Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe tuổi dậy thì Tuổi dậy thì (10-15 tuổi)

Tại sao trẻ vị thành niên tự tử ngày càng nhiều? Chuyên gia khuyến cáo những việc ba mẹ nên làm!

Tự tử không chỉ là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam mà còn là thảm kịch mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên và vị thành niên – những mầm non tương lai của đất nước.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ tự tử ở nhóm tuổi 15-29 trên toàn cầu vào năm 2012 đứng thứ 2 sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông. Tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ người trẻ ở Hà Nội có ý định tự tử chỉ ở mức 2,3%, thấp hơn so với các nước khác trong khu vực (theo một cuộc điều tra Quốc gia SAVY (*) năm 2012). Tuy nhiên, nghiên cứu quốc gia SAVY I và II đã báo cáo tỷ lệ có ý định tự sát ở thanh thiếu niên tăng đáng kể chỉ trong 5 năm, từ 3,4% năm 2005 lên 4,1% năm 2010. Những con số này cho thấy có tự sát ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng đáng báo động. (Nghiên cứu và thống kê được ghi nhận bởi UNICEF –  Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc).

Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên và thanh niên, đồng thời nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần và các biện pháp ngăn chặn tự tử.

(*) SAVY tên gọi tắt của cụm từ tiếng Anh Survey Asessment of Vietnamese Youth – là cuộc điều tra Quốc gia về trẻ vị thành niên và thanh niên Việt Nam do Bộ Y tế, Tổng Cục thống kê, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng phối hợp tổ chức.

Một số yếu tố nguy cơ tự sát của người trẻ ở Việt Nam

Theo thống kê vào 2010 nghiên cứu trên trẻ vị thành niên ở Hà Nội cho thấy, những đối tượng có nguy cơ tự tử cao được phân loại theo các cấp độ dưới đây.

1. Giới tính

Nữ giới có nguy cơ tự tử cao hơn so với nam giới ở trẻ vị thành niên
Nữ giới có nguy cơ tự tử cao hơn so với nam giới ở trẻ vị thành niên

Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy rằng nữ giới có ý tưởng tự sát nhiều gấp đôi so với nam giới.

[key-takeaways title=””]

Nữ giới thường suy nghĩ đến tự tử là vì họ nhạy cảm hơn với các vấn đề tình cảm như chia tay bạn trai, bị trêu chọc tại trường học hay mâu thuẫn với ba mẹ nên dễ bị tổn thương. Trong khi nam giới thường kiên định và bình tĩnh hơn khi giải quyết vấn đề.

[/key-takeaways]

Ngoài ra, các nghiên cứu về tự sát cũng đã chỉ ra rằng phần lớn trẻ em và thanh thiếu niên có ý định tự tử đều mắc ít nhất một rối loạn tâm thần đáng kể, thường gặp nhất là trầm cảm. Sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt trong độ tuổi dậy thì có thể là yếu tố tăng nguy cơ mắc trầm cảm ở trẻ gái.

Tuy nhiên, các em trai cũng chịu những áp lực không nhỏ từ kỳ vọng của gia đình và xã hội, đó là  phải trở thành trụ cột gia đình, thành công trong sự nghiệp, mạnh mẽ về thể chất và tinh thần… Những điều này khiến trẻ cảm thấy stress, lo lắng, và có thể dẫn đến hành vi tự tử.

2. Độ tuổi

Nhóm tuổi trẻ vị thành niên (14-25) có nguy cơ tự tử cao nhất, theo số liệu thống kê
Nhóm tuổi trẻ vị thành niên (14-25) có nguy cơ tự tử cao nhất, theo số liệu thống kê

Nhóm tuổi trẻ vị thành niên từ 14-25 có nguy cơ tự tử cao nhất so với những nhóm tuổi khác, số liệu thống kê bao gồm:

  • Thanh niên trong độ tuổi 18-21 có suy nghĩ tự tử chiếm tỷ lệ 4,4%
  • Thanh niên trong độ tuổi trẻ hơn (14-17 tuổi, chiếm 4,1%)
  • 3,8% là tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi lớn hơn từ 22-25 có ý tưởng tự tử.

[key-takeaways title=””]

Người trẻ trong độ tuổi này có nguy cơ tự tử cao nhất vì những áp lực học tập, định hướng tương lai, xung đột với gia đình và bạn bè, các thay đổi nội tiết tố trong độ tuổi dậy thì khiến trẻ nhạy cảm hơn và dễ rơi vào khủng hoảng.

