Categories
Gia đình Giải trí

Quét nhà ngày Tết: Nguồn gốc và những điều cần kiêng kỵ

Ngoài những tục lệ đặc trưng của ngày Tết như chúc Tết, dọn nhà, khai xuân, xông đất,… một tục lệ nữa không thể thiếu chính là quét nhà ngày Tết. Theo quan niệm dân gian, quét nhà trong những ngày Tết sẽ “quét” đi tất cả mắn và tài lộc trong năm mới. Do đó, cần kiêng quét nhà trong 3 ngày: mùng 1, mùng 2 và mùng 3. Vì sao lại như vậy? Cùng MarryBaby tìm hiểu nguồn gốc thực sự của tục lệ này nhé.

quét nhà ngày tết
Ngày Tết người Việt có rất nhiều điều kiêng cữ

Nguồn gốc tục kiêng quét nhà ngày Tết có từ đâu?

Tết cổ truyền Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Tết cổ truyền Trung Quốc. Cho nên, tục kiêng quét nhà ngày Tết có thể bắt nguồn từ nhiều điển tích, điển cố hoặc những câu chuyện cổ tích có từ xa xưa của hai quốc gia.

1. Điển tích Trung Quốc có ghi trong “Sưu thần ký”

Một điển tích ghi chép trong cuốn “Sưu thần ký” của Trung Quốc đã giải thích cụ thể cho tục lệ này như sau:

“Ngày xưa, có một lái buôn tên Âu Minh đã được vị Thủy Thần ban tặng cho một người hầu tên Như Nguyệt để về phục vụ lúc đi qua hồ Thanh Thảo. Từ ngày được ban Như Nguyệt, công việc làm ăn, kinh doanh cũng như mọi chuyện trong gia đình Âu Minh thuận lợi vô cùng, phất lên như diều gặp gió. Chẳng mấy chốc, Âu Minh giàu lên nhanh chóng.

Đến một năm nọ, đúng vào ngày đầu năm – mùng 1 Tết, Như Nguyệt không may lỡ tay làm vỡ chiếc bình quý đắt tiền của Âu Minh. Vì quá tức giận nên Âu Minh đã phạt đánh Như Nguyệt khiến cô sợ quá trốn vào đống rác ở góc nhà và không dám ra.

Một lúc sau, vì không để ý nên vợ Âu Minh đã dọn nhà và hốt luôn đống tác có Như Nguyệt đang trốn đêm đổ ra ngoài đường. Kể từ đó, Như Nguyệt biệt tăm, không ai biết cô đang ở đâu, sinh sống ra sao. Chỉ biết gia đình Âu Minh bỗng trở lên khó khăn, hoàn cảnh gia đình cũng sa sút hơn hẳn.

Người dân trong làng thấy vậy mới bảo nhau rằng Như Nguyệt chính là vị thần tài và Thủy Thần ban tặng Âu Minh. Cô ấy chính là người mang đến may mắn, tiền tài cho nhà họ Âu mà Âu Minh không biết quý trọng. Chính vì thế, dân làng đã lập một bàn thờ cho Như Nguyệt với hy vọng cô ấy sẽ mang may mắn đến cho dân làng.

Đồng thời, vào đúng ngày mùng 1 Tết, dân làng ở đây cũng tuyệt đối kiêng việc quét nhà, hốt rác. Và tục lệ này tồn tại cho đến ngày nay.”

quét nhà ngày tết
Tục kiêng quét nhà ngày Tết xuất phát từ truyền thuyết Việt Nam và Trung Quốc

2. Bắt nguồn từ “Sự tích cái chổi” của Việt Nam

Bên cạnh điển tích của Trung Quốc, dân gian Việt Nam cũng truyền miệng một câu chuyện mang tên “Sự tích cái chổi” để giải thích cho tục lệ này:

“Ngày xưa ở trên trời có một người phụ nữ rất khéo tay và nấu ăn ngon nên Ngọc Hoàng đã giao cho bà công việc trông nom bếp núc, nấu ăn ở thiên trù. Tuy vậy, người phụ nữ này lại mang tính tham lam, có tật hay ăn vụng. Và bà cũng có một mối tính với người chăn ngựa trên thiên đình.

