Categories
Mang thai 3 tháng cuối

Khó thở khi mang thai tháng thứ 9: Phải làm sao để kiểm soát nhịp thở tốt hơn?

Hầu hết các mẹ bầu đều cảm thấy khó thở khi mang thai tháng thứ 9. Điều này nói chung là vô hại và không ảnh hưởng đến lượng oxy mà em bé nhận được.

Vì vậy, điều đầu tiên mà mẹ cần làm là đừng lo lắng nữa. Hãy chuẩn bị cho mình một tinh thần thật thoải mái cho hành trình vượt cạn sắp tới được thuận lợi nhé.

Vì sao bà bầu thường bị khó thở khi mang thai tháng thứ 9?

Dưới đây là những lý do làm mẹ bầu khó thở vào cuối thai kỳ:

1. Em bé ngày càng lớn dần gây áp lực lên cơ hoành

Trong ba tháng cuối của thai kỳ, em bé đang lớn dần trong bụng sẽ đẩy tử cung của mẹ lên cơ hoành (cơ bên dưới phổi). Khi đó, cơ hoành sẽ di chuyển lên khoảng 4 cm so với vị trí trước khi mang thai. 

Những thay đổi này khiến phổi cũng bị ảnh hưởng và khó mở rộng hoàn toàn. Mẹ bầu không thể hít vào nhiều không khí trong mỗi lần thở được như trước nên dẫn đến tình trạng khó thở sau khi ăn hoặc khó thở khi nằm.

2. Sự gia tăng hormone thai kỳ

Nhịp thở của mẹ bầu tháng thứ 9 còn bị ảnh hưởng do sự gia tăng hormone progesterone. Sự thay đổi của hormone này khiến mẹ hít thở chậm hơn thay vì linh hoạt như trước. 

Khó thở khi mang thai tháng thứ 9
Phổi khó mở rộng hoàn toàn do áp lực của em bé trong bụng sẽ khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy khó thở

3. Hen suyễn

Mang thai có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn mẹ vốn đã có lại càng trở nên tồi tệ hơn. Nếu bị hen suyễn, mẹ nên nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp điều trị an toàn trong thai kỳ, chẳng hạn như thuốc hít hoặc thuốc uống,…

4. Bệnh cơ tim sau sinh

Đây là một dạng suy tim có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai hoặc ngay sau khi sinh. Các triệu chứng bao gồm khó thở, mệt mỏi, tim đập nhanh, sưng mắt cá chân và huyết áp thấp,… 

Nhiều phụ nữ ban đầu có thể cho rằng các triệu chứng của họ là do mang thai, nhưng tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thường phải điều trị mới cải thiện được các triệu chứng.

5. Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông bị mắc kẹt trong động mạch trong phổi. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến hô hấp gây ho, đau ngực và khó thở.

Khó thở khi mang thai tháng thứ 9 có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Mặc dù việc khó thở có thể gây nhiều trở ngại cho mẹ bầu nhưng may mắn là chúng không gây ảnh hưởng gì đến em bé. Mỗi lần hít thở không lấy được nhiều oxy nhưng lượng oxy mẹ hít vào vẫn sẽ lưu lại trong phổi lâu hơn để mẹ lấy ra đủ lượng oxy mà mẹ và em bé cần.

Tuy nhiên, trong những trường hợp khó thở do bệnh lý như hen suyễn, suy tim, tắc phổi,… mẹ cần đi khám càng sớm càng tốt vì nếu để lâu, bệnh có thể gây nguy hiểm đến thai kỳ.

Bà bầu khó thở là hiện tượng sinh lý bình thường, không ảnh hưởng đến thai nhi

Khó thở khi mang thai tháng thứ 9 như thế nào là nguy hiểm?

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy tình trạng khó thở của mẹ bầu đang không ổn:

  • Mạch đập nhanh
  • Tim đập nhanh và mạnh
  • Cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Tức ngực
  • Môi và đầu ngón tay, ngón chân có màu hơi xanh 
  • Ho dai dẳng nhiều ngày, ho ra máu
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Có tiền sử bệnh hen suyễn

Khi gặp những dấu hiệu này, mẹ bầu hãy kiên hệ với bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm.

