Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Sử dụng dầu gió cho trẻ sơ sinh có an toàn không?

Dầu gió chiết xuất từ các loại thảo mộc, hoa và các loại thực vật khác. Nhiều mẹ muốn tận dụng lợi ích của tinh dầu cho đứa con của mình. Nhưng sử dụng dầu gió cho trẻ sơ sinh có an toàn không? Mẹ đọc tiếp để nắm thông tin và biết cách chăm sóc con tốt hơn nhé!

Thành phần trong dầu gió chứa gì?

Dầu gió là một loại chất lỏng được tạo ra bằng cách pha trộn nhiều loại tinh dầu thiên nhiên khác nhau. Các loại dầu gió thường được dùng như thuốc thoa ngoài da, có thể tạo cảm giác nóng ấm ngay tại chỗ.

Thành phần phổ biến của các loại dầu gió thường bao gồm: dầu khuynh diệp, dầu tràm, hồi, quế… với dược chất chính là methyl salicylate và menthol. Methyl salicylate là thành phần của nhiều thuốc trị đau, kháng viêm. Còn menthol, một chất thường được chiết xuất trong cây bạc hà giúp tạo cảm giác mát lạnh, gây tê tại chỗ.

Với những thành phần như vậy, chắc chắn, dầu gió sẽ mang lại nhiều lợi ích. Trước khi hiểu thoa dầu gió cho trẻ sơ sinh có tốt hay không; mẹ cần hiểu thêm về cấu tạo sinh lý da của trẻ.

>> Mẹ có thể muốn biết Trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt: Là hiện tượng gì?

thành phần của dầu gió

Cấu tạo sinh lý da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khá đặc biệt

Trước khi tìm hiểu dầu gió cho trẻ sơ sinh, mẹ cần biết được cấu tạo da bé để biết cách chọn được sản phẩm phù hợp.

1. Cấu tạo sinh lý da trẻ sơ sinh

Nếu xét về cấu tạo của đối tượng trẻ em thì có sự khác biệt về hệ vi sinh ở da trẻ sinh thường với trẻ sinh mổ, cụ thể:

  • Khi được sinh mổ, trẻ mang hệ vi sinh vật ở da tương tự ở da mẹ là Staphylococcus, Propionibacterium, Corynebacterium.
  • Trường hợp sinh thường, trẻ sẽ mang hệ vi khuẩn tương tự như đường âm đạo của mẹ chủ yếu là Lactobacillus, Prevotella và Sneathia.

Trẻ sơ sinh, bề mặt da có tính kiềm nhẹ và cũng phụ thuộc vào vị trí mổ. Điều này là do da trẻ tiếp xúc với dịch ối có tính kiềm trong suốt quá trình thai nhi. Việc đánh giá tính pH nhằm giải thích về vấn đề bong tróc da của trẻ trong những ngày đầu:

  • Khi pH kiềm sẽ dẫn đến hoạt động của enzim serine proteases tăng mạnh.
  • Do đó, làm thoái hóa các desmosome giữa các tế bào sừng dẫn đến sự bong vảy da trong những ngày đầu đời.

Ngoài ra, khi mới sinh ra, da trẻ thường cứng và khô hơn so với người lớn. Trong vòng 30 ngày đầu; da trẻ mềm dần do sự tăng hydrat hóa da. Tình trạng này sẽ giảm dần ở tuổi trưởng thành.

[inline_article id=54272]

Nguy cơ nhiễm độc qua da khi dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh

Một điều cần phải lưu ý đó là nguy cơ nhiễm độc qua da cũng tăng lên ở trẻ sơ sinh; đặc biệt là trẻ sinh non. Trẻ có thể hấp thu độc tính qua da theo 2 con đường chính:

  • Thông qua tế bào sừng và thượng bì.
  • Thứ hai là hấp thu qua lỗ nang lông, tuyến bã.

Vậy dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh cần phải thận trọng vì các thành phần bên trong có thể gây hại cho da trẻ.

Có nên dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh? Vì sao?

dầu gió cho trẻ sơ sinh

Từ lâu dầu gió được biết đến với công dụng nổi bật như:

  • Giúp giảm đau nhức.
  • Dầu gió cũng giúp giảm ngứa.

