Categories
Dạy con Nuôi dạy con

10 trò chơi đóng vai theo chủ đề thú vị cho trẻ

Cho trẻ chơi trò chơi đóng vai theo chủ đề là một trong những cách hiệu quả và vui vẻ để con phát triển các kỹ năng và khả năng tư duy của mình. MarryBaby gợi ý một loạt những trò chơi kỹ năng sống thú vị và bổ ích để bố mẹ chơi cùng con nhé!

Lợi ích của những trò chơi đóng vai theo chủ đề

Theo nghiên cứu tiến hành trên những trẻ em từ 16 đến 24 tháng tuổi của Đại học Sheffield cho thấy, ngay cả những đứa bé nhỏ nhất cũng học được nhiều thứ từ những trò chơi đóng vai theo chủ đề bé thường chơi cùng bố mẹ. Không chỉ giúp phát triển khả năng tư duy và tưởng tượng của trẻ, thông qua những câu nói đùa và những trò chơi đóng vai, bé còn có thể thực hành các kỹ năng và tìm hiểu thông tin mới.

Theo các chuyên gia tâm lý, bên cạnh những kỹ năng vận động, trò chơi đóng vai còn có thể giúp các bé phát triển những kỹ năng xã hội như:

  • Cách giao tiếp với mọi người xung quanh
  • Học thêm từ mới và phát triển khả năng ngôn ngữ
  • Học cách xử lý cảm xúc và những vấn đề phát sinh trong trò chơi
  • Những kỹ năng sống thực tế khi bé đóng vai một nhân vật trong cuộc sống hàng ngày

Đặc biệt, theo Doris Berger, tác giả cuốn sách The Role Of Pretend Play in Children’s Cognitive Development, trò chơi đóng vai có thể giúp bé phát triển khả năng giải quyết vấn đề, khả năng thương lượng, tìm kiếm, xác định mục tiêu, khả năng ngôn ngữ, xã hội song song với sự phát triển kĩ năng ở nhà trường.

[inline_article id=95022]

1. Trò chơi đóng vai theo chủ đề bác sĩ

trò chơi đóng vai theo chủ đề bác sĩ

Lợi ích của trò chơi:

  • Giúp trẻ phát triển khả năng làm chủ tình huống; kể cả khi mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát.
  • Hiểu hơn về công việc của bác sĩ; và có cơ hội được thử sức.
  • Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ khi giao tiếp với bạn bè

Chuẩn bị vật dụng:

  • Ống nghe.
  • Mũ bác sĩ.
  • Băng gạc.
  • Đồ nghề bác sĩ

Cách chơi:

  • Bé sẽ đóng vai làm bệnh nhân còn bố mẹ có thể là bác sĩ, y tá; hoặc ngược lại.
  • Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân; y tá phụ giúp và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ; bệnh nhân phục tùng ý kiến của bác sĩ và y tá.
  • Một buổi gặp gỡ bác sĩ, một bệnh nhân hay thăm một bệnh viện sẽ dễ hiểu hơn và giúp cho trẻ chơi dễ hơn.

>> Bố mẹ có thể quan tâm Trò chơi cho bé 5 tuổi giúp phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo

2. Trò chơi đóng vai theo chủ đề nghề nghiệp nấu ăn

Lợi ích của trò chơi:

  • Bé sẽ dần dần học được cách quan tâm người khác.
  • Phát triển khả năng sáng bằng cách tạo ra cách chơi mới và học được cách chia sẻ đồ chơi để cùng vui chơi cùng bạn bè.
  • Khi chơi cùng bạn bè, các bé sẽ học được cách hợp tác, chia sẻ với người khác.
  • Biết cách phân công công việc cũng như giải quyết mâu thuẫn xảy ra khi đang chơi.
  • Bé có thể trở nên tự tin và hòa đồng hơn rất nhiều.

