Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Quảng cáo và những tác động đến trẻ em

Quảng cáo đối với trẻ con giống như một phương thức giải trí đầy hấp dẫn. Chính điều đó bắt đầu đưa đến những lo lắng mới của phụ huynh, khi một số đoạn quảng cáo hiện nay quá nhạy cảm và bạo lực, đôi khi còn kèm theo những pha hành động nguy hiểm khiến trẻ bắt chước. Vậy quảng cáo tác động tích cực hay tiêu cực đến con trẻ và hướng giải quyết vấn đề này như thế nào?

Những điều tích cực đến từ quảng cáo

Trên thực tế, không thể phủ nhận quảng cáo với những hình ảnh ngộ nghĩnh, sinh động, màu sắc sặc sỡ giúp cho trí tưởng tượng, sự tư duy sáng tạo ở trẻ được hoàn thiện hơn. Thông qua quảng cáo, trẻ có thể nhận biết, khám phá thế giới xung quanh một cách dễ dàng . Đặc biệt là những đoạn quảng cáo vừa bảo đảm được hiệu quả thông tin quảng cáo, vừa hướng đến tính thẩm mỹ còn có tác dụng tốt đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ.

Chị Lan (quận 10) chia sẻ ngày nào nhóc 10 tuổi nhà chị cũng bật tivi xem quảng cáo, cả nhà cũng không để ý vì thấy con trẻ thích xem thì cứ để mặc chúng. Vậy mà hôm sinh nhật ba của bé, chị rất bất ngờ khi thấy con tặng ba một chiếc bánh ngọt sôcôla (hay được quảng cáo trên tivi) kèm theo một lời chúc dễ thương “Chúc ba sinh nhật vui vẻ”. Khỏi phải nói cũng có thể đoán được ba của bé đã vui thế nào. Sau đó, cả nhà mới biết nguyên do là bé hay xem quảng cáo, thấy bạn trong đoạn clip tặng ba chiếc bánh sinh nhật nên lén “để dành” bánh tặng ba. Nghe được chuyện của bé, cả nhà rất cảm động và tươi cười suốt ngày hôm đó. Có thể nói, đây là một trong những câu chuyện cho thấy mặt tích cực của những quảng cáo sản phẩm mang đến thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình. Hay có thể kể đến những quảng cáo chia sẻ khó khăn với các bạn nhỏ vùng cao qua những ly sữa đóng góp, giúp trẻ nhận thức được sự khó khăn của những mảnh đời trong xã hội.

Theo kết quả những công trình nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội truyền thông châu Âu (European Association of Communications Agencies – EACA), việc xem quảng cáo có tác dụng giúp trẻ phát triển đầu óc phê phán, làm cho chúng biết cân nhắc, có trách nhiệm và thận trọng trong việc tiêu tiền hơn những đứa trẻ bình thường không xem quảng cáo. Quảng cáo nếu phát triển theo chiều hướng nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục nhân cách sống cho trẻ nhỏ thì thật là đáng quý.

Tác động xấu đến từ quảng cáo

Quảng cáo và những tác động đến trẻ em
Đừng để con bạn “vô lễ” vì những quảng cáo sai lệch

Tuy nhiên, vấn đề nào cũng  có hai mặt của nó. Người phát ngôn Somerfield, thuộc nhóm điều tra tại Anh nhận xét sau khi khảo sát hơn 2000 gia đình về tầm ảnh hưởng của quảng cáo đến trẻ em. Kết quả chỉ ra rằng: “Rõ ràng, tivi có những tác động rất lớn đối với cuộc sống của trẻ em. Nếu ảnh hưởng đó đúng như nghiên cứu đưa ra về tình trạng béo phì, thái độ vòi vĩnh hay tiêu xài hoang phí từ quảng cáo mang lại thì tình hình thật đáng lo ngại”.

