Mỗi tam cá nguyệt trong thai kỳ sẽ có các giai đoạn phát triển của thai nhi khác nhau. Để hiểu hơn các giai đoạn phát triển của thai nhi theo từng tam cá nguyệt ra sao; MarryBaby sẽ cùng bạn tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Các giai đoạn phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt đầu tiên
Tam cá nguyệt đầu tiên sẽ kéo dài từ khi thụ thai đến tuần thứ 12 của thai kỳ; thường là 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Trong tam cá nguyệt này, trứng đã thụ tinh sẽ thay đổi từ một nhóm tế bào nhỏ thành một bào thai có các đặc điểm của con người. Đây cũng là giai đoạn thai phụ cảm thấy khó chịu với các triệu chứng ốm nghén và mệt mỏi.
Quá trình thụ tinh xảy ra sẽ tạo thành một hợp tử. Bó tế bào nhỏ biến thành phôi nang và làm tổ vào niêm mạc tử cung. Đây chính là sự khởi đầu của việc hình thành nên nhau thai. Một túi ối chứa nước cũng hình thành quanh phôi nang. Chiếc túi này sẽ cung cấp lớp đệm cho thai nhi trong suốt thai kỳ.
Vào cuối tuần thứ 4 của thai kỳ, phôi nang sẽ dài khoảng 2 mm có kích thước bằng với một hạt anh túc bạn nhé. Trong giai đoạn này, bạn có thể tìm hiểu thêm các cách giữ thai trong 3 tháng đầu để không bị sảy thai và dưỡng thai khỏe mạnh.
Hầu như, các thai phụ sẽ cảm nhận rõ các dấu hiệu mang thai khi bước vào tháng thứ hai của thai kỳ với tốc độ phát triển nhanh đến kinh ngạc.
Khoảng từ tuần thứ 6, bác sĩ có thể nhận thấy âm thanh nhịp tim của thai nhi khi siêu âm thai có thể là đường bụng hay qua đường âm đạo. Phôi thai ở tuần 7 trông giống như một con nòng nọc nhỏ hoặc cá ngựa do có cái đuôi nổi bật (sau này trở thành chân) và cái đầu lớn. Đến tuần 8, tất cả các cơ quan và hệ thống chính của cơ thể thai nhi phát triển. Thai nhi có bàn tay và bàn chân giống như mạng nhện. Mắt thai nhi trở nên rõ ràng và tai bắt đầu hình thành. Dây rốn cũng được phát triển đầy đủ giúp vận chuyển oxy và máu đến phôi thai.
Sau tuần thứ 8 của thai kỳ, bác sĩ sẽ bắt đầu gọi phôi thai là thai nhi. Vì bào thai sẽ vẫn phát triển cho đến khi sinh ra đời.
Ở tháng thứ 3, răng và vị giác của bé bắt đầu hình thành. Cơ thể con có hình dạng trông giống con người hơn. Các đặc điểm trên khuôn mặt cũng dần nổi bật. Cánh tay, bàn tay, ngón tay không còn màng, bàn chân và ngón chân của thai nhi được hình thành đầy đủ và tiếp tục phát triển. Ở tuần 11, thai nhi có thể mở và nắm tay lại, miệng cũng có thể há ra. Đầu gối, khuỷu tay và mắt cá chân con yêu cũng đang hoạt động nhưng còn quá sớm để bạn cảm thấy bất kỳ cú đá nào. Bộ phận sinh dục ngoài cũng bắt đầu hình thành nhưng giai đoạn này vẫn còn quá sớm để nhìn thấy rõ trên siêu âm.
Ở tuần 12, hệ thống tuần hoàn, tiêu hóa và tiết niệu của con cũng bắt đầu hoạt động và gan đã sản xuất máu. Lúc này, thai nhi đã có thể uống và tè ra nước ối rồi đấy.
Ngoài ra, khả năng sảy thai của bạn sẽ giảm đáng kể sau tuần thứ 12 thai kỳ (cuối tam cá nguyệt thứ nhất). Và hầu hết các thai phụ cũng đã cảm thấy bớt ốm nghén hơn.
>> Bạn có thể xem thêm: Thai nhi 3 tháng tuổi đã phát triển như thế nào, mẹ biết chưa?
Tam cá nguyệt thứ hai thai nhi có các giai đoạn phát triển ra sao?
Tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ được coi là giai đoạn nhẹ nhàng của mẹ bầu vì các triệu chứng ốm nghén đã biến mất. Bạn cũng có thể cảm thấy các chuyển động khi thai nhi lật và xoay trong tử cung.
Từ tháng thứ 4, bác sĩ sản khoa có thể nghe thấy nhịp tim của thai nhi to và rõ ràng trên siêu âm Doppler. Lúc này, thai nhi đã có thể mút ngón tay cái, ngáp, vươn vai và thay đổi cơ mặt.
Phần đầu của thai nhi bắt đầu phát triển cân đối với cơ thể, da bắt đầu dày lên và tóc tơ bắt đầu mọc. Thai nhi có thể đưa ngón tay lên miệng mút. Bé đã có bộ phận sinh dục ngoài đầy đủ và dấu vân tay bắt đầu hình thành.
