Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

“Lật tẩy” thủ phạm không ngờ khiến trẻ hay ốm vặt

Năm tháng đầu đời là khoảng thời gian vô cùng quan trọng để tạo dựng nền tảng sức khỏe vững chắc ở trẻ. Những đứa trẻ hay ốm vặt trong thời gian này có thể lỡ mất nhiều cơ hội để phát triển một cách toàn diện nhất. Do đó, bố mẹ nên thường xuyên chú ý đến tình trạng sức khoẻ của con, tìm hiểu lý do để có biện pháp cho con tăng đề kháng ít ốm vặt.

Bé nhà bạn hay ốm vặt: Nguyên nhân do đâu?

Ở trẻ nhỏ, việc trẻ hay ốm vặt là điều rất phổ biến. Theo thống kê, trẻ mới biết đi có thể mắc các bệnh như cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh đường tiêu hoá từ 8-12 lần/năm. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do:

  • Nền tảng đề kháng chưa hoàn thiện: Nền tảng đề kháng của trẻ nhỏ vẫn chưa phát triển hoàn toàn mà sẽ dần trưởng thành và phải đến năm 3-4 tuổi, cơ thể trẻ mới có đủ lượng kháng thể gần bằng của người lớn [1], [2]. Đây là nguyên nhân lý giải tại sao trẻ nhỏ rất hay ốm. Đặc biệt, nếu trong giai đoạn này, bé hay gặp các vấn đề về tiêu hóa hoặc có sức khỏe đường ruột kém thì sức đề kháng lại càng yếu hơn. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa và nền tảng đề kháng có mối liên hệ chặt chẽ khi 70-80% tế bào miễn dịch cư trú tại đường ruột [4]. 
  • Ảnh hưởng từ thời tiết và sự phát triển theo mùa của mầm bệnh: Khi thời tiết thay đổi, nhiệt độ và độ ẩm cũng thay đổi theo. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại virus theo mùa phát triển và lây lan mạnh, chẳng hạn như virus cúm [5]. Trong khi đó, sức đề kháng của trẻ nhỏ lại rất non nớt nên các mầm bệnh này rất dễ tấn công và gây bệnh cho bé [6]. 
  • Dùng kháng sinh quá sớm và không tuân thủ liều lượng chỉ định: Khi thấy con ốm, nhiều ba mẹ có xu hướng cho con dùng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, kháng sinh chỉ giúp điều trị các bệnh do vi khuẩn chứ không có tác dụng chống lại virus. Do đó, việc “vội vàng” cho bé dùng kháng sinh khi chưa biết rõ nguyên nhân không những khiến bệnh không khỏi mà còn có thể làm giảm số lượng lợi khuẩn và khiến đề kháng đường ruột yếu đi. Ngoài ra, lạm dụng kháng sinh thậm chí còn gây ra tình trạng kháng thuốc [7], [8].
  • Môi trường sống ô nhiễm, thói quen sinh hoạt không hợp lý: Môi trường sống không lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá sẽ khiến trẻ có nguy cơ cao bị ho, khó thở, thở khò khè và mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, hen suyễn nghiêm trọng hơn những trẻ khác [9]. Ngoài ra, việc ít được tắm nắng cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ hay ốm vặt vì bé dễ bị thiếu hụt vitamin D – một loại vitamin được tổng hợp qua da dưới ánh nắng mặt trời có tác dụng nâng cao đề kháng, giúp trẻ chống lại mầm bệnh [3].

“Công thức vàng” khi nuôi con giúp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ít ốm vặt

Tại sao trẻ hay ốm vặt

Cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng tối ưu giúp tăng đề kháng tự nhiên

Với trẻ nhỏ, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất, không chỉ quyết định đến sự phát triển thể chất, trí tuệ mà còn góp phần giúp bé xây dựng nền tảng đề kháng. 

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ sơ sinh nên được bú mẹ hoàn toàn ít nhất 6 tháng đầu sau sinh và khuyến khích tiếp tục cho trẻ bú đến tận 12 tháng nếu mẹ có khả năng [10]. Bởi sữa mẹ không chỉ phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ mà còn chứa nhiều dưỡng chất giúp bé tăng đề kháng [11]. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến là HMO, dưỡng chất đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hệ vi sinh vật đường ruột [11], [12], [13]. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có một “cộng đồng” lợi khuẩn đa dạng với hơn 200 chủng loại, tiêu biểu là Lactobacilli, Bacteroides và Bifidobacteria giúp ngăn ngừa hiệu quả những bệnh nhiễm trùng như viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tiêu hoá, tiêu chảy… [14], [15].

Tiêm phòng theo khuyến cáo

Mặc dù các biện pháp dinh dưỡng có thể giúp bé tăng cường đề kháng và hạn chế các nguy cơ ốm vặt, tuy nhiên chúng vẫn không thể nào bảo vệ con bạn hoàn toàn khỏi các bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của con. Do đó để đảm bảo trẻ lớn lên khỏe mạnh, ba mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ các mũi vaccine theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế [16].

Sinh hoạt hợp lý

Trẻ hay bị ốm vặt phải làm sao

Giấc ngủ có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp bé tăng cường đề kháng. Khi ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ dự trữ đủ năng lượng để chống lại các tác nhân gây bệnh, ngoài ra trong khi ngủ, cơ thể cũng sẽ có thời gian hồi phục tốt hơn. Chính vì thế, hãy giúp con bạn duy trì thời gian nghỉ trưa đều đặn và giờ đi ngủ cố định mỗi đêm để  đảm bảo con bạn luôn phát triển khoẻ mạnh, tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa bệnh vặt tốt hơn [17].

Giữ gìn vệ sinh cho bé

Chú ý giữ gìn vệ sinh khi chăm sóc bé là điều rất quan trọng bởi việc này sẽ giúp bé giảm nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Cụ thể, ba mẹ hoặc người chăm sóc nên chú ý rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi thay tã, trước khi cho bé bú mẹ hoặc trước khi pha sữa cho bé. Với các bé bú sữa ngoài, mẹ cần vệ sinh và tiệt trùng kỹ các dụng cụ pha sữa. Ngoài ra, ba mẹ cũng cần chú ý vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của bé thường xuyên và không để bé tiếp xúc với khói thuốc lá [18]. 

Việc trẻ hay ốm vặt có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên do. Tuy nhiên, thay vì quá lo lắng, ba mẹ cần theo dõi sát sao quá trình phát triển của trẻ, đồng thời thực hiện các biện pháp giúp bé tăng đề kháng, giảm ốm vặt kể trên để giúp bé phát triển tốt nhất trong những năm tháng đầu đời.