Có thể thấy, bên cạnh những điểm tích cực mà quảng cáo đem đến cho trẻ nhỏ thì cha mẹ cũng nên chú ý đến nội dụng quảng cáo mà bé ở nhà hay xem. Lý do là vì, ngày nay nội dung quảng cáo được trình chiếu trên truyền hình rất đa dạng và phức tạp. Đôi khi những hình ảnh nhạy cảm, ngôn từ ngắn cụt hoặc phản ứng thái quá do diễn viên đóng quảng cáo thể hiện có thể khiến trẻ bắt chước một cách vô tội vạ. Điển hình như trường hợp cách đây không lâu, trong một quảng cáo về loại dầu gội đầu X, có đoạn một hoa hậu nói trổng không với người lớn rất vô lễ. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến việc dạy con của chị Tâm (quận 10). “Cháu còn bé nên từng lời ăn tiếng nói, tôi đều chú ý uốn nắn. Khi gặp ai, nói chuyện cùng ai cũng phải chào hỏi, xưng hô lễ phép. Vậy mà cháu nói trống không, tôi nhắc nhở, cháu lại viện trên tivi, người lớn cũng nói như thế mà vẫn được khen”, chị Tâm kể.

Quảng cáo và những tác động đến trẻ em
Xem truyền hình lâu ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ

Trẻ em rất dễ bị tác động bởi các quảng cáo. Vì chúng tin vào sự đúng đắn và chính xác của các mẩu quảng cáo, nên từ đó dễ có nhiều thói quen không tốt cho sức khoẻ. Ví dụ như thói quen ăn uống “nghèo nàn” về dinh dưỡng, một nhân tố tạo nên bệnh béo phì lan tràn hiện nay. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi các quảng cáo phổ biến nhất hiện nay đang là quảng cáo bánh kẹo, sô đa, snack, thức ăn nhanh… Trẻ cũng sẽ gia tăng xu hướng cư xử hung hãn hay thờ ơ với bạo lực nếu thường xuyên chứng kiến các quảng cáo trò chơi, phim ảnh, chương trình tivi mang tính bạo lực. Một nghiên cứu gần đây còn cho thấy các chương trình quảng cáo có thể là gốc rễ xung đột giữa cha mẹ và con cái. Trẻ thường muốn mua các sản phẩm được quảng cáo và khi cha mẹ không đồng ý, xung đột xảy ra…

Lưu ý khi cho trẻ xem quảng cáo

Nhiều cha mẹ nhận thấy những mặt tiêu cực của quảng cáo rồi hạn chế, thậm chí cấm đoán trẻ xem truyền hình. Đây thực sự không phải là cách giải quyết tốt cho tình huống này vì như vậy sẽ càng làm trẻ tò mò rồi “lén lút” xem hoặc gay go hơn là bắt chước “thử” làm như trong quảng cáo. Trong những tình huống thế này, cha mẹ không nên quá gay gắt hoặc la mắng bé. Bạn nên xem truyền hình cùng con hoặc hay hơn là lên một “lịch trình” xem tivi cho cả nhà. Như vậy, bạn vừa có thể kiểm soát được nội dung quảng cáo mà con xem, vừa có thể hạn chế thời gian bé xem truyền hình quá lâu.

Một phương án khéo léo và nhẹ nhàng để giải quyết vấn đề. Những lúc này, bạn cũng nên quan sát cách con tiếp thu thông tin từ quảng cáo và hỏi con về những điều bé thích ở đoạn quảng cáo đó. Nếu thấy con có những câu hỏi tò mò hoặc nghĩ sai về thông tin quảng cáo, cha mẹ có thể nhẹ nhàng giảng giải cho bé hiều. Hạn chế những quảng cáo quá nhạy cảm bằng cách chuyển kênh khi cần.

Nếu có thể, cha mẹ nên hạn chế thời gian xem tivi của trẻ bằng những hoạt động khác trong gia đình như: cả gia đình cùng đọc sách, xem hoạt hình, chơi đồ chơi hoặc cha mẹ nhờ bé phụ làm những việc nhỏ trong nhà… Rất nhiều hoạt động khác có thể phân tán sự chú ý của bé vào quảng cáo, hơn nữa lại mang đến cho bé những khám phá mới.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng, dù vấn đề có phức tạp đến đâu thì điều quan trọng vẫn là cách cha mẹ quan tâm, chăm sóc và giáo dục con phát triển đúng hướng.