Mang thai tháng thứ 9 cần chú ý những gì để làm giảm tình trạng khó thở?

Tình trạng khó thở có thể kéo dài khiến mẹ bầu luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu, ngủ không ngon giấc. Vậy mang thai tháng thứ 9 cần chú ý những gì để cảm thấy khỏe hơn?

Dưới đây là một số mẹo giúp mẹ kiểm soát cơn khó thở và thở được một cách dễ dàng hơn, hãy thử áp dụng mỗi khi bị khó thở mẹ nhé:

1. Thay đổi tư thế nằm: Mang thai tháng thứ 9 có nên nằm ngửa không?

tháng thứ 9 thai kỳ, bụng bầu của mẹ đã khá to nên hiện tượng mẹ bầu khó thở khi ngủ hoặc khó thở khi nằm là chuyện rất bình thường. Vậy nằm như thế nào là thoải mái và an toàn nhất? Mang thai tháng thứ 9 có nên nằm ngửa không?

Câu trả lời là không. Bà bầu nằm ngửa khiến toàn bộ trọng lượng thai nhi đè lên cột sống, cơ lưng, ruột và các mạch máu lớn, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh khớp, bệnh trĩ, giảm huyết áp và khó thở, đồng thời còn làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu vận chuyển đến thai nhi.

Bà bầu mang thai tháng thứ 9 không nên nằm ngửa

Trong khi đó, nằm sấp cũng không phải là một ý kiến hay vì rõ ràng, đây không chỉ là một tư thế nằm khi mang thai khó chịu mà việc để trọng lượng cơ thể mẹ đè lên thai nhi còn rất dễ gây tổn thương bé.

Nằm nghiêng là vị trí tốt nhất cho bà bầu tháng thứ 9, đặc biệt là nghiêng sang trái. Trong khi tư thế nghiêng sang phải vẫn có thể gây áp lực lên dây chằng và màng tử cung thì tư thế nghiêng sang trái hoàn toàn thuận lợi cho việc lưu thông máu và bài tiết chất thải.

2. Tập thể dục giúp cải thiện nhịp thở

Một trong những cách giúp bà bầu hít thở dễ dàng hơn đó là tập thể dục. Ở tháng thứ 9, mẹ có thể tập các bài tập yoga trước sinh để vừa luyện tập nhịp thở, vừa vận động các cơ một cách nhẹ nhàng để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn sắp tới diễn ra dễ dàng hơn.

Một điều mẹ bầu cần lưu ý là dù mẹ lựa chọn hình thức tập thể dục nào cũng đừng quá lạm dụng nó nhé. Hãy lắng nghe những gì cơ thể mình mách bảo và nếu không chắc chắn các bài tập này có an toàn hay không, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

3. Thư giãn

Bước vào tháng thứ 9 là mẹ và bé đã bước vào những tuần cuối cùng của thai kỳ, điều mẹ cần làm lúc này là nghỉ ngơi để cơ thể được thư giãn, đừng để bản thân ngập chìm trong công việc hay căng thẳng, mệt mỏi. 

Hãy thả lỏng cỡ thể và hít thở nhẹ nhàng. Nghe một bài nhạc hay xem một cuốn phim hài vui vẻ cũng là cách hay để mẹ quên đi những cảm giác khó chịu hiện tại.

4. Di chuyển chậm 

Đi, đứng và di chuyển một cách thật chậm rãi sẽ giúp mẹ giảm bớt công việc của tim và phổi. Ngoài ra, khi cảm thấy khó thở, mẹ có thể thử ngồi dậy hoặc đứng thẳng lên, ngửa vai, nâng ngực và ngẩng đầu lên cao để giảm áp lực khỏi khung xương sườn. 

Tư thế này có thể giúp phổi của mẹ có nhiều không gian để mở rộng hơn và mẹ sẽ hít thở được nhiều không khí hơn.

Như vậy, mẹ bầu khó thở khi ngủ hoặc khó thở sau khi ăn là hiện tượng vô cùng phổ biến ở tháng thứ 9 của thai kỳ. Ở những ngày gần sinh, em bé sẽ dần di chuyển xuống khung xương chậu và mẹ có thể thở dễ dàng hơn một chút. Nếu mẹ quá lo lắng về tình trạng khó thở của mình, hoặc việc khó thở gây cản trở quá nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của mẹ, hãy đến bác sĩ kiểm tra để cảm thấy yên tâm hơn. 

Categories
Mang thai 3 tháng cuối

Buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 có nguy hiểm không?

Một số mẹ bầu vẫn buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 kèm theo bụng bị đầy hơi, táo bón, trào ngược, ợ chua,… thậm chí chán ăn, nôn mửa liên tục. Đây không còn là triệu chứng ốm nghén thông thường, có khả năng bạn đang bị ốm nghén nặng và cần được điều trị. Muốn điều trị hiệu quả, điều cần làm chính là xác định rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân gây buồn nôn cuối thai kỳ

Có rất nhiều nguyên nhân gây buồn nôn ở những tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là tháng thứ 9 – giai đoạn nước rút trước khi bé chào đời. Những nguyên nhân này đa phần xuất phát từ bên trong, có thể là do hệ tiêu hóa, thay đổi hormone hoặc dấu hiệu sinh sớm. Cụ thể:

1. Ợ nóng hay trào ngược axit dạ dày

Ợ nóng có thể gây ra chứng buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 vì đây là thời gian thay đổi hormone làm giãn cơ trơn trong đường tiêu hóa. Cảm giác buồn nôn do ợ nóng gây ra mang lại cảm giác khó chịu nhưng không đáng lo lắng.

2. Chứng tiền sản giật

Khi thai nhi đủ 20 tuần tuổi trở lên, chứng tiền sản giật có thể xuất hiện. Nếu thai phụ bị buồn nôn trong 3 tháng cuối thai kỳ kèm các triệu chứng như đau bụng, nặng mặt, đau đầu hoặc rối loạn thị giác thì cần nghĩ tới chứng tiền sản giật ngay.

Vì tiền sản giật là một tình trạng nguy hiểm đối với tính mạng của mẹ và bé. Biến chứng của tiền sản giật rất nghiêm trọng như đột quỵ, suy gan, động kinh, suy thận, ứ dịch trong phổi và tạo ra huyết khối.

3. Dấu hiệu chuyển dạ sớm

Buồn nôn trong 3 tháng cuối thai kỳ đôi khi có thể là dấu hiệu chuyển dạ sớm. Bạn cần theo dõi, nếu kèm theo các triệu chứng khác như đau lưng, chuột rút, tiêu chảy, tăng áp lực khung chậu hoặc tăng tiết dịch âm đạo thì có thể là do chuyển dạ.

Buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9
Buồn nôn vào tháng thứ 9 có thể là dấu hiệu sinh sớm

4. Thay đổi hormone

Thay đổi hormone cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp khi bà bầu bị buồn nôn ở những tháng cuối thai kỳ.

Tương tự như 3 tháng đầu thai kỳ, giai đoạn cuối gây ra sự biến động mạnh lượng hormone trong cơ thể người mẹ gây mất cân bằng nội tiết. Và đó là lý do tại sao mẹ thấy có cảm giác buồn nôn.

5. Thai nhi phát triển nhanh chóng

Càng về những tháng cuối thai kỳ, thai nhi càng phát triển. Cân nặng và kích thước của em bé tăng nhanh đè nặng lên các cơ quan khác trong ổ bụng như ruột, dạ dày khiến mẹ bị buồn nôn và ợ nóng.

Đồng thời, làm cản trở tự di chuyển của thực phẩm từ dạ dày vào ruột non gây nên chứng ứ trệ dạ dày.

6. Ăn quá nhiều

Việc ăn quá nhiều để con tăng cân cũng là nguyên nhân khiến mẹ bị buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9. Tử cung phát triển đè lên dạ dày thai phụ, chừa lại rất ít không gian để chứa thức ăn. Do đó, nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến buồn nôn.

Việc ăn quá nhiều vào một bữa khiến mẹ bầu khó tiêu, ợ chua, buồn nôn

Buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 có nguy hiểm không?

