Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 2 tuổi: Sự phát triển và cách chăm sóc bé toàn diện

Bé 2 tuổi là cụm từ chung để chỉ trẻ trong độ tuổi từ 24 đến dưới 36 tháng. Ở tuổi này, vốn từ vựng của con khá phong phú nên bé dễ dàng hơn trong việc diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Các kỹ năng về thể chất cũng dần hoàn thiện giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh theo cách thức “mạo hiểm” hơn.

Mặc dù trọng lượng cơ thể và chiều cao ở các bé 2 tuổi có thể chênh nhau một chút nhưng nhìn chung con đạt được các cột mốc quan trọng sau:

Sự phát triển của bé 2 tuổi

1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của bé 2 tuổi

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các chỉ số cân nặng, chiều cao trung bình ở trẻ 24 tháng như sau:

  • Bé gái cao 86,4cm và nặng 11,5kg.
  • Bé trai cao 87,1cm và nặng 12,2kg.

Trong giai đoạn từ 24-36 tháng, trẻ có thể tăng thêm 4kg và cao thêm khoảng 8cm. Tuy nhiên, các chỉ số tăng trưởng này chỉ mang tính tương đối và có thể dao động đôi chút ở các bé, tùy thuộc vào gen, môi trường sống, chế độ nuôi dưỡng…

2. Các mốc phát triển của bé 2 tuổi

Trẻ 2 tuổi biết làm gì? Hãy cùng điểm qua những “thành tựu” của con ở giai đoạn 2-3 tuổi nhé.

2.1 Sự phát triển về mặt thể chất của bé 2 tuổi

Bé 2 tuổi biết phối hợp vận động các nhóm cơ để làm những gì con muốn và “thử thách” khả năng của bản thân.

  • Kỹ năng vận động thô: Con có thể chạy nhảy, đá, chụp, ném bóng; lên xuống cầu thang nhờ tay vịn; đi lùi hoặc giữ thăng bằng trên 1 chân. Mẹ cũng sẽ thấy bé vừa đi vừa kéo một món đồ chơi hoặc kiễng chân để lấy thứ gì đó ngoài tầm với. Nhìn chung, bé hoàn toàn đủ khả năng kiểm soát các hoạt động cơ bản của cơ thể.
  • Kỹ năng vận động tinh: Các hành động đòi hỏi sự khéo léo như vẽ bằng bút chì, xoay vặn nắp chai, cầm thìa, xếp khối, đóng mở ngăn kéo… đã được con thực hiện thành thạo hơn.

Các mốc phát triển của bé 2 tuổi

2.2 Sự phát triển về mặt kỹ năng xã hội

Bé 2 tuổi bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến người khác; đặc biệt là bạn bè đồng trang lứa. Con hào hứng với các trò chơi tập thể, không còn thích chơi một mình như trước.

Con thích bắt chước các hành vi của người lớn và chịu ảnh hưởng nhiều bởi cách cư xử của bố mẹ, người chăm sóc trực tiếp.

Mặt khác, con có thể tự vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa mặt, rửa tay, biết ngồi bô khi có nhu cầu. Con biết cởi và mặc quần áo nhưng chưa biết cài khuy áo.

2.3 Bé 2 tuổi biết làm gì với sự phát triển cảm xúc?

Bé đã ý thức được mình là một “cá thể” độc lập. Vì vậy con trở nên cứng đầu, thậm chí ăn vạ nhằm kiểm tra ranh giới xem mình có thể làm gì và không thể làm gì. Đây là sự phát triển hoàn toàn bình thường ở trẻ và là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tuổi lên 2.

Mẹ có thể tham khảo cách xử trí khi trẻ ăn vạ tại đây.

Sự phát triển ấn tượng ở bé 2 tuổi là con biết gọi tên cảm xúc của bản thân. Vì vậy, mẹ hãy vỗ về con và hỏi lý do khi bé nói “Mẹ ơi, con buồn” nhé. Ngoài ra, bé 2 tuổi đã phát triển sở thích cá nhân và điều đó thể hiện qua những chọn lựa về món ăn, trang phục của bé.

>> Mẹ có thể tham khảo: Tâm lý trẻ 2 tuổi và điều mẹ cần biết để nuôi dạy con tốt nhất

2.4 Sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ

Trẻ 2 tuổi có vốn từ khoảng 200-400 từ. Bé có thể nói được những câu ngắn tuy trật tự câu còn lộn xộn và hiểu được nhiều hơn những gì người khác nói.

