Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Tác dụng của rong biển với bà bầu, bà đẻ không phải ai cũng biết

Rong biển là loại rau kỳ diệu mà đại dương ban tặng cho con người. Chúng ta đã ăn loại rau này từ hàng nghìn năm trước nhưng không có nhiều người biết hết tác dụng của rong biển. 

tác dụng của rong biển

Marry Baby mời các mẹ tìm hiểu thêm về rong biển vì những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời mà loại rau này có thể cung cấp cho gia đình bạn. 

Rong biển sống ở đại dương, có nhiều màu sắc từ đỏ, xanh lá cây cho đến nâu và đen. Loại thực vật biển này phổ biến ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc song cũng được yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới. 

Bạn có thể dễ dàng bắt gặp rong biển ở món món hầm, cơm cuộn, súp, salad, sinh tố và thực phẩm bổ sung. Sở dĩ loại rau này ngày càng được ưa chuộng hơn là bởi độ sạch và nhiều tác dụng tuyệt vời của chúng mà trước kia con người chưa từng biết đến.

I. Tác dụng của rong biển

1. Với chức năng tuyến giáp

Tuyến giáp giải phóng hormone để giúp kiểm soát sự tăng trưởng, sản xuất năng lượng, sinh sản và sửa chữa các tế bào bị hư hại trong cơ thể. Trong hoạt động của tuyến giáp thì iốt đóng vai trò quan trọng khi giúp cơ quan này tạo ra hormone. 

Vì thế, nếu cơ thể bị thiếu iốt, bạn sẽ gặp phải tình trạng tăng cân, mệt mỏi hoặc bị bướu cổ. Khẩu phần iốt được khuyến nghị (RDI, thuộc Bộ Y tế Canada) cho một người là 150mcg mỗi ngày.

Thật tuyệt vời khi rong biển lại có khả năng hấp thụ lượng iốt lớn từ đại dương. Hàm lượng iốt nhiều hay ít tùy thuộc vào mỗi loài rong biển và vùng nước mà loại rau này sinh sống.

Dưới đây là hàm lượng iốt trung bình của ba loại rong biển khô khác nhau: 

  • 1g rong biển nori có 37 mcg (25% RDI)
  • 1g rong biển wakame có 139 mcg (93% RDI)
  • 1g rong biển kombu có 2523 mcg (1.682% RDI)

Ngoài ra, rong biển còn chứa một loại axit amin gọi là tyrosine. Axit này kết hợp với iốt để tạo ra hai loại hormone chính giúp tuyến giáp hoạt động đúng cách. 

[inline_article id=248109]

2. Tác dụng của rong biển trong việc cung cấp chất dinh dưỡng

Mỗi loại rong biển có một bộ chất dinh dưỡng độc đáo để mang đến bữa ăn đầy hương vị cho bạn. 

Cứ 7g tảo xoắn khô có thể cung cấp hàm lượng dinh dưỡng như sau: 

  • 20 calo
  • 1,7g carbs
  • 4g protein
  • 0,5g chất béo
  • 0,3g chất xơ
  • 15% RDI riboflavin
  • 11% RDI thiamin
  • 11% RDI sắt
  • 7% RDI mangan
  • 21% đồng

Bên cạnh đó, rong biển cũng chứa một lượng nhỏ vitamin A, C, E, K, cùng với folate, kẽm, natri, canxi và magiê. 

Một số loại rong biển còn rất giàu protein như tảo xoắn và chlorella. Hai loại rong này chứa tất cả các axit amin thiết yếu để cung cấp cho cơ thể bạn. 

Ngoài ra, rong biển như rong biển xanh và tím cũng chứa nguồn chất béo omega-3 và vitamin B12.

tác dụng của rong biển
Rong biển rất giàu dinh dưỡng

3. Chống oxy hóa 

Chất chống oxy hóa có thể kìm hãm hoạt động của gốc tự do để bảo vệ tế bào trong cơ thể. Điều này giúp ngăn ngừa một số bệnh nan y nguy hiểm như tim và tiểu đường. 

