Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Cai sữa cho bé: Bí quyết hiệu quả dành cho mẹ

Nên cai sữa khi bé có thể trạng bình thường khỏe mạnh và vào mùa mát mẻ, vì trời nắng nóng sẽ khiến bé khó chịu, biếng ăn dẫn đến sụt cân…

Cai sữa là một trong những giai đoạn khó khăn cho cả mẹ và bé. Bởi bé đã quen thuộc với mùi vị thơm ngon từ nguồn sữa mẹ, trong khi đó mẹ sẽ không thể nào kìm lòng nổi mỗi khi thấy con khóc đòi bú. Hơn nữa, tâm lý và sức khỏe của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu mẹ chọn sai thời điểm, sai cách thức. MarryBaby mách mẹ những điều cần biết khi cai sữa cho bé.

Nên chắc chắn rằng bé đã sẵn sàng cai sữa

Cai sữa cần phải thực hiện khi đủ độ “chín”, tức là sự sẵn sàng ở bé. Như vậy, việc cai sữa cần được tiến hành dựa trên nhu cầu của bé. Một khi mẹ nhận được những “tín hiệu” bé đã sẵn sàng để dấn thân vào những mối quan tâm mới hơn là việc bú mẹ mỗi ngày, đó mới là lúc việc cai sữa đạt được thành công. Việc cai sữa sớm có thể khiến bé cảm thấy hụt hẫng và đưa con vào trạng thái độc lập khi chưa thực sự sẵn sàng.

Mỗi em bé có nhịp độ phát triển riêng và mẹ đừng sốt ruột khi con mình chưa đạt được những mốc như các bạn. Nếu mọi thứ đang diễn ra quá nhanh, cho mẹ hay cho bé, hãy làm chậm tiến trình lại. Có thể mẹ không cần phải cho con bú, nhưng không có lý do gì để không ôm ấp, nựng nịu bé. Hãy thấu hiểu và đáp ứng những nhu cầu của bé.

Nếu bé gặp khó khăn trong quá trình cai sữa, thời gian chính là câu trả lời. Mẹ sẽ nhận ra rằng chờ đợi thêm một chút là quyết định sáng suốt. Khi thời điểm đến, bé sẽ nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi và việc cai sữa sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Mách mẹ bí quyết cai sữa cho bé

Ngoài những nỗ lực của mẹ, việc cai sữa có thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào trẻ. Nhiều trẻ cai sữa rất dễ nhưng cũng có trẻ rất khó. Mẹ không nên áp dụng theo một khuôn khổ nào hay bắt chước cách cai sữa cho bé của những bà mẹ khác.

Cai sữa cho bé là cả một quá trình gian nan, khi việc bú mẹ dường như đã thành thói quen không thể từ bỏ của bé. Mẹ nên bắt đầu cai sữa một cách từ từ, dù bé đang ở độ tuổi nào. Tuyệt đối không nên đột ngột chấm dứt hẳn cho bé bú vì điều này có thể gây ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Gửi con về nhà ngoại hay đi đâu đó một thời gian để bỏ bú bé có thể dễ làm bé rơi vào trạng thái hỗn loạn vì không có mẹ bên cạnh. Thay vì vậy, mẹ có thể tham khảo những cách cai sữa cho bé sau:

♦ Bỏ bớt một cữ bú cho con

Thay vì cắt đi nguồn sữa một cách đột ngột, mẹ hãy thử bỏ một cữ bú của trẻ trong ngày và bắt đầu quan sát. Chuẩn bị một bình sữa đựng sữa mẹ hay sữa công thức để thay thế cho việc bú mẹ. Lặp lại tại cùng thời điểm trong nhiều ngày, liên tục từ 1-2 tuần để bé có thời gian kịp thích nghi với sự thay đổi. Cách này cũng giúp nguồn sữa mẹ tự điều chỉnh và giảm đi.

Cai sữa đêm cho bé
Không dứt khoát cai sữa cho bé hoàn toàn, nhưng bé từ 6 tháng tuổi mẹ có thể tập cho trẻ quen dần với việc không bú đêm

♦ Giảm lượng thời gian cho bé bú

Với bé từ 6 tháng tuổi trở lên, mẹ có thể cho bé bú ngắn hơn so với bình thường trong mỗi cữ bú. Đồng thời, cho bé ăn dặm thêm các loại bột sữa, đồ ăn dặm. Với những bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé uống thêm sữa công thức để đảm bảo trẻ nhận đủ những dưỡng chất cần thiết.

♦ Trì hoãn, làm trẻ phân tâm

Cách này chỉ áp dụng được đối với bé hơn 12 tháng tuổi và đòi hỏi mẹ phải có tính kiên nhẫn và kiên quyết cao. Trì hoãn ở đây có nghĩa là khi bé đòi bú mẹ hãy cố gắng hoãn lại một cữ bú. Có thể làm một điều gì đó để trẻ phân tâm hay hẹn thêm một thời gian nữa sẽ cho con bú.

Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý khi đã hứa với con sẽ cho bé bú, mẹ nên thực hiện. Trì hoãn lâu có thể làm trẻ mất lòng tin vào mẹ.

Có cần bổ sung sữa khi cai sữa cho bé?

