Bệnh Crohn – đặt theo tên bác sĩ người Mỹ Burrill Bernard Crohn (1884 – 1983) – được biết đến vào năm 1932. Bệnh còn được gọi là u hạt viêm ruột hoặc viêm đại tràng, viêm ruột khu vực, viêm manh tràng.
Bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn là một bệnh mạn tính do viêm đường ruột gây ra. Bệnh Crohn có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào trong hệ tiêu hóa của trẻ, nhưng thường gặp nhất vẫn là phần cuối của ruột non hay hồi tràng.
Bệnh Crohn gây viêm, lâu ngày sẽ ăn sâu vào các lớp của thành ruột, dẫn đến loét, thậm chí chảy máu, làm cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng của trẻ. Vì vậy, trẻ mắc bệnh Crohn thường chậm lớn, ít tăng cân.
Nguyên nhân bệnh Crohn
Theo các nhà nghiên cứu y học, hiện vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh Crohn ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, các yếu tố như môi trường ô nhiễm khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá, chế độ ăn uống không hợp lý, các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… và ngay cả yếu tố di truyền (do đột biến gene) chính là điều kiện thuận lợi để bệnh Crohn ở trẻ nhỏ xuất hiện hoặc nặng thêm.
Đặc biệt, yếu tố quan trọng dẫn đến bệnh Crohn được nhiều nhà khoa học quan tâm chính là sự suy yếu của hệ thống miễn dịch tác động nhiều đến khả năng tạo kháng thể của cơ thể trẻ để chống lại tác nhân gây bệnh Crohn ở trẻ nhỏ.
Triệu chứng nhận biết bệnh Crohn ở trẻ em
Các triệu chứng thường thấy nhất khi trẻ mắc bệnh Crohn là tiêu chảy và đau bụng.
Đau bụng
Đây à triệu chứng có thể gặp ở cả ở trẻ bị bệnh Crohn cấp tính hay mạn tính. Những cơn đau bụng xuất hiện khi thành ruột tổn thương và co thắt tạo thành. Thời điểm trẻ dễ bị đau bụng do bệnh Crohn nhất là sau các bữa ăn và sau khi đại tiện.
Tuy nhiên, đau bụng dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của nhiều bệnh khác như bệnh ruột thừa, bệnh lao ruột, viêm đại tràng mạn tính, sỏi niệu quản… Bạn nên quan sát kỹ để xử lý những tình huống phát sinh kịp thời. Tốt nhất là cho trẻ đi thăm khám càng sớm càng tốt.
Tiêu chảy
Được xem triệu chứng điển hình nhất ở trẻ bị bệnh Crohn, thường đi kèm với buồn nôn hoặc nôn. Tiêu chảy do bệnh Crohn có thể xảy ra từ mức độ vừa cho đến nghiêm trọng, thậm chí có thể khiến trẻ đi cầu từ 20 lần trở lên chỉ trong vòng 1 ngày.
Nếu tiêu chảy quá nặng, trẻ dễ bị mất nước và chất điện giải, dẫn đến tình trạng tim đập nhanh, tụt huyết áp… Đặc biệt, ở mức độ nặng, trẻ có thể bị đi cầu ra máu. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị mất đi một lượng máu nhỏ dẫn tới thiếu máu.
Ngoài ra, bệnh Crohn còn khiến trẻ xuất hiện các cơn đau dạ dày, ợ chua, lười ăn, táo bón,sốt cao và mệt mỏi.
Cách chữa bệnh Crohn ở trẻ em
Bệnh crohn là dạng bệnh về viêm ruột nên còn gọi là bệnh crohn ruột hoặc bệnh viêm ruột từng vùng. Với con trẻ, những biện pháp chữa bệnh chủ yếu theo hai phương cách sau:
Điều trị bằng thuốc
Đây là công việc cần thiết đầu tiên để làm giảm các triệu chứng của bệnh Crohn mà trẻ đang gặp phải. Thông thường, trẻ sẽ được chỉ định uống hai loại thuốc là chống viêm và ức chế miễn dịch nhằm bảo vệ hệ miễn dịch khỏi sự tấn công của các mô của cơ thể trẻ, ngăn tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng hơn.
Do đó, để biết được chính xác liều lượng và loại thuốc trẻ cần dùng, mẹ hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và kê toa thuốc phù hợp nhất với tình trạng của trẻ.
Phẫu thuật
Khi trẻ mắc bệnh này, bác sĩ chuyên khoa sẽ cố gắng chữa trị bằng nhiều cách khác nhau để tránh phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu trẻ bị bệnh không có phản ứng với thuốc, hoặc những vết loét không thể điều trị nội khoa được nữa, bác sĩ bắt buộc phải chỉ định phẫu thuật cho trẻ.
Phẫu thuật cho trẻ bị bệnh có thể gây nhiều biến chứng như hội chứng ruột ngắn, làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, sau phẫu thuật, trẻ cần phải uống các loại thuốc chống nhiễm trùng, kháng viêm, có thể gây ảnh hưởng đến gan, dạ dày…
Bệnh Crohn rất dễ tái phát và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ như thiếu máu, suy dinh dưỡng,thậm chí gây thủng ruột nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, ngay khi trẻ có các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, đi cầu ra máu, buồn nôn, nôn… kéo dài và đi kèm với sốt cao, mẹ nên đưa trẻ đi khám ở chuyên khoa tiêu hóa càng sớm càng tốt.