Categories
Hạt giống tâm hồn Nuôi dạy con

Lợi ích khi mẹ kể chuyện cho bé nghe và 9 câu chuyện ý nghĩa cho bé

Việc kể chuyện cho bé nghe là một hoạt động thú vị trong hành trình chăm sóc, nuôi dạy con. Thường xuyên kể chuyện cho bé giúp con có thể phát triển tốt về khả năng đọc – hiểu, cải thiện tư duy, có nhiều kiến thức – trải nghiệm thú vị,…

Vì thế, mẹ nên thường xuyên duy trì hoạt động kể chuyện cho bé nghe để có thể giúp con phát triển toàn diện nhất mẹ nhé!

Lợi ích của việc kể chuyện cho bé nghe

Tăng cường khả năng nghe nói

Trẻ em tiếp thu các hành vi và thói quen bằng cách bắt chước những người lớn xung quanh mình. Do đó, việc mẹ đọc to các câu chuyện giúp bé làm quen với ngôn ngữ nói (cách phát âm, các từ vựng được sử dụng trong câu chuyện, các cụm từ con thường nghe), từ đó giúp con phát huy kỹ năng nghe nói cũng như hiểu được câu chuyện.

Từ khi mới sinh, mẹ đã có thể kể chuyện cho bé nghe trước khi đi ngủ. Qua mốc 1 tuổi, mẹ có thể cùng đọc sách trong một khung giờ cố định cho bé. Bé sẽ rất thích cho xem.

Cải thiện khả năng hiểu biết về văn hóa, kiến thức cuộc sống 

kể chuyện cho bé

Kể chuyện cho bé nghe là một trong những cách hiệu quả để giới thiệu với bé về sự đa dạng của các nền văn hóa. Sau mỗi câu chuyện, mẹ có thể cung cấp cho con thêm những thông tin liên quan đến nền văn hóa đó, giúp con có nhiều kiến thức sống hơn.

Để cho bé có nhiều góc nhìn về cuộc sống, các thói quen tốt, các nề nếp, hay biết thêm về sự vật, sự việc xung quanh, mẹ có thể kể cho bé nghe các câu chuyện như: Cố lên nhé, xe cứu hỏa; Cơ thể con người;… Các câu truyện theo phong cách Ehon Nhật Bản rất phù hợp để bé tiếp nhận nội dung theo một cách thú vị, đáng yêu.

>>> Mẹ có thể tham khảo: Tổng hợp những truyện ngắn thiếu nhi hay mẹ nên mua về cho bé

Tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình

Hoạt động kể chuyện cho bé nghe vào mỗi tối có thể tăng tình cảm giữa các thành viên. Mẹ và bé sẽ có thêm thời gian ở bên nhau và trò chuyện cùng nhau sau mỗi câu chuyện. Hơn nữa, với các gia đình có nhiều con nhỏ thì đây cũng là một cơ hội để các bé ở bên nhau và đưa ra quan điểm để tranh luận với nhau, từ đó hiểu và gắn kết với nhau hơn.

Kích thích phát triển trí não

Sau khi kể chuyện cho bé nghe, mẹ có thể đặt ra những câu hỏi liên quan đến câu chuyện để bé có thể suy nghĩ và đưa ra câu trả lời. Đây chính là cách giúp kích thích tư duy cho con cũng như để con có thể học cách trình bày quan điểm của mình.

Ngoài việc kích thích trí thông minh logic (IQ), kể chuyện cho bé nghe có thể giúp bé phát triển trí thông minh cảm xúc (EQ), trí thông minh sáng tạo và tưởng tượng,…

Top 9 câu chuyện để mẹ kể chuyện cho bé nghe

kể chuyện cho con

1. Truyện con cú khôn ngoan – truyện ngắn mẹ kể cho bé

Ngày xưa, có một con cú già sống trên một cây sồi to. Hằng ngày, con cú đều quan sát những điều xảy ra xung quanh mình. Tuy nhiên, nó vẫn giữ im lặng về những điều mình thấy, dù cho đó là cô gái đang cằn nhằn mẹ mình hay cậu bé đang giúp ông lão xách túi xách to. 