Chuẩn bị vật dụng:

  • Đồ chơi là vật dụng nhà hàng: dao, nĩa, nồi, chảo, v.v.
  • Những món ăn bằng đồ chơi, món ăn càng đa dạng càng hỗ trợ trẻ phát triển tốt.
  • Nếu có bàn ghế và dàn cảnh “nhà hàng” càng tốt.

Cách chơi:

  • Một vài bé có thể đóng vai khách hàng ở quán ăn, hay có thể giả ốm để những trẻ còn lại nhận thức được nhiệm vụ của mình, nhận ra rằng mọi người cần đến sự giúp đỡ của bé.
  • Bé sẽ bắt đầu nấu các món ăn để chiều lòng khách hàng, hay nấu một bát cháo con con để chăm sóc người ốm.
  • Các bé có thể trở thành người đầu bếp tài ba hay một bác bán hàng vui tính, bán hàng cho các khách hàng nhí là những người bạn của mình. Để trò chơi được thú vị hơn, trẻ sẽ tự suy nghĩ để làm những món ăn sáng tạo của riêng mình.

>> Mẹ xem thêm Top 10 trò chơi dân gian cho trẻ mầm non vừa vui vừa bổ ích

3. Trò chơi đóng vai theo chủ đề đi siêu thị mua sắm

Lợi ích của trò chơi đóng vai theo chủ đề đi siêu thị mua sắm:

  • Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.
  • Trẻ cũng trau dồi khả năng nhận biết đồ dùng.

Chuẩn bị vật dụng:

  • Dàn cảnh cửa hàng bày bán các loại đồ dùng học tập, đồ chơi (ví dụ như bút chì, hộp màu, bảng, vở, truyện tranh, búp bê, gấu bông, v.v.).

Cách chơi:

  • Trẻ phục vụ trong cửa hàng xếp đồ chơi.
  • Bố mẹ đến cửa hàng để mua.
  • Bố mẹ bỏ những vật dụng cần thiết cho vào giỏ và ra quầy trả tiền.
  • Người bán và người mua cảm ơn và chào nhau sau khi mua hàng.

4. Trò chơi đóng vai theo chủ đề mùa hè và các mùa trong năm: Cửa hàng nước giải khát

Lợi ích của trò chơi đóng vai theo chủ đề mùa hè: Cửa hàng nước giải khát:

  • Phát triển khả năng giao tiếp và xử lý vấn đề của trẻ.
  • Giúp bé có thêm kiến thức về các loại nước giải khát.

Chuẩn bị vật dụng:

  • Chuẩn bị cho bé quầy giải khát với nhiều loại đồ uống khác nhau như nước ép hoa quả, nước chanh, nước tắc, nước mía, nước dừa.
  • Bố mẹ cũng có thể cần giải thích cho trẻ các loại nước uống trên đều tốt cho sức khỏe, giúp giải nhiệt vào những ngày nắng nóng của mùa hè.

Cách chơi:

  • Bé có thể vào vai người bán nước giải khát hoặc khách hàng.
  • Người bán sẽ giới thiệu thực đơn nước uống cho khách.
  • Khách hàng chọn mua nước giải khát và thanh toán.
  • Người bán và người mua chào nhau.

5. Trò chơi vào vai thợ làm tóc

trò chơi kỹ năng sống

Lợi ích của trò chơi đóng vai theo chủ đề thợ làm tóc:

  • Thỏa sức sáng tạo với nhiều kiểu tóc khác nhau.
  • Giúp bé hiểu biết thêm và có trải nghiệm công việc cắt tóc.

Chuẩn bị vật dụng:

  • Lược.
  • Đồ chơi uốn tóc.
  • Kéo nhựa.
  • Dây, cặp tóc.

Cách chơi:

  • Bố mẹ tạo tình huống khách vào cửa tiệm làm tóc.
  • Bé đóng vai người làm tóc sẽ chào hỏi khách và hỏi khách muốn làm tóc như thế nào.
  • Sau đó là để bé chăm sóc tóc cho khách.

