Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Triệu chứng và bệnh phổ biến

Sốt virus ở trẻ em: Bệnh mùa hè không thể coi thường

Sốt virut ở trẻ em là bệnh gặp chủ yếu trong mùa hè.Trẻ có thể sốt đột ngột sốt cao 39-40°C. Bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp và có thể gây thành dịch.

Sốt virus ở trẻ em do một số loại virus như Myxo virus, Coxackie, Entero virut, sởi… gây ra. Virus có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp, tiêu hóa…. Bệnh thường xuất hiện rất rầm rộ, sau 3-5 ngày sẽ giảm dần. Cha mẹ biết đúng cách chăm sóc sức khỏe của trẻ, cơ thể trẻ sẽ kháng được bệnh, giúp con khỏe hơn.

Sốt virus ở trẻ em
Mùa hè là thời điểm sốt virus thường xảy ra, nhất là với trẻ có sức đề kháng yếu

Các triệu chứng của sốt virus ở trẻ em

Bên cạnh triệu chứng điển hình là sốt cao, sốt virus ở trẻ em còn kèm các triệu chứng khác như ho, chảy mũi, rối loạn tiêu hóa, nổi ban…

Sốt cao

Nhiệt độ cơ thể trẻ đột ngột tăng từ 38-39°C, thậm chí 40-41°C. Khi lên cơn sốt, trẻ mệt mỏi, thường nằm mê man và ít đáp ứng các loại thuốc hạ sốt thông thường. Nhưng khi cơn sốt qua đi, trẻ tỉnh táo như bình thường. Bạn sẽ thấy con khóc vì đau đầu và kêu đau khắp mình, đau cơ bắp.

Viêm đường hô hấp

Các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, cổ họng sưng đỏ…

Tiêu chảy

Có thể xuất hiện muộn sau khi phát sốt vài ngày. Đặc điểm là trẻ đi phân lỏng nhưng không có máu, không chất nhầy. Nếu sốt do virut lây qua đường tiêu hóa, tiêu chảy có thể xảy ra trước khi phát bệnh. Trẻ nôn ói nhiều lần sau khi ăn.

Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như viêm kết mạc, mắt đỏ, có ghèn. Trẻ có thể bị phát ban sau 2-3 ngày có triệu chứng sốt. Khi ban đỏ xuất hiện, trẻ sẽ đỡ sốt.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốt virus?

Các bệnh do virut gây ra chưa có thuốc đặc hiệu. Biện pháp bạn cần áp dụng là hạ nhiệt độ cho trẻ, giúp con tăng sức đề kháng để cơ thể trẻ tự chống chọi với virut gây bệnh.

Một số biện pháp xử trí khi trẻ sốt cao

Theo dõi nhiệt độ con: Nhiệt độ của trẻ sẽ là số ghi trên nhiệt kế (kẹp nách) cộng thêm 0,3 – 0,4 độ. Nếu nhiệt kế ghi 38°C thì thân nhiệt thực sự của trẻ là 38,4°C.

Chườm mát cho trẻ: Lau khô mồ hôi, dùng khăn ẩm chườm mát cho con. Đặt trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng.

Dùng khăn sạch nhúng nước ấm lau khắp mình con. Dùng mọi biện pháp giảm thân nhiệt cho con xuống nhiệt độ bình thường 37-37,5°C. Mẹ chú ý không chườm nước lạnh lên người con. Việc này sẽ càng làm con sốt cao hơn vì cơ chế co mạch ngoại vi.

Sốt cao và đột ngột, con rất dễ bị động kinh. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5°C, cách hạ sốt cho con tại nhà thông thường bằng thuốc paracetamol. Bạn có thể tham vấn bác sĩ và con uống kèm thuốc chống co giật.

Sốt virut ở trẻ em cần hạ sốt nhanh
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, tránh thân nhiệt quá cao gây động kinh

Chế độ chăm sóc trẻ khi bị sốt virus

Sốt virus ở trẻ em làm bé yêu của bạn dễ mất sức, mệt lả người. Bạn cần bù nước và điện giải cho con. Cho con uống bù nước Oresol.

Trong chế độ dinh dưỡng, mẹ nên chú ý cho con ăn thức ăn loãng như súp, cháo, nước súp lỏng. Cho con uống nước chanh, nước cam pha mật ong để tăng sức đề kháng. Mẹ cũng nên chú ý vệ sinh cơ thể cho trẻ, lau mình bằng nước ấm trong phòng kín gió.

Mắt con bị đóng nhiều ghèn, mũi đổ nhớt. Cha mẹ nên vệ sinh sạch sẽ cho con bằng cách nhỏ mắt, nhỏ mũi, rửa mắt cho con bằng nước ấm và khăn sạch. Tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

Là một trong những dịch bệnh mùa hè, sốt virus dễ bùng phát. Để tránh bệnh, nên cho con đeo khẩu trang y tế khi đến các khu vực công cộng đông người.

Khuyến cáo từ chuyên viên y tế

Về nguyên tắc, sốt virus ở trẻ em có thể được xử lý ở nhà và bồi dưỡng sức khỏe của trẻ bằng việc ăn uống. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan. Nếu con xuất hiện triệu chứng ngủ li bì, đau đầu liên tục, nôn khan và sốt kéo dài, bạn nên đưa con đến bác sĩ vào ngày thứ ba sau khi con sốt. Đừng kéo dài đến ngày thứ 5-6, vì lúc này trẻ có khả năng mất nước, nhiễm khuẩn nặng và sốt nghiêm trọng hơn.

Không tự ý mua thuốc hạ sốt và chống co giật nếu không có chỉ định từ bác sĩ. Và cũng tránh lạm dụng kháng sinh khi điều trị bệnh cho con tại nhà, tránh việc lậm thuốc.

Sốt virus ở trẻ em cần cách ly khi con bệnh
Nếu con có triệu chứng bệnh sốt virus, nên cho con nghỉ học dưỡng bệnh, tránh lây lan cho trẻ khác

Để phòng ngừa các bệnh do virus gây ra, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm vắc-xin theo lịch chủng ngừa. Trẻ sẽ tránh được các bệnh nghiêm trọng như sởi, quai bị, Rubella, viêm não Nhật Bản

Bệnh sốt virus ở trẻ em lây lan qua đường hô hấp, đường tiêu hóa. Do đó, khi con bệnh, cần cách ly con khỏi các trẻ khác, cho con nghỉ học dưỡng bệnh… Tránh việc để bệnh lây thành dịch.