Não bộ của bé khi còn trong bụng nếu gặp bất kỳ vấn đề bất thường nào đều có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Kích thước chu vi vòng đầu của thai nhi chính là một trong những chỉ số quan trọng mà mẹ bầu cần quan tâm. Dù thai nhi đầu to hay nhỏ hơn so với mức độ an toàn đều cho thấy sớm những nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ.
1. Chu vi vòng đầu của thai nhi là gì?
Chu vi vòng đầu của thai nhi (Head Circumference viết tắt là HC) còn được gọi là chu vi chẩm. Chỉ số này nhằm đánh giá sự phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn của thai kỳ, từ đó giúp sớm phát hiện ra những bất thường mà thai nhi có thể mắc phải.
Bạn nên lưu ý phân biệt chu vi vòng đầu của thai nhi với đường kính lưỡng đỉnh (Biparietal diameter, viết tắt là BPD) còn gọi là đường kính đầu. Đường kính lưỡng đỉnh là đường kính được đo ở mặt cắt lớn nhất (tính từ trán ra sau gáy) của hộp sọ thai nhi.
2. Đo chu vi vòng đầu của thai nhi
Nhờ có sự phát triển của máy siêu âm chất lượng cao, các bác sĩ có thể đo lường và xác định được kích thước cơ thể của em bé ngay khi còn trong bụng mẹ. Để phát hiện sớm những bất thường, khi đi siêu âm, bác sĩ sẽ đo chu vi vòng đầu của thai nhi cùng với các chỉ số khác như đo chiều dài mông CRL – Crown-Rump Length), đường kính lưỡng đỉnh (BPD), chiều dài xương đùi (FL), đường kính xương chẩm (OFD), chu vi vòng bụng (AC)…
Thời điểm đo chu vi vòng đầu tốt nhất là từ khi thai 12 tuần tuổi cho đến khoảng 20 tuần. Đây là thời kỳ phần đầu của thai nhi phát triển rất nhanh, nếu vượt quá giai đoạn thì việc đo không còn nhiều ý nghĩa trong việc phán đoán các dị tật.
Tùy theo từng tuần tuổi khác nhau mà chỉ số chu vi vòng đầu của thai nhi và các chỉ số khác cho phép bác sĩ đưa ra căn cứ xác định mức độ phát triển của bé. Từ tuần thứ 12 trở đi, bác sĩ bắt đầu xác định được cụ thể chu vi vòng đầu của thai nhi, chiều dài của xương đùi và đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi.
Nhìn chung, mỗi thai nhi có tiến trình phát triển khác nhau nên dù cùng thời điểm, chỉ số chu vi vòng đầu giữa các thai nhi cũng không giống nhau. Sự khác nhau này có ảnh hưởng ít nhiều do di truyền từ bố mẹ. Vì vậy, các nghiên cứu khoa học đã nghiên cứu và đưa ra chỉ số an toàn cho chu vi vòng đầu của trẻ theo từng thời điểm của thai kỳ như sau:
- Thai 12 tuần: 70 mm
- Thai 13 tuần: 84 mm
- Thai 14 tuần: 98 mmmm
- Thai 15 tuần: 111 mm
- Thai 17 tuần: 137 mm
- Thai 18 tuần: 150 mm
- Thai 19 tuần: 162 mm
- Thai 20 tuần: 175 mm
- Thai 21 tuần: 187 mm
- Thai 22 tuần: 198 mm
- Thai 23 tuần: 210 mm
- Thai 24 tuần: 221 mm
- Thai 25 tuần: 232 mm
- Thai 26 tuần: 242 mm
- Thai 27 tuần: 252 mm
- Thai 28 tuần: 262 mm
- Thai 29 tuần: 271 mm
- Thai 30 tuần: 280 mm
- Thai 31 tuần: 288 mm
- Thai 32 tuần: 296 mm
- Thai 33 tuần: 304 mm
- Thai 34 tuần: 311 mm
- Thai 35 tuần: 318 mm
- Thai 36 tuần: 324 mm
- Thai 37 tuần: 330 mm
- Thai 38 tuần: 335 mm
- Thai 39 tuần: 340 mm
- Thai 40 tuần: 344 mm
Theo ý kiến của các bác sĩ, số đo này cao hơn một chút thì mẹ bầu không cần quá lo lắng vì mỗi bé có đặc điểm riêng hoặc do gen di truyền, dinh dưỡng trong quá trình mang thai. Nếu thai nhi khỏe mạnh nhưng do cấu tạo tự nhiên mà đầu hơi to hay hơi nhỏ thì không ảnh hưởng gì cho sức khỏe hay sự phát triển của bé.
