Categories
Gia đình Tin tức

Chuyên gia tội phạm Bộ Công an chỉ ra nguyên nhân các vụ bạo hành trẻ em

Sau 3 ngày khẩn trương điều tra vụ bé gái Đ.N.A. (3 tuổi ở huyện Thạch Thất) bị bạo hành, chiều 20/1, Công an Hà Nội đã khởi tố, bắt giam 4 tháng đối với Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi) về tội Giết người.

Cơ quan công an tiếp tục làm rõ vai trò của Nguyễn Thị Luyến (27 tuổi, mẹ của A. và cũng là người tình của Huyên).

Trước đó, tháng 9/2021, bé gái L.H.A. (6 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã qua đời sau khi bị bố đánh đập bằng đũa gỗ, chổi và que tre. Cuối tháng 12/2021, bé gái N.T.V.A. (8 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị bạn gái của bố hành hạ tới tử vong.

Người dân nói gì về vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu? Người dân thôn Phú Đa 1, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất (Hà Nội), nơi Nguyễn Trung Huyên sinh sống, phẫn nộ trước hành vi của bị can khi đóng 9 cây đinh vào đầu bé gái 3 tuổi.

Kẻ trực tiếp bạo hành với trẻ chủ yếu là mẹ kế, chồng hờ

Sau hàng loạt vụ án mà nạn nhân là trẻ em xảy ra những ngày cận Tết khiến dư luận cả nước căm phẫn, chia sẻ với Zing, tiến sĩ – trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) nhìn nhận kẻ trực tiếp bạo hành với trẻ chủ yếu là mẹ kế, chồng hờ, nhân tình của bố, mẹ trẻ.

Theo chuyên gia, điểm chung trong đặc điểm tâm lý thủ phạm là sự thoái hóa về nhân cách, với các đặc điểm lệch lạc như: Tính ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, lối sống vị kỷ, hưởng thụ, thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc tâm lý trong giao tiếp xã hội, coi thường các chuẩn mực về đạo đức và pháp luật.

Bên cạnh đó, người liên quan trực tiếp sau hung thủ là bố hoặc mẹ của nạn nhân nhỏ tuổi. Họ cũng đồng điệu với kẻ thủ ác ở thái độ thờ ơ trước an nguy, hạnh phúc của con.

Ông Hiếu cho rằng rất có thể trong họ tồn tại suy nghĩ đứa con là một gánh nặng, việc phải nuôi các cháu như một nghĩa vụ, không có tình mẫu tử, phụ tử.

Vị chuyên gia nhìn nhận có thể trong sâu thẳm, những người liên quan trực tiếp đến thủ phạm cũng thấy đứa con như một trở ngại cho hành trình tìm duyên mới. Chưa hết, đứa bé còn nhắc họ nhớ về những buồn thảm đã qua với mảnh ghép không hoàn hảo cũ.

Qua các vụ án ở trên, ông Hiếu chỉ ra sự tương đồng về thân phận các nạn nhân: Trước khi trở thành bị hại trong các vụ án hình sự, trẻ em đều ở cảnh “lời ru chia đôi”. Họ là nạn nhân trực tiếp, đầu tiên của những cuộc hôn nhân tan vỡ.

“Khi bố hoặc mẹ đưa chúng đến ở cùng với những người ‘khác máu tanh lòng’, cuộc sống các con trở thành địa ngục nếu kẻ gá nghĩa đó là những kẻ ích kỷ, máu lạnh, nhẫn tâm”, trung tá Hiếu phân tích.

Ông cho rằng trong sâu thẳm tâm lý nội tâm, những kẻ gây án thường coi “núm ruột của bồ” là cái gai trong mắt. Vì thơ ngây và không có khả năng tự vệ, phản kháng hay thông đạt chuyện xảy ra với mình đến những người xung quanh, nên các bé phải âm thầm chịu trận, lãnh đủ sự tàn bạo, vô nhân tính của người lớn, mà không hiểu sao mình bị phạt.

[inline_article id=285873]

Xếp sau hung thủ là trách nhiệm của người thân

Ngoài chỉ ra nguyên nhân của những vụ bạo hành trẻ em, tiến sĩ Đào Trung Hiếu đánh giá các vụ án mạng mà nạn nhân là trẻ em vừa xảy ra đều dưới hình thức bạo hành gia đình.

