Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Các vấn đề sức khỏe trẻ em khác

Bé bị nhiễm trùng tai, những dấu hiệu nguy hiểm và cách phòng ngừa mẹ cần biết

Bé bị nhiễm trùng tai sẽ trở nên khó chịu, bẳn gắt và còn dẫn tới ảnh hưởng các vùng liên quan như mũi, họng. Vì thế mẹ cần phải lưu ý những điều này để giúp bé nhanh khỏi nhiễm trùng.

Nhiều ba mẹ rất chủ quan với nhiễm trùng tai ở trẻ. Tuy nhiên hậu quả của căn bệnh trẻ em này mang lại thì không nhỏ và thời gian chữa khỏi nếu để nhiễm trùng nặng thì lại không ngắn chút nào.

Bệnh nhiễm trùng tai có phổ biến không?

Bên cạnh cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng tai là bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ em. Hơn 80% những ca bệnh nhi được chẩn đoán bé bị nhiễm trùng tai đều nhỏ hơn 3 tuổi.

Gần một nửa số trẻ này sẽ bị nhiễm trùng tai ít nhất 3 lần trở lên và thời gian nhiễm trùng khá dai dẳng, từ 6 đến 24 tháng.

Tại sao trẻ em dễ bị nhiễm trùng tai?

Nhiễm trùng tai là bệnh lý xảy ra khi dịch bị kẹt lại ở tai giữa (một khoang nằm phía sau màng nhĩ) và bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Điều này rất có thể xảy ra khi ống vòi nhĩ (một ống hẹp nối họng với tai giữa) bị tắc nghẽn.

Thông thường, tắc nghẽn này là do sưng vì cảm lạnh, đó là lý do tại sao nhiễm trùng tai thường xuất hiện sau bệnh cảm lạnh ở trẻ. Dị ứng cũng có thể gây viêm cản trở sự lưu thông của các ống vòi nhĩ.

bé bị nhiễm trùng tai 2
Bé có thể bị nhiễm trùng tai do nhiều nguyên nhân khác nhau

Kết cấu cơ thể cũng là một yếu tố góp phần khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng tai. Ống vòi nhĩ ở trẻ ngắn hơn, ít góc cạnh hơn, và mềm hơn so với người lớn, có nghĩa là cả dịch và vi trùng đều dễ bị mắc kẹt ở tai giữa hơn.

Ngoài ra, hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn còn đang phát triển. Vì vậy bé yêu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn người lớn trong việc chống lại virus và vi khuẩn.

Những biểu hiện khi bé bị nhiễm trùng tai

Bởi vì trẻ không thể nói cho bạn biết bé cảm thấy thế nào, vì vậy phát hiện nhiễm trùng tai đặc biệt khó khăn. Những triệu chứng giúp bạn nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng tai là bé sốt cao trên 39 độ C.

Trẻ còn cảm thấy rất khó chịu khi nằm, bởi vì khi nằm xuống sẽ làm tăng áp lực lên các ống vòi nhĩ. Các triệu chứng khác của nhiễm trùng tai có thể bao gồm khó ngủ, biếng ăn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Và bạn có thể nhận thấy rằng bé yêu tỏ ra không nghe rõ với những âm thanh xung quanh bé. Trẻ có thể không phản ứng với âm thanh như mọi khi.

Một dấu hiệu nguy hiểm rõ ràng nhất là có dịch hoặc mủ chảy ra từ tai bé. Rất có thể lúc này bé đã bị thủng màng nhĩ, hiện tượng này xảy ra nếu chất dịch ở tai giữa gây áp lực quá nhiều lên màng nhĩ khiến nó bị vỡ.

Nghe có vẻ đáng sợ phải không nào? Đừng quá lo lắng vì lỗ này có thể tự lành được bạn nhé!

bé bị nhiễm trùng tai 3
Căn bệnh này có nhiều biểu hiện khác nhau nên bố mẹ cần xem xét cẩn thận

Cách phòng ngừa bệnh nhiễm trùng tai

Không có gì bảo đảm, nhưng bạn có thể thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ bé bị nhiễm trùng tai.

  • Các bà mẹ hãy cho con bú. Các nghiên cứu cho thấy rằng sáu tháng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có thể bảo vệ một đứa trẻ khỏi bị các bệnh lý nhiễm trùng.
  • Ba mẹ đừng hút thuốc, và hãy giữ cho trẻ tránh xa khói thuốc lá. Khói thuốc lá làm tê liệt những sợi lông nhỏ xíu ở các ống vòi nhĩ. Qua đó chất nhờn không thể được dịch chuyển ra khỏi tai giữa, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai giữa.
  • Nhiều nghiên cứu cho thấy chủng ngừa đã giúp giảm số lượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm trùng tai thường xuyên. Năm 2007, tạp chí Pediatric công bố vắc xin giúp bảo vệ bé yêu chống lại vi khuẩn phế cầu. Chủng vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng tai, viêm màng não và các bệnh khác.
  • Tránh cho bé ở nơi có quá nhiều trẻ em. Những trẻ được gửi nhà trẻ có xu hướng bị nhiễm trùng tai nhiều hơn những trẻ khác. Cho bé ở nơi có càng ít trẻ khác càng tốt.
  • Đừng cho bé uống nước khi đang nằm. Khi bé uống nước, đầu bé nên được nâng cao hơn dạ dày để chất lỏng không thể chảy từ ống vòi nhĩ vào tai giữa.
  • Hãy lưu ý tới biện pháp phòng ngừa dị ứng cho bé. Ví dụ, giữ thú cưng tránh xa nơi ngủ của bé, giữ cho nơi bé nằm không có bụi và giặt chăn gối cho trẻ thường xuyên.

[inline_article id=68858]

Cách giảm đau cho bé khi bị nhiễm trùng tai

Để giảm bớt sự khó chịu của bé do nhiễm trùng tai, bác sĩ có thể kê toa cho bé dùng acetaminophen hoặc ibuprofen. Nhưng tránh tự đi mua thuốc mà không có lời khuyên bác sĩ, vì chúng có thể gây tổn thương vĩnh viễn nếu màng nhĩ của bé bị thủng.

Cũng nên tránh không cho trẻ đi máy bay khi bé bị nhiễm trùng tai, sự thay đổi áp suất không khí có thể làm tăng đáng kể cảm giác đau hoặc thậm chí vỡ màng nhĩ.

bé bị nhiễm trùng tai 4
Đây là căn bệnh nguy hiểm nên bố mẹ cẩn thận đề phòng để bảo vệ sức khỏe bé

Nghiên cứu cho thấy, khi bú mẹ tỉ lệ bé bị nhiễm trùng tai sẽ ít hơn vì trong sữa mẹ có kháng thể giúp bé có sức đề kháng tốt. Thứ hai, vấn đề vệ sinh cho trẻ như khi tắm không để nước vào tai giữa, vệ sinh mũi họng để trẻ không bị viêm hô hấp trên, amidan… vì giữa mũi họng và tai trong có ống thông nhau nên vi khuẩn vùng mũi họng qua đó mà lan sang tai.