Bố mẹ cần lưu ý rằng tất cả các loại tinh dầu đều không thể dùng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi. Thậm chí ngay cả với trẻ lớn, làn da các bé đôi khi vẫn rất nhạy cảm và rất dễ bị kích ứng so với người lớn.

Ngoài ra, với hoạt chất methyl salicylate khi xuất hiện trong dầu gió có thể dẫn đến các tình trạng như:

  • Cảm giác nóng, gây rộp da.
  • Gây xuất hiện xung huyết da.
  • Với Menthol có thể làm tăng tiết mồ hôi và làm thân nhiệt bé bị hạ thấp.

Dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh có thể dẫn đến nguy cơ gì?

Không thể phủ nhận các tác dụng phổ biến của dầu gió như giảm đau nhức, giảm ngứa… nhưng mẹ có biết rằng tất cả các loại tinh dầu đều không dùng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi? Giới hạn tuổi còn được tăng lên đối với các loại tinh dầu có menthol.

Ngay cả với trẻ lớn, làn da các bé đôi khi vẫn rất nhạy cảm và dễ bị kích ứng so với người lớn. Trong khi đó, hoạt chất methyl salicylate có thể làm nóng, gây rộp, xung huyết da. Menthol còn làm tăng tiết mồ hôi và làm thân nhiệt bé bị hạ thấp. Một tác dụng phụ nguy hiểm khác là ức chế khả năng hô hấp của bé.

Nếu dùng các loại dầu gió để bôi lên mũi, các hoạt chất trong dầu có thể gây rách màng nhầy mũi, họng. Menthol ức chế cơ trơn hô hấp, tuần hoàn. Một thành phần khác có trong một số loại dầu là camphor (long não) ức chế tuần hoàn, gây suy hô hấp dẫn đến ngưng tim, ngưng thở.

[inline_article id=78143]

Những lưu ý về độ tuổi, khi nào nên dùng, cách xoa dầu và nồng độ của dầu gió cho trẻ sơ sinh

Khi muốn dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh, mẹ nên lưu ý về độ tuổi, khi nào nên dùng, cách xoa dầu và nồng độ tinh dầu.

  • Độ tuổi của bé: Độ tuổi nhỏ nhất sử dụng được tinh dầu nói chung là 3 tháng tuổi. Những loại tinh dầu chứa methyl salicylate và menthol cần được dùng cẩn thận cho trẻ trên 2 tuổi.
  • Nồng độ: Tinh dầu nguyên chất thường được pha với dầu nền để tạo thành một hỗn dịch. Mẹ cần chú ý nồng độ không vượt quá 2%. Không bao giờ được để tinh dầu nguyên chất dính lên da vì nó có thể gây phỏng nặng.
  • Khi nào có thể dùng dầu gió:  Một số triệu chứng như nghẹt mũi, nhức đầu, ho nhẹ, đau bụng, đầy hơi, đau cơ, bong gân, côn trùng cắn ngứa ngáy… có thể được làm dịu bớt với các loại dầu gió.
  • Cách dùng tinh dầu: Dầu gió chỉ có thể dùng ngoài da. Mẹ không thoa dầu gió lên vùng da trầy xước, không cho bé uống dầu vì có thể gây tổn thương niêm mạc ruột. Luôn dùng một lượng vừa đủ, chỉ dùng lúc đau và chấm dứt ngay khi cơn đau đã hết.

>> Mẹ xem thêm Hướng dẫn cách sử dụng dầu tràm cho trẻ sơ sinh an toàn mẹ cần biết

Bảng tham khảo tên các loại tinh dầu có thể dùng theo từng độ tuổi

  • Bé từ 3 tháng tuổi: tinh dầu cúc la mã, cỏ thi, lavender, thì là
  • Bé từ 6 tháng tuổi: bergamot, quế, chanh, nho, sả, rau mùi, kim linh sam, thông, quýt, bưởi, phong lữ, một lượng nhỏ tinh dầu thông…
  • Bé từ 2 năm tuổi: húng quế, tiêu đen, đinh hương, basalm, trầm hương, tỏi, sả chanh, hoắc hương, cây trà, kinh giới, bạc hà…
  • Bé từ 6 năm tuổi: hồi, tràm, bạch đậu khấu, dầu cây bạc hà, nhục đậu khấu, nguyệt quế…
  • Bé từ 10 tuổi: rosemary, khuynh diệp.

