuyển dạ thật.
Những cơn co thắt này có thể làm cho bụng của mẹ rất căng và cứng. Đối với một số phụ nữ, các cơn co thắt Braxton-Hicks có thể xuất hiện từ tam cá nguyệt thứ hai.
3. Mẹ ăn quá no
Nhiều chị em nghĩ rằng khi mang thai là ăn “cho hai người” nên luôn cố ăn thật nhiều, thật no, nhất là trong những tháng cuối. Việc mẹ ăn quá nhiều, quá no sẽ gây áp lực lên dạ dày, bụng, cơ quan tiêu hóa khiến mẹ cảm thấy khó tiêu, bụng căng tức.
4. Táo bón
Khi mang thai, việc giải phóng nhiều hormone progesterone trong cơ thể sẽ làm hệ tiêu hóa làm việc không hiệu quả, do đó mẹ dễ bị táo bón. Táo bón thai kỳ có thể khiến bụng mẹ căng cứng và khó chịu.
Mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng có phải là dấu hiệu chuyển dạ?
1. Mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng có nguy hiểm không?
Nếu bụng căng cứng và xuất hiện những cơn gò nhẹ nhàng, mẹ có thể chịu đựng được thì đây là hiện tượng sinh lý bình thường, mẹ không nên quá lo lắng.
Bụng căng cứng chỉ nguy hiểm khi đi kèm với những dấu hiệu bất thường sau
- Âm đạo rỉ ra chất lỏng, nhầy, có lẫn máu.
- Bụng căng tức với tần suất ngày một dày, mức độ đau ngày một tăng lên dữ dội.
- Mẹ thấy khó thở, sốt hoặc nôn.
Đâu là những triệu chứng cảnh báo thai nhi đang nguy hiểm, mẹ không nên chần chừ mà hãy đi đến bệnh viện ngay.
2. Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 8 có phải là dấu hiệu chuyển dạ?
Để trả lời câu hỏi bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 8 có phải dấu hiệu chuyển dạ thật, mẹ phải phân biệt giữa cơn co thắt Braxton-Hicks và chuyển dạ thực sự.
Cơn co thắt Braxton-Hicks thường chỉ kéo dài 20 – 30 giây với cường độ nhẹ và tần suất 3 – 4 lần/ ngày. Khi mẹ nghỉ ngơi, cơ thể thư giãn thì các cơn co thắt này cũng biến mất.
Chuyển dạ thật là khi các cơn co thắt kéo dài khoảng 1 phút và dồn dập nhiều lần trong 1 giờ. Cường độ những cơn gò ngày càng tăng, khiến mẹ đau đến toát mồ hôi, thậm chí khó thở. Bụng căng cứng là dấu hiệu chuyển dạ thường đi kèm với hiện tượng rỉ ối.
Bầu 3 tháng cuối nên ăn gì?
3 tháng cuối thai kỳ, mẹ đang chuẩn bị chào đón một thiên thần nhỏ xinh. Ngoài việc chuẩn bị cho cuộc vượt cạn sắp tới, mẹ cũng đừng quên chăm sóc bản thân bằng chế độ ăn uống đủ chất và lành mạnh nhé.
Nếu đang băn khoăn bầu 3 tháng cuối nên ăn gì, mẹ tham khảo những thực phẩm dưới đây.
- Trứng gà: Trứng là thực phẩm giàu protein, sắt, acid folic, vitamin A, D, kẽm, canxi, acid béo omega-3, là những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Mẹ có thể ăn trứng luộc hoặc ăn cùng với salad, đều rất ngon miệng và bổ dưỡng.
- Thịt: Các loại thịt là nguồn cung cấp đạm dồi dào. Thịt bò chứa nhiều sắt, giúp mẹ bầu hạn chế tình trạng thiếu máu, trong khi đó thịt lợn có nhiều protein, rất tốt cho sự tăng trưởng của thai nhi.
- Cá: Cá là món ăn mang lại nhiều lợi ích cho mẹ bầu và em bé. Axit glutamic, glycine, chất béo, arginine và đặc biệt là acid béo omega-3 có trong cá có vai trò quan trọng trong việc phát triển trí não của thai nhi.
- Sữa: 3 tháng cuối thai kỳ là thời điểm thai nhi phát triển vượt bậc về thể chất và trí não. Sữa cung cấp chất béo và nhất là canxi, tác động đến hệ xương, răng giúp thai nhi hạn chế tình trạng còi xương, thiếu cân. Nếu mẹ gặp các vấn đề về cân nặng hay tiểu đường thai kỳ, mẹ có thể tham khảo các loại sữa không đường hay sữa dành cho bà bầu tiểu đường.
- Các loại hạt: Hạt dẻ, hạt óc chó, hạt điều, ngũ cốc, yến mạch là những món ăn vặt không những thơm ngon mà còn có nhiều giá trị dinh dưỡng. Các loại hạt này chứa nhiều vitamin, chất xơ, magie rất tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ. Mẹ có thể rang các hạt cùng với chút mật ong, hoặc nhâm nhi cùng sữa chua, hoặc trộn chung với salad, đều rất ngon miệng.
- Khoai lang: Khoai lang tuy là một món ăn dân dã nhưng chứa nhiều dinh dưỡng như chất xơ, kẽm, sắt, kali, vitamin C, B1. Mẹ bầu bổ sung khoai lang vào thực đơn sẽ rất tốt cho đường ruột, tiêu hóa, hạn chế táo bón thai kỳ.
- Rau củ: Rau củ luôn là thực phẩm được khuyến khích mẹ bầu nên ăn nhiều. Trong rau chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt các loại rau lá màu xanh đậm rất giàu chất chống oxy hóa, giúp mẹ tăng cường hệ miễn dịch. Mẹ nên chọn mua rau củ ở những cửa hàng uy tín và rửa thật sạch trước khi dùng nhé.
- Trái cây: Bên cạnh rau củ, trái cây cũng là món ăn mà mẹ nên bổ sung hàng ngày. Để tránh tình trạng tiểu đường, mẹ nên chọn những loại hoa quả ít đường và ăn xen kẽ nhiều loại để đa dạng dinh dưỡng nhé.
- Uống nhiều nước: Sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc mẹ uống nhiều nước mỗi ngày. Nước giúp duy trì nhiệt độ cơ thể, hỗ trợ máu lưu thông, giúp cơ thể tiêu hóa tốt và hạn chế tiểu đường thai kỳ, táo bón thai kỳ. Bên cạnh nước lọc, mẹ có thể nhâm nhi chút trà xanh hoặc nước ép hoa quả để thay đổi khẩu vị nhé.
Bên cạnh chế độ ăn uống, chăm sóc cơ thể, mẹ đừng quên theo dõi các mốc khám thai định kỳ, các mốc siêu âm thai để chắc chắn không bỏ lỡ lịch khám nào nhé.
Như vậy, mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng là tình trạng phổ biến mà hầu như mẹ bầu nào cũng gặp phải. Nếu tình trạng này không đi kèm với các dấu hiệu chuyển dạ khác, mẹ không nên quá lo lắng mà hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn nhé.