[/key-takeaways]

>> Xem thêm: Tâm lý tuổi dậy thì và tất tần tật điều cha mẹ cần biết

3. Nơi sinh sống

Người di cư và người sống ở thành thị có nguy cơ tự tử cao hơn:

  • Người di cư từ nông thôn lên thành phố có nguy cơ tự tử cao gấp đôi vì có thể trẻ khó hòa nhập với môi trường mới, thiếu nguồn lực hỗ trợ và có văn hóa thấp hơn do sống ở vùng sâu vùng xa.
  • Tỷ lệ thanh thiếu niên thành thị (5,4%) có ý nghĩ tự tử cao hơn so với thanh thiếu niên nông thôn (3,6%) vì trẻ dễ đối mặt với những áp lực học tập, cạnh tranh của cuộc sống, sự phát triển của xã hội…

Nguyên nhân tự sát ở trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng

Trẻ ở vị thành niên đang ở giai đoạn thay đổi tâm lý – sinh học nên rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống. Chưa kể với áp lực học tập, cuộc chạy đua thành tích, sự đòi hỏi những tiến bộ của thời đại công nghệ như hiện nay, trẻ khó tránh khỏi stress, trầm cảm.

1. Lý do cá nhân

tình cảm đổ vỡ có thể dẫn đến tự tử ở trẻ vị thành niên
Tình cảm đổ vỡ có thể dẫn đến tự tử ở trẻ vị thành niên
  • Rối loạn tâm thần: Tự sát vì trầm cảm là yếu tố nguy cơ cao nhất. Trẻ thiếu thốn tình cảm gia đình, tan vỡ trong mối quan hệ, mâu thuẫn với bạn bè, áp lực học tập, khó khăn về tài chính, sự thay đổi hormone sinh dục trong giai đoạn dậy thì,… làm tăng nguy cơ xuất hiện trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác.
  • Lạm dụng chất kích thích: Người trẻ dễ có hành vi tự sát khi lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ma túy,…do sự tác động tiêu cực của các chất này lên cảm xúc, hành vi và tư duy của người dùng.
  • Bị bạo lực, xâm hại thể chất hoặc tình dục: Trẻ bị xâm hại tình dục có thể bị tổn thương tinh thần nặng nề nếu không có người lớn bên cạnh giúp đỡ, định hướng, từ đó muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Bạo lực thể chất hoặc tình dục gây ra sang chấn tâm lý nghiêm trọng đến trẻ và tăng nguy cơ trẻ tự sát.
  • Thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề: Vì thiếu kỹ năng sống, trẻ không biết cách đối mặt với khó khăn nên dễ bị tổn thương tâm lý, chọn cách kết thúc cuộc sống bằng việc tự tử.

[key-takeaways title=””]

Từ khi mạng xã hội phát triển, những tác động tiêu cực của trào lưu, phim ảnh và công nghệ đến giới trẻ cũng là nguyên nhân gây gia tăng nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên. Ví dụ như áp lực đồng trang lứa, hiệu ứng domino khiến trẻ chạy theo các trào lưu tự hại bản thân mình. Các nội dung độc hại từ phim ảnh, mạng xã hội, trò chơi điện tử cũng khiến trẻ làm theo những hành vi tiêu cực.

[/key-takeaways]

“Trước đây, người trẻ có làn sóng bắt chước hành vi tự sát tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… Họ đọc tin tức về các nghệ sĩ tự tử và có hành vi tương tự. Một người tự tử sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều người”.

2. Nguyên nhân đến từ gia đình

Trẻ khó nói chuyện với ba mẹ, gia đình không có sự kết nối dễ dẫn đến tự tử ở trẻ vị thành niên
Trẻ khó nói chuyện với ba mẹ, gia đình không có sự kết nối dễ dẫn đến tự tử ở trẻ vị thành niên

Môi trường gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hoặc gia tăng nguy cơ tự tử ở thanh thiếu niên. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ:

  • Tiền sử tự tử trong gia đình: Theo ghi nhận từ UNICEF, trẻ có thành viên trong gia đình từng tự sát có nguy cơ suy nghĩ về cái chết cao hơn 2,41 lần.
  • Ba mẹ thiếu kinh nghiệm giáo dục con: Câu chuyện về nam sinh cấp 3 tự tử từ tầng 28 chung cư Văn Phú Victoria do áp lực học tập và sự kỳ vọng cao của ba mẹ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh thiếu kỹ năng giáo dục con cái. Việc tạo áp lực quá mức cho con có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, thậm chí là bi kịch thương tâm như trong trường hợp này.
  • Gia đình có thu nhập thấp: Trước tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Trẻ từ đó cũng bị ảnh hưởng tâm lý, nghĩ mình vô dụng, không giúp gì được gia đình.
  • Gia đình không có sự kết nối: Ba mẹ bận rộn với công việc mà thiếu đi sự quan tâm, chia sẻ với con, nhiều khi không màng đến bữa cơm gia đình hay đi du lịch cùng nhau khiến trẻ cảm thấy cô đơn, dễ rơi vào lo âu, trầm cảm khi có vấn đề xảy đến. Trẻ cũng dễ tự sát vì trầm cảm khi ba mẹ thường xuyên lục đục, mâu thuẫn, ở trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
  • Trẻ khó nói chuyện với ba mẹ: Trẻ lo lắng bị mắng mỏ, đánh đập khi chia sẻ vấn đề cá nhân như làm bài điểm thấp, mâu thuẫn với bạn bè… Trẻ cũng khó diễn đạt cảm xúc dẫn đến buồn chán khi ba mẹ thiếu sự lắng nghe, ít quan tâm hoặc không thấu hiểu. Ngoài ra, mâu thuẫn trong gia đình, đặc biệt là mâu thuẫn với ba mẹ, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tự tử ở trẻ vị thành niên.