Tình yêu khiến bà mù quáng đến độ bà nhiều lần làm liều, lấy cắp rượu thịt trong thiên trù và đem đến cho người tình. Không những thế, bà còn nhiều lần dắt lão lẻn vào kho rượu, mặc sức cho lão uống rượu thỏa thích đến khi say bí tỉ.

Một hôm nọ, khi đàn bày cỗ lên mâm để Ngọc Hoàng mở tiệc chiêu đãi quần thần thì bà bỗng nghe tiếng lão chăn ngựa từ đằng xa. Biết người tình đang tìm mình nên bà lật đật chạy ra đón và đưa lão trốn trong góc chạn.

Trong bóng tối, vì đã quen thói ăn vụng, lão thấy trên mâm có nhiều món ngon, cao lương mĩ vị khó cưỡng nên đã mở lồng bàn ra bốc lấy bốc để.

Khi những người hầu bưng mâm ngự thiện nên thì ai nấy cũng đều há hốc vì món ăn nào cũng giống như có người đã nếm trước. 

Ngọc Hoàng vừa trông thấy đã nổi cơn thịnh nộ. Tiếng quát của Ngọc Hoàng dữ dội đến độ làm cho mọi người đều sợ hãi. Người đàn bà thấy thế đã cúi đầu nhận hết tội lỗi và bị đày xuống trần gian làm cây chổi để làm việc luôn tay luôn chân không ngừng.

Về sau, khi thấy người đàn bà (đã biến thành cái chổi) làm việc liên tục không được nghỉ nơi nên Ngọc Hoàng đã thương tình ra lệnh cho nghỉ đúng 3 ngày trong năm. Đó là 3 ngày Tết Âm lịch.”

Bởi thế cho nên trong dịp Tết Nguyên đán, người dân thường không quét nhà là để cho cây chổi được nghỉ ngơi sau cả năm làm việc chăm chỉ.

Tại sao lại kiêng quét nhà ngày Tết?

Kiêng quét nhà vào ngày Tết là một trong những tục lệ lưu truyền ngàn đời nay. Từ những câu chuyện kể trên, người ta kiêng quét nhà là vì sợ sẽ quét đi tiền tài, may mắn và vận đỏ trong năm mới.

Đó là lý do vì sao chúng ta thường dọn nhà trước Tết, dù bận thế nào cũng phải xong trước đêm giao thừa để tránh phải quét nhà trong 3 ngày Tết đầu năm.

Ngoài ra, ở Nam Bộ còn có quan niệm rằng khi quét nhà sạch sẽ rồi thì nên cất chổi đi. Nếu như gia đình nào bị mất chổi trong 3 ngày Tết thì cả năm đó sẽ bị trộm vào nhà lấy hết của cải.

quét nhà ngày tết
Nên kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết để giữ được may mắn, tài lộc

Xử lý rác trong 3 ngày Tết thế nào?

Nếu không được quét nhà trong 3 ngày Tết thì nên làm gì với rác đây? Yên tâm nhé, quét nhà vẫn được nhưng đừng gốt và vứt vào thùng rác. Hãy tóm gọn vào một góc nhà và chỉ nên quét nhà vào cuối ngày. Như thế, của cải và tiền tài vừa không bị mất đi mà lại được giữ lại một nơi trong nhà.

Quét nhà ngày Tết tuy là một tục lệ có từ xa xưa nhưng đến nay vẫn chưa hề bị mai một. Hy vọng rằng, ý nghĩa việc không quét nhà vào ngày Tết sẽ trở thành hiện thực mang lại may mắn cho tất cả mọi người.

Xem thêm: