Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Các vấn đề sức khỏe trẻ em khác

Viêm bao quy đầu ở trẻ em, bố mẹ lơ mơ, con thơ nguy hiểm

Viêm bao quy đầu ở trẻ em có thể dễ dàng điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm các triệu chứng thuở ban sơ. Nhưng đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra do cha mẹ quá tự tin vào “tài bắt bệnh” của mình.

Nếu mỗi lần con đi tiểu, bạn thấy “cậu bé” của con phồng to, chứng tỏ bao quy đầu của trẻ bị hẹp. Việc này khiến cho trẻ đi tiểu khó khăn và dễ bị viêm nhiễm ở bao quy đầu.

Bao quy đầu là gì?

Quy đầu là phần đầu của “cậu nhỏ”, còn đoạn da mỏng bao ngoài được gọi là bao quy đầu có nhiệm vụ bảo vệ vùng nhạy cảm này của cơ thể.

Đặc điểm cấu tạo bao quy đầu gồm hai lớp: lớp da bên ngoài và lớp niêm mạc bên trong. Khi còn nằm trong bụng mẹ, bao quy đầu và “cậu nhỏ” phát triển như một thể thống nhất được dính chặt với nhau. Sau đó, mặt trong của bao quy đầu và lớp da phần đầu tách rời nhau nhờ hiện tượng bong tế bào ở bề mặt mỗi lớp.

Trong hành trình này, quá trình thay mới biểu mô của hai lớp diễn ra liên tục. Tế bào chết tích tụ thành chất cặn trắng, được đẩy ra ngoài qua phần chóp của bao quy đầu.

Thực tế cho thấy, phải mất 5-10 năm (thậm chí lâu hơn), quá trình bóc tách mới hoàn thành và bao quy đầu mới có thể lộn được khỏi đầu “cậu nhỏ” về phía bụng.

[remove_img id=45213]

Đối với trẻ sơ sinh, bao quy đầu thường chưa tách khỏi quy đầu và không thể tự lộn được.

Khi bước vào độ tuổi lớn hơn, trẻ bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu về cơ thể nhiều hơn. Trẻ tìm cách “khám phá” bộ phận sinh dục của mình, nhờ vậy bao quy đầu có thể tự lộn lúc nào không hay.

Vì sao trẻ bị viêm quy đầu?

Hiện tượng viêm bao quy đầu ở trẻ em xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Căn cứ vào những nguyên nhân chính dưới đây, cha mẹ nên chủ động phòng tránh điều này xảy đến với trẻ:

  • Trẻ sinh hoạt, tiếp xúc nhiều với môi trường bụi bẩn như tắm ao hồ ô nhiễm, thích nghịch đất, vục bùn…
  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách, hoặc sử dụng hóa chất để vệ sinh gây kích ứng
  • Trẻ có hiện tượng bao quy đầu dài hoặc hẹp, khi đi tiểu không hết, nước tiểu còn sót lại đóng cặn gây viêm nhiễm lớp niêm mạc phía đầu

 

viêm bao quy đầu ở trẻ em
Viêm bao quy đầu ở trẻ em có thể điều trị nhanh chóng bằng thuốc kháng sinh

Dấu hiệu nhận biết viêm bao quy đầu ở trẻ em

Nước tiểu sẽ luôn tồn đọng lại một lượng nhỏ cộng với những bã sinh dục nếu không được vệ sinh sạch sẽ dẫn đến viêm nhiễm quy đầu ở trẻ. Những triệu chứng ban đầu thường thấy:

  • Vùng da bao quy đầu và dương vật đỏ, sưng tấy
  • Nhìn bằng mắt thường và kiểm tra bằng tay có thể nhận thấy quanh lỗ sáo có lớp bựa bẩn mà trắng đục
  • Bao quy đầu xuất hiện mủ trắng, đi tiểu tiện có cảm giác đau buốt, trẻ ngại đi tiểu
  • Trẻ hay sờ vào bao quy đầu và gãi do tình trạng viêm bao quy đầu có thể gây ngứa
  • Nước tiểu của trẻ có màu vàng đục và khai nồng, đôi khi có thể lẫn máu
  • Trong một vài trường hợp có thể kèm theo tình trạng sốt cao

Điều trị viêm bao quy đầu ở trẻ em

Để có được cách chữa viêm quy đầu hiệu quả, bác sĩ sẽ thăm khám, tiến hành các xét nghiệm, tìm hiểu những thông tin về thói quen sinh sống của trẻ…

Căn cứ vào những tìm hiểu trên, bác sĩ sẽ biết được đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm này ở trẻ, từ đó sẽ đưa ra các phương hướng điều trị cụ thể. Ngoài ra, bác sĩ cũng còn phải căn cứ vào yếu tố độ tuổi để đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo đó, tương ứng với nguyên nhân, cách chữa viêm bao quy đầu cho trẻ em thường được bác sĩ áp dụng là:

  • Trẻ bị viêm bao quy đầu do tình trạng nhiễm khuẩn vì vệ sinh không sạch sẽ, thì cách chữa là các loại thuốc chữa viêm có tác dụng kháng khuẩn và lành vết thương.
  • Đối với nguyên nhân do cấu tạo phần bao quy đầu của trẻ dài hoặc hẹp, bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp nong (cho trẻ từ 8 tháng đến khoảng 4 tuổi) hoặc cắt bao quy đầu (trẻ từ 4–5 tuổi trở lên)
  • Phương pháp cắt bao quy đầu mang đến nhiều lợi ích cho trẻ như hạn chế tình trạng viêm bao quy đầu, giúp “cậu nhỏ” phát triển tốt hơn, đặc biệt đối với lứa tuổi dậy thì. Đồng thời hạn chế nguy cơ gây ung thư bộ phận đàn ông này khi bé bị viêm bao quy đầu.
viêm bao quy đầu ở trẻ em 1
Phẫu thuật cắt bao quy đầu có thể gây ra nhiều biến chứng bất ngờ

Cách vệ sinh bao quy đầu cho trẻ phòng tránh viêm nhiễm

♦ Khi bao quy đầu chưa lộn

  • Lúc tắm cho bé, hãy rửa phần “cậu nhỏ” như những phần còn lại của cơ thể rồi lau khô nhẹ nhàng.
  • Đừng dùng lực quá mạnh tuốt bao quy đầu của trẻ để tránh gây tổn thương cho bộ phận này.
  • Trong 90% trường hợp, bao quy đầu sẽ tự lộn được khi bé bước vào độ tuổi lên 3.

[remove_img id=45163]

♦ Khi bao quy đầu đã được lộn

  • Nhẹ nhàng vuốt ngược da quy đầu về phía bụng và rửa phần dưới rồi dùng khăn mềm chấm khô/
  • Vuốt xuôi lại bao quy đầu để trả về vị trí cũ.

Viêm bao quy đầu ở trẻ em không phải là vấn đề sức khỏe quá nghiêm trọng thế nên bạn cứ bình tĩnh cùng con nhẹ nhàng khắc phục sự cố đầu đời này nhé!