Bé 2 tuổi biết phân loại đồ vật theo màu sắc và hình dạng, phân biệt con vật theo loài (chẳng hạn chim sẻ thuộc loài chim). Tuy nhiên, mỗi trẻ sẽ phát triển theo tốc độ không như nhau. Đừng quá lo lắng nếu em bé của mẹ biết làm ít hơn những gì kể trên.

3. Các vấn đề thường gặp ở bé 2 tuổi

Làm sao biết bé 2 tuổi chậm nói?

bé 2 tuổi chậm nói

Không phải tất cả các bé ở tuổi này đều bắt đầu giao tiếp rõ ràng nhưng bé đã có thể nói tròn câu. Một vài bé 2 tuổi có thể nói được những câu ngắn với từ ngữ đơn giản đi kèm điệu bộ mà bé đã học hỏi dần từ tháng này sang tháng khác. Cũng có những bé sẽ huyên thuyên luôn miệng suốt ngày, nhưng chỉ có ba mẹ mới có thể hiểu được bé đang nói gì. Cả 2 trường hợp nói trên đều khá bình thường, đơn giản là bé đang trải qua quá trình phát triển ngôn ngữ mà thôi.

Bên cạnh đó, việc các bé 2 tuổi phát âm sai là khá phổ biến. Bé thường gặp khó khăn với các chữ cái được phát âm gần giống nhau. Có thể bé sẽ lắp bắp khi không thể nhớ chính xác từ cần nói. Những trường hợp như thế bé sẽ dần dần khắc phục theo thời gian nên mẹ không cần lo lắng.

Tuy nhiên, nếu bé có các dấu hiệu sau, mẹ cần chú ý vì điều đó cho thấy con bị chậm nói và cần được đi thăm khám:

  • Hầu như không nói gì cả.
  • Không bắt chước lời nói của người khác.
  • Bỏ qua toàn bộ các phụ âm (ơi thay vì chơi).
  • Không nói được các câu chứa từ 2-4 từ.
  • Không bao giờ đặt câu hỏi (Cái gì vậy ba/mẹ?) hoặc không tỏ vẻ thất vọng khi không được giải thích rõ ràng.

>> Mẹ có thể xem thêm: Mách mẹ mẹo dân gian giúp trẻ nhanh biết nói

Có nên cắt bao quy đầu cho trẻ?

Hơn 90 bé trai bị hẹp bao quy đầu sinh lý và thường sẽ hết khi trẻ lên 5 hoặc chậm lắm là trước tuổi dậy thì. Để biết con có bị hẹp bao quy đầu bệnh lý hay không và cách chữa trị thế nào, mẹ có thể tham khảo thêm tại đây.

Hướng dẫn chăm sóc cho bé 2 tuổi

1. Dinh dưỡng cho bé 2 tuổi

  • Tập cho bé ăn cơm: Giai đoạn này con đã mọc đủ răng nên phần lớn trẻ đã chuyển sang ăn cơm nát hoặc cơm hạt. Nếu bé còn ăn cháo thì mẹ nên nhanh chóng tập cho bé ăn cơm. Vì trẻ đã lớn mà chưa ăn được cơm hoặc thức ăn lợn cợn sẽ gặp phải một số trở ngại sau:
  • Bé lười ăn do không cảm nhận được hương vị thức ăn, trở nên biếng ăn dẫn đến suy dinh dưỡng.
  • Cơ hàm kém phát triển, trở nên hẹp, ảnh hưởng xấu đến việc mọc răng sau này.
  • Gặp khó khăn khi đi học mẫu giáo vì không thể ăn cơm hoặc nhai thức ăn như những trẻ khác.

[inline_article id=93648]

Chế độ dinh dưỡng cho bé 2 tuổi

Thực đơn cho trẻ 2-3 tuổi cần đảm bảo:

  • Gạo, bột gạo: 150-200g (tính luôn cả các bữa phụ bún, phở).
  • Đạm (tôm, thịt, cá…): 150-200g.
  • Rau xanh: 150-200g.
  • Dầu mỡ: 40g.
  • Sữa: 400-500ml.

