Ngải cứu được biết đến là một thảo dược thiên nhiên rất tốt cho sức khỏe con người. Nó có thể điều trị cảm cúm do ho lạnh, giúp an thai, trị mẩn ngứa, điều trị suy nhược cơ thể, chữa thần kinh tọa,… Đồng thời, nhiều người mách uống nước ngải cứu điều hòa kinh nguyệt. Vậy có nên uống hay không? Tìm hiểu ngay nhé!
Cây ngải cứu có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Ngải cứu là một loại cây thuộc họ Cúc, được trồng phổ biến ở khắp mọi miền đất nước. Ngải cứu không chỉ được dùng làm thức ăn mà còn xem là vị thuốc có nhiều công dụng đối với sức khỏe chúng ta, đó là:
- Ngải cứu giúp lưu thông máu tốt hơn, giúp an thai và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt rất tốt, nhất là những người thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt.
- Ngải cứu kết hợp với các nguyên liệu khác có thể chữa đau đầu, đầy hơi, đau bụng hay các triệu chứng nhẹ liên quan đến đường tiêu hóa.
- Ngải cứu điều trị chứng ra mồ hôi trộm, nổi mẩn ngứa do ẩm ướt, trị nhức mỏi viêm khớp,…
- Ngoài ra, ngải cứu còn được các chuyên gia ghi nhận trong việc điều trị chứng chảy máu cam, chảy máu khi đi đại tiện, đau dạ dày do lạnh,…
Như vậy, ngải cứu có rất nhiều công dụng hữu ích đối với sức khỏe con người. Nhưng trong bài viết hôm nay, MarryBaby sẽ giúp bạn tìm hiểu uống nước ngải cứu điều hòa kinh nguyệt và cách sử dụng ngải cứu để phát huy tác dụng tốt nhất.
Có nên uống nước ngải cứu điều hòa kinh nguyệt không?
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng ngải cứu vào sản xuất thuốc cũng như có rất nhiều bài thuốc trong dân gian lưu truyền về tác dụng điều hòa kinh nguyệt của cây ngải cứu.
Từ đó, ta có thể thấy rõ ngải cứu là vị thuốc quan trọng trong y học phương Đông giúp điều hòa khí huyết và chữa rối loạn kinh nguyệt hiệu quả.
Ngải cứu là loài cây có tính ấm, vị đắng, hơi cay, tương tác vào cơ thể qua cả 3 kinh là can, tỳ và thận. Tác dụng mạnh mẽ nhất của ngải cứu là điều hòa khí huyết, khu phong, cầm máu, trừ thống và giảm đau.
Cho nên, uống nước ngải cứu điều hòa kinh nguyệt là có cơ sở. Bên cạnh đó, ngải cứu có thể chữa đau bụng kinh, rong kinh, điều chỉnh lượng máu kinh mỗi khi tới kỳ. Chị em nào đang bị rối loạn kinh nguyệt, có thể uống nước ngải cứu điều hòa kinh nguyệt.
4 cách điều hòa kinh nguyệt bằng ngải cứu
Có rất nhiều phương pháp điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng cây ngải cứu nhưng uống nước ngải cứu điều hòa kinh nguyệt là cách an toàn và tiết kiệm thời gian nhất. Bạn có thể sử dụng ngải cứu tươi, ngải cứu đã được phơi khô hoặc kết hợp ngải cứu với các món ăn hàng ngày để tăng cường hiệu quả trị rối loạn kinh nguyệt.
1. Sử dụng ngải cứu tươi
Đây là phương pháp đơn giản nhất, có thể thực hiện ngay sau khi đọc xong bài viết này.
Bạn chỉ cần hái một nắm ngải cứu tươi, sau đó đem rửa sạch với nước. Có thể dùng thân, lá, ngọn, cành đều được. Cho vào nồi khoảng 500ml nước với 200g ngải cứu rồi đun sôi, chắt lấy nước và để nguội.
Uống ngày 3 lần và nên uống trước 7 – 10 ngày kinh để thấy được hiệu quả. Lưu ý: Nên đun nóng lại nước mỗi lần uống để ngải cứu phát huy hiệu quả cao nhất.
2. Sử dụng ngải cứu khô và các nguyên liệu khác
Ngoài cách uống nước ngải cứu tươi, bạn còn thể sử dụng ngải cứu phơi khô với các nguyên liệu khác để tăng cường hiệu quả điều hòa kinh nguyệt. Với cách làm này, bạn chỉ cần pha ngải cứu tương tự như pha trà là được.
Cách thực hiện như sau:
- Sử dụng 5g ngải cứu khô, 5g ích mẫu khô và 5g cam thảo. Cho hết các nguyên liệu đã chuẩn bị vào một cái ly rồi rót nước sôi vào, hãm như pha trà.
- Uống đều đặn 3 lần mỗi ngày. Nên uống trước ngày “rụng dâu” khoảng 1 tuần và duy trì tới khi ngày “rụng dâu” qua đi, đảm bảo chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ trở lại bình thường.
3. Sắc nước ngải cứu khô
Với bài thuốc uống nước ngải cứu điều hòa kinh nguyệt bằng sắc nước ngải cứu khô, bạn sẽ không còn lo lắng về hiện tượng đau bụng kinh, rong kinh hay rối loạn kinh nguyệt nữa.
Cần chuẩn bị 10g ngải cứu khô, cho vào nồi cùng 200ml nước. Sắc tới khi nào lượng nước cạn lại khoảng 100ml là được. Mỗi lần uống 10ml và ngày uống 2 lần để ngải cứu phát huy hiệu quả. Nên ăn no rồi uống nhé, nếu không sẽ làm giảm tác dụng của vị thuốc này đấy.
4. Kết hợp với thực đơn hàng ngày
Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng ngải cứu như một loại rau trong thực đơn hàng ngày của cả gia đình. Ngải cứu có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác như nạc heo, trứng gà, cá chép, mật ong, đậu xanh,…
Bạn có thể chế biến thành món canh ngải cứu nấu thịt nạc, ngải cứu chiên trứng gà, ngải cứu kết hợp trứng gà và mật ong đem đi hấp cách thủy, cháo cá chép ngải cứu đậu xanh,.. Rất nhiều món ngon có thể chế biến từ ngải cứu.
Cách này không chỉ làm thực đơn bữa ăn hàng ngày phong phú mà còn giúp bạn điều hòa kinh nguyệt rất hiệu quả.
Có nên uống nước ngải cứu điều hòa kinh nguyệt không? Nên chứ, ngoài chữa rối loạn kinh nguyệt, ngải cứu còn mang trong mình hàng tá công dụng khác tốt cho sức khỏe. Bạn nên thử ngay cách này xem hiệu quả không nhé!
Tuy nhiên chị em nên sử dụng ngải cứu đúng liều lượng cho phép kể trên. Không nên dùng quá nhiều vì sẽ gây một số tác dụng không mong muốn như run tay chân, co giật và tê liệt…