Categories
Sức khỏe - Dinh dưỡng Chuẩn bị mang thai

10 bước chuẩn bị trước khi mang thai dễ bị bỏ sót

Bạn đã làm những gì để chuẩn bị mang thai? Nếu chỉ mới quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và căn ngày rụng trứng, có thể bạn đã bỏ qua nhiều bước chuẩn bị rất có giá trị khác

Có thể bạn đã từng nghe về những chuẩn bị trước khi mang thai như khám sức khỏe sinh sản, ngừng uống thuốc tránh thai hay ăn uống lành mạnh. Tất cả đều đúng, nhưng chưa đủ. Bạn nên dành thêm thời gian cho những bước chuẩn bị sau. Có thể bạn cảm thấy chúng không thực sự quan trọng, hoặc hãy còn quá sớm, nhưng tất cả đều giúp bạn có được một thai kỳ và cả quãng thời gian sau đó thật ý nghĩa và trọn vẹn hơn.

chuẩn bị mang thai

1. Uống bổ sung axit folic ít nhất 3 tháng để chuẩn bị trước khi mang thai

Tưởng chừng như đây là bước chuẩn bị cơ bản nhất, nhưng rất nhiều mẹ vẫn bỏ sót vì không nghĩ mình phải bổ sung axit folic sớm đến thế. Nếu quá trình mang thai theo cách tự nhiên, bạn sẽ không thể biết chắc được vào ngày rụng trứng, khi nào trứng được thụ tinh. Một khi bạn phát hiện ra những dấu hiệu mang thai thì có thể tuổi thai đã được vài tháng. Trong khi đó, dị tật ống thần kinh được hình thành từ ngày thứ 28, ngày phôi thai được hình thành. Đây là lý do bạn cần nghiêm túc hơn trong việc bổ sung axit folic khi còn đang chuẩn bị mang thai. Bổ sung càng sớm, axit folic càng hiệu quả trong việc giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho bé. Đồng thời, nó còn giúp giảm nguy cơ sinh non ở những tháng cuối.

Liều lượng bổ sung cần vừa đủ, cụ thể phụ nữ chuẩn bị mang thai nên uống khoảng 400-800 microgram a-xít folic mỗi ngày. Với bà bầu, con số này cố định là 600 microgram/ngày. Mẹ cho con bú nên uống 500 microgram/ngày.

2. Dừng các biện pháp tránh thai đúng lúc

Khi lên kế hoạch mang thai và sinh con, bạn nên dừng các biện pháp tránh thai ít nhất 6 tuần trước khi thụ thai. Thời điểm này đủ để an toàn cho sự phát triển của thai nhi, đồng thời giúp tăng khả năng thụ thai thành công.

3. Ngừng sử dụng mỹ phẩm, dược phẩm

Bạn có biết rằng thành phần sotretinoin, các kháng sinh thuộc nhóm cylin như tetracyclin, doxycyclin có mặt trong nhiều loại kem trị mụn có thể gây dị tật thai nhi? Bạn cũng nên tránh xa các loại thuốc và kem bôi có thành phần retinoid (axít retinoic, retinol, adapalen…). Một số loại thuốc uống như Aspirin (chống đau nửa đầu, giảm đau), thuốc chứa salicylate có thể làm hại bé. Ngay khi chuẩn bị mang thai, bạn đã cần kiểm tra kỹ các loại mỹ phẩm hay dược phẩm mình đang dùng và loại bỏ những sản phẩm chứa hoạt chất “chống chỉ định” cho mẹ bầu.

4. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Không chỉ riêng bạn, ngay cả anh xã cũng cần áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ dưỡng chất. Có như vậy, lượng tinh binh được sản sinh ra mới nhanh nhẹn, khỏe mạnh, linh hoạt và vượt trội hơn.

Những thực phẩm giàu dưỡng chất như ngũ cốc, bơ sữa, trái cây, rau củ cần được bổ sung hằng ngày. Thêm vào đó, nên duy trì thói quen ăn các loại cá béo ít nhất 1-2 lần/tuần. Lượng omega-3 trong cá béo như cá hồi sẽ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo dự trữ để cung cấp cho sự phát triển trí não của thai nhi trong thai kỳ.

Ngoài ra, cả hai vợ chồng cũng nên nạp thêm lượng protein lành mạnh từ trứng, thịt nạc.

5. Giảm thiểu nguy cơ stress

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, bạn nên dành thời gian luyện tập, nghỉ ngơi, thư giãn để loại bỏ mọi căng thẳng, stress; bởi đây chính là thủ phạm có thể cản trở khả năng thụ thai của hai vợ chồng bạn. Là phụ nữ, nên dành thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn, đi spa, tập yoga, shopping, tán gẫu,… để tinh thần lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái.

6. Khám sức khỏe tiền sản chuẩn bị trước khi mang thai

Chỉ khi biết được chính xác tình hình sức khỏe của cả hai vợ chồng bạn, bác sĩ mới có thể đưa ra những lời khuyên về dinh dưỡng và sinh hoạt để bầu trải qua thai kỳ suôn sẻ và sinh ra bé con khỏe mạnh. Những biến chứng nguy hiểm trong 9 tháng mang thai cũng được giảm bớt khi có sự chuẩn bị trước khi mang thai này.

7. Trau dồi kiến thức mang thai và chăm sóc bé

Trang bị sẵn những kiến thức cần thiết cho thai kỳ, mẹ bầu sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ hoặc lo lắng, hoang mang khi đột ngột đối diện với bất cứ tình huống nào. Hơn nữa, bạn còn biết cách chăm sóc bản thân để duy trì sự khỏe mạnh của mình lẫn của bé con trong bụng.

8. Bớt đầu tư cho quần áo mới và bắt đầu nghĩ về thời trang bầu

Bạn có tới 40 tuần, tương đương hơn 9 tháng mang thai và hãy bắt đầu nghĩ về phong cách thời trang bầu sao cho bạn vẫn luôn xinh tươi dù bụng có to đi chăng nữa. Hãy tạm ngừng sở thích mua sắm và nghĩ xem vài tháng sắp tới bạn sẽ mặc gì: Phong cách thanh lịch nhưng vẫn thật thoải mái nơi công sở, phong cách bụi bặm nhưng vẫn ra dáng mẹ bầu khi ra phố, phong cách ở nhà nhẹ nhàng nhưng không chểnh mảng… Với những hình tượng đang hiện ra trong đầu bạn, hãy bắt đầu những gạch đầu dòng về những món đồ cần mua và những thứ cần loại bỏ khỏi bộ sưu tập thời trang trong thời gian tới (giày cao gót chẳng hạn).

Chuẩn bị trước khi mang thai
Nếu không có gước chuẩn bị trước khi mang thai, liệu bạn có tự tin vì mình có những bộ thời trang bầu thật thẩm mỹ không?

9. Dành nhiều thời gian cho bạn bè và gia đình

Bạn có ngạc nhiên không khi thấy đây cũng là một trong những việc cần chuẩn bị trước khi mang thai? Thực tế, trong thai kỳ, hai bạn vẫn còn quỹ thời gian tương đối dư dả, có thể về thăm bố mẹ hoặc anh chị em bất cứ khi nào bạn muốn, tham gia vào những buổi đi chơi, cà phê cùng bạn bè mà ít khi phải suy nghĩ hay vướng bận điều gì. Vì vậy, bạn nên tranh thủ thời gian này để dành cho những người thân yêu của mình thật nhiều trải nghiệm thú vị, nhiều cảm xúc đáng nhớ, bởi không lâu nữa, bạn gần như sẽ “biến mất” trong một khoảng thời gian tương đối dài để lo cho con cái trong những năm tháng đầu đời. Một vài gợi ý hay: Tổ chức những chuyến du lịch với gia đình và bạn bè.

10. Suy nghĩ kỹ hơn về công việc

Bạn có đang hài lòng với thời gian và khối lượng công việc? Bạn có cảm thấy những nội quy làm việc của công ty còn thích hợp với mình khi đang nuôi nấng, chăm sóc con nhỏ? Bạn có thấy những ông bố, bà mẹ có con nhỏ khác hạnh phúc với môi trường làm việc hiện tại? Nếu có ý định nhảy việc hoặc bắt đầu một hướng đi mới, khoảng thời gian đang chuẩn bị trước khi mang thai là một thời điểm khá thích hợp để bắt đầu. Bạn sẽ khó mà chuyển việc trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ. Sự thật là các doanh nghiệp e ngại khi tuyển dụng bà bầu. Ai mà biết được bạn sẽ gắn bó với công ty bao lâu? Hơn nữa, họ lại còn phải trả khoản bảo hiểm xã hội không nhỏ khi bạn nghỉ thai sản! Đó là lý do bạn nên đưa ra quyết định dứt khoát về công việc như một bước chuẩn bị quan trọng từ trước khi mang thai.

 

MarryBaby