Nếu bé đã lớn hơn 9-10 tháng và vẫn được bú mẹ thường xuyên, cộng với đó, chế độ ăn dặm đã ổn định thì mẹ không cần cho con bổ sung thêm bất kỳ loại sữa nào khác như sữa công thức, sữa bò, sữa gạo… Tuy nhiên, có thể thêm một ít nước trái cây hay nước lọc.

Sau 12 tháng tuổi, sữa trở thành một phần nhỏ trong chế độ ăn của bé. Nếu bé không còn chịu uống sữa, mẹ có thể thay thế bằng yogurt, phô mai hay các loại kem từ sữa. Đồng thời, mẹ còn có thể pha trộn sữa vào trong nhiều món ăn như bánh rán, trái cây dằm, sinh tố, bánh flan

Những khó khăn thường gặp khi cai sữa cho bé

♦ Tốn thời gian và công sức để dỗ con ngủ: Bạn có thể phải dành cả tiếng để chơi với bé trước khi con đi ngủ thay vì chỉ cho con bú trong 10 phút như trước đây. Cai sữa cho bé có thể trở thành một quá trình vất vả và rút sạch năng lượng của bạn. Ngoài ra, nếu bạn còn cho con bú vào ban ngày thì lại càng phải nỗ lực tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho các cữ bú như trò chơi cho bé, đọc sách hoặc một hoạt động nào đó khác.

♦ Quá trình cai sữa cho bé kéo dài như bất tận: Có thể phải dành tận hai tháng cho tới một năm để bé cai sữa dần dần.

♦ Bạn có thể thất bại vì rất, rất nhiều lý do: Khi bé bị ốm, việc chăm sóc và cho bé ăn bằng cách bú mẹ sẽ khiến mọi chuyện dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu bé bị ốm ngay vào thời gian đang cai sữa, bạn có thể sẽ phải bắt đầu lại mọi thứ một lần nữa. Quá trình cai sữa cũng có thể bị thụt lùi bởi việc mọc răng, đau ốm, kỳ nghỉ hoặc sự thay đổi thói quen của bé.

Cai sữa cho bé
Nhiều bé tỏ ra dễ chịu và nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi, một số bé lại không thích ứng được với việc mẹ cai sữa cho bé

♦ Cai sữa phụ thuộc vào tính cách của bé: Nếu con bạn là một đứa trẻ thích đòi hỏi hoặc quá tình cảm, việc cai sữa có thể dời lại cho đến khi bé lớn cũng được. Việc không được bú mẹ để có sự an ủi hay thiếu đồ chơi cho những đứa trẻ này có thể khiến chúng thậm chí còn đòi hỏi nhiều hơn nữa.

♦ Cai sữa làm mẹ cảm thấy trống trải: Nếu con bạn đã cai sữa/cơ bản cai sữa trước khi bạn sẵn sàng, bạn có thể phải tự tìm cách lấp chỗ trống cho bản thân. Thậm chí bạn sẽ cần sự động viên từ gia đình và bạn bè sau khi sự gắn kết thân thiết với con mất đi.

Lưu ý dành cho mẹ

Cai sữa cho bé trong một vài trường hợp có thể diễn biến phức tạp hơn, khi bé tỏ ra không hào hứng với “thử thách” này. Mẹ nên đặc biệt lưu ý, có thể tạm thời dừng việc cai sữa lại nếu nhận thấy bé có những dấu hiệu sau:

  • Bé có cảm giác sợ xa mẹ nhiều hơn.
  • Bé cáu kỉnh, khóc lóc nhiều hơn.
  • Thường xuyên bị giật mình thức giấc vào ban đêm.
  • Bé đột ngột thân thiết hơn với một món đồ chơi hoặc đồ vật nào đó. Chẳng hạn như thú bông, hoặc chăn, mền.
  • Bé thường xuyên mút ngón tay, núm vú cao su.
  • Bé bị đau bụng, táo bón, bỏ ăn hoặc biếng ăn hơn trước.
  • Bé có vẻ xa cách, tách biệt hơn.
  • Thời gian đầu trẻ sẽ không quen, sinh ra quấy khóc, đòi bú. Do đó, bạn cũng nên vững tâm để quá trình cai sữa thành công.
  • Ngưng không cho con bú có thể khiến cho bạn bị tức, ứ sữa, thậm chí sưng và viêm đầu vú. Bạn có thể dùng khăn ấm chườm lên để bớt đau, sau đó vắt sữa ra.

Trong trường hợp bé bị bệnh 

Việc bé đòi bú mẹ khi đang bị bệnh là một hành động hết sức bình thường. Việc cho con bú lúc này là cần thiết vì nhờ đó mà bé được bù đắp lượng nước đã mất cùng với bổ sung những chất dinh dưỡng cho cơ thể đang mệt mỏi. Nếu không được bú mẹ, bé có thể bị mất nước và dễ bị choáng. Việc cho bé bú cũng giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn, cảm thấy được an ủi và che chở trong những cơn ốm bệnh.

Các chuyên gia cũng không khuyến khích việc cai sữa khi bé đang bệnh. Mẹ nhớ nhé, luôn bắt đầu cai sữa khi bé con đang ở tình trạng tốt nhất, khỏe mạnh và vui vẻ.