Rong biển rất giàu chất chống oxy hóa và nhiều loại hợp chất thực vật có lợi, bao gồm flavonoids và carotenoids. Các hợp chất này đã được chứng minh có khả năng bảo vệ tế bào trong cơ thể tránh được các tổn thương do gốc tự do gây ra. 

Ngoài ra, vì rong biển chứa nhiều loại hợp chất thực vật nên khi được phối hợp với nhau càng có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ. 

4. Tác dụng của rong biển với sức khỏe đường ruột 

Vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng với hệ tiêu hóa. Trong ruột của bạn có 2 loại vi khuẩn, một loại có lợi và một loại không có lợi. Nếu bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.

Rong biển chứa nguồn chất xơ dồi dào hàng đầu trong các loại rau, trái. Đây là nguồn thức ăn tuyệt vời cho vi khuẩn trong ruột già của bạn. 

Ngoài ra, rong biển còn chứa loại đường đặc biệt polysacarit sunfat. Loại đường này đã được chứng minh có thể làm tăng sự phát triển của vi khuẩn đường ruột tốt và axit béo chuỗi ngắn (SCFA). Axit béo chuỗi ngắn giúp nuôi dưỡng các tế bào lót trong ruột. 

5. Giảm cân 

Rong biển chứa rất nhiều chất xơ, không chứa bất kỳ calo nào. Chất xơ trong rong biển có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, từ đó ít có nhu cầu ăn. 

Nhiều người còn cho rằng rong biển có tác dụng chống béo phì. Nghiên cứu trên động vật cho thấy, fucoxanthin trong loại rau này có thể giúp giảm lượng mỡ của cơ thể. 

tác dụng của rong biển trong việc giảm cân
Rong biển giúp giảm cân

6. Tác dụng của rong biển trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch 

Bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch bao gồm cholesterol cao, huyết áp cao, hút thuốc, không hoạt động thể chất hoặc thừa cân.

Thật thú vị là rong biển làm giảm mức cholesterol trong máu, từ đó có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch. 

Ngoài ra, bệnh tim cũng có thể bắt nguồn từ quá trình đông máu. Trong khi đó, rong biển chứa carbohydrate được gọi là fucans, có thể giúp ngăn ngừa máu vón cục.

7. Phòng ngừa bệnh tiểu đường 

Bệnh tiểu đường rất phổ biến và là mối đe dọa lớn tới sức khỏe. Khi không thể cân bằng lượng đường trong máu lâu ngày, cơ thể sẽ gây ra loại bệnh này. 

Do vậy, việc kiểm soát lượng đường trong máu có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Rong biển đã được nghiên cứu ở Nhật Bản để hỗ trợ những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Các nhà khoa học Nhật Bản tiết lộ rằng fucoxanthin trong rong biển nâu có thể giúp cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, một chất khác trong rong biển có tên là alginate cũng có khả năng tương tự. 

8. Tác dụng của rong biển với bà bầu

Khi mang thai, chế độ ăn của bà bầu có nhiều sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho thai kỳ. Rong biển là một nguồn thực phẩm tốt mà bà bầu có thể tìm kiếm. Chỉ cần ăn một lượng nhỏ rong biển cũng đủ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. 

  • Axit béo omega-3 giúp thai nhi phát triển não bộ
  • Chất xơ giúp ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa và táo bón khi mang thai
  • Chất chống oxy hóa có thể giúp bà bầu đối phó với các loại bệnh khác nhau như lo lắng, trầm cảm, hen suyễn, bệnh celiac, viêm khớp
  • Vitamin C giúp hỗ trợ cơ thể bà bầu hấp thụ chất sắt, từ đó làm tăng hồng cầu trong máu để nuôi dưỡng thai nhi
  • Ngoài ra, các hợp chất khác trong rong biển còn giúp giảm nguy cơ ung thư vú và kích thích sự phát triển của các bộ phận sinh dục (tử cung, vú) để đáp ứng tốt hơn cho việc sinh nở
  • Nhiều người cho rằng rong biển còn có khả năng làm tăng nguồn sữa mẹ

Mặc dù rong biển rất giàu dinh dưỡng nhưng lại chứa nhiều kim loại độc hại. Vì thế, bà bầu chỉ nên ăn mỗi tuần một lần với liều lượng không quá nhiều để tránh nguy cơ ngộ độc và dị tật thai nhi. 

