Categories
Mang thai 3 tháng giữa

Thai 25 tuần phát triển như thế nào mẹ đã biết chưa?

Thai 25 tuần, em bé đang bắt đầu bài tập hít thở một lượng nhỏ nước ối. Tuy nhiên, cơ thể mẹ cũng mệt mỏi và di chuyển cũng nặng nề hơn. Vậy thai 25 tuần nặng bao nhiêu và mẹ cần lưu ý những gì? Bài viết này, MarryBaby sẽ chia sẻ những gì mẹ cần biết trong tuần thai thứ 25 này nhé.

Sự phát triển của thai nhi 25 tuần tuổi

1. Thai 25 tuần phát triển như thế nào?

Ở tuần thứ 25 của thai kỳ, mạng lưới các dây thần kinh trong tai của bé phát triển tốt hơn và nhạy cảm hơn. Bé có thể nghe thấy giọng nói của ba mẹ. Bé cũng có thể phản ứng với giọng nói của ba mẹ bằng cách cử động hoặc thay đổi tư thế. Và mí mắt của bé có thể mở ra trong tuần này.

Bé hít vào và thở ra một lượng nhỏ nước ối, việc này cần thiết cho sự phát triển của phổi. Những động tác này cũng chuẩn bị cho lúc bé chào đời và hít thở không khí ở bên ngoài bụng mẹ. Bé cũng nghịch ngợm và hay đá chân tay hơn. Khi nào đá là bé đang thức, còn không đá nghĩa là đang ngủ.

Tuy nhiên, nếu ba mẹ quan sát thấy trong một khoảng thời gian dài mà con không cử động. Ba mẹ có thể kiểm tra bằng cách uống một ít nước đá hoặc bật nhạc sôi động để đánh thức bé.

Các thay đổi quan trọng mẹ cần nhớ trong giai đoạn này gồm:

  • Tóc trên đầu bé ngày càng nhiều. Lanugo (lớp lông mềm, mịn bao phủ cơ thể thai nhi) đã mọc nhiều.
  • Gan của thai nhi đã tạo ra các tế bào má, xuất hiện từ tuần 11-24 của thai. Tủy xương cũng tham gia vào quá trình tạo máu của thai nhi từ tuần thứ 8-16.. Sau tuần thứ 24, tủy xương trở thành nơi sản xuất tế bào máu chính trong cơ thể bé.
  • Khứu giác hiện đang hoạt động. Con yêu bây giờ có thể ngửi thấy mùi và hương thơm trong nước ối.
  • Có bốn giai đoạn phát triển phổi của thai nhi. Tuần này, giai đoạn thứ hai (giai đoạn ống tủy) đã hoàn tất. Các nhánh của phổi, các lối đi nhỏ và các mao mạch (là những mạch máu nhỏ nhất) đã hình thành. Vẫn còn hai giai đoạn phát triển nữa cần hoàn thiện.

2. Thai 25 tuần nặng bao nhiêu và tư thế nằm của con?

Thai 25 tuần nặng bao nhiêu
Thai 25 tuần nặng bao nhiêu là điều mẹ nào cũng quan tâm

Mẹ có thắc mắc thai nhi 25 tuần nặng bao nhiêu không? Giai đoạn này, cơ thể bé tiếp tục tích mỡ. Lúc này bé nặng khoảng 0,68kg và dài 35,54cm từ đầu đến gót chân. Con yêu đạt kích cỡ như một quả dưa lưới. Nếu là bé trai, trong khoảng 2-3 ngày tinh hoàn của bé di chuyển dần vào bìu.

Vào giai đoạn này thai nhi vẫn chưa quyết định mình sẽ chuyển tư thế nào để chuẩn bị chào đời. Đầu của con yêu vẫn nằm gần ngực mẹ và hai bàn chân đang hướng xuống. Tuy nhiên, con sẽ thay đổi tư thế sớm thôi; có thể ngay vào tuần sau đó nữa đấy mẹ.