Món ăn cho bé 2 tuổi

Gợi ý mẹ:

Dinh dưỡng cho trẻ 2 tuổi

2. Hoạt động cho bé 2 tuổi phát triển tốt

Những hoạt động sau rất cần thiết để giúp trẻ phát triển tốt về thể chất và trí não:

  • Tập cho bé vận động bằng cách xếp từng chồng giấy dưới sàn nhà và hướng dẫn bé nhảy lần lượt qua những “hòn đảo” bằng giấy”.
  • Với bé 2 tuổi, trí tưởng tượng của con rất phong phú. Ví dụ như hộp giày của bố có thể “biến” thành giường ngủ cho chú gấu bông của con. Hãy phát huy khả năng sáng tạo vô hạn của trẻ bằng các chơi trò chơi “đóng giả”. 
  • Duy trì việc đọc sách, kể chuyện cho bé nghe vào buổi tối trước khi đi ngủ. Bên cạnh kể chuyện, hãy đặt câu hỏi cho bé để con trả lời (trong câu chuyện, ai là người tốt, ai là người xấu, hành động nào là tốt, hành động nào không nên làm…). Điều này vừa giúp con phát triển kỹ năng ngôn ngữ vừa định hướng phát triển tính cách cho trẻ.
  • Dạy bé hát những bài hát cho trẻ 2-3 tuổi hoặc những bài đồng dao.

3. Cách giữ an toàn cho trẻ 2 tuổi

Trẻ hiếu động và nghịch ngợm nên mẹ phải trông chừng con sát sao là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho bé, mẹ lưu ý thêm những điều sau:

  • Không để trẻ ở gần khu vực ao hồ, sông, suối, bể chứa nước… để ngừa đuối nước. Không để các chum, vại, chậu, xô đựng nước trong nhà mà không che chắn cẩn thận.
  • Khuyến khích trẻ ngồi khi ăn và nhai kỹ thức ăn để tránh bị nghẹn.
  • Thường xuyên kiểm tra những đồ chơi vận động ngoài trời xem có bị lỏng hoặc hỏng các bộ phận không để phòng trường hợp con bị té ngã.
  • Bé cũng thích khám phá các ngăn kéo tủ nơi có thể bị kẹp ngón tay hay đụng phải các đồ vật sắc nhọn. Để tránh điều này, tốt nhất hãy lắp khóa ngăn kéo cho an toàn và an tâm mẹ nhé.
  • Không để các vật nhỏ, dễ nuốt như pin, cúc áo, hóa chất, thuốc… trong tầm tay trẻ.
  • Nhắc trẻ không cho bút chì hoặc sáp màu vào miệng khi tô màu vì vừa mất vệ sinh lại nguy hiểm nếu trẻ lỡ nuốt phải.
  • Không cầm đồ uống nóng khi đang cho bé ngồi trên đùi hay có bé bên cạnh. Những cử động đột ngột có thể làm đổ nước, khiến con bị phỏng.
  • Khi đi ô tô, đảm bảo rằng con ngồi ở ghế sau và được thắt dây an toàn đúng cách.

Một điều lưu ý nữa là mẹ cần trang bị đầy đủ các đồ dùng sơ cứu cần thiết trong nhà như băng cứu thương, thuốc sát trùng… Mẹ cũng đừng quên những câu nói vỗ về xoa dịu khi chẳng may bé bị trầy xước hay bầm tím, chúng có tác dụng như một loại thuốc giảm đau hiệu quả với bé đấy.

4. Chuẩn bị cho bé đi học mẫu giáo

Chuẩn bị cho bé đi học mẫu giáo

Chẳng bao lâu con sẽ đi học mẫu giáo. Điều mẹ cần làm bây giờ là chuẩn bị cho trẻ một số kỹ năng để con không gặp khó khăn khi hòa nhập vào môi trường mới, đặc biệt là 2 kỹ năng sau:

  • Kỹ năng tự chăm sóc bản thân như: biết tự xúc ăn, mặc quần áo, đi vệ sinh…
  • Kỹ năng giao tiếp: dạn dĩ, biết cách kết bạn, diễn đạt điều mong muốn.

Không chỉ nuôi dạy con theo các phương pháp tiến bộ nhất, việc chọn trường cho con cũng là điều vô cùng quan trọng. Vì chọn sai có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ, làm trẻ sợ đi học thì vô cùng nguy hại.