Mỗi bé sẽ có thể trạng sinh lý khác nhau; nếu mẹ không chắc chắn về việc sử dụng dầu gió cho trẻ sơ sinh; mẹ hãy tham khảo với bác sĩ để nhận được sự tư vấn phù hợp cho nhu cầu của con nhé!

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Công dụng cũng như mặt hạn chế khi dùng dầu tràm cho trẻ

công dụng của dầu tràm

Từ xưa đến nay, nhiều bậc cha mẹ thường có xu hướng lựa chọn các loại dầu chiết xuất từ thảo dược để phòng và điều trị một số bệnh cơ bản ở trẻ, tiêu biểu như dầu tràm. Bạn có biết tại sao loại dầu này lại được ưu ái đến vậy? Cùng khám phá ngay những công dụng của dầu tràm với sức khỏe của bé yêu nhé!

Thực tế dầu tràm được dùng nhiều đến mức mà người ta “phong” cho nó biệt hiệu là “dầu của các bà mẹ bỉm sữa” hay “dầu bà đẻ” bởi mùi hương quá dỗi đặc trưng của nó.

Công dụng của dầu tràm được biết đến rộng rãi nhất là dùng trong điều trị các vấn đề như: nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chữa ho hay chữa côn trùng cắn… Tuy nhiên, đâu đó vẫn tiềm ẩn một số tác dụng không mong muốn đến từ loại dầu này.

Bài viết sau đây, Marry Baby muốn chia sẻ để bạn hiểu thêm về những lợi ích, cũng như các mặt hạn chế của dầu tràm để các bà mẹ chúng ta có hướng sử dụng cho con đúng đắn hơn.

Giải đáp: Công dụng của dầu tràm liệu có an toàn với trẻ?

cây tràm trà

Tinh dầu tràm được chiết xuất từ cành và lá của cây tràm trà có tên khoa học là Melaleuca Alternifolia, đây là một loài cây có nguồn gốc từ miền Bắc nước Úc. Sau khi thu hoạch, lá và cành của cây tràm trà sẽ được xử lý bằng cách hấp và áp dụng phương pháp chưng cất để cho ra dầu.

Nếu thực hiện đúng quy trình sẽ cho ra loại dầu nguyên chất có công dụng kháng khuẩn rất tốt. Chính nhờ đặc tính này mà dầu tràm được sử dụng để phòng và điều trị một số bệnh nhiễm trùng.

Quay lại với thắc mắc ở trên thì dầu tràm được xem là một phương thuốc thảo dược và chỉ được sử dụng thoa tại chỗ ngoài da cho trẻ sơ sinh. Trường hợp vô ý để trẻ nuốt phải có thể gây tử vong rất nguy hiểm.

Ngoài ra, việc bôi dầu ngoài da đôi khi cũng dẫn đến một vài các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Chính vì vậy mà điều quan trọng cần làm là nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng cho bé.

Dầu tràm trà đôi khi rất dễ nhầm lẫn với loại dầu tràm gió. Mặc dù cùng thuộc chi tràm (Melaleuca) nhưng điểm khác biệt lại nằm ở thành phần chủ yếu có mặt trong mỗi loại.

8 công dụng của dầu tràm trà đối với sức khỏe bé

Dưới đây là một số lợi ích mà dầu chiết xuất từ cây tràm trà đem lại khiến nó trở thành một trong những phương thuốc thảo dược nên có trong tủ thuốc của mỗi gia đình:

1. Điều trị các vấn đề nhiễm trùng da

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định khả năng kháng khuẩn và khử trùng tự nhiên của dầu tràm. Nhờ vậy mà nó có thể được sử dụng để điều trị các trường hợp nhiễm trùng da ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Được biết dầu tràm trà rất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các vi trùng nguy hiểm như tụ cầu khuẩn, làm dịu vết côn trùng cắn, hăm tã ở trẻ và nhiều tác dụng đặc biệt hơn nữa.

2. Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ

công dụng của dầu tràm tăng đề kháng

Thoa dầu tràm trà lên da cũng mang lại tác dụng tăng cường sức khỏe miễn dịch và bảo vệ cơ thể trẻ khỏi sự xâm hại của một số tác nhân gây bệnh. Cơ chế của việc này là các thành phần trong dầu có công dụng kích hoạt một số hormone có lợi và tăng lưu thông máu. Vì vậy mà trẻ sẽ ít bị nhiễm trùng hơn.

Mách nhỏ là bạn nên thêm một vài giọt dầu tràm trà vào nước tắm của bé để có thể tăng cường sức khỏe cho bé yêu nhé!

3. Dầu tràm giúp vết thương mau lành

Khi bôi vào các vết thương, tính kháng khuẩn của dầu sẽ lập tức được phát huy và tiêu diệt những vi khuẩn, từ đó giúp vết thương nhanh chóng phục hồi. Ngoài ra, dầu cũng giúp thúc đẩy quá trình mau lành bệnh ở trẻ nhỏ. Nó còn có tác dụng làm mờ sẹo trong các trường hợp như trẻ bị mụn nhọt, thủy đậu, phát ban da.

Một thông tin nữa cho bạn là dầu tràm giúp thúc đẩy sự tuần hoàn máu. Dầu đem lại công dụng cải thiện lưu thông máu ở vùng bị thương, đồng thời làm tăng tốc sự phát triển của các tế bào và mô mới.

4. Điều trị nấm hiệu quả

Một công dụng của dầu tràm khác khi bôi ngoài da là điều trị nhiễm nấm. Lý do là tràm trà có khả năng tiêu diệt một số vi khuẩn trong họ protozoan là nguyên nhân gây nhiễm trùng da, phát ban và một số bệnh về da khác.

5. Chữa ho và cảm lạnh

Bé yêu nhà bạn bị cảm lạnh, ho hoặc nghẹt mũi…? Để làm giảm các triệu chứng khó chịu trên, bạn có thể thoa dầu lên ngực bé trước khi ngủ hoặc đơn giản là nhỏ một vài giọt lên gối nằm của trẻ. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên massage chân để giữ ấm cho bé khi con bị cảm lạnh.

6. Chống muỗi và vết côn trùng đốt

công dụng của dầu tràm trị muỗi đốt

Khi con bị muỗi đốt, bạn có thể thoa một vài giọt dầu và chỗ bị đốt, bé sẽ mau hết ngứa và sưng. Ngoài ra, bạn có thể phòng muỗi đốt bằng cách thoa một ít dầu tràm vào quần áo hoặc bàn tay, bàn chân của trẻ. Tuy nhiên, một lưu ý nhỏ là bạn không nên thoa dầu vào vùng mặt hoặc thái dương của bé.

7. Tác dụng giảm đau

Giảm đau là một công dụng của dầu tràm trà mà chúng ta không thể không nhắc đến. Trẻ nhỏ đôi lúc cũng thường hay bị bong gân, đau cơ và dầu tràm chính là cứu cánh hữu hiệu.

Loại dầu này cũng hiệu quả trong trường hợp đau bụng do co thắt dạ dày. Lúc này, bạn chỉ việc nhỏ một vài giọt dầu vào nước nóng và cho trẻ xông là được.

Với những bà mẹ đang cho con bú mà gặp hiện tượng tê nhức tay chân nên massage bằng dầu tràm để giúp thư giãn cơ, giảm tình trạng co cứng.

8. Kích thích tiết mồ hôi

Nguyên nhân gây bệnh đôi khi cũng bắt nguồn từ việc trẻ bị tích tụ chất độc trong cơ thể. Và thật may mắn là dầu tràm đóng vai trò như một chất kích thích, giúp ra mồ hôi nhiều hơn, làm sạch lỗ chân lông và loại bỏ độc tố trong cơ thể.

