Vào dịp lễ Tết, mọi người trong gia đình sẽ cùng quây quần ăn những bữa cơm ngon, trò chuyện về một năm đã qua. Đây cũng là dịp mà bà con họ hàng, bạn bè, hàng xóm đến chúc Tết, thăm hỏi và có thể dùng bữa cùng gia chủ để chia sẻ không khí hân hoan. Mẹ đã bỏ túi vài món tủ nào để trổ tài trong dịp này chưa? Cùng tham khảo thực đơn ngày Tết dưới đây để mâm cơm gia đình thêm trọn vẹn và ngất ngây, mẹ nhé.
Thực đơn ngày Tết – mùng 1
Mâm cơm cho ngày mở đầu năm mới được kỳ vọng sẽ đem đến ý nghĩa đoàn viên, sung túc, nhiều tài lộc. Thực đơn cho ngày mùng 1 gồm có giò xào ngũ sắc, canh chân giò hầm măng, nộm rau muống thịt bò.
1. Giò xào ngũ sắc:
Cái tên món ăn đã nói lên nhiều sắc màu rực rỡ. Một dĩa giò xào với nhiều nguyên liệu đan xen sẽ hứa hẹn một năm tươi mới, sáng sủa.
Cần chuẩn bị
– Thịt nạc vai đã xay nhuyễn: 300 gam
– Thịt ba rọi: 200 gam
– Tai lợn: 1 cái
– Trứng gà hoặc trứng vịt: 5 – 6 quả
– Nấm mèo: 3 – 4 tai
– Cà rốt: 1 củ
– Gia vị: Đường, nước mắm, hành khô, tiêu, hành lá, hạt nêm.
– Lá chuối
Cách thực hiện
– Tai heo rửa sạch, luộc chín và thái miếng nhỏ.
– Nấm mèo ngâm nở, rửa sạch rồi cắt hoặc băm nhỏ.
– Cà rốt gọt vỏ, cắt sợi.
– Hành tím băm nhỏ.
– Trứng đập ra chén, cho hành lá, tiêu, ít hạt nêm, đánh tan rồi đem chiên trên dầu nóng.
– Trộn hỗn hợp gồm cà rốt, nấm mèo, tai heo, thịt ba rọi, thịt xay, nêm tiêu, nước mắm, muối, hạt nêm, đường và trộn đều, ướp 30 phút.
– Trải lá chuối sạch ra, cho lớp trứng chiên lên rồi múc hỗn hợp thịt cho vào. Lấy tay cuộn chặt lá chuối rồi cột dây bên ngoài để giữ cố định.
– Cho giò đã buộc kỹ vào nước sôi và luộc tầm 40 – 50 phút để giò chín, sau đó vớt ra để ráo nước.
– Giò xào ngũ sắc có thể ăn ngay hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Lưu ý: Mẹ nên làm món giò xào này vào những ngày giáp Tết để đến ngày mùng 1, mẹ chỉ việc lấy giò ra, cắt dây và lột bỏ lớp lá chuối là có thể thưởng thức.
[key-takeaways title=”Minigame “Ăn Tết đậm đà – Nhận lì xì khủng””]
- Thời gian: Từ ngày 03.01.2023 đến hết ngày 16.01.2023
- Phần thưởng: Lì xì lên đến 6,000,000 VND cho những ai chia sẻ món ngon ngày Tết!
- Thông tin chi tiết: https://www.marrybaby.vn/community/be-tap-di-va-mau-giao-2-5-tuoi/minigame-an-tet-dam-da-nhan-li-xi-khung/
[/key-takeaways]
2. Canh chân giò hầm măng
Cần chuẩn bị
– Chân giò: 1 kí
– Măng khô: 200 gam
– Gia vị: Mắm, muối, hạt nêm, tiêu, hành lá, dầu ăn.
Cách thực hiện
– Măng khô ngâm mềm, luộc nhiều lần với nước sôi để măng ra hết chất độc.
– Giò heo rửa sạch, trụng sơ qua nước sôi rồi đem ninh cho mềm.
– Xào sơ măng với dầu ăn và một ít hạt nêm, tiêu để măng ngấm gia vị.
– Khi giò hơi mềm, cho măng đã xào vào ninh chung cho tới khi giò và măng đều chín.
– Nêm nếm gia vị vừa ăn, rắc hành lá và để nguội, thưởng thức.
3. Nộm rau muống thịt bò
Ông bà xưa quan niệm, ăn rau muống trong ngày đầu năm để muốn gì được nấy. Mẹ còn chờ gì nữa mà không bắt tay vào làm ngay món ăn ngon miệng này.
Cần chuẩn bị
– Cọng rau muống đã chẻ: 1 bó
– Thịt bò mềm thái mỏng: 400 gam.
– Gia vị: mắm, muối, đường, chanh, tỏi, ớt, lạc rang
Cách thực hiện
– Rau muống rửa sạch, để ráo.
– Thịt bò ướp cùng tỏi băm, chút muối, chút tiêu.
– Xào thịt bò trên lửa lớn, đến khi thịt săn lại thì tắt bếp.
– Pha nước trộn gỏi gồm: 2 muỗng mắm, 2 muỗng nước lọc, 1 muỗng đường, nửa quả chanh, tỏi ớt băm nhỏ rồi khuấy đều.
– Cho thịt bò vào trộn với rau muống, tiếp tục rưới phần mắm gỏi vào và trộn đều.
– Cuối cùng, rắc lạc rang để món gỏi dậy mùi thơm.
Thực đơn ngày Tết – mùng 2
Nhiều người kiêng đi chúc Tết, xông nhà vào ngày đầu năm nên thường đợi đến mùng 2 mới khởi hành du xuân. Việc di chuyển nhiều cũng như tiếp đón nhiều khách dễ khiến mẹ không có thời gian để chuẩn bị nhiều món ăn cầu kỳ.