Lâu dần, thính giác của con cú ngày một tốt hơn, cú cũng ít nói hơn và có thể nghe rõ những cuộc nói chuyện của mọi người. Nhờ vậy, cú trở nên khôn ngoan hơn và được mọi người yêu thích, tôn trọng vì sự khôn ngoan của mình.

Bài học rút ra: Hãy quan sát và lắng nghe nhiều hơn nói để có thể hiểu được nhiều thứ xung quanh mình và trở nên thông minh hơn, khôn ngoan hơn.

2. Kể chuyện cho bé nghe: Con lừa khôn ngoan

Có một con lừa đang ăn cỏ rất vui vẻ trên ngọn đồi. Cừu không hề biết đến việc sói đang rình nó cho đến khi ăn xong và ngẩng đầu lên thì mới bàng hoàng khi thấy sói đang nhìn mình. Lúc này, lừa bắt đầu “tự cứu lấy bản thân” bằng cách hét thật to như thể đang bị thương nặng.

Sau khi nghe tiếng hét, sói do không hiểu có việc gì đang xảy ra nên đã tiến lại gần lừa và hỏi thăm. Lúc này, lừa nói rằng có gai đâm vào chân mình, nhờ sói lấy ra giúp vì gai rất nhọn, nếu sói ăn thịt lừa thì gai sẽ kẹt trong cổ họng sói. 

Nghe vậy, sói tiền lại gần để giúp lừa lấy gai ra. Tuy nhiên, sói đã mắc bẫy của lừa. Chờ sói đến, lừa liền đấm sói rồi tranh thủ lúc sói choáng váng thì lừa nhanh chân chạy trốn. Sau khi sói bình tĩnh lại thì lừa đã “cao chạy xa bay” còn sói thì mất vài chiếc răng mất rồi.

Bài học rút ra: Hãy bình tĩnh để suy nghĩ và dùng trí trí khôn của mình để vượt qua các tình huống khó khăn, thử thách gặp phải. Hơn nữa, nên dùng não để phán đoán, không phải lúc nào cũng nên nghe theo người khác.

3. Con cừu đen kêu be be – Mẹ kể chuyện cho bé nghe

Ngày xửa ngày xưa, có một con cừu đen luôn tự cạo sạch lông của mình mỗi khi mùa xuân đến. Sau đó, cừu lấy số lông vừa cạo để mang bán tại chợ cho những người muốn làm quần áo ấm.

Năm nay, khi mùa xuân đến, cừu phát hiện rằng mọi người không còn chuộng lông cừu đen trong khi số lông cừu còn lại khá nhiều. Khi cừu đang buồn rầu về việc ngày qua ngày chẳng ai muốn mua lông cừu dù nó vẫn mang ra chợ bán hằng ngày thì một cậu bé đã cùng với bố mẹ của mình đề nghị mua hết số lông của cừu khiến nó vô cùng mừng rỡ. Cừu cảm thấy những cố gắng của mình đã được đền đáp xứng đáng.

Bài học rút ra: Đừng nản lòng mà hãy kiên trì, cố gắng rồi sẽ thành công 

4. Khỉ và cá sấu – câu chuyện kể cho bé nghe

Trong một khu rừng nọ, khỉ và cá sấu làm bạn với nhau. Hằng ngày khỉ đều tặng cá sấu những quả táo ngon mà mình hái được. Cá sấu sẽ mang về ăn chung với vợ. Tuy nhiên, vợ của cá sấu rất tham lam, muốn ăn cả trái tim của chú khỉ. Cá sấu dù băn khoăn nhưng cuối cùng vẫn làm theo ý vợ.

Cá sấu muốn giết khỉ lấy quả tim nên nghĩ cách mời khỉ ngồi trên lưng để mình đưa đi tham quan dòng sông. Sau khi biết được, khỉ đã nói với cá sấu rằng quả tim để trên cây, cần quay lại để lấy. Cá sấu tin lời và đưa khỉ quay lại. Sau đó, khỉ trèo lên cây và biến mất mãi mãi.

Bài học rút ra: Hãy bình tĩnh khi gặp những tình huống khó khăn và dùng trí thông minh để vượt qua.

