Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Những “tuyệt chiêu” khi dạy trẻ 3 tuổi

Bước vào tuổi lên 3, trẻ thường trở nên bướng bỉnh, đúng với câu “khủng hoảng tuổi lên 3” và sẵn sàng ăn vạ bất cứ đâu. Trong giai đoạn này, cha mẹ cần hiểu tâm lý và có cách hành xử thích hợp để đồng hành cùng con khôn lớn.

Theo các nhà tâm lý học, độ tuổi lên 3 chính là một trong những giai đoạn “chông gai” nhất mà trẻ cùng bố mẹ trải qua. Đây là giai đoạn trẻ phát triển vượt trội về mọi mặt cả về thể chất lẫn tâm lý, trí tuệ. Mà đặc biệt trẻ thay đổi về chức năng tâm lý khiến trẻ có nhiều biểu hiện khủng hoảng mà chính bản thân bé phải đối mặt. Sự thay đổi đó được người lớn cho là lì lợm, bướng bỉnh, và nhiều ba mẹ cảm thấy bất lực trước những thay đổi này của con trẻ. Trong thời kì này, ba mẹ cần phải thấu hiểu tâm lý của con, lúc này trẻ muốn thể hiện sự độc lập, không muốn áp đặt và muốn thể hiện sự sáng tạo của mình. Dạy trẻ 3 tuổi, bên cạnh sự thấu hiểu thì ba mẹ cần có “chiêu” để đối phó với tính cách ương bướng của trẻ.

Giải đáp thắc mắc và trò chuyện cùng con

Dù dạy trẻ 3 tuổi hay ở bất kỳ lứa tuổi nào, sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng, tránh nổi nóng luôn là chìa khóa thành công cho ba mẹ. Riêng ở lứa tuổi này, trẻ thường thắc mắc nhiều thứ, nói luyên thuyên, thậm chí còn cãi lại bố mẹ. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện như vậy, thay vì la mắng, quát nạt hay dùng những câu nói phủ nhận, cấm đoán trẻ như “Con không được làm thế này”, “Con có thôi phá đồ đạc đi không” hay “Con nói nhiều quá”, mẹ nên nói chuyện nhiều với con, giải đáp những thắc mắc của con. Chỉnh sửa từ ngữ và những suy nghĩ chưa đúng của con trẻ, giúp trẻ vượt qua những điều còn đang băn khoăn. Khi tư tưởng được “đả thông”, trẻ sẽ trở nên  và có thái độ hợp tác với ba mẹ hơn.

[inline_article id=26782]

Để con thỏa sức sáng tạo

Bé 3 tuổi luôn cố gắng thể hiện tính độc lập của bản thân: Thích chơi đồ chơi theo cách của mình, xem chương trình mà mình thích, mặc bộ quần áo mình chọn. Khi mẹ can thiệp vào bất cứ hoạt động nào của trẻ, tỷ lệ trẻ nổi cáu và đẩy mẹ ra sẽ khá cao. Trong những lúc như thế này, mẹ cần tương tác với con giúp giải tỏa những thắc mắc và cho bé thể hiện những chứng kiến của bản thân. Điều quan trọng là mẹ đừng để con trẻ có tâm lý mình luôn bị người lớn áp đặt, không bao giờ được thể hiện mong muốn của mình. Điều này càng làm trẻ bướng bỉnh và luôn tìm cách phản kháng với người lớn. Đây là một trong những lưu ý quan trọng khi dạy trẻ 3 tuổi!

Cách dạy trẻ 3 tuổi
Không phải chờ đến tuổi teen, ngay cả ở độ tuổi lên 3, trẻ cũng đã bắt đầu “nổi loạn”

Khơi gợi sự chia sẻ từ con

Ở độ tuổi lên ba, trẻ bắt đầu nhận thức về mọi thứ xung quanh, trẻ có thể cảm nhận được xấu đẹp, thiện ác vì vậy trong trẻ hình thành những cung bậc cảm xúc. Trẻ bắt đầu có biểu hiện bướng bĩnh, ghen ghét và phản kháng ý kiến của người lớn. Sỡ dĩ, trẻ có những hành động ngang bướng là do trẻ chưa kiểm soát được cảm xúc của bản thân và trẻ muốn sự độc lập. Vì vậy, khi thấy trẻ ngang bướng mẹ đừng vội quát tháo và đánh đòn con mà nên bình tĩnh, lắng nghe và giải tỏa những buồn bực trong trẻ.

Đặt câu hỏi một cách quan tâm là cách tiếp cận tốt nhất tới những vấn đề khúc mắc của bé. Mẹ đưa ra những câu hỏi như “Tại sao con không thích mẹ bế em”, “Con buồn bực là do mẹ không cho con đi chơi công viên à”. “Con không thích bạn Gấu vì bạn Gấu hay giành đồ chơi của con sao?”… Khi lắng nghe được những giãi bày từ con, mẹ sẽ có định hướng hành vi cho con một cách hợp lý. Khi tâm lý ức chế, buồn bực được giải tỏa, trẻ sẽ trở nên ngoan ngoãn và biết vâng lời người lớn. Nhưng mẹ nên nhớ là luôn có thái độ tôn trọng, không chế giễu hay gạt bỏ những suy nghĩ, lý luận ngô nghê của trẻ.

[inline_article id=60081]

Mẹ không thỏa hiệp!

Khi dạy trẻ 3 tuổi, mẹ nên chú ý đến việc giải quyết tính mè nheo của con. Trẻ nhỏ thường hay mè nheo, bướng bỉnh khi người lớn không đáp ứng những đòi hỏi của các bé. Trong hoàn cảnh này,  mẹ cần giải thích rõ ràng cho trẻ và luôn kiên định ý kiến của mình với những đòi hỏi vô lý của con. Vì chỉ cần  mẹ thỏa hiệp với chúng một lần sẽ tạo tiền lệ xấu cho trẻ. Ví dụ, trẻ đòi ăn kẹo vào buổi tối, bạn không cho nhưng bé lại lăn ra ăn vạ và kết quả là, con được ăn kẹo và lại còn không chịu đánh răng. Những ngày kế tiếp của mẹ chắc chắn sẽ rất vất vả vì tình huống ăn vạ này sẽ lặp đi lặp lại.

Tóm lại, sự bao dung, chia sẻ và thương yêu nhưng không rời bỏ kỷ luật chính là những nguyên tắc nền tảng giúp mẹ thành công trong việc dạy trẻ 3 tuổi để con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 một cách thành công.