Dấu hiệu thai bị não úng thủy có thể được phát hiện sớm và được bác sĩ đưa ra những phác đồ điều trị cần thiết cho thai phụ. Điều này là cực kỳ quan trọng vì não úng thủy là một căn bệnh nguy hiểm làm biến dạng và ngăn sự phát triển của não bộ từ trong bào thai và có khả năng gây tử vong cao.
Não úng thủy là gì?
Não úng thủy (tên tiếng Anh hydrocephalus) hay còn gọi theo cách dân gian là bệnh đầu nước. Theo các chuyên gia y tế, đây không phải là một căn bệnh cụ thể mà căn nguyên của nhiều bệnh lý khác nhau.
Từ tuần thứ 6 của thai kỳ, não thất bắt đầu sản xuất ra dịch não tủy (CSF), dịch não tủy đi qua đường ống dẫn đến các khoang dưới nhện và được hấp thu vào tổ chức não. Dịch não tủy này có dạng lỏng, được tìm thấy ở não và tủy sống. Ở não bộ, dịch não tủy có vai trò như bộ đệm cơ học và tạo ra những miễn dịch cơ bản cho não.
Não úng thủy là tình trạng dịch não tủy bị ngăn cản hoặc loại bỏ do các phát triển bất thường. Khi dịch không được dẫn đến não, nó sẽ tích tụ do áp lực trong hệ thống não thất làm cho các não thất giãn ra, lớp vỏ não vì thế bị làm mỏng và căng ra.
Ở một mức độ giãn nhất định, các tế bào thần kinh không bị giãn đáng kể nên não có thể thích ứng được. Nhưng nếu vượt quá ngưỡng này, não sẽ xuất hiện những tổn thương mà khó có thể phục hồi. Và như vậy, bệnh não úng thủy sẽ gây ra những di chứng, hậu quả cho não bộ.
Mẹ bầu có thể nhận biết bé bị có não úng thủy hay không dựa vào các dấu hiệu thai bị não úng thủy. Cụ thể là gì?
Dấu hiệu thai bị não úng thủy
Thai nhi khi mắc chứng não úng thủy vẫn có những cử động bình thường như các bé khỏe mạnh khác. Mẹ vẫn thấy thai máy hay hoạt động trong bụng mình. Bởi vậy mẹ bầu không thể tự cảm nhận hoặc phát hiện được các dấu hiệu thai bị não úng thủy. Đó là một trong những lý do quan trọng cho việc khám thai theo định kỳ và siêu âm theo chỉ định của bác sĩ. Nhờ các máy siêu âm chất lượng cao mà bác sĩ mới có thể chẩn đoán bé có bị não úng thủy hay không.
Đầu tiên, triệu chứng giãn não thất là cơ sở đầu tiên cho việc chẩn đoán bệnh não úng thủy ở thai nhi:
- Trong 3 tháng đầu, đường kính của não thất từ 9mm trở xuống là mức phát triển an toàn của bé.
- Nếu não thất thai nhi bị giãn với đường kính là 10–15mm tức là thai nhi đã bị chứng giãn não thất. Thường thì não thất bị giãn là chứng không đáng lo ngại vì không làm tổn thương tới các mô não.
- Tuy nhiên nếu tiếp tục giãn quá rộng, trên 15mm, có khả năng cao, thai nhi bị não úng thủy.
Khi phát hiện chứng giãn não thất, để có thể kết luận thai có bị não úng thủy không, các bác sĩ còn tiến hành một số kiểm tra để tìm các tổn thương trên tim và não của thai nhi. Đồng thời thai nhi sẽ được xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh thông qua các kiểm tra khác như xét nghiệm nhiễm sắc thể bằng triple test, xét nghiệm virus.
Bạn cần lưu ý phân biệt hiện tượng phình não thất của não úng thủy gần với triệu chứng của bệnh phì đại não thất hoặc não thất to. Vì với phì đạo não thất to hoặc não thất to thì não cũng phình to do bị hủy hoại hoặc kém phát triển hình thái, nhưng được phân biệt với não úng thủy ở đặc điểm biến dạng do bất thường nhu mô bên trên.
Nguyên nhân thai bị não úng thủy
Trong quá trình phát triển của thai nhi, não úng thủy hình thành có thể do nguyên nhân tắc nghẽn đường dẫn dịch não, do các dị tật bẩm sinh hoặc do di truyền.
1. Não úng thủy do tắc nghẽn
Não úng thủy do tắc nghẽn là hình thức phổ biến nhất của não úng thủy ở thai nhi, còn được gọi là “hẹp ống dẫn dịch”.
2. Não úng thủy do dị tật
Dị tật Chiari II: Dị tật này chiếu khoảng 30% số thai nhi, được xác định mắc chứng não thất to với những biểu hiện nứt cột sống và những bất thường ở hố sau. Trẻ mắc dị tật này thường sẽ bị bại liệt ở chân hoặc thân não bất thường ở nhiều mức độ khác nhau.
Dị tật Dandy-Walker: Dị tật này chiếm từ 2-10% số thai nhi bị não úng thủy. Thai nhi bị dị tật này ngoài não úng thủy thường mắc các dị tật hệ thần kinh trung ương, tim, sinh dục, mắt, mặt.
3. Di truyền
Thai nhi có thể bị não úng thủy do di truyền với những biểu hiện đặc trưng của chứng hẹp ống dẫn dịch, dị dạng ngón tay cái.
Khi đã được những dấu hiệu thai bị não úng thủy, mẹ bầu chắc chắn sẽ được bác sĩ chuyên khoa đưa ra những liệu trình theo dõi và điều trị sát sao.
Não úng thủy có chữa được không? Cách phòng bệnh như thế nào?
Cho đến nay, chưa có chuyên gia y tế nào khẳng định bệnh não úng thủy được chữa khỏi hẳn. Tuy nhiên việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách, những triệu chứng và di chứng của não úng thủy sẽ được hạn chế tốt nhất có thể. Có những trường hợp nhẹ có thể chữa lành và phát triển bình thường, bên cạnh đó những trường hợp nặng do chưa có thuốc đặc trị nên chỉ có thể hỗ trợ điều trị. Vì vậy, tùy theo mức độ nặng nhẹ, bác sĩ chuyên khoa tính toán và đưa ra những tiên lượng cho gia đình.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngoài việc khám thai định kỳ, mẹ bầu cần hết sức chú ý đến chế độ dinh dưỡng! Hãy bổ sung axit folic (còn gọi là vitamin B9) bằng các loại rau xanh lá, ngũ cốc hoặc viên uống bổ sung theo chỉ định của bác sĩ trước khi có kế hoạch mang thai và trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Axit folic sẽ giúp thai nhi đóng ống thần kinh hoàn chỉnh, vì vậy hạn chế nguy cơ não úng thủy.
Với những mẹ bầu bị chứng đa ối, dư ối cũng có khả năng sinh ra trẻ bị não úng thủy. Vì vậy, vào tháng thứ 7 hoặc thứ 8 của thai kỳ, mẹ cần yêu cầu bác sĩ siêu âm kiểm tra não bé. Và sau khi sinh, nhớ đưa bé đi siêu âm não ngay trong tháng đầu tiên để phát hiện trẻ có bị não úng thủy hay không nhé.
Trên đây là những dấu hiệu thai bị não úng thủy, mẹ có thể căn cứ vào đó để phát hiện thai nhi có bất thường không nhé. Chúc mẹ và bé cùng trải qua thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh.
Hương Hoa