Thực đơn ngày Tết đơn giản, gọn nhẹ cho ngày mùng 2 dưới đây sẽ giúp mẹ nấu thật nhanh mà vẫn đủ chất và ngon miệng.
1. Bánh chưng bánh tét ăn cùng dưa hành củ kiệu
Đây gần như là món ăn truyền thống mỗi dịp Tết đến xuân về. Hầu như gia đình nào cũng chuẩn bị một hoặc vài đòn bánh chưng, bánh tét, hũ dưa hành củ kiệu để thưởng thức trong ngày Tết cổ truyền.
Món ăn này được chuẩn bị hết sức đơn giản. Bạn chỉ cần lột lớp vỏ lá chuối, sau đó dùng dao hoặc dây chỉ để cắt bánh ra những miếng vừa ăn. Món này có thể ăn trực tiếp hoặc chiên lên đều ngon. Vị ngọt ngọt chua chua của dưa hành củ kiệu sẽ là sự kết hợp hoàn hảo cho bộ đôi món ăn truyền thống này.
2. Gà luộc
Gà cũng là một trong những món ăn có mặt trong rất nhiều gia đình vào dịp Tết. Gà luộc là cách chế biến đơn giản, nhanh gọn mà vẫn đủ sức gây thương nhớ. Một dĩa gà vàng ươm, óng ánh, thơm nức, chấm cùng chén muối tiêu chanh sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho thực đơn ngày Tết của mẹ.
3. Canh rau nấu thịt
Một bát canh rau sẽ bổ sung nhiều chất xơ, vitamin, rất phù hợp trong những ngày Tết với quá nhiều món ăn “có thịt”. Mẹ có thể nấu canh với rau lang, rau muống, rau tiến vua, rau mồng tơi với chất đạm như tôm, thịt bò, thịt lợn băm, thịt viên.
Thực đơn ngày Tết – mùng 3
Mâm cơm hết Tết sẽ ưu tiên những món nhẹ nhàng, thanh đạm nhưng vẫn đảm bảo đủ chất và ngon lành.
1. Nộm chay
Cần chuẩn bị
– 1 quả khế chua
– 1 quả dưa leo
– 1 củ cà rốt nhỏ
– Mộc nhĩ, dấm, đường, muối, lạc rang được giã nhỏ
– 1 bìa đậu phụ rán vàng
– Sợi mì chay
Cách thực hiện
– Các nguyên liệu được làm sạch, thái sợi với kích thước tương đương nhau để khi trộn nhìn đẹp mắt và dễ ăn hơn.
– Pha nước trộn chay gồm 3 muỗng xì dầu, 2 muỗng đường, nửa quả chanh, tỏi ớt băm nhỏ.
– Trộn đều các nguyên liệu với nhau, sau đó rưới nước sốt vào vào tiếp tục trộn cho nộm được ngấm gia vị.
– Sau cùng, mẹ rắc lạc rang lên để hoàn thành món nộm thanh đạm.
2. Nem rán
Nem cũng là một trong những món ăn có mặt trong rất nhiều mâm cơm gia đình vào dịp Tết. Thông thường, nem sẽ được cuốn vào những ngày giáp Tết và được cấp đông để dùng trong nhiều ngày.
Khi nào ăn, mẹ chỉ cần lấy từ tủ đông ra và chiên trên chảo dầu (hoặc nồi chiên không dầu) là đã có ngay dĩa nem rán nóng hổi, vừa thổi vừa ăn.
3. Cá sốt cà chua
Nếu đã cảm thấy hơi ngán với những món ăn từ thịt, mẹ có thể đổi bữa với món ăn từ cá. Có thể kể đến các loại cá sốt cà chua ngon như cá chim, cá thu, cá chẽm, cá nục, cá khế, cá bớp.
Cách làm khá đơn giản. Trước tiên, mẹ rán cá cho chín vàng đều.
Sốt cà chua được làm như sau:
- Phi dầu với hành tỏi cho thơm rồi cho cà chua đã được xay nhuyễn vào đảo đều.
- Nêm nếm gia vị gồm hạt nêm, tiêu, nước mắm, chút nước lọc sao cho vừa miệng là được. Đun hỗn hợp cà chua với lửa liu riu để cà chua chín mềm.
- Khi thấy nước sốt bắt đầu sánh lại thì cho cá đã chiên vàng vào.
- Để nước sốt bám đều vào cá, mẹ hãy dùng muỗng rưới sốt lên bề mặt trên của cá trong quá trình nấu.
- Cuối cùng, mẹ rắc ít hành lá và tắt bếp, chờ nguội là có thể thưởng thức món cá sốt cà chua thơm ngon.
Để có thực đơn ngày Tết đa dạng, đảm bảo đủ chất, ngon miệng nhưng không mất quá nhiều thời gian, mẹ nên tận dụng những món có sẵn. Những món như bánh chưng, bánh, tét, chả giò, giò xào, nem rán nếu đã có sẵn thì khi cần, chỉ cần vài thao tác đơn giản là đã có thể thưởng thức được.
Vì vậy, mẹ hãy chuẩn bị một vài món vào những ngày giáp Tết để công việc nội trợ trong 3 ngày Tết được nhanh gọn, nhàn tênh nhé.
Dịp lễ Tết với rất nhiều hoạt động vui chơi dễ khiến các thành viên trong gia đình xao nhãng việc ăn uống, ăn qua loa hoặc bỏ bữa. Mẹ hãy bỏ túi một vài món tủ cùng một thực đơn ngày Tết phong phú, ngon miệng, nịnh mắt để mọi người không quên cơm nhà nhé.
Xem thêm: