Trẻ sơ sinh thường rất nhạy cảm với các yếu tố xung quanh mình, nhất là khi chúng cảm nhận được sự vắng bóng của cha mẹ nên sẽ sinh ra quấy khóc. Vì vậy, bạn đừng quá ngạc nhiên bởi điều tương tự cũng xảy ra khi bạn cho trẻ nằm nôi đấy.
Để dỗ trẻ sơ sinh vào giấc ngủ chẳng phải là điều dễ dàng, nhất là với những ai mới lần đầu làm bố mẹ. Bạn có thể phải thử nhiều cách khác nhau từ ẵm bồng, hát ru hay đặt bé vào nôi và đung đưa nhè nhẹ. Nếu chẳng may bé nhà bạn lại không thích nằm nôi thì điều này lại càng khó khăn hơn nữa.
Thực tế là có rất nhiều trẻ khi được đặt vào nôi hoặc cũi đều quấy khóc phản đối. Nếu bạn có con rơi vào trường hợp trên, những chia sẻ trong bài viết dưới đây có thể là cứu cánh đắc lực cho bạn.
Những nguyên nhân trẻ khóc khi nằm nôi
Các chuyên gia đã thống kê có ba lý do chính khiến trẻ “ghét” nằm nôi, bao gồm:
1. Sự “chia ly” khỏi vòng tay mẹ đột ngột khiến bé quấy khóc
Một điều đặc biệt là trẻ sơ sinh và những trẻ dưới một tuổi có khả năng phân biệt được những gương mặt khác nhau. Điều này có thể giải thích rằng, trẻ đã hình thành một mối dây liên kết giữa những người mà bé nhìn thấy nhiều nhất và cả những người mà bé ở gần bên cạnh trong một khoảng thời gian dài.
Do vậy, nếu không tìm thấy những gương mặt thân quen ở gần mình, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, bất an. Đó là lý do vì sao khi bạn đặt trẻ vào trong nôi hoặc cũi và liền rời đi, chúng sẽ quấy khóc. Trẻ sơ sinh luôn cần được vỗ về, vì vậy mà bố mẹ cần phải luôn có mặt kịp thời để xoa dịu bé!
2. Trẻ gặp vấn đề về trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày không chỉ gặp ở người trưởng thành mà cả trẻ sơ sinh cũng thường mắc phải. Có nhiều trẻ sơ sinh có thói quen ngủ nằm nghiêng một bên thay vì nằm ngửa. Nếu bạn nhận thấy con mình cũng nằm ngủ nghiêng, có nguy cơ cao bé đang phải đối mặt với vấn đề trào ngược dạ dày hoặc đau bụng. Do đó, khi bạn đặt trẻ nằm vào trong nôi với tư thế ngửa, vấn đề này sẽ xảy ra. Đó là nguyên do tại sao bé hay khóc thét ngay sau khi được đặt vào nôi.
3. Trẻ muốn được ôm ấp nhiều hơn
Trẻ sơ sinh thường cảm thấy được an toàn trong vòng tay của cha mẹ và vì thế chúng không muốn rời khỏi không gian ấm áp và an toàn này. Theo thời gian, một loại phản xạ sẽ dần hình ở trẻ. Một khi bé cảm nhận được sự tách rời khỏi bố mẹ, phản xạ này sẽ được kích hoạt khiến chúng cảm thấy không an toàn. Do đó, khi bạn đặt trẻ nằm vào trong nôi, chúng có xu hướng vẫn bám lấy bạn mà không có ý định buông ra.
Đâu là những giải pháp cho vấn đề trên?
Marry Baby mách nhỏ cùng mẹ những mẹo hay để khắc phục tình trạng trẻ vừa nằm nôi đã tỏ ra khó chịu và quấy khóc khiến các mẹ phải đau đầu:
1. Hãy để con có thời gian làm quen
Bạn không thể đột ngột ngay tức khắc buộc trẻ sơ sinh phải làm quen với việc chìm vào giấc ngủ mà thiếu bố mẹ ở cạnh bên. Hãy cho các bé một chút thời gian để điều chỉnh những thay đổi cho đến khi trẻ đã quen với việc ngủ một mình. Dù rằng, điều này có thể phải mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng, điều quan trọng là bạn phải thật kiên nhẫn.
2. Ở cạnh bên con khi bé quấy khóc
Hầu như trẻ sơ sinh không muốn tách rời khỏi bố mẹ của mình. Do đó, bạn nên cố gắng ở bên cạnh bé nhiều nhất có thể để trẻ không có cảm giác cô đơn hay bị bỏ rơi. Thay vì đặt trẻ nằm vào nôi rồi rời đi ngay, hãy ngồi cạnh bé trên một chiếc ghế sát với nôi cho đến khi bé ngủ thiếp đi. Bằng cách này, trẻ sẽ dần quen với việc nằm nôi. Bạn thậm chí có thể treo áo khoác hoặc bất kỳ chiếc áo mỏng nào của bạn ở gần nôi hoặc cũi để tạo cảm giác gần gũi, an toàn khi trẻ nhận biết được mùi hương quen thuộc từ mẹ.
3. Chỉ xem xét việc cho trẻ nằm nôi vào buổi tối
Đêm là thời gian trẻ có xu hướng ngủ lâu hơn. Do vậy, bạn nên cho bé vào nôi khi bé đang chuyển sang trạng thái buồn ngủ. Lúc này, trẻ sẽ bớt cáu kỉnh hơn và từ đó dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
Mặc dù cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên cho trẻ sơ sinh nằm nôi hay không nhưng không thể phủ nhận một điều nôi giúp bé có giấc ngủ dài hơn. Nếu như bạn có gặp tình huống trẻ quấy khóc khi vừa đặt vào nôi, thì hy vọng rằng bài viết sẽ cho bạn những thông tin hữu ích nhất!
MarryBaby