“Trước khi bị sát hại, trẻ đã có một khoảng thời gian hứng chịu bạo lực, đòn roi, với những chấn thương để lại trên thân thể”, ông Hiếu nói và bày tỏ nỗi băn khoăn khi các vụ án xảy ra nhưng không ai biết cho đến khi những sinh mệnh thuần khiết đó lìa bỏ cuộc đời?Chuyên gia Đào Trung Hiếu cho rằng các vụ án mạng mà nạn nhân là trẻ em chủ yếu xảy ra qua bạo hành gia đình. Ảnh: Hoàng Lam.
“Có thực sự khó để không thể biết trẻ bị bạo hành hay không? Tôi nghĩ là không”, vị chuyên gia suy ngẫm.

>>> Xem thêm: Cha mẹ ly dị ảnh hưởng đến con trẻ ra sao?

Theo ông, tiếng quát tháo, đòn roi, đổ vỡ, tiếng khóc ré vọng ra từ nhà bên, sao không thể nghe thấy. Bên cạnh đó, người cha, người mẹ dù không ở cùng con, nhưng khi đến thăm, lẽ nào không nhận ra những vết bầm tím vì đòn roi?

Ông Hiếu phân tích trong các vụ án vừa xảy ra, xếp sau kẻ trực tiếp gây tội ác, về mặt trách nhiệm chính là người thân của các nạn nhân, rồi đến hàng xóm, giáo viên… Họ đã có thái độ thờ ơ, vô cảm, chỉ chăm lo cho mối quan tâm hay lợi ích của mình, không biết rằng giá như họ bao đồng hơn một chút, thì một sinh linh đã có thể được giữ lại.

Từ các vụ án đau thương xảy ra, chuyên gia tội phạm học đặt ra vấn đề xã hội hệ trọng, đó là phải làm sao để khôi phục lại truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam.

“Ông bà, cha mẹ nêu gương, con cháu thảo hiền, làm sao để gia đình Việt bền vững trước đại dịch có tên ‘ly hôn’. Chỉ khi gia đình bền vững, mới đỡ đi những cái chết tức tưởi như đang thấy”, ông Hiếu bày tỏ.

Với những vụ án đã xảy ra, vị chuyên gia cho rằng một bản án thích đáng dành cho kẻ gây án là đòi hỏi của xã hội. Theo ông, hình phạt ở mức cao nhất, về bản chất “là sự trả thù của cộng đồng” dành cho những thành viên đã mất lương tri, tính người, không thể giáo dục, cải tạo để tái hòa nhập với đời sống chung.

Hoàng Lam

Theo Zing.vn

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Các vấn đề sức khỏe trẻ em khác

Trẻ em bị bạo hành là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách bảo vệ trẻ

Vậy làm sao để nhận biết và bảo vệ những trẻ em bị bạo hành? Trong bài viết này, Marrybaby sẽ chỉ ra những dấu hiệu của một đứa trẻ bị bạo hành, cũng như là cách tìm ra nguyên nhân đằng sau đó.

Cha mẹ không nên phớt lờ và xem nhẹ. Vì tình trạng trẻ em bị bạo hành không chỉ là vấn đề của riêng mỗi gia đình; mà đây là vấn đề chung của toàn xã hội trong việc bảo vệ tính mạng và quyền lợi của trẻ em trong một quốc gia.

1. Trẻ em bị bạo hành là gì?

Trẻ em bị bạo hành (child abuse) là tình trạng không chỉ bạo lực trẻ em về thể chất, mà là bất kỳ hình thức ngược đãi nào của người lớn mang tính bạo lực hoặc đe dọa trẻ em dưới 18 tuổi.

