Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Chăm sóc trẻ

Cách giúp bé dễ đi tiểu khi bị bí tiểu, tiểu rắt

Có cách nào giúp bé dễ đi tiểu hơn? Mẹ hãy cùng MarryBaby tìm hiểu ngay nhé!

1. Cách nhận biết bé bị khó đi tiểu

Nếu mẹ muốn tìm cách giúp bé dễ đi tiểu; trước tiên mẹ cần quan sát thói quen, hành vi đi tiểu của bé để xác định xem con có bị khó đi tiểu hay không. Dựa trên tần suất đi tiểu trong ngày của bé; mẹ sẽ dễ dàng biết được tình trạng đi tiểu của con đang như thế nào; và liệu mẹ có cần áp dụng cách giúp bé dễ đi tiểu để can thiệp hay không.

Trẻ sơ sinh có thể đi tiểu chỉ 1-2 lần hoặc không đi tiểu trong 12-24 giờ đầu tiên. Đây là một hiện tượng bình thường; bởi vì lúc này, các nguyên nhân như chức năng thận của bé chưa hoàn thiện hoặc trẻ bị thiếu nước do cơ thể chưa hấp thụ được nước nhiều, bị mất nước qua da và hô hấp. Tuy nhiên, nếu sau hơn 1 ngày mẹ vẫn thấy bé chưa đi tiểu; lúc đó cần sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ nhi khoa để xem bé đang gặp phải vấn đề gì.

Với các bé lớn hơn, bàng quang của bé có thể chứa được khoảng 60–300ml và bé cần đi tiểu khoảng 6–8 lần/ngày (tần suất đi tiểu có thể nhiều hơn hoặc ít hơn tùy theo lượng sữa mà bé bú). Nếu trong 12 giờ mà bé không đi tiểu; mẹ cần áp dụng các cách giúp bé dễ đi tiểu hơn cũng như cân nhắc đưa bé đến các cơ quan y tế để được thăm khám, chẩn đoán.

cách nhận biết bé đang bị khó đi tiểu
Trước khi tìm cách giúp bé dễ đi tiểu, mẹ cần nhận biết khi nào con bị bí tiểu

2. Vì sao bé khó đi tiểu?

Để biết chính xác cách giúp bé dễ đi tiểu; mẹ nên biết nguyên nhân vì sao bé yêu cảm thấy đau buốt khi đi tiểu; hoặc đi tiểu ít hơn so với bình thường. Từ đó mẹ mới có thể có cách khắc phục phù hợp.

Theo đó, một số nguyên nhân bệnh lý khiến bé khó đi tiểu gồm có: 

  • Táo bón.
  • Khối u xâm lấn.
  • Rối loạn chức năng tiêu hóa.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục.
  • Rối loạn chức năng bàng quang.
  • Bé bú ít, ít uống nước, bị mất nước.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị các bệnh lý khác.
  • Bé bị sốt, nôn mửa hoặc gặp các bệnh lý khác dẫn đến trẻ dễ bị mất nước và tiểu ít.

Trong đó, việc bí tiểu do tác dụng của thuốc hoặc rối loạn chức năng tiêu hóa thường xảy ra ở các bé trai nhiều hơn là các bé gái. Ngược lại, các bé gái sẽ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn đến 6 lần so với các bé trai.

Ngoài ra, bé bị bí tiểu còn có thể do nhà vệ sinh tại trường học hoặc nơi công cộng không sạch sẽ, có mùi hôi. Hoặc bé bị tiêu thụ lượng caffein quá nhiều từ thực phẩm hoặc đồ uống.

vì sao bé khó đi tiểu

3. Cách giúp bé dễ đi tiểu hơn

Tình trạng bé khó đi tiểu, tiểu ít thường xuyên kéo dài có thể gây nên nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe của bé; khiến bé cảm thấy khó chịu đau đớn; thường xuyên quấy khóc và khiến hành trình nuôi dạy con của mẹ trở nên gian nan hơn.

Theo đó, mẹ có thể áp dụng một số cách giúp bé dễ đi tiểu sau đây.

3.1 Cho bé uống nhiều nước hơn/cho bé bú nhiều hơn

Với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi và đang hoàn toàn bú sữa mẹ, việc bú quá ít cũng có thể dẫn đến tình trạng bí tiểu. Do đó, mẹ có thể chủ động cho bé bú nhiều hơn nếu cảm thấy bé còn đói để xem có khắc phục được tình trạng bé tiểu ít hay không. 

