Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Nghỉ thai sản có được tính phép năm không? Chị em nên xem ngay để đảm bảo quyền lợi

Chế độ nghỉ thai sản là một trong những vấn đề chị em phụ nữ quan tâm hàng đầu. Việc tìm hiểu về chế độ nghỉ thai sản giúp chị em có thể tận dụng hết những quyền lợi mà mình được hưởng khi mang thai và sinh con. Chế độ nghỉ thai sản cho mẹ bầu như thế nào? Nghỉ thai sản có được tính phép năm không? MarryBaby sẽ thông tin đến chị em nhé.

Chế độ nghỉ thai sản

Nghỉ thai sản có được tính phép năm không
Nghỉ thai sản có được tính phép năm không?

Theo điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ sẽ được hưởng chế độ thai sản khi mang thai, sinh con, nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi, đặt vòng tránh thai hoặc thực hiện các biện pháp triệt sản. Điều kiện là người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

1. Chế độ nghỉ phép trong thời gian mang thai

  • Trong thời gian mang thai, mẹ bầu sẽ có 5 ngày phép đặc biệt để đi khám thai. Trong đó, mỗi lần khám được nghỉ tối đa 1 ngày áp dụng cho các khu vực thành phố, 2 ngày cho trường hợp ở vùng sâu vùng xa hoặc người mang thai có bệnh lý.
  • Thời gian nghỉ trên được tính theo ngày làm việc bình thường, không kể nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần.
  • Lương của người lao động trong những ngày nghỉ này sẽ do cơ quan bảo hiểm chi trả. Trường hợp chị em không sử dụng hết số ngày phép này sẽ không được hoàn tiền.

2. Chế độ nghỉ phép khi sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

Theo Điều 33 Luật BHXH, khi sảy, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì người lao động được hưởng chế độ thai sản tối đa 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần, 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

3. Chế độ thai sản khi sinh con

Nghỉ thai sản có được tính phép năm không

Theo Điều 34 Luật bảo hiểm 2014, lao động nữ khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản như sau:

  • Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con tổng cộng 6 tháng. Trường hợp sinh nhiều hơn 1 đứa thì tính từ đứa thứ hai trở đi, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng cho mỗi con.
  • Thời gian nghỉ thai sản trước khi sinh con không quá 2 tháng.
  • Sau khi sinh con, nếu không may con bị chết thì mẹ được nghỉ việc 4 tháng nếu con dưới 2 tháng tuổi và nghỉ 2 tháng nếu con trên 2 tháng tuổi.

Ngoài ra, nếu người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai thì cũng được nghỉ: 7 ngày đối với trường hợp đặt vòng, 15 ngày đối với trường hợp triệt sản. Lưu ý, số ngày nghỉ này tính luôn cả ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần.

Trong trường hợp sức khỏe của chị em không tốt hoặc bị rủi ro, tai nạn và có chỉ định nghỉ bệnh của bác sĩ thì mẹ bầu vẫn có thể nghỉ phép nhiều hơn số ngày phép quy định. Tuy nhiên, những ngày nghỉ phép vượt mức này sẽ không được tính vào phép thai sản mà được hưởng trợ cấp theo chế độ ốm đau và các chi phí khám chữa bệnh, điều trị sẽ được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định.

Chế độ nghỉ phép năm

Bên cạnh các ngày nghỉ hàng tuần, lễ, Tết theo quy định Nhà nước, người lao động làm việc đủ 12 tháng còn có chế độ nghỉ phép trong một năm như sau:

  • Người lao động làm công việc trong điều kiện bình thường sẽ có 12 ngày nghỉ phép hưởng lương.
  • Người làm công việc nặng nhọc, môi trường làm việc khắc nghiệt, độc hại, nguy hiểm đến tính mạng thì số ngày nghỉ phép năm là 14 ngày. Đây cũng là số ngày nghỉ phép năm đối với người lao động chưa thành niên hoặc người khuyết tật.
  • Người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ có 16 ngày nghỉ phép năm.

Ngoài thời gian nghỉ trên, phép năm còn được tăng dựa trên thâm niên làm việc. Người lao động làm việc đủ 5 năm thì số ngày phép hằng năm tăng lên tương ứng 1 ngày.

Nghỉ thai sản có được tính phép năm không?

Nghỉ thai sản có được tính phép năm không

Theo Điều 6 Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động 2012 về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động thì cơ sở để tính chính xác số ngày nghỉ phép năm là dựa vào thời gian làm việc của người lao động. Trong đó có nêu rõ, thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động bao gồm cả thời gian nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Như vậy đối với trường hợp lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội thì vẫn được tính là thời gian làm việc và những ngày nghỉ trong chế độ thai sản không tính là nghỉ phép năm. Lao động nữ vẫn được hưởng những ngày nghỉ phép năm theo quy định bên cạnh ngày nghỉ theo chế độ thai sản.

Sau khi nghỉ thai sản, lao động nữ có được nghỉ phép năm không?

Hiện nay vẫn chưa có quy định nào về việc có được nghỉ phép năm sau thời gian nghỉ thai sản hay không. Vì vậy, nếu sau thời gian thai sản, lao động nữ có nhu cầu nghỉ thêm và dùng số ngày nghỉ phép năm thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động và làm đơn xin nghỉ nhé.

 [inline_article id=180140]

Như vậy, nghỉ thai sản có được tính phép năm không? Câu trả lời là không bạn nhé. Thời gian nghỉ thai sản vẫn được tính là thời gian làm việc của người lao động. Chị em hãy yên tâm nghỉ ngơi trong thời gian thai sản để đảm bảo sức khỏe và tinh thần tốt nhất, chờ ngày quay trở lại với công việc.

Thu Sương