Buồn nôn thường không ảnh hưởng và không gây nguy hiểm cho em bé. Tuy nhiên, buồn nôn trong tam cá nguyệt thứ ba có thể là dấu hiệu của các biến chứng nguy hiểm.

Do đó, nếu buồn nôn cộng thêm các triệu chứng sau đây, bạn cần gặp bác sĩ ngay lập tức:

  • Nôn mửa dữ dội, liên tục, không thể ăn uống
  • Chất nôn màu nâu hoặc có vết máu trong đó
  • Giảm cử động của thai nhi
  • Thường xuyên bị chóng mặt, đau đầu không rõ nguyên nhân
  • Ăn không ngon
  • Giảm cân một cách nhanh chóng
  • Mệt mỏi hoặc ngất xỉu
  • Nhịp tim tăng nhanh
  • Đi tiểu ít hơn bình thường

Buồn nôn trong thời gian dài có thể khiến mẹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho con. Về lâu về dài có thể khiến em bé bị suy dinh dưỡng, thậm chí là sinh non, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Cải thiện buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 thế nào?

Mẹ bầu có thể cải thiện tình trạng buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Hãy áp dụng cách của MarryBaby mách bảo có thể giúp bạn cảm thấy đỡ hơn:

  • Bổ sung các loại vitamin tổng hợp, vừa cung cấp dinh dưỡng cho mẹ vừa làm giảm triệu chứng buồn nôn.
  • Ăn nhẹ bánh mì hoặc bánh quy vào buổi sáng, tránh tình trạng bụng quá đói sau khi ngủ dậy.
  • Uống nhiều nước và chia thành nhiều lần, mỗi lần từ 200 – 300ml.
  • Thay vì ăn 3 bữa chính, mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn để dạ dày tiêu hóa tốt hơn. Nếu có thể, dùng thêm những món ăn vặt nhạt, ít chất béo để kích thích tiêu hóa như chuối, gạo, táo, bánh quy,…
  • Sử dụng trà gừng, kẹo gừng, mứt gừng làm từ gừng thật để cắt cơn buồn nôn hiệu quả.
  • Tránh xa những mùi khó chịu vì có thể gây buồn nôn.

Trong trường hợp điều trị tại nhà không thấy đỡ, bạn nên gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế để thăm khám và đưa ra hướng xử lý kịp thời.

Gừng có đặc tính ấm nóng giúp cắt cơn buồn nôn hiệu quả

Điều trị bằng thuốc làm giảm buồn nôn

Nếu chế độ ăn uống và thay đổi lối sống vẫn không giải quyết dứt điểm buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 thì bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị bằng thuốc. Các loại thuốc phổ biến như:

  • Vitamin B6 và Doxylamine: Bổ sung Vitamin B6 là thuốc điều trị không cần kê đơn và được ưu tiên sử dụng trước. Doxylamine là hoạt chất thường có trong thuốc ngủ không kê đơn được bổ sung điều trị buồn nôn nếu vitamin B6 không có tác dụng. Cả 2 loại thuốc này có thể dùng một mình hoặc phối hợp với nhau đều an toàn cho mẹ và bé.
  • Thuốc chống nôn: Các loại thuốc chống nôn khá an toàn trong thai kỳ nhưng bạn chỉ sử dụng khi được bác sĩ chỉ định.

Nếu như đã thử mọi cách mà tình trạng nôn vẫn không thuyên giảm, mẹ bầu cần phải nhập viện để điều trị đến khi cơ thể ổn định trở lại.

Buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, việc mẹ bầu cần làm là lên thực đơn đủ dinh dưỡng và duy trì lối sống lành mạnh mỗi ngày để ngăn chặn các cơn buồn nôn. Khi cơ thể khỏe mạnh thì không gì có thể cản trở việc mẹ gặp con ở tháng thứ 9 thai kỳ!

Categories
Mang thai 3 tháng cuối

Phù chân khi mang thai tháng thứ 9 và những thông tin bạn cần biết

Nhiều mẹ bầu rất khổ sở với tình trạng chân bị phù khi mang thai, nhất là những tháng cuối thai kỳ. Do đó, các mẹ rất quan tâm đến việc phù chân có phải là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm không, làm thế nào để giảm phù chân.