>> Mẹ có thể xem thêm: Dạy bé 2 tuổi học những gì? Cách nuôi dạy trẻ 2 tuổi thông minh

Lời khuyên của bác sĩ để bé 2 tuổi phát triển tốt

1. Lưu ý đối với bé

Trẻ ở tuổi này thường bệnh vặt do hệ miễn dịch còn non nớt cũng như trẻ chưa biết cách giữ vệ sinh, hay ngậm tay, các vật xung quanh. Sau đây là một số bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi mẹ cần tham khảo về triệu chứng và cách chăm sóc bé:

2. Cách chăm sóc bản thân dành cho mẹ

Cuộc sống có thể trở nên vô cùng bận rộn và hỗn loạn khi mẹ đang nuôi một bé 2 tuổi. Để giúp đối phó với những thách thức của giai đoạn này, mẹ cần biết cách chăm sóc bản thân.

  • Nhờ sự hỗ trợ của chồng hoặc các thành viên trong gia đình: Việc chăm sóc bé 2 tuổi sẽ tốn rất nhiều năng lượng và có thể khiến mẹ nhanh chóng mệt mỏi. Mẹ sẽ biết khi nào mình hết năng lượng. Trong những lúc như vậy, mẹ có thể liên hệ để xem chồng, hoặc thành viên gia đình hoặc người trông trẻ có thể đảm nhận việc này trong một hoặc hai giờ hay không. Hãy dành một khoảng “me-time” để làm điều gì đó chỉ dành cho mẹ sẽ giúp mẹ có cơ hội sạc lại pin.
  • Để tránh cảm giác bị cô lập, mẹ có thể kể chuyện cho bé 2 tuổi tại thư viện hoặc trung tâm cộng đồng. Hoặc mẹ có thể gặp gỡ bạn bè và con cái của họ tại sân chơi hoặc công viên; hoặc gặp gỡ những phụ huynh trong nhà trẻ nơi con học để chia sẻ những câu chuyện và mẹo nuôi dạy con.
  • Tạo ra một mối liên kết với các bậc cha mẹ hỗ trợ có nghĩa là mẹ sẽ có một người nào đó để trò chuyện trong hoàn cảnh tương tự. Điều này có thể giúp giảm bớt một số căng thẳng hoặc lo lắng mà mẹ cảm thấy khi giải quyết tất cả những thăng trầm của việc nuôi dạy bé 2 tuổi.

Để ngừa bệnh cho bé 2 tuổi, mẹ cần thường xuyên bổ sung các thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch vào thực đơn của con nhé.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Chăm sóc trẻ

Trẻ 2 tuổi hay khóc đêm, nguyên nhân và cách khắc phục

Trẻ 2 tuổi hay khóc đêm thường do nguyên nhân gì? Bên cạnh những lý do đơn giản như đầy bụng, ngạt mũi, thời tiết quá nóng hay quá lạnh, v.v. Một vài bé có thể không ngủ ngon vì các bệnh lý liên quan đến thần kinh.

Trẻ 2 tuổi quấy khóc về đêm là bình thường hay bất thường?

Trẻ 2 tuổi quấy khóc đêm là một hiện tượng rất phổ biến. Đó là một phần trong quá trình phát triển của trẻ và có thể do nhiều lý do khác nhau, bao gồm sự khó chịu, sợ hãi hoặc muốn được ba mẹ chú ý. Việc trẻ 2 tuổi khó ngủ quấy khóc về đêm sẽ không đáng lo ngại nếu như em bé không có thêm các triệu chứng bệnh hoặc đau khác. Điều này là bình thường về mặt phát triển của trẻ.

Nguyên nhân gây tình trạng trẻ 2 tuổi khóc đêm

Trẻ 2 tuổi hay khóc đêm 1
Trẻ 2 tuổi hay quấy khóc đêm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau

Có rất nhiều lý do khiến trẻ 2 tuổi hay khóc đêm; tuy nhiên những nguyên nhân hàng đầu sau cha mẹ cần lưu ý:

1. Bé bị rối loạn tiêu hóa

Trẻ nhỏ 2 tuổi rất dễ bị đầy bụng, chướng hơi, thường là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý. Nhiều phụ huynh cho con ăn quá no, ăn cơm quá sớm; hoặc ăn các thức ăn mà cơ thể trẻ chưa đủ men để tiêu hóa. Điều này khiến thức ăn chưa tiêu hóa hết ứ đọng trong lồng ruột bị vi khuẩn lên men và gây ra tình trạng đầy hơi.

