Một số mẹ may mắn sau khi sinh sữa về nhiều, đặc và thơm, màu vàng nhạt mát, giúp bé bú đều. Nhưng cũng có một số mẹ vừa ít sữa, sữa lại có mùi hôi khiến người ngồi gần cũng cảm thấy khó chịu. Tình trạng sữa mẹ loãng cũng tương tự, không phải mẹ nào cũng gặp nhưng đã gặp thì sẽ lo lắng đứng ngồi không yên.
Sữa loãng có đủ dinh dưỡng cho bé không?
Theo các chuyên gia, chất lượng sữa không có sự khác biệt giữa các mẹ bỉm và tình trạng đặc hay loãng cũng vậy. Dù bằng mắt thường, mẹ thấy rõ ràng là “có khác” nhưng thành phần của sữa lại không khác nhau chút nào. Việc bé chậm tăng cân là do mỗi đứa trẻ có sự hấp thụ thức ăn riêng. Nếu được cung cấp đủ sữa, chất dinh dưỡng, cơ thể hấp thụ tốt, bé sẽ tăng cân nhanh.
Sữa mẹ dù đặc hay loãng vẫn là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ lúc đầu có thể trong nhưng vẫn chứa đủ nước, chất đạm, đường, vitamin và khoáng chất, còn sữa cuối thường có màu trắng đục và chứa nhiều chất béo hơn. Sữa non thì có màu hơi vàng nhưng chỉ tiết ra trong 1-2 ngày sau sinh. Mẹ hãy cứ tự tin rằng sữa của mình có đủ chất dinh dưỡng để nuôi bé.
Nguyên nhân phổ biến
Thành phần trong sữa mẹ có chứa tới 90% là nước. Sữa mẹ có 2 dạng gồm sữa đầu và sữa cuối, đây cũng chính là thời điểm mẹ thấy sự khác biệt trong chất lượng sữa:
- Sữa đầu: Không giống như sữa non có màu vàng, sữa đầu là phần sữa được tiết ra trong khoảng 10 phút đầu khi cho con bú. Màu sữa lúc này thường trong và loãng như nước vo gạo nhưng vẫn đảm bảo nguồn chất dinh dưỡng bao gồm nước, lactose, protein.
- Sữa cuối: Đây là lượng sữa được tiết ra vào giai đoạn giữa và giai đoạn cuối khi cho bé bú. Lúc này, bên cạnh nguồn chất dinh dưỡng, sẽ có thêm sự xuất hiện của chất béo, chất đạm nên sữa trở nên đặc hơn và có màu hơi vàng.
Sữa mẹ loãng phải làm sao?
Các chuyên gia cho rằng sữa mẹ thường xuyên bị loãng là do mẹ không cho trẻ bú thường xuyên và đúng cách. Vì vậy, mẹ nên tập cho bé bú đúng cách và thay đổi chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh hợp lý sữa sẽ sớm đặc và thơm trở lại:
Cho con bú đúng cách
Thứ nhất, mẹ cần tích cực cho bé bú dù con đang ngủ cũng phải đánh thức dậy, trẻ sơ sinh thường ham ngủ trong những tháng đầu. Nếu mẹ cứ chiều theo ý muốn của trẻ sẽ làm giảm lượng sữa tiết ra do kích thích không đủ.
Thứ hai, cần chú ý đến thời gian cho bé bú mẹ:
- Nếu bạn sinh thường thì có thể cho bé bú trong khoảng 30 phút đến một giờ sau khi sinh. Nếu bạn sinh mổ thì khoảng sau 6 giờ vì mẹ còn phải hồi phục sau tác dụng của thuốc mê.
- Một bữa bú khoảng 15- 20 phút
- Cho con bú đến khi bé tự nhả vú ra
- Nên để bé bú từng bên một, hết bên này mới chuyển sang bên kia để bé nhận được dòng sữa cuối đầy đủ nguồn chất béo
Thứ ba, tư thế bú đúng:
- Bạn ngồi hay nằm trong một tư thế thoải mái và lưng được tựa vững vàng
- Hãy bế bé sát vào lòng sao cho đầu và thân mình bé thẳng để bé được thoải mái, bú được lâu hơn
- Thân bé áp sát vào mẹ
- Mặt bé quay vào vú mẹ
Chế độ dinh dưỡng
Nếu biết cách bổ sung dinh dưỡng mẹ không chỉ giảm cân sau sinh thành công mà vẫn luôn giữ được lượng sữa dồi dào cho con. Những dưỡng chất “thiết yếu” mà mẹ phải bổ sung trong giai đoạn cho con bú bao gồm 4 nhóm chất: Chất bột, chất đạm, chất béo, rau quả và trái cây. Bên cạnh đó mẹ cũng phải bổ sung nhiều khoáng chất như: sắt, canxi và các loại vitamin cần thiết. Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, những thực phẩm sau đây sẽ giúp các mẹ có nguồn sữa đậm đặc và thơm ngon hơn:
- Cháo móng giò, chân dê và đu đủ
- Rau ngót, rau khoai lang, quả sung
- Chuối sứ
- Rau đay
- Hạt bí
- Cốm lợi sữa
- Nước chè vằng
- Nước nụ hoặc lá vối
- Nước lá thìa là
- Nước gạo lứt
- Nước lá mít
- Nước lá đinh lăng
- Nước gạo tẻ + gạo nếp + hạt sen
- Nước đậu đỏ
- Nước vừng đen
Tóm lại, mẹ đừng quá lo lắng về tình trạng sữa mẹ loãng. Dù loãng hay đặc sữa mẹ vẫn là thức ăn tốt nhất cho con. Chỉ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và cho con bú đúng cách là ổn cả mẹ ạ.