Các hình thức bạo hành trẻ em bao gồm:

  • Bạo hành thể chất: Trẻ bị người lớn đe dọa và cố ý gây tổn thương lên cơ thể của trẻ.
  • Ngược đãi cảm xúc: Người lớn vô tình hoặc cố ý làm tổn tương lòng tự trọng của trẻ bằng lời nói; tỏ thái độ coi thường; mắng chửi; cô lập; hoặc phớt lờ sự hiện diện của con.
  • Bạo hành tình dục: Trẻ bị ép buộc thực hiện những hành động liên quan đến tình dục như đụng chạm vùng kín, tiếp xúc bộ phận sinh dục bằng miệng, ép trẻ phải xem phim khiêu dâm,…
  • Bỏ mặt trẻ: Người lớn không cung cấp cho trẻ em nơi ở, thức ăn, điều kiện học tập, hoặc thậm chí là có ý chăm sóc trẻ.

2. Dấu hiệu trẻ em bị bạo hành

Để kịp thời ngăn chặn các hành vi xấu, và bảo vệ trẻ em khỏi những tình huống bị bạo hành. Cha mẹ và người lớn theo dõi và học cách nhận biết một đứa trẻ bị bạo hành là như thế nào.

Dấu hiệu của một đứa trẻ đã hoặc đang bị bạo hành:

  • Thiếu tập trung.
  • Cố gắng bỏ chạy.
  • Nghỉ học thường xuyên.
  • Có hành vi nổi loạn, thách thức.
  • Tự làm hại bản thân hoặc cố gắng tự tử.
  • Trầm cảm, lo lắng hoặc sợ hãi bất thường hoặc đột ngột mất tự tin.
  • Trẻ đột nhiên trở nên rụt rè, xa lánh bạn bè hoặc các hoạt động thông thường.
  • Có nhiều vết thương trên cơ thể, chẳng hạn như vết bầm tím, vết cào, vết sẹo, gãy xương hoặc bỏng.
  • Trẻ có những thay đổi về hành vi chẳng hạn như hung hăng; tức giận; thù địch; hiếu động thái quá; hoặc giảm sút trong kết quả học tập ở trường.

>> Mẹ xem thêm: Hiểu các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi để trở thành cha mẹ hiểu con

3. Nguyên nhân trẻ em bị bạo hành?

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình bao gồm: Thiếu ý thức, vấn đề trong gia đình, hoặc bất bình đẵng giới.

3.1 Quan niệm dạy con “Thương cho roi cho vọt”

Là một gia đình Châu Á, ít nhiều bạn cũng thường nghe câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đây là một quan niệm về cách nuôi dạy con bằng đòn roi và chửi mắng. Và những hành vi này được nhân danh dưới dạng tình thương và sự quan tâm của cha mẹ dành cho con.

3.2 Hoàn cảnh gia đình

Trẻ em bị bạo hành có thể bắt nguồn từ các mâu thuẫn và hoàn cảnh sống của gia đình. Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…có thể khiến con cái trở thành nạn nhân của bạo hành.

Trong giai đoạn COVID-19 tại Việt Nam, tình trạng giãn cách xã hội khiến trẻ không thể đến trường đã góp phần làm tăng tỷ lệ bạo lực trong gia đình từ 30% lên 300%. Việc có đến 21 triệu trẻ em hiện phải học online tại nhà trong hơn 1 năm, cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tình trạng an toàn sức khỏe trẻ em.

>> Mẹ xem thêm: Cha mẹ ly dị ảnh hưởng đến con trẻ ra sao?

3.3 Bất bình đẳng giới

Tư tưởng trọng nam khinh nữ (Sexism) đâu đó vẫn còn tồn tại  trong nhiều gia đình người Việt. Chính vì vậy, số lượng trẻ em bị bạo hành là con gái luôn nhiều hơn các bé trai.

>> Mẹ xem thêm: Cách giáo dục giới tính cho trẻ phù hợp cho từng lứa tuổi

4. Hậu quả của tình trạng trẻ em bị bạo hành

Không phải bất kỳ đứa trẻ nào cũng có đủ khả năng vượt qua những tác động tiêu cực từ việc bị bạo hành. Chính vì vậy, những đứa trẻ không thể vượt qua sẽ thường gặp phải các vấn đề sức khỏe thể chất, hành vi, tinh thần trong nhiều năm sau đó.

