Categories
Nấu ăn ngon Gia đình

Tác dụng của mủ trôm: Mát gan, giải độc, trị táo bón

tác dụng của mủ trôm
Mủ trôm có công dụng giải khát cao

Xuất xứ của mủ trôm

Mủ trôm lấy từ vỏ thân của cây trôm. Cây trôm có nguồn gốc từ châu Phi và Ấn Độ. Có hơn 100 loại trôm khác nhau, nhưng tại Việt Nam có khoảng 25 loại. Cây trôm được trồng nhiều nhất ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Tiền Giang.

Thành phần chính của mủ trôm

Thành phần chủ yếu trong mủ trôm là gluxit, chiếm tới 64%. Gluxit là nguồn sinh năng lượng chính của cơ thể.

Chiếm hàm lượng cao không kém là chất xơ hòa tan. Ngoài ra, trong mủ trôm còn có sắt, kẽm, kali, natri canxi, magie… cùng các chất chống oxy hóa cực tốt cho cơ thể.

Tác dụng của mủ trôm

Mủ trôm ở dạng khô có màu trắng đục, nếm thấy có vị ngọt. Chỉ vài gram mủ trôm ăn vào mẹ sẽ lập tức thấy mát gan vì thực phẩm này dồi dào vi lượng và khoáng chất. Nhưng đặc tính nổi bật nhất của mủ trôm chính là trị táo bón.

Mủ trôm giàu chất xơ nên trị táo bón rất hiệu quả
Mủ trôm giàu chất xơ nên trị táo bón rất hiệu quả

Tác dụng của mủ trôm trị táo bón: Trong Đông y, mủ trôm có tác dụng mát gan, giải độc, nhuận trường vì có nhiều chất xơ, trị táo bón kinh niên hữu hiệu.

Mủ trôm khi ngâm vào nước nở ra rất nhiều. Chỉ trong 1 đêm có thể trương nở gấp 8-10 lần. Mủ trôm vào cơ thể lại tiếp tục trương nở, nó sẽ kết dính cặn bã độc hại trong ruột già, làm tăng lượng phân, tăng nhu động ruột nên có công dụng đào thải độc tố và đẩy phân ra ngoài dễ dàng.
Do đó mủ trôm rất tốt trong vấn đề nhuận trường và ngừa bệnh trĩ. Ở một số nước, mủ trôm còn được dùng để chế biến thuốc xổ.

Mủ trôm giúp điều hòa lượng đường trong máu: Nhờ công dụng ổn định huyết áp mà mủ trôm rất tốt cho người bị tiểu đường.

♦ Tác dụng của mủ trôm giúp mát gan, giải độc, giúp thanh nhiệt cơ thể, hạ sốt.

♦ Tác dụng của mủ trôm giúp vết thương mau lành và liền sẹo nhanh. Chất oxy hóa trong mủ trôm còn giúp làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa nếp nhăn, giúp da săn và không chảy sệ. Do đó chị em da dầu nhờn nhiều mụn, thường xuyên phải ra nắng thì hãy tích cực uống mủ trôm mỗi ngày nhé.

Mủ trôm còn tốt cho người ăn kiêng, người thừa cân hay tiểu đường. Hàm lượng chất xơ cao trong mủ trôm có tác dụng như cây chổi quét mỡ và đường dư thừa ra khỏi đường tiêu hóa. Tính chất trương nở của mủ trôm làm tăng cảm giác no, khiến bạn ăn ít lại.

[inline_article id=248010]

Lưu ý khi ăn mủ trôm

Mủ trôm có khả năng hút nước rất mạnh, do đó bạn phải ngâm mủ trôm cho nở hết (khoảng 1 đêm) tới mức tơi xốp thì mới ăn được.

Nếu mủ trôm chưa nở hết mà vẫn còn đóng cục, nghĩa là vẫn còn háo nước, mà bạn lại ăn vào thì nó sẽ tiếp tục hút nước rất mạnh trong đường ruột. Nếu đường ruột không đủ nước sẽ dẫn tới đóng cục, hay tắc nghẽn đường ruột.