Từ tuần 16, thai nhi đã có môi và tai đầy đủ để có thể nghe bạn nói. Mặc dù mắt nhắm nhưng thai nhi vẫn có thể phản ứng với ánh sáng bằng cách quay lưng lại với ánh sáng.
>> Bạn có thể xem thêm: Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng diễn ra như thế nào?
Ở tháng thứ 5, bạn có thể cảm nhận các chuyển động nhanh đầu tiên của thai nhi. Giai đoạn này, bạn có thể biết được rõ ràng giới tính của thai nhi. Thai nhi có thể bắt đầu hình thành thói quen ngủ và thức dậy. Con cũng có thể thức dậy khi đang ngủ nếu có một tiếng động lớn ở ngoài bụng mẹ. Mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận được những cú đá và những lần nấc cụt của con. Đặc biệt, vùng não của con bắt đầu phát triển và điều khiển 5 giác quan của cơ thể.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về cân nặng chuẩn của thai nhi tháng thứ năm khi ở giai đoạn này nhé.
Ở tháng 6, làn da của thai nhi có màu hơi đỏ, nhăn nheo và các tĩnh mạch có thể nhìn thấy qua lớp da trong mờ. Thai nhi có khả năng nắm tay, chạm vào tai và dây rốn. Mí mắt thai nhi bắt đầu tách ra và bạn có thể nhận thấy cử động của thai nhi đều đặn. Ngoài ra, thai nhi sẽ phản ứng với âm thanh bằng cách cử động hoặc tăng nhịp tim.
Vào tuần thứ 24, phổi của thai nhi đã phát triển đầy đủ nhưng chưa thể hoạt động tốt khi ở bên ngoài tử cung của người mẹ.
Vào cuối tháng thứ sáu thai kỳ, thai nhi dài khoảng 30cm và nặng khoảng 900g. Giai đoạn này bạn cũng nên tìm hiểu thêm về vấn đề mẹ bầu 6 tháng nên ăn gì nữa nhé.
>> Bạn có thể xem thêm: Dấu hiệu thai nhi khỏe mạnh 3 tháng giữa theo từng tuần
Các giai đoạn của thai nhi phát triển trong tam cá nguyệt thứ ba
Đây là giai đoạn cuối cùng của thai kỳ, bạn đang đếm ngược từng ngày để đến ngày dự sinh. Từng tuần trong các giai đoạn phát triển của thai nhi ở tam cá nguyệt này sẽ là bước chuẩn bị cho ngày con chào đời.
Trong suốt tam cá nguyệt thứ ba, thai nhi sẽ tăng cân nhanh chóng và bổ sung chất béo trong cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ theo dõi bạn kỹ hơn khi gần đến ngày dự sinh. Bạn sẽ cần đi khám thai cách 2 tuần/lần và sau đó là hàng tuần.
Ở tháng thứ 7, thai nhi bắt đầu mở mắt và chớp mắt, da bớt nhăn nheo, hệ thống thần kinh dần hoàn thiện. Phổi của thai nhi cũng bắt đầu tạo ra chất hoạt động bề mặt giúp con có thể thở được sau khi sinh.
Ở tháng 8, bộ não của con ngày càng trưởng thành và phát triển nhanh chóng. Thai nhi có thể xử lý được nhiều thông tin, Bạn có thể cảm nhận những cú đá của con rõ ràng hơn vì không gian túi ối ngày càng trật trội. Mẹ có thể cảm nhận rõ ràng sự khác biệt khi con thức và ngủ.
Ở tuần 32, làn da của thai nhi không còn trong mờ nữa. Ngoài phổi và não, thì hầu hết các cơ quan khác đều đã hoàn thiện và sẵn sàng chào đời.
Thai nhi trong tháng thứ 8 thai kỳ có chiều dài khoảng 43-45cm và nặng khoảng 2kg. Bạn khó thể tìm hiểu thêm nguyên nhân gây khó thở khi đến tháng thứ tám này nhé.
Ở tháng thứ 9, xương của thai nhi đã cứng cáp, ngoại trừ não cần phải mềm để đi xuống ống sinh. Thai nhi đã có nhiều tóc hơn ở trên đầu. Đầu của con chỉ to bằng khoảng 2/3 sau khi sinh. Bạn có thể bị phù chân khi đến tháng thứ chín vì thế bạn cần phải đi khám thai đều đặn nhé.
Từ tuần 37 trở đi, con đã sẵn sàng chào đời, bạn có thể bắt đầu cảm thấy thai nhi có dấu hiệu di chuyển đến khung xương chậu của mình. Thai nhi tăng khoảng 200g mỗi tuần để đạt được kích thước cuối cùng trước khi đủ tháng và sẵn sàng chào đón thế giới bên ngoài bụng mẹ rồi. Mẹ hãy đến bệnh viện nếu nhân thấy dấu hiệu chuyển dạ nào nhé.
>> Xem thêm: Cách làm giảm cơn đau đẻ hiệu quả và bí kíp chuyển dạ nhanh cho bầu
Như vậy, bạn đã biết rõ các giai đoạn phát triển của thai nhi từ tuần 1-40 rồi. Các giai đoạn phát triển của thai nhi trong quá trình mang thai sẽ giúp đánh giá sức khỏe thể chất và trí tuệ của con.