Rối loạn tiêu hóa là cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé ngủ không ngon giấc và hay quấy khóc đêm.

2. Trẻ 2 tuổi bị đói sẽ hay khóc đêm

Trẻ em phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc, đặc biệt là trong 3 năm đầu đời và giai đoạn dậy thì. Chính vì thế, trẻ thường ăn rất nhiều và nhu cầu gia tăng theo thời gian.

Đặc biệt, nếu có ngày nào đó trẻ hoạt động quá mức, hôm đó trẻ cần phải được ăn nhiều hơn. Chính vì thế, trẻ 2 tuổi hay quấy khóc đêm cũng có thể là do đói bụng.

Nếu con của cha mẹ rất hay thức giấc nửa đêm và đòi ăn; rất có thể là do trẻ đói quá. Lúc này cha mẹ nên cho trẻ ăn thêm một bữa nhẹ trước khi đi ngủ; chẳng hạn như ăn sữa chua, sữa tươi hoặc bơ đậu phộng.

>> Xem thêm: Bé bú đêm nhiều phải làm sao để khắc phục?

trẻ 2 tuổi hay khóc đêm
Các vấn đề về thần kinh cũng có thể làm bé 2 tuổi hay khóc đêm

>> Xem thêm: Mách mẹ cách xử lý khủng hoảng tuổi lên 2

3. Trẻ 2 tuổi hay khóc đêm do thiếu Vitamin D

Nhiều ba mẹ thắc mắc không biết trẻ 2 tuổi hay quấy khóc đêm do thiếu chất gì? Bé 2 tuổi hay khóc đêm do thiếu một số chất như Vitamin D, Canxi, Kẽm, Sắt… Đây cũng là một nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi hay khóc đêm, ngủ không ngon giấc.

Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các bé đã được bổ sung đầy đủ vitamin D ngay từ lúc mới sinh ra; nên tỷ lệ thiếu vitamin D thường không cao. Và do đó, cha mẹ không cần quá nặng đầu với câu hỏi trẻ 2 tuổi hay khóc đêm thiếu chất gì đâu nhé.

>> Cha mẹ xem thêm: Bổ sung canxi cho trẻ đúng cách theo độ tuổi

4. Trẻ 2 tuổi quấy khóc đêm do tè dầm

Trẻ 2 tuổi chưa kiểm soát được hoàn toàn khả năng đi tiểu tiện, đó là lý do vào ban đêm trong khi ngủ trẻ bị đái dầm. Một số trẻ có thể tiếp tục ngủ như chưa có chuyện gì (nghĩ đó là mơ); một số khác thì thức giấc và khóc lóc. Điều này khá phổ biến và bình thường.

Nếu bé 2 tuổi hay khóc đêm và có dấu hiệu tè dầm; cha mẹ đừng trách phạt trẻ, hãy nhẹ nhàng lau dọn và để trẻ đi ngủ tiếp.

5. Bé 2 tuổi hay khóc đêm do mọc răng hoặc bị bệnh

Nhiều trẻ 2 tuổi mới mọc răng hàm nên sẽ khó chịu hoặc đau đớn. Nếu bé bị đau hoặc khó chịu vì mọc răng sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Ngoài ra, việc trẻ 2 tuổi đột ngột la hét hay khóc đêm trước khi đi ngủ có thể do bé bị ốm; chẳng hạn như cảm lạnh hoặc nhiễm trùng tai.

Lúc này, mẹ nên kiểm tra sức khỏe của con để xác định nguyên nhan cụ thể như: mọc răng, nghẹt mũi, sốt hoặc các vấn đề khác.

6. Trẻ 2 tuổi quấy khóc đêm vì sợ hãi

Khi được 2 tuổi, nhiều trẻ bắt đầu nhìn thế giới theo những cách mới, phức tạp hơn, dẫn đến xuất hiện những nỗi sợ mới. Khi trẻ đột nhiên ngủ không ngon; nguyên nhân có thể là chứng sợ bóng tối hoặc điều gì đó đáng sợ mà bé tưởng tượng ra.

trẻ 2 tuổi hay quấy khóc
Trẻ 2 tuổi quấy khóc đêm vì sợ hãi, lo lắng

7. Trẻ 2 tuổi quấy khóc ban đêm vì buồn bã, tức giận

Nếu như trước khi đi ngủ trẻ thấy tức giận, buồn bã, hay không hài lòng về việc nào đó, con sẽ thường quấy khóc khó ngủ. 