3. Nguyên nhân học đường

Nguyên nhân học đường gây tự tử ở trẻ vị thành niên
Nguyên nhân học đường gây tự tử ở trẻ vị thành niên

Nếu không ở trong môi trường giáo dục tốt, trẻ dễ có suy nghĩ tiêu cực, sợ hãi hoặc thậm chí muốn tìm đến cái chết để giải thoát bản thân.

3.1. Nguyên nhân tự sát vì áp lực học tập

Khi xã hội ngày càng phát triển, giới trẻ phải càng cập nhật những điều mới để không thua thiệt với bạn bè đồng trang lứa. Chưa kể giáo viên chạy theo thành tích, ba mẹ ép con học giỏi vì tương lai sau này dễ khiến con cảm thấy stress, căng thẳng khi không đạt được kỳ vọng của người lớn.

Theo nghiên cứu, tỷ lệ tự tử ở học sinh trong thành thị cao hơn so với ngoại thành do nhiều yếu tố như: áp lực học tập cao hơn, môi trường sống phức tạp và cạnh tranh nhiều hơn, thiếu sự quan tâm từ gia đình,…

3.2. Bạo lực học đường/Tình yêu học đường

Bạo lực học đường là hành vi bạo lực tinh thần và thể xác, gây tổn thương tâm lý nặng nề cho nạn nhân. Trong khi đó, trẻ ở Việt Nam thường e dè chia sẻ về các vấn đề tình cảm do văn hóa, đến khi có hậu quả đáng tiếc xảy ra, ba mẹ mới vỡ lẽ thì đã quá muộn.

Ngoài ra, ở Việt Nam không có các lớp giáo dục giới tính trong trường học, việc thiếu kiến thức về tình yêu – tình dục trong học đường cũng có thể dẫn đến tác động tiêu cực khiến trẻ có suy nghĩ tự sát, đặc biệt là trẻ nữ. 

Ba mẹ nên làm gì để ngăn ngừa tự tử ở thanh thiếu niên, thanh niên?

Để ngăn ngừa tự tử ở trẻ vị thành niên, điều quan trọng là ba mẹ cần để tâm đến con cái nhiều hơn và nhận biết các dấu hiệu trẻ trầm cảm hoặc tâm lý người tự sát.

1. Dấu hiệu trẻ có suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm dẫn đến tự sát

Dấu hiệu tự tử ở trẻ vị thành niên: Buồn chán, luôn suy nghĩ đến cái chết
Dấu hiệu tự tử ở trẻ vị thành niên: Buồn chán, luôn suy nghĩ đến cái chết

Khi bạn nhận thấy một trong những dấu hiệu ở trẻ dưới đây, hãy tìm cách để đồng hành với con và dạy con cách sống tích cực, yêu thương bản thân.

Biểu hiện tâm lý:

  • Trẻ thường xuyên cảm thấy buồn bã, hay khóc, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích hàng ngày.
  • Hay lo lắng, bồn chồn, sợ hãi, cảm giác bất an có điều không ổn xảy ra.
  • Thức trắng đêm, khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu hoặc ngủ li bì, không tỉnh táo.
  • Ăn ít hoặc ăn nhiều bất thường, sụt cân hoặc tăng cân đột ngột.
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung học tập, hay quên, hay nhầm lẫn, giảm tập trung chú ý.
  • Có suy nghĩ tiêu cực, tự ti về bản thân, cảm thấy vô dụng, tội lỗi.

Biểu hiện hành vi:

  • Trẻ ít giao tiếp với bạn bè, gia đình, thích ở một mình, né tránh các hoạt động tập thể.
  • Ngày càng hung hăng, cáu kỉnh, dễ nóng giận hoặc thu mình lại, lẩn tránh mọi người.
  • Chậm chạp hoặc trì trệ hơn trước
  • Lạm dụng rượu bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy, bóng cười hoặc các chất kích thích khác
  • Tự làm hại bản thân bằng cách cắt tay, rạch da, đập đầu, tự đánh mình…
  • Có những hành vi ám chỉ như: dọn dẹp đồ đạc cá nhân, tìm kiếm phương tiện để tự tử như dây thừng, dao, lưỡi lam, thuốc ngủ…
  • Để lại những lời nhắn nhủ, lời chào vĩnh biệt với bạn bè, mọi người qua mạng xã hội, thư, nhật ký,…

2. Ba mẹ nên quan tâm con cái đúng mực

Ba mẹ cần trang bị cho mình những kỹ năng giáo dục con cái đúng mực khi thấy con có dấu hiệu trầm cảm, lo lắng.