Ngọc Phạm

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

24 phép ứng xử mà trẻ cần biết

Tuy nhiên, với 24 quy tắc sử xự ‘cần biết’ sau đây, trẻ sẽ trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép.

1.Khi đòi hỏi một cái gì đó, con phải biết nói “Xin vui lòng/làm ơn”.

2.Khi nhận cái gì đó, con phải biết nói “Cảm ơn ông/bà/ba/mẹ/bạn…”.

3.Không nói chen ngang vào khi người lớn đang nói chuyện với nhau trừ phi có tình trạng khẩn cấp xảy ra.

4.Nếu cần gây sự chú ý của ai đó đi, cụm từ “xin lỗi” là cách lịch sự nhất để con bắt đầu hỏi chuyện với người đó.

5.Khi con có nghi ngờ/thắc mắc về một việc gì đó, hãy xin phép trước khi hỏi.

6.Người ta không quan tâm đến những gì con ghét. Hãy giữ kín những ý kiến tiêu cực đó trong lòng, hoặc chỉ giữa con và bạn bè, không nên để người lớn biết được.

7.Không nhận xét, bình luận, chê bai về ngoại hình của người khác. Con cần biết một lời khen tặng lúc nào cũng được chào đón.

8.Khi có người thăm hỏi con: “Con có khỏe không?” thì con phải trả lời: “Dạ, con khỏe” và rồi hỏi thăm lại họ “Cô/chú có khỏe không ạ?”

9.Khi con đến nhà bạn chơi, hãy biết cảm ơn bố mẹ của bạn ấy đã cho phép con đến chơi và cảm ơn họ đã cho con có được thời gian chơi đùa vui vẻ.

10.Biết gõ cửa khi thấy cửa đóng và chờ người bên trong cho phép rồi con mới bước vào.

11.Khi con gọi điện thoại cho ai đó, cần tự giới thiệu mình trước tiên rồi hãy xin phép được gặp người mà con cần nói chuyện.

12.Biết tỏ lòng cảm kích và nói lời cảm ơn khi nhận được món quà nào đó.

13.Không bao giờ sử dụng lời lẽ thô tục trước mặt người lớn.

14.Không được gọi ‘trỏng’ người lớn bằng tên của họ.

dạy con ngoan
Dạy con biết lễ phép khi nhận gì từ người lớn

15.Không chọc ghẹo bất kỳ ai vì một lý do nào đó. Khi trêu chọc ai đó, người ta sẽ cho rằng con là một người kém cỏi, và hùa nhau đả kích người khác là một việc làm tàn nhẫn.

16.Nếu tình cờ va phải một ai đó, phải xin lỗi họ ngay.

17.Che miệng khi ho hoặc hắt hơi, và không ngoáy mũi nơi công cộng.

18.Khi đi qua một cánh cửa, hãy để ý xem có ai đi sau mình không, nếu có thì hãy giữ cửa cho họ đi qua trước.

19.Nếu tình cờ thấy ai đó đang làm một việc gì đó, hỏi xem liệu con có thể giúp gì cho họ không. Nếu họ đồng ý thì con mới làm.

20.Khi người lớn yêu cầu con làm cho họ một việc nào đó, hãy làm với thái độ vui vẻ.

21.Khi ai đó giúp con, hãy nói “cảm ơn bạn”. Người đó có thể sẽ muốn giúp con lần nữa.

22.Biết cầm muỗng, đũa đúng cách khi lên bàn ăn.

23.Khi đi ăn, hãy trải tấm khăn ăn lên đùi; lấy khăn lau chùi miệng khi cần thiết.

24.Không với tay qua mặt ai đó để lấy thứ con cần; hãy xin phép họ chuyển/lấy dùm đồ vật ấy cho con.

MarryBABY

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy trẻ về lòng vị tha

Trẻ thơ được ví như một tờ giấy trắng mà bạn có thể viết lên đó nhiều điều. Bé sẽ có một tâm hồn trong sáng, cao đẹp hay chứa chất những ghanh ghét, thù hận… điều đó phần lớn phụ thuộc vào cách bạn giáo dục nhân cách sống cho con ngay từ tấm bé. Trong vô vàn điều bạn uốn nắn con thì dạy con về lòng vị tha là món quà giá trị giúp con có được cuộc sống hạnh phúc lâu bền.