Liều lượng rong biển được khuyến nghị cho bà bầu dùng trong tuần là 220 microgam. 

tác dụng của rong biển với bà bầu
Rong biển cung cấp nhiều khoáng chất cho bà bầu

9. Tác dụng của tảo biển với da 

Rong biển giàu axit amin, vitamin và khoáng chất tự nhiên với đặc tính chống lão hóa cao. Các chất này còn có khả năng chống viêm và giúp tế bào da phục hồi nhanh hơn. Do đó, công dụng của rong biển đối với da là rất tuyệt vời mà không phải ai cũng biết. 

  • Bổ sung nước cho da: Rong biển giàu vitamin E và nước. Hai thành phần này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì làn da tươi trẻ và mềm mịn.
  • Cung cấp các axit amin: Các axit amin có đặc tính chống lão hóa, vì vậy có thể ngăn ngừa nếp nhăn trên da.
  • Chữa lành mụn trứng cá, bệnh hồng ban: Nhờ có các khoáng chất tự nhiên như omega-3, kẽm và magiê mà rong biển có thể tạo ra hàng rào bảo vệ da khỏi thời tiết khắc nghiệt. Các chất này còn giúp chữa lành tổn thương và nuôi dưỡng tế bào da.
  • Cải thiện sắc tố da: Các chất chống oxy hóa trong rong biển bao gồm vitamin B và C giúp ngăn ngừa sắc tố da phát triển.
  • Cân bằng độ pH: Nhờ có hàm lượng nước lớn mà rong biển cũng có thể giúp cân bằng độ pH cho da, từ đó làm giảm bài tiết dầu (nguyên nhân gây ra tình trạng lỗ chân lông to).
  • Loại bỏ tế bào da chết: Khi chà rong biển lên mặt có thể giúp làm sạch tế bào chết, bã nhờn và bụi bẩn. 

10. Tác dụng của rong biển với phụ nữ sau sinh

Rong biển rất giàu canxi, sắt, chất xơ và iốt. Tất cả các chất này đều cần thiết để giúp cơ thể phụ nữ phục hồi sau sinh đẻ. 

a. Bổ sung canxi

Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ bị hụt rất nhiều canxi do phải cung cấp chất này cho thai nhi. Vì thế, sau khi sinh, chị em thường gặp phải tình trạng mất xương, tiêu xương hoặc loãng xương khiến bộ khung cơ thể bị suy yếu. 

Để ngăn ngừa tình trạng này thì việc bổ sung canxi là rất cần thiết và rong biển có thể đáp ứng tốt nhu cầu canxi của người mẹ. 

b. Bổ sung sắt

Thiếu máu cũng là tình trạng phổ biến ở phụ nữ sau sinh nở. Do quá trình mang thai, cơ thể người mẹ phải dồn chất sắt để nuôi dưỡng thai nhi. Thêm nữa, lúc sinh đẻ sản phụ còn bị mất rất nhiều máu. 

Vì thế, sau khi sinh, chị em cần bổ sung chất sắt để cải thiện tình trạng thiếu máu. Rong biển có thể cung cấp một nguồn chất sắt tuyệt vời cho các bà mẹ. 

c. Chống táo bón

Do phong tục, tập quán, các bà đẻ ở châu Á thường có một chế độ ăn uống kiêng khem nghiêm ngặt. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt một số chất dinh dưỡng như chất xơ, từ đó khiến sản phụ dễ bị táo bón.