Tuy nhiên, theo kết luận của bác sĩ, nếu chỉ số trên vượt quá hoặc thấp hơn ngưỡng an toàn thì thai nhi của bạn có thể đang mắc chứng đầu tỏ hoặc nhỏ.
Đến đây, chắc hẳn bạn sẽ muốn biết: Chu vi vòng đầu của thai nhi nhỏ có sao không? Thai nhi đầu to có sao không?
3. Chu vi vòng đầu của thai nhi nhỏ có sao không?
Thai nhi hoặc em bé mắc chứng đầu nhỏ, não nhỏ thường bị suy giảm trí tuệ nghiêm trọng, co giật, suy giảm tuổi thọ. Trên thế giới, tỷ lệ trẻ mắc bệnh đầu nhỏ chiếm khoảng 1/7.000 ca sinh.
Theo các nghiên cứu, có khá nhiều nguyên nhân có thể gây chứng đầu nhỏ ở thai nhi như: Thai nhi phát triển chậm, di truyền, bất thường nhiễm sắc thể, bệnh nhăn não, bất thường hệ nội tiết, não thất duy nhất, nhiễm trùng bào thai.
4. Thai nhi đầu to có sao không?
Ngược lại với trường hợp trên, thai nhi đầu to có sao không?
Không thể chủ quan nếu bác sĩ đã thông báo lo ngại về chỉ số chu vòng đầu của thai nhi quá to. Chứng đầu to là dấu hiệu đầu tiên để có thể phát hiện ra các bệnh liên quan đến hiện tượng giãn não thất như não úng thủy, phì đại não hay não thất to. Những bệnh liên quan đến chứng giãn não thất này đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng làm chậm quá trình phát triển thể chất và trí tuệ, đồng thời dẫn đến những dị tật bẩm sinh khác ở trẻ.
Bên cạnh đó, chu vi vòng đầu của thai nhi to nhưng khung chậu của mẹ bầu nhỏ thì bạn nên lựa chọn sinh mổ để an toàn cho mẹ và bé.
5. Làm gì khi chu vi vòng đầu của thai nhi bất thường?
Kết quả siêu âm cho thấy thai nhi gặp những bất thường về chu vi vòng đầu. Mẹ bầu nên làm gì?
Để xác định nguyên nhân khiến chu vi vòng đầu của thai nhi nhỏ bất thường, bác sĩ sẽ đề xuất bạn làm thêm các biện pháp kiểm tra. Vì vậy, việc đầu tiên bạn cần hết sức bình tĩnh và làm theo các chỉ định khám xét thêm như sau:
♦ Chọc ối
Chọc ối là phương pháp dùng mũi kim lấy nước ối, sau đó đem mẫu dịch đi kiểm tra nhanh nhằm tìm kiếm các nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ như nhiễm trùng hoặc bất thường về nhiễm sắc thể.
Tuy nhiên, đây lại là một thủ thuật xâm lấn nên có thể gây ra rủi ro sinh non cho thai phụ. Vì vậy, bác sĩ chỉ lựa chọn khi cần làm chẩn đoán cuối cùng.
♦ Chụp MRI
Chụp MRI (còn gọi là chụp cộng hưởng từ) giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi thông qua các hình ảnh chi tiết trong cơ thể của người mẹ khi mang thai. Các hình ảnh chi tiết đó sẽ cho phép phát hiện sớm những bất thường trong cấu trúc của các tạng và cấu trúc não nhằm đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.
♦ Siêu âm
Bác sĩ chắc chắn sẽ yêu cầu bạn tái khám bằng siêu âm. Hiện chưa có nhà nghiên cứu nào khẳng định sóng siêu âm gây hại cho thai nhi nên mẹ bầu đừng lo ngại, hãy tái khám đúng thời gian bác sĩ yêu cầu.
Hy vọng những phân tích trên đây đã có thể giúp bạn hiểu về chu vi vòng đầu của thai nhi và xác định được thai nhi đầu to có sao không.
Hãy cẩn trọng với chỉ số này và thăm khám bác sĩ đúng chỉ định nếu thai nhi có bất kỳ bất thường nào.
Hương Hoa