  • Các vấn đề về thể chất: Học tập sa sút. Gặp các ảnh hưởng về sức khỏe như rối loạn hệ miễn dịch, bệnh phổi mãn tính, tăng nguy cơ ung thư,..
  • Vấn đề hành vi: Hành vi côn đồ hoặc bạo lực; lạm dụng người khác; rụt rè; có ý muốn tự tử hoặc tự gây thương tích; kỹ năng xã hội và quan hệ hạn chế
  • Vấn đề cảm xúc: Khó thiết lập hoặc duy trì các mối quan hệ; một quan điểm không lành mạnh về việc làm cha mẹ; không có khả năng đối phó với căng thẳng; chấp nhận rằng bạo lực là một phần bình thường của các mối quan hệ.

Bên cạnh đó, trẻ em bị bạo hành có thể bị rối loạn hành vi, nhân cách và căng thẳng sau chấn thương.

5. Cha mẹ cần làm gì khi thấy trẻ bị bạo hành?

5.1 Nhận biết các dấu hiệu

Cha mẹ có thể dựa vào các dấu hiệu về hành vi và thể chất để biết rằng con có đang bị bạo hành hay không. Đây là bước quan trọng để giúp bé thoát khỏi hành vi bạo hành trẻ em.

5.2 Nói chuyện với con

Cha mẹ cần tạo ra một môi trường mà con có cảm giác an toàn và có thể dễ dàng chia sẻ. Nói chuyện nhẹ nhàng, lắng nghe và theo dõi. Điều quan trọng là cha mẹ không được đổ lỗi hoặc trách móc con. Thay vào đó, cha mẹ nên trấn an và kiên nhẫn để tránh trường hợp con bị ảnh hưởng tâm lý.

>> Cha mẹ xem thêm: Có nên ly hôn khi con còn nhỏ?

5.3 Báo cáo với cơ quan chức năng

Việc báo cáo hành vi trẻ bị bạo hành là cách để giúp bảo vệ sự an toàn cho con. Điều này đôi khi gây khó khăn cho các bậc làm cha mẹ, nhưng về lâu dài nó sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho trẻ. 

6. Cách phòng ngừa trẻ em bị bạo hành

Cách bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bị bạo hành
Cách bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bị bạo hành

Cha mẹ có thể thực hiện các bước quan trọng để bảo vệ con mình khỏi bị bạo hành, cũng như ngăn chặn tình trạng này trong cộng đồng bằng cách:

6.1 Chăm sóc và quan tâm con

Cha mẹ cần lắng nghe và tham gia vào cuộc sống của con để phát triển lòng tin và giao tiếp tốt. Khuyến khích con nói ra nếu có vấn đề. Môi trường gia đình hỗ trợ và mạng xã hội có thể thúc đẩy ý thức về giá trị bản thân của con.

6.2 Hạn chế trút sự tức giận

Nếu cha mẹ cảm thấy quá tải hoặc mất kiểm soát, hãy nghỉ ngơi. Các bậc phụ huynh nên tìm cách đối phó với căng thẳng và tương tác tốt hơn với con.

6.3 Biết người chăm sóc con. 

Có thể trẻ bị bạo hành bởi chính những người ở bên cạnh con khi cha mẹ vắng như người giúp việc, bảo mẫu,… Cha mẹ nên kiểm tra thường xuyên để đảm bảo con yêu được an toàn.

>> Mẹ xem thêm: Cha mẹ cần làm gì khi con trai đến tuổi dậy thì?

6.4 Hướng dẫn con cách tự bảo vệ mình 

Dạy cho con cách rời khỏi tình huống đe dọa hoặc đáng sợ ngay lập tức và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn đáng tin cậy. Nếu có điều gì đó xảy ra, ba mẹ hãy khuyến khích con nói chuyện. Đảm bảo với trẻ rằng con sẽ không gặp rắc rối khi tố giác hành vi bạo hành.

Luật Trẻ em sửa đổi, bổ sung năm 2017 nghiêm cấm các hành vi bạo hành đối với trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, các tổ chức, ban ngành đều thể hiện một thái độ cứng rắn với các trường hợp người lớn bạo hành trẻ em.

Hy vọng bài viết trên phần nào giúp các bậc cha mẹ trong việc phát hiện và ngăn chặn các trường hợp trẻ em bị bạo hành. Từ đó, con yêu có một môi trường an toàn và lành mạnh để phát triển.