5. Mẹ kể chuyện cho bé nghe: Câu lạc bộ các bà mẹ

Trong một khu rừng nọ, các bà mẹ thú thường xuyên tụ tập lại với nhau để chia sẻ những câu chuyện nuôi dạy con cái. Một hôm, các bà mẹ so sánh xem con của ai giỏi nhất, ai đẻ được nhiều con nhất. Mẹ nai tự hào khi con mình to lớn nhất trong khi mẹ chó rừng hãnh diện vì con mình có hàm răng sắc bén nhất. Mẹ chim sẻ lại vui vẻ cho rằng, con mình giỏi nhất và mình cũng sinh được nhiều con nhất.

Riêng đến lượt mẹ sư tử thì chỉ có một con khiến các bà mẹ khác tò mò đặt ra những câu hỏi như sao lại đẻ ít vậy, tại sao con của mẹ sư tử giỏi nhất. Mẹ sư tử điềm đạm trả lời: “Bởi vì con của tôi sẽ trở thành chúa sơn lâm ở đây”. Nghe vậy, tất cả các bà mẹ khác đều im lặng và tản đi. 

Bài học rút ra: Hành động sẽ chứng minh cho lời nói của bạn, không cần nói quá nhiều nhưng hãy hành động

6. Một cách đếm thông minh – Mẫu chuyện để mẹ kể chuyện cho bé nghe

Ở một vương quốc nọ, hoàng đế Akbar đã đưa ra một câu hỏi lạ cho các quan cận thần của mình. Mọi người nghe xong liền vô cùng ngạc nhiên và không biết phải trả lời như thế nào.

Lúc này, vị quan tên Birbal được xem là người thông minh nhất ở đất nước này vừa bước vào và không hiểu tại sao mọi người lại lo lắng đến vậy. Các quan kể lại câu hỏi của hoàng đế: “Có bao nhiêu con quạ trong thành?”. Birbal liền cười và thưa rằng có 50.589 con quạ trong thành”. Mọi người kể cả hoàng đế nghe xong đều sửng sốt trước câu trả lời đó và thắc mắc tại sao ông có thể chắc chắn như vậy.

Birbal giải thích: “Thưa bệ hạ, xin hãy sai một tên lính ngồi đếm số quạ trong thành. Nếu có nhiều hơn số quạ mà thần nói, điều đó có nghĩa là họ hàng của chúng ở nơi khác đến thăm. Nếu có ít hơn thì có nghĩa là một số con đã đi thăm họ hàng của chúng ở nơi khác”. Hoàng đế cảm thấy vô cùng hài lòng về cách giải thích dí dỏm này.

Bài học rút ra: Hãy có cách lý giải đúng và rõ ràng cho những gì mình nói.

7. Câu chuyện dê và cáo

Chuyện kể có một con sư tử nọ sống trong một cái hang lớn với rất nhiều thức ăn. Một hôm, nhân lúc sư tử ra khỏi hang, một con cáo đã lẻn vào và ăn tất cả thức ăn. Cáo nghĩ, ước gì ngày nào cũng được ăn uống no say như thế. 

Sau khi ăn xong, cáo đi dạo xung quanh và tận hưởng cảm giác vừa được đánh chén no nê thì bất ngờ té xuống một cái giếng sâu nhưng không có nhiều nước. Ban đầu khi vừa hoàn hồn, cáo rất tức giận và tự trách bản thân vì đã không cẩn thận. Cáo cố gắng leo ra ngoài nhưng không thành công. Cáo bỗng nghe một tiếng nói vọng từ trên xuống:  “Cậu đang làm gì ở đó vậy?”. Ngước lên nhìn, cáo mừng rỡ khi thấy dê: “Cậu biết không, tớ ở làng kế bên nhưng đang gặp hạn hán. Do đó, tớ phải nhảy xuống đây để lấy nước uống”.

Nghe vậy, dê liền lập tức nhảy xuống giếng và cáo liền lợi dụng chiếc sừng dài của dê để leo lên khỏi giếng, sau đó bảo với dê: “Cậu thật ngốc. Nếu có hạn hán, thì những con chim đã thông báo với muông thú trong rừng rồi”.

Bài học rút ra: Đừng nên tin tưởng ai đó một cách mù quáng.

8. Cún con đi lạc – câu chuyện để mẹ kể chuyện cho bé nghe 

Có một cậu bé nọ sau khi mất đi chú cún con yêu quý liền tìm kiếm khắp căn nhà và mọi nơi xung quanh. Cậu đi lang thang cả ngày nhưng vẫn không thể tìm được chú cún của mình nên đã quay về nhà trong tâm trạng buồn bã.