6. Trò chơi đóng vai bác sĩ thú y

Lợi ích của trò chơi đóng vai theo chủ đề bác sĩ thú y:

  • Trò chơi kỹ năng sống này giúp các bé sẽ phát triển ngôn ngữ.
  • Hiểu hơn về công việc của bác sĩ thú y.
  • Biết được bộ phận cơ thể của các con vật.

Chuẩn bị vật dụng:

  • Dụng cụ và đồ nghề của bác sĩ thú y.
  • Những con vật đồ chơi như là thỏ, gà, vịt, gấu, v.v. hoặc thú bông.

Cách chơi:

  • Bé có thể vào vai của bác sĩ hoặc chủ của thú cưng bị ốm.
  • Đặt con vật đồ chơi hoặc gấu bông trên bàn.
  • Bác sĩ sẽ khám cho thú cưng, “chẩn đoán” bệnh và đưa ra hướng giúp thú cưng khỏe hơn.
  • Bác sĩ và chủ thú cưng chào nhau.

7. Trò chơi giả vờ làm người bán hàng

Lợi ích của trò chơi đóng vai theo chủ đề bán hàng:

  • Giúp con hiểu hơn về công việc buôn bán.
  • Con cũng hiểu được giá trị của những thứ mình có xung quanh.

Chuẩn bị vật dụng:

  • Một số đồ chơi mô phỏng bánh, kẹo, rau, củ, quả, tôm, cá…(nếu có điều kiện bố mẹ có thẻ chuẩn bị rau, quả thật như: rau ngót, rau muống, củ cải, quả mận, quả quýt…).

Cách chơi:

  • Yêu cầu nhóm trẻ đóng vai người bán hàng sắp xếp thực phẩm theo từng loại.
  • Các nhóm trẻ đóng vai người mua thực phẩm phải đưa ra yêu cầu. Ví dụ: “Bác ơi bán cho tôi mớ rau ngót; Bác bán cho tôi quả mận…”. “Người mua” trả tiền và nói cảm ơn. “Người mua” và “người bán” chào tạm biệt nhau.

8. Trò chơi đóng vai theo chủ đề sinh nhật

trò chơi vào vai chủ đề sinh nhật

Lợi ích của trò chơi đóng vai theo chủ đề sinh nhật:

  • Luyện cho trẻ các hành vi giao tiếp, ứng xử lịch thiệp.

Chuẩn bị vật dụng:

  • Các đồ vật, đồ chơi để làm quà.
  • Một số tiết mục văn nghệ: đọc thơ, kể chuyện.
  • Bánh kẹo, hoa quả (do phụ huynh mang đến để tổ chức sinh nhật tại lớp).
  • Trẻ cùng nhau trang trí lớp.
  • Cô thông báo cho cả lớp biết những ngày sinh nhật của trẻ trong tuần (tháng) và cùng với trẻ bàn kế hoạch tổ chức sinh nhật cho bạn. Trẻ có thể tự làm những món quà (đồ chơi, vẽ tranh, nặn quả) để tặng bạn.

Cách chơi:

  • Tổ chức sinh nhật: Có thể tổ chức riêng cho từng trẻ vào đúng ngày sinh nhật của trẻ đó hoặc tổ chức chung cho tất cả trẻ có ngày sinh nhật trong cùng tuần hay tháng đó.
  • Trong bữa tiệc sinh nhật của mình, trẻ phải tự giới thiệu và nó cảm xúc của mình về ngày sinh nhật trước cả lớp.
  • Cả lớp tặng quà sinh nhật cho bạn và chúc những điều tốt đẹp.
  • Biểu diễn văn nghệ và ăn bánh kẹo, trái cây.
  • Kết thúc buổi sinh nhật: Trẻ được tổ chức sinh nhật , nói lời cảm ơn với các bạn đến dự rồi chia tay và chào tạm biệt khi các bạn ra về.

