Tình hình bệnh tay chân miệng năm 2021
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong (2 tại Kiên Giang, 1 ở An Giang và 1 ở Long An).
Số ca mắc gia tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Trước số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng đáng báo động, ngày 6/4/2021 Bộ Y tế đã có Công văn số 2527/BYT-DP gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo triển khai một số nội dung về tăng cường phòng chống dịch tay chân miệng nhằm giảm thiếu tối đa trường hợp mắc, tử vong.
Theo đó, tăng cường hoạt động truyền thông các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ sạch; đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh.
Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là nhà trẻ, trường mẫu giáo phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục để cơ quan y tế địa phương tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Ngành Y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để nhằm tránh dịch lây lan ra diện rộng; tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên; đối với bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác; đồng thời tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân các cấp biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh của địa phương.
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh xảy ra cả năm nhưng thường bùng phát vào mùa Hè, thời điểm từ tháng 4-6 và những tháng cuối năm, lúc giao mùa từ 10-12. Những nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém tạo điều kiện tốt nhất để mầm bệnh phát triển.
Bệnh có thể kéo dài một tuần hoặc lâu hơn tùy sức đề kháng và khả năng phục hồi của từng người.
Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?
Bệnh tay chân miệng ở trẻ có 4 cấp độ. Nếu trẻ bị tay chân miệng cấp độ 1 hoặc 2 thì gia đình có thể yên tâm điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Cấp độ 3 là thể nặng và bắt buộc phải điều trị tại bệnh viện.
Bệnh tay chân miệng trẻ em là bệnh lý không quá nguy hiểm nếu như mẹ hiểu đúng, phát hiện sớm và điều trị ngay.
Bệnh chân tay miệng có lây không?
Đây là bệnh lây lan nhanh qua đường miệng khi trẻ lành vô tình nuốt phải các phân tử nước bọt hoặc nước mũi chứa virus của trẻ bệnh được phát tán trong không khí.
Ngoài ra, trẻ cũng sẽ mắc bệnh nếu chạm tay vào những đồ vật đã “dính” virus, sau đó đưa tay vào miệng. Như vậy, chỉ cần trong lớp học hoặc khu phố có một bé bị tay chân miệng và bé hắt hơi hoặc ho, khả năng các trẻ xung quanh bị lây bệnh là rất cao.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh do các virus thuộc nhóm Enterovirus mà chủ yếu là Coxsackie gây ra. Đặc biệt nếu trẻ nhiễm virus Enterovirus 71 thì nguy cơ gặp biến chứng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi,… dẫn đến tử vong là rất cao.
Dấu hiệu, triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Hầu hết trẻ đều bị mắc bệnh tay chân miệng trong những năm đầu đời. Bệnh ở trẻ nhỏ có đặc trưng ban đầu là sốt và nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân, mông, lở miệng sau khi sốt 1-2 ngày.
Tuy nhiên, trước khi sốt, có thể trẻ sẽ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc nói đau miệng hoặc thường dùng tay chỉ trỏ vào miệng… Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi gần nhà để xác định xem có đúng là bị tay chân miệng hay không.
Nếu trẻ bị tay chân miệng thì trước hết cần chăm sóc và theo dõi tại nhà. Nếu ngay từ đầu đã nhận thấy các dấu hiệu như sốt hơn 2 ngày hoặc trẻ sốt cao từ 39 độ trở lên, uống thuốc khó và kèm theo các triệu chứng sau thì phải nhanh chóng đưa trẻ nhập viện ngay:
- Tiếp tục sốt cao trên 39 độ
- Giật mình chới với, lúc thiu thiu ngủ, nẫy người
- Thở mệt, da nỗi bông, không sờ thấy mạch hay mạch đập quá nhanh
Đây đều là dấu hiệu cho thấy bệnh đã chuyển nặng, có thể gặp biến chứng nên cha mẹ không nên lơ là, chủ quan.
[inline_article id=3129]
Cách điều trị bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Bệnh chân tay miệng uống thuốc gì?
Không có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng. Thông thường sau khi chuẩn đoán bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng các loại thuốc như Paracetamol (với trẻ trên 3 tháng tuổi ) hoặc ibuprofen (với trẻ trên 6 tháng tuổi ).
Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi?
Bệnh tay chân miệng thường sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày khởi phát (tỷ lệ khỏi bệnh là 90%) và bước sang ngày thứ 4, trẻ sẽ tươi tắn dần lên, nếu không giật mình hay sốt cao là bệnh sẽ ổn và khỏi dần.
Trẻ bị chân tay miệng nên bôi thuốc gì?