Về gần đến nhà, cậu gặp anh hàng xóm nên liền đến gần để chúc ngủ ngon và hỏi thăm xem liệu anh ấy có thấy chú cún của mình ở đâu không. Anh ấy liền trả lời: “Ồ có đấy. Có một con cún đang gặm xương ở đằng kia kìa. Anh không biết cún đó do em nuôi nên không báo em biết.”

Bài học rút ra: Hãy cứ cố gắng và đừng bỏ cuộc  

9. Mẹ kể chuyện cho bé nghe: Người thợ săn và những chú chim bồ câu

Trên một cây đa ở làng có rất nhiều loài chim làm tổ. Dưới tán lá cây cũng thường xuyên có khách bộ hành ngồi lại nghỉ ngơi sau khi đi đường dài. Một ngày nọ, người thợ săn đi đến cây đa và nhìn thấy có rất nhiều chim nên đã tìm cách để đặt bẫy những chú chim này. Tuy nhiên, một con quạ đã biết được và liền lập tức truyền tin cho những con chim khác.

Trong lúc này, một đàn bồ câu bay gần đó thấy rất nhiều hạt thóc nên đã sà xuống ăn và mắc kẹt trong chiếc lưới mà người thợ săn đặt sẵn. Cả đàn chim đều rất sợ hãi nhưng may mắn là chú bồ câu đầu đàn đã nghĩ ra một kế hoạch, hợp lực lại để mổ rách chiếc lưới. Nếu may mắn thì một chú chim có thể thoát ra ngoài để tìm sự giúp đỡ.

Nghe vậy, các chú chim bồ câu đều hợp sức cố gắng cắn rách chiếc lưới để chim đầu đàn bay ra khỏi chỗ này. Sau khi thoát ra khỏi lưới, chim đầu đàn bay thẳng đến chỗ các chú chuột. Đàn chuột nghe tin liền kéo đến và cắn chiếc lưới rách tan tành để toàn bộ đàn chim bồ câu bay lên trời cao. 

Bài học rút ra: Đoàn kết là sức mạnh vô địch. 

>>> Mẹ có thể kể cho bé nghe: Những mẩu truyện cổ tích để kể chuyện cho bé ngủ ngon

Trên đây là một số câu chuyện để mẹ có thể kể chuyện cho bé nghe mỗi ngày. Việc kể chuyện mang đến rất nhiều lợi ích cho bé, vì thế, hãy duy trì thói quen kể chuyện cho bé nghe mẹ nhé!

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

10 cách nằm lòng kích thích thính giác của bé

Kích thích thính giác của bé là việc làm quan trọng và không quá khó. Việc tìm hiểu từng giai đoạn phát triển thính giác của trẻ và làm sao kích thích kỹ năng quan trọng này phát triển tối ưu, đúng thời điểm là điều mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng lưu tâm.

thính giác của bé

1. Trò chuyện với bụng bầu

Tai của bé bắt đầu hình thành khi 8 tuần tuổi và hoàn chỉnh vào khoảng 24 tuần tuổi. Đến tuần thứ 25, bé bắt đầu lắng nghe được giọng nói của mẹ và cả của bố. Khi được 27 tuần tuổi, bé còn có thể nhận ra giọng nói của bố mẹ. Nhịp tim của bé thường chậm lại khi mẹ đang trò chuyện. Điều này chứng tỏ bé không chỉ nghe và nhận ra giọng nói của mẹ mà còn được xoa dịu bởi âm thanh thân thương này.

Những lời thì thầm, tâm sự, trò chuyện hàng ngày tràn đầy yêu thương của cha mẹ cũng khiến sự kết nối giữa bé và bố mẹ càng thêm bền chặt hơn. Chính vì vậy, bố mẹ nên trò chuyện với con ngay từ khi bé còn cuộn tròn trong bụng mẹ nhé!