>> Mẹ có thể quan tâm: Nhau thai bám mặt sau có tốt không và những điều mẹ cần biết

Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai nhi 25 tuần tuổi

1. Sự thay đổi của mẹ

Giai đoạn này, nhiều mẹ sẽ tìm các lớp tiền sản để học cách chuẩn bị hoàn hảo cho việc sinh nở. Bên cạnh đó, mẹ vẫn tiếp tục nhịp sinh hoạt mỗi ngày: Đi làm; thể dục và nấu nướng; dọn dẹp nhà cửa… Tuy nhiên, bên cạnh tất cả những điều này, mẹ hãy nhớ ăn uống đủ và nghỉ ngơi nhiều nhé.

Khoảng thời gian này, huyết áp có thể tăng nhẹ. Mặc dù vậy, vẫn có thể thấp hơn so với trước lúc có thai. Thông thường, huyết áp giảm vào cuối giai đoạn đầu thai kỳ; và đạt mức thấp nhất ở khoảng tuần thứ 22 đến 24.

Trong giai đoạn thai 25 tuần, mẹ cần hết sức lưu ý những triệu chứng tiền sản giật. Đó là một rối loạn nghiêm trọng có biểu hiện đặc trưng là huyết áp cao và nồng độ protein cao trong nước tiểu; xuất hiện thường xuyên nhất sau 37 tuần mang thai. Nhưng cũng có thể xảy ra sớm hơn.

[inline_article id=185164]

2. Những điều mẹ cần lưu ý 

Nếu mẹ bị sưng mặt; sưng quanh mắt. Đồng thời bàn tay, bàn chân và mắt cá chân cũng sưng đột ngột quá mức hoặc tăng cân nhanh chóng; hơn 2kg trong một tuần, hãy đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Đến bệnh viện ngay nếu mẹ bị tiền sản giật nghiêm trọng hơn với các triệu chứng khác như: đau đầu nặng hoặc kéo dài; thay đổi thị lực như nhìn mờ hoặc nhìn một hóa hai; nhìn thấy các đốm sáng; nhạy cảm với ánh sáng; hoặc mất thị lực tạm thời; đau hoặc sưng dữ dội ở vùng bụng trên; hoặc nôn mửa.

Hãy chú ý đến những thay đổi về thị lực hoặc sức khỏe của mắt. Mang thai có thể ảnh hưởng tạm thời đến mắt gây mờ mắt và khô mắt. Những thay đổi về thị lực cũng có thể báo hiệu các biến chứng như tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ.

Nếu gần đây phần lưng dưới của mẹ hơi đau nhức. Đó là do sự phát triển của thai nhi làm tử cung ngày càng lớn; làm thay đổi trọng tâm cơ thể; kéo giãn và làm suy yếu cơ bụng. Điều này có thể chèn ép lên dây thần kinh cộng thêm nội tiết tố thay đổi làm nới lỏng các khớp xương và dây chằng. Thêm vào đó, trọng lượng tăng thêm khiến các cơ bắp làm việc nhiều hơn và áp lực lên các khớp xương tăng; khiến mẹ thấy tệ hơn vào cuối ngày.

Cần thả lỏng thường xuyên, không ngồi và đứng trong thời gian dài. Mẹ bầu nên nằm ngủ nghiêng với một chiếc gối đệm giữa hai chân và một chiếc gối khác đỡ vùng bụng. Có thể tắm nước ấm hoặc chườm nóng/lạnh để giảm đau. Để thư giãn và giảm đau nhức bàn chân, mẹ hãy thử ngâm chân trong một chậu đầy nước ấm với vài giọt dầu thơm.

