Giống như người lớn, tình trạng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng xảy ra khi lượng đường trong máu của bé thấp hơn mức bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến não của bé. Tuy nhiên, hầu hết các mẹ đều không để ý hoặc lơ là với tình trạng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh.
1/ Vì sao trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết?
Trong vài giờ đầu sau sinh, lượng đường trong máu của bé có xu hướng giảm xuống. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp này đều không gây nguy hiểm. Bé có thể duy trì lượng đường của cơ thể nhờ bú mẹ.
Những bé có mẹ bị tiểu đường thai kỳ thường có mức insulin khi chào đời cao hơn, làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bé. Ngoài ra, những trẻ sinh non, trẻ bị hạ thân nhiệt đột ngột, bị nhiễm trùng cũng có nguy cơ bị hạ đường huyết.
2/ Dấu hiệu hạ đường huyết ở trẻ
Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng hạ đường huyết sẽ xuất hiện từ 3-48 giờ sau sinh, bao gồm các dấu hiệu sau:
– Thân nhiệt giảm nhanh, da dẻ nhợt nhạt, tím tái, tay chân lạnh
– Các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, nôn, đói cồn cào, khó chịu
– Nhịp thở nhanh, gấp, mạnh
– Trường hợp nặng có thể co giật, hôn mê
41% trường hợp hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh thường xảy ra ở các bé sinh non, nhẹ cân dưới 2,5 kg. Theo các chuyên gia, bệnh có thể gây tác động nghiêm trọng đến thần kinh của trẻ sau này. Vì vậy, trẻ sơ sinh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3/ Trẻ bị hạ đường huyết, xử lý ra sao?
– Với trẻ sinh non hoặc nhẹ cân khi sinh, mẹ cần cho bé bú sớm và da tiếp da ngay sau khi sinh. Những trường hợp nghiêm trọng hơn, bé sẽ được chỉ định truyền glucose dưới dạng dung dịch.
– Trẻ lớn khi phát hiện dấu hiệu hạ đường huyết cần được cho bú ngay. Với các bé thường xuyên bị hạ đường, mẹ nên cho con ăn nhiều bữa. Tránh để bé đói trong một thời gian dài.
[inline_article id=1004]