Với bé trên 6 tháng tuổi, cách giúp bé dễ đi tiểu mà mẹ có thể áp dụng chính là cho bé bú nhiều hơn và uống nhiều nước lọc hơn. Nếu bé có nước tiểu màu vàng sẫm thì đây chính là dấu hiệu bé bị thiếu nước; cần uống nhiều nước và sữa hơn. Tuy nhiên, nếu nước tiểu của bé màu trắng thì đây là dấu hiệu bé đã bú đủ sữa. Nếu mẹ cho bé uống nhiều sữa thì có thể khiến thận chịu áp lực quá mức đấy nhé! 

Lượng nước và sữa khuyến nghị theo độ tuổi:

  • Trẻ 6-12 tháng tuổi:
    • Nước uống: 118-236ml/ngày, khoảng 0,5-1 cốc mỗi ngày.
  • Trẻ 12-24 tháng tuổi:
    • Nước uống: 236-946ml/ngày, khoảng 1-4 cốc mỗi ngày.
    • Sữa: 473-710ml/ngày, khoảng 2-3 cốc/ngày.
  • Trẻ 2-5 tuổi:
    • Nước uống: 236-1182ml/ngày, khoảng 1-5 cốc/ngày.
    • Sữa: 2-2,5 cốc mỗi ngày.

*Lưu ý, trẻ em từ 12-24 tháng tuổi nên uống sữa nguyên kem và trẻ em từ 2 tuổi trở lên uống sữa không béo (tách tách béo) hoặc ít béo (1%).

>> Mẹ có thể xem thêm: 12 bữa sáng cho bé 2-3 tuổi dễ làm và đầy đủ dưỡng chất

3.2 Cách giúp bé dễ đi tiểu: Cho bé ăn nhiều rau xanh và trái cây

Một cách giúp bé dễ đi tiểu khác mà mẹ có thể áp dụng với các bé đã bắt đầu ăn dặm chính là cho bé ăn nhiều rau xanh hơn. Việc ăn đa dạng các loại rau củ quả với liều lượng phù hợp có thể bổ sung chất xơ cho bé, từ đó hạn chế tình trạng táo bón, tiểu bí, tiểu gắt, đau khi đi tiểu.

Mẹ có thể chế biến nhiều món từ rau củ quả, chẳng hạn như luộc rồi tán nhuyễn hoặc làm thành các loại bột, loại cháu cho bé. Ngoài ra, với bé lớn hơn, mẹ còn có thể cho bé thử các loại nước trái cây nữa đấy nhé.

cách giúp bé dễ đi tiểu

3.3 Cho bé đi tiểu ngay khi con mắc tiểu

Nín tiểu quá lâu sẽ tạo thành một thói quen và khiến bé gặp khó khăn trong việc đi tiểu. Do đó, cách giúp bé dễ đi tiểu chính là ngay khi bé mắc tiểu, mẹ hãy lập tức cho bé đi tiểu ngay. Nhiều bé vì ham chơi mà không chịu đi tiểu, mẹ hãy động viên, khuyến khích bé đi tiểu và tuyệt đối không đồng ý cho bé nín tiểu. 

>> Mẹ có thể xem thêm: Bộ phận sinh dục bé gái như thế nào là bình thường? Điều mẹ cần biết

3.4 Chườm khăn ấm lên bụng là cách giúp bé dễ đi tiểu

Mẹ chưa biết cách giúp bé dễ đi tiểu? Nếu bé cảm thấy không thoải mái, có cảm giác buồn tiểu nhưng không đi tiểu được, mẹ có thể dùng khăn ấm chườm lên vị trí bụng phía dưới rốn của bé trong khoảng vài phút rồi bắt đầu xi tiểu cho bé. Cách này giúp kích thích bàng quang và giúp bé đi tiểu dễ dàng hơn.

3.5 Thay đổi thuốc cho bé

Nếu tình trạng bí tiểu xảy ra sau khi bé sử dụng thuốc, cách giúp bé dễ đi tiểu lúc này chính là mẹ cần phải trao đổi với bác sĩ nhi khoa về tác dụng phụ của thuốc. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ xem có thể đổi thành một loại thuốc khác cho bé hay không.

Nếu mẹ đã áp dụng các cách dưới đây nhưng bé yêu vẫn không thể đi tiểu hoặc tiểu ít, tiểu gắt, tốt nhất mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bởi bí tiểu có thể xuất phát từ các bệnh lý nghiêm trọng và gây ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe của bé.

>> Mẹ có thể xem thêm: Hướng dẫn cách sử dụng, liều dùng thuốc enterogermina cho trẻ sơ sinh

[inline_article id=225581]

Mẹ ơi, tình trạng bí tiểu, tiểu ít nếu để lâu sẽ tác động không tốt với bé yêu. Vì thế, hãy chủ động áp dụng các cách giúp bé dễ đi tiểu cũng như quan sát, theo dõi tần suất đi tiểu của bé để kịp thời đưa bé đến cơ sở y tế mẹ nhé!