Thông thường, khi trẻ nổi mụn nước sẽ hết sốt. Tuy nhiên phụ huynh sẽ cảm thấy lo lắng khi thấy trẻ nổi nhiều mụn nước. Theo các bác sĩ nhi, nổi nhiều mụn nước là dấu hiệu bệnh của trẻ nhẹ hơn so với việc nổi ít mụn.
Lúc này, cha mẹ không nên bôi thuốc xanh lên mụn nước vì trên thực tế bôi vào cũng chẳng có tác dụng gì. Hơn nữa việc này càng làm bác sĩ khó chẩn đoán bệnh hơn. Việc cha mẹ cần làm là tắm rửa cho trẻ như thường ngày và chờ cho đến khi mụn tự khô (thường là sau 5-7 ngày sau đó).
Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh có thể tự khỏi sau 7-10 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Càng nắm bắt đầy đủ các thông tin về bệnh mẹ càng sớm có cách điều trị hiệu quả cho trẻ ngay tại nhà.
Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng và được chỉ định chăm sóc tại nhà, các mẹ cần chú ý:
Trẻ bị bệnh chân tay miệng kiêng gì?
- Không lạm dụng kháng sinh, vitamin
Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ thiếu vi chất do ăn uống kém vì bệnh tay chân miệng nên cần bổ sung vitamin. Thật ra việc này không cần thiết bởi bệnh thường làm trẻ bị loét miệng nên trở nên kén ăn, việc cố ép trẻ uống vitamin chỉ làm đau miệng thêm và tăng tình trạng biếng ăn, khiến trẻ càng thiếu vi chất hơn.
Với kháng sinh, nếu trẻ không bị bội nhiễm do loét miệng nhiều thì không nên dùng bởi lạm dụng kháng sinh dễ gây nên tình trạng kháng kháng sinh sau này, rất nguy hiểm cho trẻ.
- Chú ý vấn đề ăn uống
Về vấn đề ăn uống của trẻ bị tay chân miệng, phụ huynh nên đảm bảo cho trẻ uống thật nhiều nước và ăn thức ăn mềm, không cần phải nhai nhiều. Tránh thức ăn nóng, nhiều gia vị, nhất là thức ăn mặn, chua hoặc quá cay vì có thể gây kích ứng khiến trẻ đau miệng hơn.
Mẹ nên để thức ăn nguội hoàn toàn, làm mát sữa hoặc nước uống để làm dịu miệng, giúp trẻ uống nhiều hơn. Ngoài ra, với trẻ nhỏ, bạn nên hạn chế dùng núm vú mà nên cho trẻ uống bằng cốc, muỗng hoặc xylanh để không làm trẻ đau miệng hơn.
- Giảm đau miệng để trẻ ăn ngon hơn
Trẻ bị bệnh thường đau miệng nên ăn uống kém và khó ngủ, khóc thút thít suốt. Mẹ có thể áp dụng cách sau để rơ miệng làm giảm đau rát miệng cho con: Mua vài gói thuốc Grangel (thuốc dạ dày), Varogel, Phosphalugel bỏ vào ngăn mát tủ lạnh rồi chấm vào vết loét miệng của trẻ hoặc dùng rơ miệng, cho trẻ ngậm.
Trẻ bị tay chân miệng có tắm được không?
Cần tránh không đụng vào các nốt mụn để hạn chế tình trạng vỡ mụn lây lan là điều đúng đắn nhưng kiêng tắm cho trẻ lại là một quan điểm sai lầm bởi nếu không tắm cho trẻ sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn phát triển dẫn đến những căn bệnh hoặc biến chứng khác nguy hiểm hơn.
Điều quan trọng nhất khi trẻ bị tay chân miệng là mẹ cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ và giữ vệ sinh sạch sẽ.
Biện pháp phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ em
Các biện pháp phòng ngừa là:
- Người lành, đặc biệt là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với người mang bệnh nếu không thật sự cần thiết.
- Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.
- Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.
- Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor.
- Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.
- Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động
- Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.
- Khi thấy trẻ có dấu hiệu: trẻ khó ngủ, quấy khóc liên tục, hay giật mình, lúc thức hay nói nhảm, hoảng hốt lúc thiu thiu ngủ, sốt cao các chi, run và co giật, nôn ói nhiều thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
[inline_article id=104279]
Bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh tuy có biến chứng nhưng rất hiếm gặp. Vì vậy chỉ cần chăm sóc đúng cách và chú ý quan tâm đến phản ứng của trẻ để nhập viện đúng lúc, trẻ sẽ nhanh chóng khỏi bệnh và phát hiện biến chứng kịp thời nếu có.