2. Trẻ sơ sinh thư giãn với những âm thanh, giọng nói quen thuộc

Ngay từ khi trong bụng mẹ, thai nhi đã có thể phân tích và giải mã (hiểu) được một số dạng thông tin nào đó trong số âm thanh được truyền vào từ môi trường bên ngoài. Thai nhi đã có thể nhận biết và thích thú giọng nói của mẹ, nghe được âm thanh của bộ phim mẹ đã xem, một bản nhạc mà mẹ đang thưởng thức. Bé có thể kết nối với người thân bằng những âm thanh giọng nói quen thuộc mà bé nghe được ngay từ khi trong bụng mẹ. Thế nên, việc kích hoạt thính giác bé phát triển toàn diện, ngoài cách đơn giản là trò chuyện, bạn còn có thể dùng âm nhạc.

Thai giáo bằng âm nhạc là sử dụng âm-phách để kích thích cơ quan thính giác của thai nhi, giúp huấn luyện thính giác, sự hứng thú, trí nhớ cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ. Nguyên tắc thai giáo bằng âm nhạc mẹ bầu cần lưu ý là: Nghe đúng lúc, đủ lượng, đủ thấm và thích hợp để đem lại lợi ích hữu hiệu nhất cho sự phát triển trí não ở trẻ.

3. Kích thích thính giác của bé bằng cách nói chuyện với trẻ

Ở giai đoạn mới chào đời, không gì tốt với thính giác của bé hơn giọng nói của chính bố mẹ. Nói chuyện với con thật nhiều để bé phát triển khả năng lắng nghe cũng như kỹ năng nói, mẹ nhé.

Khi cho bé bú, thay tã lót, tắm cho bé hay lúc làm bất kể việc gì cùng bé, bố mẹ hãy nhẹ nhàng nói chuyện. Bé sẽ rất thích thú nếu bạn trò chuyện bằng giọng líu lo, diễn cảm và vui vẻ với biểu hiện hài hước trên khuôn mặt. Mẹ nhớ khi trò chuyện hãy nhìn vào mắt con và dừng nói khi thấy bé có dấu hiệu đáp lời nhé! Chắc chắn mẹ sẽ ngạc nhiên với kỹ năng bắt chước tuyệt vời của bé yêu khi được trò chuyện với mẹ đấy!

4. Bé có thể thư giãn với tiếng ồn “trắng”

Trẻ sơ sinh vẫn có thể ngủ rất ngon trong một môi trường âm thanh ồn ào bởi đơn giản bé đã quen từ khi còn trong bụng mẹ. Vì tử cung chưa bao giờ là một thế giới tĩnh lặng, mà ở đó có nhịp đập đều đặn của trái tim, tiếng mạch máu, tiếng dạ dày sôi ùng ục, giọng nói của mẹ và rất nhiều tiếng động từ bên ngoài.

Theo bác sĩ nhi khoa Harvey Karp, tác giả của quyển sách ThehHappiest baby on the Block, trong thời gian mang thai, luồng máu chạy trong cơ thể mẹ còn to hơn tiếng ồn của máy hút bụi. Điều đó giải thích vì sao trẻ sơ sinh vẫn có thể “lờ đi” những âm thanh xung quanh như tiếng máy hút bụi, sấy tóc hoặc nhịp điệu đều đặn của máy giặt để có thể ngủ ngon và thoải mái.

Nếu bé không tỏ ra khó chịu khi tiếp xúc với những âm thanh của cuộc sống hằng ngày thì mẹ hãy cứ để bé làm quen nhé! Miễn sao các thanh âm đó đừng quá lớn và đột ngột khiến bé giật mình.

5. Sức mạnh của những lời ê a

Từ 2 tháng tuổi, bé có thể lặp đi lặp lại những tiếng “a”, “ư” và trẻ có thể bập bẹ, ê a nhiều hơn khi 4 tháng tuổi. Chính những thanh âm đầu tiên ấy lại là bước khởi đầu rất quan trọng cho việc phát triển ngôn ngữ của trẻ về sau. Bạn nên khuyến khích sự tiến bộ của bé qua chơi tương tác và đàm thoại. Bắt chước âm thanh của bé và nói theo cách của bạn hàng ngày, giới thiệu và giải thích môi trường xung quanh cho bé.

Giọng nói của cha mẹ là một trong những âm thanh quan trọng nhất đối với con nên chắc chắn trẻ sẽ rất hứng thú khi được trò chuyện cùng bạn và nhờ đó kích thích thính giác của bé cũng như phát triển ngôn ngữ. Việc bạn thường xuyên nói chuyện với con còn giúp bé hình thành những yếu tố cơ bản cho nhân cách và kĩ năng giao tiếp xã hội sau này.