Lời khuyên của bác sĩ để thai 25 tuần tuổi phát triển tốt

2. Thai 25 tuần nặng bao nhiêu và tư thế nằm của con?

1. Kiểm tra khả năng dung nạp glucose

Bác sĩ sẽ cho mẹ kiểm tra đường huyết kéo dài sau 1 giờ để tìm các dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ. Nếu kết quả cao, mẹ sẽ phải thực hiện bước hai của xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Đó là xét nghiệm dung nạp glucose qua đường uống trong 3 giờ (OGTT). Mẹ không được ăn từ 8 đến 14 giờ trước khi xét nghiệm hoặc trong khi xét nghiệm.

Bác sĩ sẽ lấy máu của mẹ. mẹ sẽ uống dung dịch có đường chứa 100g glucose. Sau đó, mẹ sẽ được lấy máu 3 lần trong mỗi giờ. Mẹ sẽ có 4 lần lấy máu (một lần trước và ba lần sau khi uống glucose). Nếu tất cả các kết quả đều nằm trong giới hạn thì không bị tiểu đường thai kỳ.

2. Nhiễm trùng đường tiết niệu

a. Triệu chứng

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra ở 13% phụ nữ mang thai. Các triệu chứng phổ biến khi nhiễm trùng tiểu là:

  • Nước tiểu có máu, đục hoặc có mùi hôi.
  • Cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu.
  • Sốt.
  • Vừa đi tiểu xong bạn lại muốn đi tiếp.
  • Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường.
  • Xuất hiện các cơn co thắt tử cung nhẹ.
  • Cảm giác khó chịu ở một sướn hoặc giữa lưng.
  • Khó chịu vùng chậu hoặc đau bụng dưới, thắt lưng hoặc bên dưới xương sườn ở một hoặc cả hai bên.

b. Cách phòng tránh:

  • Đi ngay khi buồn tiểu, đừng nhịn và cần đi cho hết nước tiểu.
  • Uống 2 lít nước mỗi ngày.
  • Ngồi rướn người về phía trước khi tiểu nhằm giúp làm trống bàng quang. Tránh ngồi xổm.
  • Sau khi quan hệ tình dục, cần tiểu ngay để vi khuẩn không thể xâm nhập vào niệu đạo.
  • Rửa kỹ vùng đáy chậu sau khi vệ sinh. Lau từ trước ra sau hậu môn để vi khuẩn từ hậu môn không xâm nhập vào âm đạo và đường tiểu.
  • Mặc đồ lót bằng vải cotton thoáng mát.
  • Rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh

[inline_article id=275903]

Bí quyết cho mẹ bầu 

1. Dưỡng ẩm cho làn da khi thai 25 tuần.

Bụng bầu 25 tuần to lên và bầu ngực đang phát triển khiến mẹ cảm thấy da căng và ngứa. Việc dưỡng ẩm thường xuyên có thể giúp ích cho mẹ. Mẹ hãy chọn loại kem thoa bụng giàu dưỡng chất giúp làm dịu cơn ngứa. Song mẹ cũng nên nhớ uống nhiều nước và tránh tắm nước nóng hoặc xà phòng mạnh vì có thể làm da khô hơn.

2. Thảo luận về một số vấn đề cá nhân.

Mẹ có muốn con trai của mình được cắt bao quy đầu? Có nghi thức tôn giáo nào được tiến hành sau khi con sinh ra không? Mẹ muốn ở nhà với bé toàn thời gian hay vẫn đi làm? Đây chỉ là một vài ví dụ về những quyết định lớn mà bố mẹ nên thảo luận ngay bây giờ. Ngay cả khi mẹ nghĩ rằng cả hai đồng ý với nhau; tốt nhất là chia sẻ ý kiến cởi mở để tránh những hiểu lầm và tổn thương sau này.

Hy vọng bài viết này, sẽ giúp mẹ hiểu hơn về thai 25 tuần phát triển như thế nào? Giai đoạn này, mẹ cũng nhớ những lời khuyên của bác sĩ để chăm sóc cơ thể tốt hơn chuẩn bị chào đón con yêu chào đời. Chúc mẹ và bé yêu khỏe mạnh nhé!