Hiểu thêm về lòng vị tha

Người có lòng vị tha là người biết nghĩ đến người khác, nghĩ cho người khác, biết tha thứ cho những lỗi lầm của họ. Người vị tha luôn nhìn người khác bằng cái nhìn của lòng nhân từ, tình thương yêu. Họ luôn đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu và cảm nhận tình cảm vui buồn của những con người đó.

Cũng như nhiều phẩm chất tốt đẹp khác, lòng vị tha không tự nhiên có. Nó chỉ được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển khi có sự dạy dỗ. Cần một quá trình để trẻ làm quen, hành xử mới thấm nhuần những giá trị mà lòng vị tha mang lại.

Lòng vị tha là một trong những phẩm chất tốt đẹp không thể thiếu, là một phần của cuộc sống. Bởi cuộc đời ai cũng có lầm lỗi. Sự tha thứ cho những lỗi lầm của người khác và ngay cả chính mình sẽ giúp con người sống tốt đẹp hơn.

Vài mẩu chuyện về lòng vị tha ở các bé

Bé Sun đi học về, chân cà nhắc mà miệng vẫn cười líu lo khoe với mẹ: Hôm nay trên trường, bạn Ni làm rớt ghế xuống chân con. Con đau lắm nhưng bạn ấy đã xin lỗi và con đã tha thứ cho bạn ấy. Vì bạn Ni chỉ lỡ tay thôi mẹ ạ”. Thấy chân con sưng đỏ tấy, xót xa… nhưng chị Lan mỉm cười hạnh phúc vì mình đang dạy bé nên người.

Bé Phương Nhi mặc dù lớn hơn bé Thư nhà kế bên 1 tuổi nhưng luôn bị bắt nạt. Có hôm bị Thư giật đồ chơi chạy về mất tiêu. Hôm thì bị cào vào tay đến phát khóc. Phương Nhi không đánh lại mà luôn nói “Chị tha cho em đó, bé mà đành hanh ghê”. Và thế là Phương Nhi không hề giận, hôm sau vẫn chơi thân thiết cùng cô bạn Thư nhà kế bên như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Chị Liên hứa dắt con đi xem phim vào cuối tuần. Nhưng đã 2 cái cuối tuần rồi chị vẫn thất hứa bởi một số việc phát sinh. Chị cảm thấy có lỗi vô cùng và đã xin lỗi con. Tưởng bé giận, thế mà con lại cười thật tươi: “Con không buồn đâu. Dịp khác cả nhà mình cùng đi xem phim nhé mẹ. Mẹ cho con rủ cả bạn Tin đi xem cùng luôn nha”

Những lời nói, hành động dù là nhỏ nhưng rất đáng khâm phục và trân trọng đúng không các mẹ. Vậy tại sao chúng ta không bắt đầu dạy con trở thành một đứa trẻ đáng yêu, một người giàu lòng nhân ái, vị tha?

Dạy trẻ về lòng vị tha

Đừng nghĩ rằng bé nhà bạn còn quá nhỏ để học về lòng vị tha. Hoặc bạn thấy quá khó khăn và lúng túng không biết nói thế nào để con hiểu. Hãy bắt đầu từ những câu chuyện kể, những tình huống thực tế hàng ngày, rất đơn giản mà hữu hiệu đấy các mẹ ạ.

Khi con còn nhỏ, luôn mê mẩn với những câu chuyện cổ tích. Mẹ hãy kể cho bé nghe những câu chuyện nói về lòng vị tha, nhân hậu như truyện Sọ dừa, truyện Thạch Sanh… để bé có được cảm nhận ban đầu và cơ bản về lòng vị tha.