Phù chân khi mang thai tháng thứ 9 có nguy hiểm không?

Nhìn chung, tình trạng phù chân khi mang thai tháng thứ 9 không quá nguy hiểm. Nếu tình trạng sưng phù chân khi mang thai ở tam cá nguyệt thứ 3 diễn ra từ từ, đây không phải là một dấu hiệu đáng lo ngại.

Tuy nhiên, hiện tượng sưng mặt, tay và chân đột ngột ở phụ nữ mang thai cũng được nghi ngờ là dấu hiệu tiền sản giật.

Nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây, mẹ bầu cần nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu kịp thời:

  • Sưng phù mặt, bàn tay, bàn chân đột ngột.
  • Nhức đầu dữ dội.
  • Có vấn đề về tầm nhìn, chẳng hạn như nhìn mờ hay nhấp nháy.
  • Đau ngay dưới xương sườn.
  • Nôn mửa.
phù chân khi mang thai tháng thứ 9
Phù chân khi mang thai tháng thứ 9 là bình thường nếu không kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm

Nguyên nhân bà bầu hay bị phù chân khi mang thai?

Có 3 nguyên nhân chính để lý giải cho tình trạng phù nề mắt cá nhân, bàn chân, tay ở phụ nữ mang thai là:

1. Áp lực từ thai nhi:

Khi thai càng lớn, tử cung của bạn sẽ càng nặng và gây áp lực lớn chèn lên tĩnh mạch, ngăn cản máu từ chi dưới trở về tim.

Và khi sức ép càng lớn, máu càng tích tụ nhiều ở bàn chân và chân gây hiện tượng phù, điều đó khiến nhiều mẹ bầu bị phù chân khi mang thai tháng thứ 9 khá nặng.

2. Tăng máu và dịch lỏng

Khi mang thai, cơ thể người mẹ sản xuất thêm hơn 50% lượng máu và chất lỏng so với bình thường để đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Phần chất lỏng và mỡ dư thừa sẽ tích tụ trong các mô và khớp của thai phụ.

Điều này giúp cơ thể bạn mềm ra, giãn nở, chuẩn bị tốt cho việc sinh nở. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân chính gây phù nề ở thai phụ.

3. Sự thay đổi hormon trong thai kỳ

Đây cũng là nguyên nhân quan trọng gây nên hiện tượng phù. Hormon trong cơ thể bạn thay đổi khiến cho thành mạch trở nên mềm hơn, điều này gây khó khăn cho tĩnh mạch trong quá trình vận chuyển máu từ chi dưới về tim.

Ngoài ra, một số nguyên nhân phổ biến khác gây chứng phù chân khi mang thai như: đứng quá lâu, thường xuyên mang giày cao gót, làm việc nặng nhọc, chế độ ăn nhiều Natri, thiếu Kali, thời tiết nắng nóng.

phù chân khi mang thai tháng thứ 9
Tình trạng phù chân do nhiều nguyên nhân khác nhau

Phù chân có phải là dấu hiệu sắp sinh không?

Phù chân có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng nhiều nhất vẫn là 3 tháng cuối thai kỳ.

Do ở thời kỳ này, trọng lượng em bé ngày càng lớn, chiếm một thể tích lớn trong khoang bụng người mẹ, tạo sức ép lớn lên tĩnh mạch dưới, khiến cho máu khó lưu thông, gây phù nề.

Phù chân khi mang thai ở tháng thứ 9 cũng được xem là một trong những dấu hiệu nhận biết em bé sắp sửa chào đời, bên cạnh những dấu hiệu khác như: bụng bầu tụt xuống, đi tiểu thường xuyên, đau mỏi lưng, ra nhiều dịch âm đạo, cơn co thắt tử cung,…

Bí quyết giảm phù chân cho bà bầu tháng thứ 9

Phù nề bàn chân và mắt cá chân là hiện tượng sinh lý bình thường của phụ nữ mang thai và sẽ mất đi sau khi sinh con vài ngày.