2.1. Quan tâm, chia sẻ và lắng nghe

Ba mẹ quan tâm, chia sẻ và lắng nghe là cách giúp con thoát khỏi suy nghĩ tự tử
Ba mẹ quan tâm, chia sẻ và lắng nghe là cách giúp con thoát khỏi suy nghĩ tự tử

Các chuyên gia đều khuyến cáo ba mẹ cần dành thời gian để trò chuyện cùng con cái khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi.

[key-takeaways title=””]

Khi trẻ chớm bộc lộ ý nghĩ về tự sát, ba mẹ không nên gạt đi và nói “đừng suy nghĩ tiêu cực” cho qua chuyện. Thực tế, “đây là tín hiệu kêu cứu” mà bạn phải đặc biệt lưu tâm bởi lúc này, con rất cần sự đồng cảm… Hãy khuyến khích con chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ để kịp thời cởi bỏ những khúc mắc cho trẻ. Tuyệt đối không nên vội la mắng, nặng lời với con bởi sẽ dẫn đến hành động dại dột của con trẻ.

[/key-takeaways]

Ngoài ra, nên đưa con đến các cơ sở khám chữa bệnh Tâm thần – tâm lý để được chuyên gia đánh giá và điều trị kịp thời nếu có các rối loạn tâm thần đi kèm như trầm cảm, lo âu, loạn thần,…

>> Xem thêm: Cách dạy con gái tuổi dậy thì của người mẹ tâm lý

2.2. Giáo dục kỹ năng sống cho con

Trẻ dậy thì cần ba mẹ tôn trọng những sở thích cá nhân và những quyết định của mình hơn. Vì thế, ba mẹ cần dạy con sống tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định một số vấn đề trong cuộc sống. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giúp con phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, đối phó với stress, xây dựng lòng tự tin và bản lĩnh.

[key-takeaways title=””]

Tuy nhiên, ba mẹ cần luôn dõi theo con để kịp thời can thiệp và thay đổi những suy nghĩ lệch lạc của con.

[/key-takeaways]

2.3. Hạn chế việc đặt quá nhiều áp lực lên con

Dạy con cách sống tích cực: Hạn chế việc đặt quá nhiều áp lực lên con về học tập hay các vấn đề khác
Dạy con cách sống tích cực: Hạn chế việc đặt quá nhiều áp lực lên con về học tập hay các vấn đề khác

Ba mẹ nên biết nguyện vọng của con như thế nào, để hướng cho con đi đúng theo sở thích, niềm đam mê của con. Đừng cố áp đặt con theo mong muốn của bạn. Đặc biệt, bạn hãy động viên, đừng nên phán xét những lỗi sai và những mục tiêu mà trẻ đang hướng đến.

2.4. Khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội

Bạn hãy khuyến khích con tham gia các hoạt động thể thao, giải trí lành mạnh, hoạt động thiện nguyện hoặc câu lạc bộ kỹ năng và phát triển các mối quan hệ bạn bè tích cực. Đây là cách thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực hiệu quả, tạo cho con niềm tin vào cuộc sống và tương lai.

2.5. Không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con

Ba mẹ là những người thân yêu nhất của con, nhưng không vì thế mà bạn can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con. Thay vào đó, bạn hãy làm người bạn đồng hành của con, mang lại cho con sự tin tưởng để có thể tâm sự mỗi khi gặp khó khăn trong học tập và trong các mối quan hệ xã hội.

2.6. Cần có sự chung tay của nhà trường

Bên cạnh gia đình thì nhà trường cũng cần tạo cho trẻ môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên. Hãy chung tay hành động để đẩy lùi vấn nạn tự tử ở trẻ vị thành niên, hướng đến một cộng đồng an toàn và lành mạnh cho thế hệ tương lai!

[key-takeaways title=””]

Nếu áp dụng các cách trên mà tình hình không cải thiện trong khoảng 1 tuần, ba mẹ nên đưa con đến bác sĩ tâm thần – tâm lý để được hỗ trợ.

[/key-takeaways]

[inline_article id=224292]

Con bạn cần tình yêu thương, sự quan tâm và hỗ trợ của bạn hơn bao giờ hết. Hãy dành thời gian cho con, giúp con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và thoát khỏi suy nghĩ về tự sát nhé.