6. Kích thích thính giác của bé bằng cách đọc sách cho bé nghe

Không bao giờ là quá sớm để đọc sách cho bé nghe mà hãy bắt đầu ngay từ khi bé là một trẻ sơ sinh. Mặc dù bé sẽ không thể nào hiểu câu chuyện hay những lời mà mẹ nói, nhưng việc lắng nghe giọng nói của bạn sẽ giúp trẻ phát triển khả năng lắng nghe nhịp điệu của ngôn ngữ đấy! Trong thực tế, việc bạn thay đổi cao độ giọng nói bằng cách sử dụng âm giọng, ngân nga và phát ra âm thanh sẽ khiến bé rất thích thú. Hơn thế nữa, bạn càng nói chuyện và đọc sách cho bé thì bé sẽ càng học và làm quen thêm nhiều âm thanh và chữ bởi đây chính là giai đoạn bé chuẩn bị tập nói.

Kích thích thính giác cho bé
Đọc sách không những kích thích thính giác của bé mà còn giúp xây dựng vốn từ vựng và nâng cao khả năng giao tiếp cho trẻ sau này

7. Hướng về phía âm thanh phát ra

Vào 4-5 tháng, bé bắt đầu nghe và biết được âm thanh đến từ đâu bằng cách hướng tầm nhìn về phía phát ra âm thanh. Mẹ có thể thấy trẻ lắng nghe chăm chú hơn và sau đó cố gắng sao chép lại âm thanh đó. Điều này chứng tỏ não của bé đang phát triển dần dần theo những cách mới, dẫn đến kết quả hoạt động thể chất và tương tác xã hội cao. Mẹ tiếp tục giúp bé đạt cột mốc bằng cách cung cấp dinh dưỡng cân bằng và kích thích phát triển nhận thức của bé thông qua các hoạt động tương tác.

8. Điều chỉnh được ngữ điệu lên xuống

Từ khoảng 5-6 tháng, bé đã biết nói theo khi nghe tiếng nói, đồng thời có thể điều chỉnh được ngữ điệu lên xuống. Bé có thể tạo ra nhiều tiếng ồn vui nhộn và bắt đầu có thể sử dụng lưỡi, răng, vòm miệng để tạo ra âm thanh. Ngoài việc nói được các nguyên âm, bé bắt đầu nói được các phụ âm “b” hoặc “m”.

Bạn tiếp tục nói chuyện với con để bé có thể bắt chước theo âm thanh. Khuyến khích tất cả các sự tương tác của bé. Sắp xếp ngày dã ngoại hoặc tham gia một nhóm xã hội để con tiếp xúc với những đứa trẻ khác. Hãy để các bé nhìn nhau, cười, “nói chuyện” và vươn tay ra để chạm vào nhau.

[inline_article id=194441]

9. Giúp bé tạo và phân biệt âm thanh

Giai đoạn này, hãy kích thích thính giác của bé phát triển bằng cách hướng dẫn bé phân biệt nhiều loại âm thanh, điều này cũng giúp làm tăng tính phản xạ cho bé. Đặc biệt, bạn nên chú ý xem trẻ phản ứng thế nào trước những âm thanh lạ tai khác nhau. Bên cạnh đó, mẹ cũng khuyến khích con tự tạo ra âm thanh để bé có thể nhận thức được 1 phần nguyên nhân – kết quả khi tạo ra tiếng ồn đó. Chẳng hạn như cho bé tự rung lục lạc, tạo tiếng ồn từ xoong, nồi hoặc đánh trống…

10. Kích thích thính giác của bé bằng những âm thanh yêu thích

Khi lớn hơn một chút, trẻ sẽ bắt đầu biểu hiện thích hoặc không thích những hương vị hoặc âm thanh nhất định. Ví dụ, bé có thể yêu tiếng chuông gió nhưng ghét âm thanh ồn ào, chát chúa giống như gạch đập với nhau. Mẹ hãy chú ý đến những gì mà bé thích và cho bé lắng nghe thường xuyên. Chắc chắn ngoài việc tạo cho bé niềm vui, sự thư giãn, đó còn là cách kích thích thính giác trẻ phát triển tối ưu đấy!