Tác dụng phụ khi dùng dầu tràm cho trẻ mà mẹ cần biết

Bên cạnh những công dụng mà dầu tràm đem lại hco sức khỏe như đã nêu ở trên, vẫn có những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra mà bạn cần nắm rõ:

1. Phát ban da

Trong một số trường hợp khi được sử dụng như một phương pháp điều trị tại chỗ, dầu tràm có thể gây phát ban trên da, dị ứng. Hậu quả là một số khu vực trên da có thể bị viêm và sưng đỏ.

Dầu tràm được dùng để điều trị chứng hăm tã ở trẻ sơ sinh. Thế nhưng bản chất làn da của trẻ rất mềm mỏng và nhạy cảm nên nhiều bé sau khi dùng dầu tràm có thể gặp những phản ứng không mong muốn làm nặng thêm tình trạng này.

Với trẻ bị mắc bệnh chàm thì loại dầu này cũng không được khuyến khích vì nó khiến cho da bị khô và kích ứng hơn nữa.

2. Dị ứng

Nếu bạn sử dụng dầu tràm ở dạng cô đặc và thoa trên da, nó có thể gây bỏng, biến đổi sắc tố da và các vấn đề tiêu hóa khác. Tình trạng dị ứng có thể biểu hiện dưới dạng viêm da tiếp xúc nhẹ hoặc nghiêm trọng hơn là phồng rộp. Trong tất cả các trường hợp kể trên, việc sử dụng dầu nên dừng lại ngay lập tức.

3. Nữ hóa tuyến vú (gynecomastia)

Nghiên cứu của Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia (NIEHS – Hoa Kỳ) đã tìm thấy mối liên hệ giữa gynecomastia và các sản phẩm có chứa tinh dầu cây tràm trà và tinh dầu hoa oải hương. Đây là một tình trạng cực kỳ hiếm gặp ở các bé trai sơ sinh làm tăng sản quá mức khối u của mô tuyến vú.

Mách bạn cách dùng dầu tràm cho một số trường hợp cụ thể ở trẻ

1. Để điều trị vết cắt và vết bỏng

Bạn có thể pha dầu tràm với một loại dầu trung gian khác hay còn gọi là dầu nền như dầu dừa, oliu hoặc hạnh nhân. Công thức pha loãng sẽ là một giọt dầu tràm với một thìa cà phê dầu nền.

Lưu ý là cần làm sạch vùng da bị ảnh hưởng bằng nước, thấm bằng khăn sạch cho khô, sau đó mới đến bước thoa dầu vừa pha loãng. Cần lặp lại sau mỗi hai đến ba giờ để vết thương mau lành hơn nhé!

2. Hăm tã

trẻ bị hăm tã

Dầu tràm được sử dụng kết hợp với dầu dừa để điều trị chứng hăm tã. Hỗn hợp này bao gồm 3 thìa súp dầu dừa trộn với 4 – 5 giọt dầu tràm. Điều quan trọng vẫn phải làm sạch vùng da bị ảnh hưởng trước khi thoa hỗn hợp trên. Lặp lại quá trình này với mỗi lần thay tã.

3. Để điều trị vết côn trùng cắn

Để điều trị vết côn trùng cắn, bạn cần pha loãng dầu tràm với một thìa cà phê dầu nền như gợi ý ở trên. Làm sạch khu vực bị ảnh hưởng và thoa đều dầu lên vùng da bị ảnh hưởng, lặp lại sau mỗi hai đến ba giờ.

Cảnh giác khi dùng dầu tràm cho trẻ

cách sử dụng dầu tràm

Mẹ cần ghi nhớ những điều sau đây trước khi sử dụng dầu cây trà cho bé:

  • Dầu tràm có thể kích hoạt một số thay đổi nội tiết tố trong cơ thể của trẻ.
  • Không nên dùng dầu ở dạng đậm đặc mà cần phải pha loãng với dầu oliu, dầu hạnh nhân hoặc dầu dừa.
  • Không nên cho trẻ uống dầu vì có thể gây tử vong rất nguy hiểm.
  • Luôn tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nhi khoa trước khi sử dụng dầu tràm cho trẻ.
  • Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu dị ứng như phát ban hoặc viêm, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức.

Hy vọng rằng những thông tin về công dụng của dầu tràm trên đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để sử dụng một cách đúng đắn món quà quý giá từ thiên nhiên này hơn nhé!

Marry Baby