Ai không nên ăn mủ trôm?

  • Mủ trôm tính lành, không độc, có vị ngọt, tính mát, nhưng cái gì mát quá thì hóa hàn. Do đó phụ nữ mang thai không nên ăn thực phẩm có tính mát, hàn như mủ trôm.
  • Phụ nữ đang cho con bú thì nếu sữa mẹ quá mát, quá hàn cũng không tốt cho đường tiêu hóa của trẻ sơ sinh, dễ khiến bé bị tiêu chảy. Do đó mẹ cho con bú cũng hạn chế mủ trôm nhé.
  • Người có khối u trong đường ruột hoặc bao tử thì cũng không nên ăn mủ trôm vì có khả năng gây nghẽn đường ruột.
  • Nếu bạn đang uống thuốc thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc ăn mủ trôm có tương thích với thuốc hay không.

Cách nấu mủ trôm nha đam đường phèn hạt é

Cách nấu mủ trôm nha đam đường phèn hạt é
Cách nấu mủ trôm nha đam đường phèn hạt é

Mủ trôm là món giải khát phổ biến ở các tỉnh Nam bộ do tính chất mát lành và có công dụng giải thiệt. Mủ trôm khi trương nở có màu trắng tinh khiết, không mùi, không vị nên rất dễ ăn, dễ kết hợp với các món chè, đồ uống.

Chỉ cần ngâm vài cục mủ trôm nhỏ vào 1 bát nước lạnh, ngày hôm sau có thể đem đi chế biến rất nhiều món thanh nhiệt, chẳng hạn như món ”mủ trôm nha đam đường phèn hạt é” dưới đây:

Nguyên liệu

  • Từ 20-25g mủ trôm ngâm với 1 lít nước qua đêm (ngâm từ chiều tới sáng hôm sau thì mủ trôm nở ra hết)
  • 10g hạt é
  • 50-100g rong biển trắng
  • 1 nhánh nha đam
  • Đường phèn

Cách làm:

  • Ngâm hạt é với 200ml nước lọc.
  • Rong biển rửa sạch nhiều lần với nước cho ra hết muối để rong biển không bị mặn. Sau đó đổ nước sôi vào rong biển, trần qua từ 30-50 giây rồi vớt ra để ráo.
  • Nha đam gọt vỏ lấy gel, rửa nhiều lần với nước cho hết nhớt, rồi đem xắt hạt lựu và cho vào ngâm trong tô nước muối loãng.
  • Bạn bắc nồi lên bếp, đổ vào 1,5 lít nước. Cho đường phèn vào nồi nước rồi bật bếp đun. Lượng đường phèn tùy theo khẩu vị của bạn (chừng 300g để không ngọt gắt). Khuấy đều, thêm 1 nhúm muối cho nước thanh hơn. Đường phèn tan hết thì bạn tắt bếp.
  • Ngay sau khi tắt bếp thì bạn cho nha đam vào để nha đam vừa chín tới, không bị mềm và giữ được độ giòn.
  • Khi nước đường nha đam đã thật nguội, bạn lần lượt đổ nước hột é, rong biển và múc mủ trôm vào.

tác dụng của mủ trôm

Như vậy là bạn đã có một nồi mủ trôm nha đam đường phèn cực kì mát, thích hợp cho những ngày nóng nực. Bạn bảo quản nồi nước trong tủ lạnh mà dùng đến đâu thì múc đến đó nhé.

Nếu không có thời gian làm một nồi mủ trôm nha đam, thì bạn có thể mua mủ trôm dạng gói và pha lấy nước uống. Bạn pha 15g mủ trôm với 150-200ml nước sôi để nguội. Chờ 15 phút cho đến khi mủ trôm nở trương ra hết thì hãy uống. Trẻ 2 tuổi là có thể uống mủ trôm được rồi. Bạn có thể cho bé uống một lượng nhỏ mỗi ngày để trị táo bón nhé.

Hy vọng các thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ tác dụng của mủ trôm đối với sức khỏe. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh.

Xuân Thảo