Trong giai đoạn này, khóc có thể là cách trẻ biểu đạt sự không hài lòng, bất mãn, hoặc sự tức giận mà không thể nói ra được. 

8. Căng thẳng thần kinh khiến trẻ 2 tuổi hay khóc đêm

Đối với trẻ nhỏ, hệ thần kinh của bé rất non nớt, dễ bị căng thẳng bởi các yếu tố bất lợi của môi trường xung quanh. Khi bé bị căng thẳng thần kinh; biểu hiện đầu tiên mà cha mẹ thường gặp nhất đó là trẻ 2 tuổi hay quấy khóc dai dẳng về đêm.

Trẻ nhỏ học hỏi từ việc tiếp nhận các yếu tố tác động từ thế giới xung quanh. Tuy nhiên, bé đôi khi gặp khó khăn trong việc tiếp nhận tất cả các kích thích từ ánh sáng, tiếng ồn cho đến sự tiếp xúc với người khác, hoặc bị người khác ẵm bồng; dẫn đến trẻ 2 tuổi hay khóc đêm.

9. Trẻ 2 tuổi hay khóc đêm vì quá mệt mỏi

Trong khi hầu hết người lớn có xu hướng gục xuống giường ngủ ngay khi đã quá mệt mỏi, trẻ em thường làm ngược lại. Khi bé đi ngủ muộn hơn, chúng thường ủ rũ vì quá mệt. Càng mệt trẻ sẽ càng quấy và khó bình tĩnh lại để dễ dàng đi vào giấc ngủ.

10. Bé bị lo âu chia ly

Trong những năm đầu đời, trẻ em thường phải trải qua những giai đoạn lo lắng về sự chia ly, nơi chúng sợ bị xa cách những người lớn đáng tin cậy và đặc biệt là cha mẹ của chúng. Sự lo lắng này có thể dẫn đến những cơn cáu kỉnh trước khi đi ngủ; và gây ra tình trạng trẻ 2 tuổi hay quấy khóc đêm.

>> Mẹ xem thêm Giai đoạn bám mẹ: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách đối phó

11. Trẻ 2 tuổi khóc đêm do giấc ngủ bị gián đoạn

Bên cạnh khủng hoảng tuổi lên 2, tình trạng khóc quấy ban đêm cũng có thể do trẻ không cảm thấy thoải mái khi đang ngủ. Những nguyên nhân có thể kể đến bao gồm: 

  • Nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh
  • Đói bụng
  • Tè dầm
  • Tiếng ồn
  • Mơ thấy ác mộng
  • Ảnh sáng phòng ngủ quá chói

>> Có thể bạn quan tâm: 8 điều mẹ nên biết về giấc ngủ của bé

Trẻ 2 tuổi hay quấy khóc về đêm phải làm sao?

Trẻ 2 tuổi hay quấy khóc về đêm phải làm sao?

Dưới đây là kinh nghiệm khi bé 2 tuổi ngủ không ngon giấc của các bà mẹ bỉm sữa; mẹ cùng tham khảo và áp dụng thử cho bé nhà mình nhé.

1. Phân biệt thời gian ngủ và chơi với trẻ 2 tuổi hay khóc đêm

Một trong những bí quyết hàng đầu giúp bé 2 tuổi ngủ ngon giấc là các mẹ hãy tạo ra cho con mình những thói quen về thời gian ngủ. 

Hãy cho bé học cách “ngày chơi, đêm ngủ” bằng việc khuyến khích bé ban ngày tham gia vào các hoạt động nói chuyện, vui chơi với mọi người để kích thích cho bé tập trung ngủ vào buổi tối.

Còn trong lúc chưa đến giờ ngủ mà bé có những dấu hiệu bé buồn ngủ như cáu kỉnh, dụi mắt, lim dim, ngáp; mẹ nên vỗ về, xoa lưng để bé thư giãn trở lại, hoặc có thể cho ngậm núm vú giả (nhưng không nên quá lệ thuộc).