Khi con lớn hơn, mẹ hãy hướng tới những hành động thực tiễn. Chẳng hạn, bé giành đồ chơi và đánh em khóc. Bạn không nên la mắng con, hãy nhẹ nhàng nói với bé: “Con lớn hơn em thì nên nhường nhịn em, lần này mẹ và em sẽ không giận và tha thứ cho con, từ nay con không nên vậy nữa nhé”. Bằng cách này bé nhìn thấy lỗi của mình trong sự bao dung của mẹ, sự tha thứ của em.

lòng vị tha
Cha mẹ phải là tấm gương để con noi theo

Người lớn phải là tấm gương để trẻ noi theo. Nếu bố mẹ có lỗi với các bé, chúng ta hãy biết xin lỗi. Khi con sai, phải thật nghiêm khắc nhưng không nên mắng mỏ hay đánh bé. Giải thích nhẹ nhàng để bé nhận biết được mình sai và cần có lời xin lỗi cùng lời hứa không tái phạm. Như vậy, chúng ta dạy trẻ biết xin lỗi, nhận lỗi và sẽ dễ dàng tha lỗi cho người khác.

Tạo những tình huống trong cuộc sống cho con tập chấp nhận sự khác biệt của người khác, không phải ai, cái gì, lúc nào cũng theo ý mình. Để bé hiểu rằng con người vốn không ai hoàn thiện. Ai cũng có những khiếm khuyết, ai cũng có những sai lầm. Như vậy bé sẽ dễ dàng “chấp nhận”, tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân và người khác khi mắc phải.

Giúp trẻ hiểu vị tha khác với sự nhu nhược rụt đầu trốn tránh, nhường nhịn bạn yếu, bạn khuyết tật, nhưng không thỏa hiệp với những thói xấu của bạn. Chẳng hạn, bạn đưa ra một tình huống: “Có một bạn không có búp bê đẹp, không có một cái hộp bút thật xinh và thế là bạn ấy hay lấy đồ của những bạn chơi cùng làm của mình. Như thế là sai hay đúng?”. Bạn hãy xem bé có phân định rạch ròi đâu là sự cảm thông để tha thứ, đâu là điều cần phải đấu tranh để loại trừ. Dĩ nhiên, định hướng của bạn đối với bé sẽ rất cần thiết.

Nguyễn Dinh

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy trẻ biết yêu thương ông bà

Chỉ bằng những hành động đơn giản dưới đây, bạn và các con có thể tạo thêm niềm vui cho gia đình với nụ cười của “những người bạn lớn tuổi” đấy!

1. Tâm sự với con về tình yêu thương của ông bà

Trẻ con rất thích tâm sự và trò chuyện với cha mẹ về những điều trẻ cảm nhận được từ cuộc sống. Những lúc như thế, bạn nên kề cận bên con, giải thích cho bé biết những việc đúng, sai kết hợp kể cho bé nghe những câu chuyện ngày xưa của bạn đã được ông bà dạy dỗ như thế nào. Cha mẹ cũng nên thể hiện tình cảm yêu thương  ông bà trước mắt trẻ để làm gương. Hãy tâm sự với con về những đóng góp của tổ tiên với con cháu và sự vất vả của ông bà đã nuôi cha mẹ nên người để trẻ cảm dần những khó khăn vất vả từ đó lòng tri ân sẽ đến một cách tự nhiên.

dạy con biết yêu thương
Sự gần gũi với gia đình phải được xây dựng từ nhỏ 

2. Gợi ý cho con những hành động nhỏ

Những dịp gia đình sum họp đầy đủ, bạn nên chú ý đến việc để con ngồi chung và trò chuyện cùng ông bà. Sự gần gũi với gia đình phải được xây dựng từ nhỏ nếu không khi lớn lên trẻ sẽ cảm thấy xa cách khi tiếp xúc với người thân trong gia đình. Chị Nhung (quận 10) cho biết “Hằng tuần mình lại chở các con đến thăm hai bên nội ngoại, đây là dịp cháu được gần gũi và học được những giá trị to lớn của tình cảm gia đình”. Ngoài ra, bạn nên gợi ý cho trẻ những hành động nhỏ thể hiện tình cảm với ông bà như: bóp vai cho ông bà, rót nước, lấy tăm cho ông bà, quạt mát cho ông bà… Những việc làm nhỏ như thế giống như một cốc nước mát làm không khí gia đình thêm tươi vui và gắn bó.