Thế nhưng, việc chân bị phù sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây khó chịu cho thai phụ. Để làm giảm bớt phù chân khi mang thai, mẹ bầu hãy thử những cách sau:

1. Thay đổi chế độ sinh hoạt 

Tình trạng phù chân khi mang thai tháng thứ 9 có thể sẽ trở nên nặng nề hơn đến mức chân của bạn sưng to, phù nề khiến việc đi lại rất khó khăn.

Một số yếu tố ngoài máu, lượng dịch lỏng và áp lực của tử cung lên mạch máu, các thói quen sinh hoạt, vận động hằng ngày cũng làm mẹ bầu dễ bị phù chân.

Điều quan trọng là mẹ cần bình tĩnh, giải tỏa căng thẳng và thực hành các lối sống lành mạnh kể trên để cảm thấy dễ chịu hơn.

Nếu bị phù chân khi mang thai, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Tập thể dục – cố gắng đi bộ từ 5-10 phút mỗi ngày có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm sưng.
  • Nằm ngủ nghiêng bên trái giúp giảm áp lực của tử cung lên tĩnh mạch dưới, đưa máu về tim.
  • Nâng cao chân hơn khi ngồi hay nằm nghỉ để giúp cơ thể thoát dịch lỏng đã tích tụ ở chân.
  • Tránh đứng liên tục trong thời gian dài
  • Mặc quần áo, đặc biệt là đi giày, tất thoải mái.
phù chân khi mang thai tháng thứ 9
Nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp cải thiện tình trạng phù chân

2. Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp

Một số nguyên tắc dưới đây dành cho các mẹ bầu bị phù chân (hoặc mong muốn phòng tránh phù chân):

Nên giảm:

  • Hạn chế hấp thụ caffeine: Việc tiêu thụ caffeine với liều lượng vừa phải sẽ không gây hại cho thai kỳ. Tuy nhiên, caffeine giống như một chất lợi tiểu sẽ làm nặng nề hơn tình trạng mất cân bằng chất lỏng, gây sưng.
  • Giảm lượng natri (muối): Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ đóng hộp. Trong nấu ăn hàng ngày, bạn có thể dùng các loại gia vị thay thế muối như cỏ xạ hương, hương thảo.

Nên tăng: 

  • Uống nhiều nước: Mẹ bầu nên uống ít nhất là 10 cốc mỗi ngày. Nếu cảm thấy nhạt miệng khi uống nước lọc, bạn có thể cho thêm lát chanh hay quả mọng, lá bạc hà vào nước để dễ uống hơn. Điều này giúp đảm bảo bạn uống đủ nước mỗi ngày.
  • Bổ sung kali: Có thể giúp thai phụ hạn chế tình trạng phù chân do khoáng chất này sẽ giúp cân bằng lượng chất lỏng của cơ thể. Một số thực phẩm bổ sung kali tốt cho mẹ bầu: chuối, sữa chua, đậu lăng, khoai lang (ăn cả vỏ), cá hồi…

Bài tập cho phụ nữ bị phù chân khi mang thai tháng thứ 9

Ngoài tập thể dục bằng cách đi bộ từ 5-10 phút mỗi ngày, các động tác tập chân đơn giản sau đây sẽ cần thiết với các mẹ bầu bị phù chân khi mang thai.

Chúng sẽ giúp cải thiện máu lưu thông, giảm sưng phù và chuột rút ở chân:

  • Uốn cong bàn chân và duỗi bàn chân lên xuống 30 lần.
  • Xoay tròn bàn chân 8 lần theo chiều kim đồng hồ và 8 lần theo chiều ngược lại.
  • Thực hiện lần lượt ở cả 2 bàn chân.

Bạn có thể thực hành bài tập này khi đứng hay ngồi nghỉ ngơi để cải thiện phù chân khi mang thai khi mang thai ở tháng thứ 9.

Phù chân thường xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ và là dấu hiệu cảnh báo của tiền sản giật vô cùng nguy hiểm. Bởi vậy trong giai đoạn này bà bầu nên khám thai đều đặn, theo dõi huyết áp và thông báo với bác sĩ ngay nếu có những dấu hiệu bất thường khác.