Buổi đêm, nếu bé đang ngủ mà tự dưng thức dậy muốn bú sữa, cha mẹ nên nói chuyện bằng giọng dịu dàng, không bật đèn sáng để bé nhận thức và hiểu đây là giờ ngủ; không phải giờ chơi.

Như vậy sẽ tạo nên cho bé thói quen ngủ vào ban đêm sâu giấc và tập trung hơn. Đồng thời ba mẹ cũng giải tỏa nỗi lo về trẻ 2 tuổi hay khóc đêm.

>> Cha mẹ xem thêm: Tâm lý trẻ 2 tuổi và điều mẹ cần biết để nuôi dạy con tốt nhất

[inline_article id=170558]

2. Thiết lập khung giờ ngủ cố định cho bé

Bên cạnh tạo thói quen để hình thành giấc ngủ, mẹ cũng chú ý nên thiết lập một giờ ngủ cố định cho bé giúp bé biết được giờ nào thức, giờ nào ngủ. Từ đó, tránh được tình trạng trẻ 2 tuổi hay quấy khóc đêm. 

Ngoài ra, mẹ có thể kết hợp với một số việc làm như sau để bé ngủ ngon và sâu giấc hơn như:

  • Tắm, mát xa cho bé.
  • Hát ru hoặc nghe nhạc êm dịu.
  • Giảm dần các hoạt động trước giờ đi ngủ.
  • Âu yếm, thủ thỉ trò chuyện, chúc bé ngủ ngon.
  • Đọc sách, kể chuyện cho bé trước khi đến giờ ngủ.
thiết lập giờ ngủ cố định cho con
Bé 2 tuổi hay khóc đêm phải làm sao? Nếu trẻ 2 tuổi hay khóc đêm, hãy tạo thói quen ngủ nhất quán cho bé

3. Tạo không gian ngủ dễ chịu, thoải mái cho trẻ 2 tuổi hay khóc đêm

Không gian ngủ cũng là một trong những yếu tố giúp bé có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ. 

Bé 2 tuổi thường rất ngộ nghĩnh và đáng yêu, ở độ tuổi này bé đang cần sự khám phá và bắt nhịp với cuộc sống bên ngoài.

Chính vì thế, để kích thích trẻ 2 tuổi hay khóc đêm ngủ nhanh hơn; mẹ thử áp dụng những cách đơn giản sau:

  • Cho bé nghe nhạc: Âm nhạc là một cách hiệu quả giúp bé ngủ nhanh hơn. Mẹ hãy thử cho bé nghe những bản nhạc hòa tấu có giai điệu du dương, nhẹ nhàng, chắc hẳn bé sẽ ngủ dễ dàng hơn.
  • Hạn chế những yếu tố kích thích: Giảm ánh sáng, âm thanh và các hoạt động sẽ khiến bé an giấc hơn. Tuy nhiên, có thể sử dụng âm thanh đều đều, nhẹ nhàng của tạp âm trắng (tiếng quạt máy, tiếng máy điều hòa…) để bé có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
  • Môi trường xung quanh: Mẹ cần thường xuyên vệ sinh, lau chùi chỗ giường ngủ/nôi cho bé sạch sẽ, đặt ở các vị trí thoáng mát, nhiệt độ vừa phải…
  • Đặt đồ vật của bé yêu thích hoặc trang trí phòng theo sở thích từng bé.

4. Tránh thời gian sử dụng thiết bị trước khi đi ngủ

Nếu cha mẹ cho phép trẻ xem ti vi hoặc sử dụng một thiết bị như máy tính bảng; cha mẹ có thể cân nhắc không cho trẻ 2 tuổi hay quấy khóc đêm làm như vậy trong 1-2 giờ trước khi đi ngủ.

  • Tránh những kích thích mạnh trước khi ngủ. Bạn nên hạn chế cho trẻ tham gia các  hoạt động mạnh trước khi đi ngủ như chạy giỡn, xem TV, chơi game,…

>> Cha mẹ xem thêm: 13 tác hại khi cho trẻ xem tivi có thể khiến bạn bất ngờ

5. Đặt hình phạt khi trẻ 2 tuổi quấy khóc, không chịu ngủ về đêm

Giả sử tất cả các nhu cầu của chúng đều được đáp ứng; trẻ 2 tuổi hay khóc đêm sẽ tiếp tục cố gắng tìm ra những cách khác nhau để không đi ngủ và trì hoãn giờ đi ngủ; cha mẹ có thể cân nhắc việc triển khai một số “hình phạt” khi giờ đi ngủ bị vi phạm; hoặc một số kế hoạch hạn chế khác.

6. Duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ

Ba mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều, hoặc quá ít vào buổi tối. Ngoài ra, bạn cũng cần chú trọng bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết trong chế độ ăn lành mạnh của con.

Chẩn đoán và điều trị tình trạng trẻ 2 tuổi hay khóc đêm

Chẩn đoán và điều trị trẻ khóc đêm

Theo Bác sĩ Bùi Ngọc Vy, hiện đang công tác tại khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ; khá nhiều trường hợp trẻ đến khám vì rối loạn giấc ngủ, khiến các bậc phụ huynh lo lắng.

Bác sĩ Vy cho biết, sau khi sinh, giấc ngủ có tác dụng giúp cơ thể bé phục hồi sức khỏe và phát triển. Trong khi ngủ, tuyến yên trong não của trẻ em tiết ra hormone tăng trưởng.

Nếu chu kỳ thức – ngủ ở não bị rối loạn do những nguyên nhân khác nhau sẽ gây ra rối loạn về giấc ngủ. Phần lớn các trường hợp rối loạn giấc ngủ là không tìm được nguyên nhân, hay gặp nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi.

Khi đó có thể cho trẻ làm một số xét nghiệm xác định một số yếu tố vi lượng như canxi, magie, kẽm… Nếu vẫn chưa xác định được, có thể cho trẻ làm điện não đồ, siêu âm thóp…

Khi tất cả kết quả bình thường, bác sĩ có thể cho một chút thuốc để điều chỉnh lại giấc ngủ của trẻ giúp tránh tình trạng trẻ 2 tuổi hay khóc đêm. Còn nếu điện não đồ bất thường; bé có thể phải điều trị lâu dài bằng thuốc điều trị động kinh.

>> Cha mẹ có thể tham khảo: Mẹo chữa trẻ ngủ ngày thức đêm hiệu quả để mẹ và con cùng có giấc ngủ ngon

Bố mẹ KHÔNG nên làm gì khi con quấy khóc giữa đêm?

Khi con quấy khóc giữa đêm, có một số điều mà bố mẹ nên tránh làm để giúp con ngủ ngon hơn và tạo ra một môi trường ngủ tích cực. Dưới đây là những điều bố mẹ không nên làm trong tình huống này:

  • Đừng trách móc hay nổi giận. Điều này có thể làm gia tăng sự căng thẳng và lo âu của trẻ, khiến con quấy khóc dữ dội hơn. 
  • Tránh việc dỗ dành con bằng thiết bị điện tử để dỗ con nín khóc, chẳng hạn như: cho con xem TV hoặc chơi game vào lúc nửa đêm. Điều này có thể làm trẻ tỉnh giấc và khó ngủ hơn.
  • Không nên đợi quá lâu trước khi dỗ dành bé. Nhiều bậc cha mẹ thường để con tự nín khóc khi trẻ quấy vào ban đêm để giúp con tự lập hơn. Tuy nhiên, bạn không chờ quá lâu, đặc biệt khi trẻ 2 tuổi quấy khóc dữ dội vào ban đêm. Điều này có thể khiến con tổn thương, căng thẳng.

Tóm lại

Trẻ 2 tuổi hay khóc đêm nhiều có sao không? Nhìn chung, trẻ 2 tuổi khóc nhiều không quá đáng lo. Bé có thể là do đói bụng, mệt mỏi, đang mọc răng, có vấn đề về tiêu hóa, thần kinh và bệnh lý nhẹ.

Tuy nhiên nếu tình trạng trẻ 2 tuổi hay khóc đêm vẫn không thuyên giảm, còn kèm theo dấu hiệu chậm phát triển, sốt; mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ theo dõi sức khỏe của con.

Khi cho con đi khám, nên trao đổi kỹ với bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp, nhằm giúp trẻ 2 tuổi hay khóc đêm có giấc ngủ sâu. Điều này đặc biệt quan trọng vì rất có thể trẻ đang gặp vấn đề với hệ thần kinh.