Hầu hết trẻ em đều không thể cưỡng lại sự ngọt ngào của những viên kẹo. Nhiều bé thậm chí có thể “ngấu nghiến” cả ngày không chán. Nếu vậy, chắc hẳn bé sẽ rất thích thú nếu được mẹ tặng cho cả một hộp kẹo. Tuyệt vời hơn, kẹo này lại chính tay mẹ và bé cùng nhau trổ tài. MarryBaby gợi ý 4 công thức làm kẹo đơn giản, mẹ tham khảo ngay nhé!
Món ăn vặt cho bé #1: Kẹo dẻo hương chanh
Không phức tạp như mọi người vẫn nghĩ, cách làm kẹo dẻo cho bé khá đơn giản. Mẹ chỉ cần bớt chút thời gian cuối tuần để chuẩn bị cho con yêu cả hộp kẹo ngon lành, hấp dẫn.
Nguyên liệu:
2 chén đường
1/2 chén nước
1 nhánh quế
1 quả chanh vàng
1 nhánh gừng
Đường bột
Cách làm:
– Đường, nước, quế, gừng và nước cốt chanh cho vào chảo nấu lửa vừa. Khi đường vừa tan chảy, khuấy đều trong 15 phút, sau đó vớt gừng, quế ra. Khuấy đều 10-15 phút nữa cho đến khi hỗn hợp đường nặng tay, sánh dẻo và chuyển màu cánh gián. Tắt bếp để nguội trong 1 phút.
– Lót giấy nến vào khay bánh, dùng muỗng nhỏ múc hỗn hợp đường lên giấy nến định hình cho kẹo. Làm lần lượt đến hết, rồi để yên cho đông lại.
– Rây 1 lớp đường bột phủ đều thành 1 lớp mỏng áo lên kẹo. Nạy từng viên kẹo vừa tạo hình trên giấy nến, cho vào hũ, đậy kín, dùng dần.
Món ăn vặt cho bé #2: Kẹo dẻo đào tươi
So với kẹo dẻo chanh, kẹo dẻo đào mất nhiều thời gian sơ chế đào hơn. Tuy nhiên, cách làm kẹo dẻo đào cũng không quá phức tạp đâu mẹ nhé!
Tương tự cách làm
Nguyên liệu
1,5kg đào chín
40gr đường bột
2 chén đường
1/3 chén xi-rô bắp (corn syrup)
2 muỗng cà phê nước cốt chanh tươi
Cách làm
– Đào tươi sau khi rửa sạch, cho vào nồi luộc. Sau khi nước sôi, chờ thêm 2 phút mới vớt ra, cho vào thau đó ngâm đến khi nguội.
– Đào sau khi ngâm nước lạnh, lột bỏ lớp vỏ. Nếu vỏ không tuột ra dễ dàng, bạn có thể cho vào nồi luộc và làm mát lần nữa. Cách này sẽ giúp bạn lột vỏ đào dễ dàng mà không mất một miếng thịt nào.
– Sau khi lột vỏ, vớt đào ra để ráo nước.
– Cắt đào làm đôi, hoặc làm 4, sau đó cho vào máy xay nhuyễn rồi lược qua rây.
– Đào vừa xay cho vào nồi đun sôi, thêm pectin và đường cát vào khuấy đều đến khi đường tan.
– Khi hỗn hợp sôi, hạ lửa nhỏ bớt, đổ si rô bắp vào khuấy cùng.
– Thêm nước cốt chanh vào khuấy đều đến khi hỗn hợp nặng tay thì tắt bếp.
Món ăn vặt cho bé #3: Kẹo gôm dẻo
Nguyên liệu:
2 chén đường
1/2 chén sốt táo (sốt tự nhiên không thêm đường)
2 gói gelatin (mỗi gói 90 gam)
Phẩm màu đỏ hoặc màu xanh lá cây
2 gói gelatin có mùi thơm
1 muỗng canh nước cốt chanh
Cách làm:
– Cho một chút dầu ăn vào trong chảo cho kín bề mặt rồi để tủ lạnh.
– Cho 1 chén đường, sốt táo, gelatin màu xanh hoặc đỏ, gelatin có mùi thơm vào chảo lớn, khuấy đều.
– Khi hỗn hợp tan đều, thêm nước cốt chanh vào, để hỗn hợp nghỉ trong vòng 1 phút.
– Đun sôi hỗn hợp trên bếp, khuấy liên tục trong 1 phút.
– Sau đó ngay lập tức đổ hỗn hợp vào khay nướng đã được làm lạnh. Đặt hỗn hợp vào tủ lạnh ít nhất 3 giờ.
– Dùng dao hoặc thìa nạo xung quanh mép khuôn để lấy kẹo ra, đổ kẹo xuống một tờ giấy nến.
– Dùng các khuôn cắt kẹo thành những hình ngộ nghĩnh.
– Rắc phần đường còn lại lên giấy nến, sau đó lăn kẹo gôm lên trên để đường bám vào kẹo, để kẹo khô trong 8 giờ.
Món ăn vặt cho bé #4: Kẹo Brigadeiros
Nguyên liệu:
3 muỗng canh bột ca cao đắng
1-2 muỗng canh bơ
1 hộp sữa đặc có đường
Kẹo màu, hạt giã nát, dừa nạo…(tùy thích)
Cách làm:
– Cho sữa, ca cao và bơ vào nồi khuấy đều liên tục, mở lửa nhỏ trong 15-20 phút hoặc cho đến khi đặc. Mẹ có thể thử độ đặc bằng cách dùng cây vét bột kéo một đường, thấy kẹo không chảy lại là được.
– Cho hỗn hợp ra khay kích thước khoảng 20×20 cm, cho vào tủ lạnh khoảng 30 phút cho đến khi đặc lại, hoặc có thể để một ngày.
– Lấy một miếng chocolate khoảng 1 muỗng canh, vo viên tròn. Khi vo, mẹ có thể thoa một ít dầu vào tay cho đỡ dính.
– Cho ít kẹo đủ màu vào chén và lăn viên chocolate cho phủ đều kẹo màu. Hoặc mẹ có thể lăn viên chocolate qua đậu phộng giã nhuyễn, hạnh nhân hoặc dừa nạo. Mẹ có thể chuẩn bị nhiều chén kẹo đủ màu, các loại hạt để bé tự chọn, tự làm.
Lưu ý dành cho mẹ:
Kẹo tự làm ở nhà tuy đảm bảo về chất lượng, thành phần không hóa chất độc hại, nhưng vẫn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ, như sâu răng, tiểu đường, cản trở hấp thu dinh dưỡng… nếu mẹ cho bé ăn quá nhiều.
[inline_article id=60803]