9. Trò chơi đóng vai theo chủ đề gia đình

Lợi ích của trò chơi đóng vai theo chủ đề gia đình:

  • Trò chơi gia đình rất quan trọng với sự phát triển về ngôn ngữ, tình cảm và giao tiếp của trẻ.
  • Trẻ từ sau 1,5 tuổi đã bắt đầu biết “giả vờ”, ví dụ như: cầm cái cốc đưa lên môi giả vờ uống nước. Ở giai đoạn này, nội dung trò chơi và đạo cụ đều xuất phát từ sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
  • Sau 2 tuổi, trí tưởng tượng của trẻ tiếp tục phát triển. Tuổi lớn thêm trí lực nâng cao thêm, các tình huống của trò chơi gia đình cũng dần dần phức tạp hơn.

Chuẩn bị vật dụng:

  • Tùy từng tình huống trong gia đình bố mẹ đặt ra; bố mẹ có thể chuẩn bị những vật dụng tương ứng (ví dụ: nếu gia đình nấu ăn, bố mẹ có thể chuẩn bị đồ chơi là những đạo cụ nấu ăn cho con).

Cách chơi:

  • Bố mẹ cho trẻ đóng vai là bố, mẹ, con… Bố, mẹ thương yêu con, chăm sóc con, lo lắng khi con ốm đau. Con ngoan biết nghe lời bố mẹ, lễ phép, kính trọng bố mẹ…
  • Với trò chơi này, bố mẹ có thể tạo tình huống mới để trò chơi phát triển.
  • Với vài ngày đầu trẻ đóng các vai bố, mẹ; và cùng “các con” nấu các món ăn trong gia đình.
  • Sang đến vài ngày sau bố mẹ có thể chuyển chủ đề rộng hơn có ông bà đến chơi gia đình và cả gia đình đi mua sắm. đồ dùng trong siêu thị hay cùng nấu món ăn tổ chức sinh nhật cho con gái.
  • Vài ngày sau tiếp bố mẹ lại tạo tình huống cả nhà đi tham quan công trình xây dựng hoặc cho trẻ đi thăm công viên.

10. Trò chơi làm máy bay

Lợi ích của trò chơi đóng vai theo chủ đề làm máy bay:

  • Gia tăng gắn kết trong gia đình, con sẽ có nhiều trải nghiệm tích cực với bố mẹ.
  • Có nhiều cơ hội vận động và tăng cường sức khỏe thể chất.

Chuẩn bị vật dụng:

  • Trò chơi này bé có thể chuẩn bị “cánh máy bay giấy” hoặc áo choàng để gia tăng phần thú vị cho trò chơi.

Cách chơi:

  • Chỉ cần đưa 2 cánh tay ra sau, cả nhà đã trở thành những cái máy bay rồi đấy.
  • Trò này bố mẹ có thể dạy cho bé từ cất cánh, hạ cánh, đeo dây an toàn thế nào, vô cùng hữu ích khi cả nhà đi du lịch luôn nha.

Lưu ý khi cùng bé chơi trò chơi đóng vai 

  • Đóng vai là một hoạt động tự nhiên, vì vậy, mẹ không cần thiết phải dạy bé cách làm sao để “giả vờ”. Tuy nhiên, bé vẫn cần mẹ giúp đỡ để có một môi trường “thuận lợi” cho trò chơi của mình.
  • Thay vì cố kiềm chế những hoạt động vui chơi của con, mẹ nên giúp phát triển ý kiến và trí tưởng của bé thông qua trò chơi kỹ năng sống. Tốt nhất, mẹ đừng ngại dành thời gian cùng con sáng tạo nên trò chơi đóng vai theo chủ đề của mình.
  • Đặc biệt, mẹ nên khuyến khích bé trò chuyện, đặt câu hỏi nhiều hơn khi chơi để giúp bé phát triển vốn từ và kiến thức của mình khi chơi trò chơi kỹ năng sống nhé!

Hy vọng qua bài viết, mẹ đã hiểu tầm quan trọng của trò chơi kỹ năng sống; và biết thêm nhiều trò để cùng con tạo ra những khoảnh khắc vui vẻ, đồng thời, hỗ trợ con phát triển khả năng tư duy, nhận thức của mình.