Rong biển có hàm lượng chất xơ cao có thể giúp chị em tránh được chứng bệnh này sau sinh nở.

d. Giảm cân

Cơ thể phụ nữ sẽ tăng cân nhanh chóng khi mang thai. Sau khi sinh phải mất một thời gian khoảng 1-2 năm, chị em mới lấy lại được vóc dáng. Tuy nhiên, cũng có người không thể giảm cân mặc dù con đã qua tuổi nhũ nhi. 

Như phân tích ở mục 5, rong biển có thể giúp bạn giảm cân lành mạnh.

e. Bù nước cho cơ thể

Sau sinh đẻ, cơ thể người mẹ giống như một cái ao bị hút cạn nước. Trong khi nước rất cần thiết để duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và đảm bảo sự tiết sữa.

Rong biển giàu nước có thể giúp cơ thể bà đẻ phục hồi nhanh chóng. Phụ nữ Hàn Quốc thường ăn súp rong biển để tăng tiết sữa và phục hồi sau sinh nở. 

Tuy nhiên, do chứa nhiều kim loại nặng độc hại, vì thế bạn cần ăn rong biển với liều lượng vừa phải để tránh gây ngộ độc cho bé sơ sinh nhé. 

Rong biển cung cấp khoáng chất
Rong biển rất giàu khoáng chất

II. Tác dụng phụ của rong biển

Mặc dù được coi là một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe nhưng rong biển có thể chứa một số nguy cơ tiềm ẩn khi bạn ăn quá nhiều.

Một trong số các nguy cơ thường thấy bao gồm: 

1. Dư thừa iốt 

Rong biển chứa một lượng iốt lớn và có thể gây nguy hiểm nếu bạn không biết ăn đúng cách.

2. Nguy cơ nhiễm kim loại nặng 

Rong biển có thể hấp thụ và lưu trữ một lượng lớn khoáng chất, trong số đó có cả các kim loại nặng độc hại như cadmium, thủy ngân và chì. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng hàm lượng cadmium, nhôm và chì trong 4g rong biển các loại không gây ra bất kỳ rủi ro nghiêm trọng nào cho sức khỏe. Song nếu bạn ăn loại rau này thường xuyên cũng có thể gây ra sự tích tụ nhiều chất này trong cơ thể. 

III. Cách ăn rong biển an toàn

1. Ăn rong biển hữu cơ 

Các nhà nghiên cứu cho rằng rong biển hữu cơ chứa ít kim loại nặng, vì thế rất an toàn để bổ sung thường xuyên. 

2. Học cách ăn rong biển của người Nhật

Nhiều nguồn nghiên cứu cho rằng nhờ có hàm lượng iốt cao trong cơ thể mà người Nhật Bản có sức khỏe tốt nhất thế giới. Song hàm lượng iốt này lại vượt quá mức khuyến nghị của RDI và có thể gây hại cho cơ thể. Vậy vì lý do gì mà người Nhật vẫn có được một sức khỏe tốt với hàm lượng iốt trong cơ thể cao như thế? 

Bí quyết là người dân ở đất nước này thường ăn rong biển cùng với các loại thực phẩm có thể ức chế sự hấp thu iốt của tuyến giáp như bông cải xanh, bắp cải và bok choy. 

Ngoài ra, người Nhật còn ăn rong biển ở dạng canh để giảm bớt lượng iốt nạp vào cơ thể. Việc nấu sôi 15 phút trong nước sẽ làm mất đi 90% hàm lượng iốt của loại rau này. 

tác dụng của rong biển
Người Nhật nấu rong biển thành canh để giảm hàm lượng iốt trong loại rau này.

Việc ăn rong biển ngày càng được chị em ưa chuộng hóa ra là đều có lý do liên quan đến việc sinh đẻ, sắc đẹp và sức khỏe. Với 10 tác dụng của rong biển tuyệt vời như thế này, nếu chưa từng ăn, đây chắc chắn là một sự thiệt thòi cho bạn. 

Hanako