3. Làm những món quà ý nghĩa

Vào những lúc rảnh rỗi, bạn hãy cùng trẻ làm những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa để tặng ông bà. Đó có thể là một tấm thiệp hoặc một bức tranh với những nét vẽ ngây ngô của bé kết hợp những lời chúc đáng yêu ngộ nghĩnh. Người lớn tuổi hay ôn lại kỉ niệm nên bé có thể giúp ông bà bằng cách tạo ra những bức ảnh cắt ghép từ ảnh cũ, hoặc những bức ảnh chụp chung với con cháu của ông bà. Những món quà nhỏ như thế đối với những người lớn tuổi như là một báu vật của cuộc sống vậy.

4. Dạy con biết ơn khi nhận quà

Nhiều bậc cha mẹ hay suy nghĩ trẻ con thường không biết gì, nên khi trẻ quên nói lời cảm ơn tới người thân, đặc biệt là ông bà thì cũng bỏ qua mà không uốn nắn trẻ ngay. Nhưng đó là một sai lầm bởi bạn đã đánh mất cơ hội để con có thói quen tri ân. Việc giáo dục để trẻ biết vâng lời, lễ phép và học cách thể hiện tri ân là điều vô cùng cần thiết. Dĩ nhiên việc dạy dỗ trẻ làm thể nào để tri ân không hề dễ, nhất là khi trí óc và nhận thức của trẻ lúc này như tờ giấy trắng. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa trẻ không thể tiếp thu những bài học về thái độ lễ phép từ bố mẹ. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần kiên trì, nhẹ nhàng và dạy con từng chút một. Chị Tâm (quận 1) cho biết mỗi khi qua nhà nội, bà luôn cho bé bánh kẹo hoặc đồ chơi, những lúc như thế chị đều nhắc khéo bé đại loại như: “Mỗi khi con được tặng quà thì con sẽ làm gì nhỉ?” hay “Con quên gì rồi nhỉ? Khi nhận quà phải làm gì con nhớ chưa?”. Từng hành động nhỏ được sửa đổi dần sẽ tạo nên thói quen tốt nơi trẻ.

Ông bà chính là những nguồn động viên tinh thần, là tình yêu thương vô giá đối với các bé con nhà bạn. Nếu biết cách giúp bé gần gũi và yêu thương ông bà hơn thì gia đình bạn không chỉ tràn ngập tiếng cười mà các con bạn còn được lớn lên với một tâm hồn đẹp. Giáo dục trẻ về tình yêu gia đình nên bắt đầu từ hôm nay ngay trong chính gia đình bạn.

Kim Ngọc

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy con biết yêu thương mẹ

Thực ra, bé đã có cảm tình với bạn từ những ngày mới chào đời vì lúc nào mẹ cũng ở bên cạnh, quan tâm và chăm sóc bé. Ngay từ giai đoạn sơ sinh, bé đã mỉm cười khi nhìn thấy khuôn mặt của bạn, khi bạn ôm bé vào lòng âu yếm, nâng niu bé. Mối liên kết tình cảm của bé và mẹ đã có một khởi đầu tốt đẹp. Tuy nhiên khi bé lớn hơn và bắt đầu tìm hiểu thế giới bên ngoài, bạn cần phải nỗ lực hơn để mối quan hệ này ngày càng bền chặt hơn. Dưới đây là một số lời khuyên cho các bậc phụ huynh tham khảo trong việc dạy con biết yêu thương mẹ:

Lắng nghe và giải thích
Các bậc cha mẹ thường có xu hướng áp đặt con cái theo khuôn phép của cha mẹ dù nguyên nhân  cũng chỉ vì quá yêu và lo lắng cho con Những câu nói “Con phải ăn cái này, con phải làm cái kia” mà không hề có lời giải thích cho bé hiểu vì sao phải làm như thế sẽ chỉ tạo cảm giác bị ép buộc cho trẻ mà thôi. Có khi sự áp đặt thái quá sẽ dẫn đến việc bé sợ và ngày càng tránh xa bạn.

Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng trẻ cũng có những sở thích và năng khiếu riêng của mình. Hãy quan tâm, lắng nghe, phát huy những thế mạnh của trẻ, tìm giải pháp thuyết phục phù hợp với tính cách thay vì áp đặt, bắt buộc bé phải nghe lời. Mỗi khi trẻ trò chuyện, bạn hãy thật sự chăm chú lắng nghe và trả lời những câu hỏi của con để bé cảm thấy mình quan trọng và thích chuyện trò với bạn hơn.

 day-con-biet-yeu-thuong-me
Mẹ là bờ bến an toàn, yêu thương và ấm áp của bé

Kiềm chế sự tức giận
Các bậc phụ huynh cần kiềm chế sự tức giận và tránh dùng hình phạt nặng khi bé phạm lỗi. Tuyệt đối không được đánh bé vì như vậy chỉ khiến bé cảm thấy tổn thương và có phản ứng tiêu cực phảng kháng lại việc bạn đã áp dụng quyền lực lên bé. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn từ từ khuyên nhủ và chỉ cho bé thấy hậu quả của những việc làm sai trái do bé gây ra. Nếu con bạn vẫn không nghe lời, thay vì đánh con bạn có thể sử dụng những hình phạt nhẹ nhàng thay thế khác và để bé hiểu rằng, hình phạt đó là hoàn toàn nghiêm túc. Ví dụ: Nếu bé không ngoan, bạn sẽ nói tối nay bé sẽ không được xem bộ phim hoạt hình mà bé thích. Trong trường hợp, bé ăn vạ để gây chú ý, bạn có thể vờ như không nghe, không thấy và không quan tâm đến hành động của bé.

Động viên trẻ
Lời khen là một trong những cử chỉ biểu hiện tình yêu của bạn với trẻ. Và cũng rất quan trọng khi bạn dạy con biết yêu thương ai đó. Thông qua lời khen, tán dương những hành động tốt của bé, bạn đã khích lệ và tạo cho bé những ý thức đầu tiên về tinh thần trách nhiệm. Hơn thế nữa, khen con còn là cách giúp bạn phát triển ý thức tự giác ở trẻ. Tuy khen bé là cần thiết nhưng cũng cần phải đúng lúc đúng chỗ, khi có một lý do thích đáng. Hãy để bé vui mừng, tự hào vì được mẹ khen.

Bộc lộ cảm xúc
Hãy ôm bé vào lòng và nói “Mẹ yêu con” để bé cảm nhận được tình yêu thương của bạn. Thông qua đó, bạn cũng đã âm thầm chỉ dẫn cho bé cách bộc lộ cảm xúc. Bế ẵm, nhìn âu yếm, cười, một cái ôm, hôn lên má… là những cách thể hiện và nuôi dưỡng tình yêu giữa bạn và bé. Hãy mỉm cười với bé để bé mỉm cười lại với bạn, để bé phát triển trong môi trường yêu thương, sự gần gũi, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Đó là một trong những cách tốt và đơn giản nhất để trở thành cha mẹ tốt là làm cho con cái lớn lên trong niềm tin chắc chắn rằng chúng được cha mẹ thương yêu. Hãy đảm bảo là bạn nói với con rằng bạn yêu chúng bất cứ khi nào có cơ hội.

 Dành thời gian và quan tâm đến bé
Thường thì mỗi ngày các bạn dành bao nhiêu thời gian để chơi đùa với bé? Bố mẹ cần sắp xếp cân đối thời làm việc, sinh hoạt để cùng vui đùa với các con. Đó cũng là một trong những cách tuyệt vời để con biết rằng bạn yêu chúng, bởi đơn giản, bé nhận ra rằng bạn đã dành thời gian rảnh của mình, không phải để lăn ra ngủ hoặc xem tivi, mà là chơi với chúng. Quan tâm đến bé từ những việc đơn giản như đưa đón bé đi học, hỏi bé về bạn bè trong cùng lớp, hôm nay có gì thú vị…. Hãy để con thấy, bạn quan tâm đến bé như thế nào.

Bằng tình cảm yêu thương trọn vẹn dành cho bé, “Con yêu mẹ” không phải là câu nói quá khó mà bạn nhận được từ bé yêu của mình.

Chư Kha