Khi nuôi dạy con, các bậc cha mẹ chẳng những bận tâm đến khả năng lẫy người, bò, đi, đứng của bé mà còn để ý cả đến chế độ dinh dưỡng giúp bé phát triển toàn diện. Chính vì thế, khi thấy trẻ 4 tháng lười bú, các mẹ thường trăn trở không biết phải làm thế nào để con yêu bú trở lại.
Nguyên nhân trẻ 4 tháng lười bú
Sữa là nguồn dinh dưỡng đầu đời vô cùng quan trọng đối với sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi. Tình trạng bé 4 tháng biếng bú có thể được bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
1. Trẻ 4 tháng lười bú vì ham vận động
Bé 4 tháng tuổi đã bắt đầu biết lẫy và nghe ngóng âm thanh xung quanh. Bé quá ham chơi thường mất tập trung khi bú mẹ.
2. Bé mọc răng sớm
Thông thường trẻ từ 6 tháng tuổi mới bắt đầu học răng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp trẻ mọc răng sớm khi được 4-5 tháng tuổi. Khi răng bắt đầu mọc, bé sẽ thấy khó chịu do sưng, ngứa nướu… làm biếng bú, chán ăn.
3. Bầu ngực của mẹ có mùi lạ
Bé có thể bỏ bú do một số nguyên nhân từ bầu ngực mẹ dưới đây:
- Mẹ dùng nước hoa, kem thoa ngực
- Mẹ bị stress khiến dòng sữa chảy mạnh yếu thất thường
- Đầu ti mẹ to khiến bé khó khăn trong việc bú sữa
4. Bé đang mắc các vấn đề về tiêu hóa
Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non yếu nên mẹ dễ gặp các vấn đề như đầy hơi, táo bón, tiêu chảy… Những triệu chứng này khiến bụng bé khó chịu, làm căng tức đầy hơi và khiến trẻ 4 tháng lười bú.
5. Bé gặp phải vấn đề về miệng
Nếu mẹ không để ý vệ sinh miệng cho bé thì trẻ rất dễ bị các bệnh về lưỡi như nấm lưỡi, tưa lưỡi… Bệnh có thể khiến bé mất vị giác hoặc bị đau khi bú. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nấm lưỡi, tưa lưỡi là lưỡi bé xuất hiện các mảng bám màu trắng rất chắc.
6. Trẻ 4 tháng lười bú vì đang bị bệnh
Trẻ bị bệnh thường dễ mệt mỏi và lười bú. Lúc này, bé muốn được nghỉ ngơi nhiều hơn là ăn uống.
7. Mẹ không cố định giờ bé bú
Mẹ chỉ nên cho bé bú cố định giờ giấc. Những cữ bú lộn xộn sẽ khiến hệ tiệu hóa của bé hoạt động kém, dẫn tới lười bú.
8. Mẹ cho bé bú tư thế sai
Mẹ cho con bú đúng cách không chỉ giúp bé bú dễ dàng hơn mà còn tránh được tình trạng sặc sữa. Ngược lại, mẹ cho con bú sai tư thế có khi lại hại cả mẹ lẫn con đấy.
9. Ảnh hưởng của vacxin hoặc thuốc
Tác dụng phụ của các loại thuốc kháng sinh hoặc vacxin gây ảnh hưởng lớn tới đường ruột cũng như niêm mạc miệng của bé. Do đó, trẻ dễ bỏ bú mẹ.
10. Sữa mẹ có mùi lạ
Sữa mẹ bị hôi hay có mùi lạ thường đến từ chế độ ăn uống của mẹ hoặc do mẹ sử dụng thuốc kháng sinh.
11. Mẹ cho bé bú các cữ quá gần nhau
Trẻ 4 tháng lười bú thường là do bị mẹ ép bú quá thường xuyên và liên tục trong thời gian dài.
Bé lười bú mẹ phải làm sao?
Khi đã biết được nguyên nhân trẻ 4 tháng lười bú, mẹ sẽ khắc phục được tình trạng cho con dựa vào việc thay đổi các thói quen cũng như tìm cách chữa trị bệnh lý.
1. Phương pháp da tiếp da
Để chữa trẻ 4 tháng lười bú, mẹ có thể đặt con lên ngực mẹ và ôm con thường xuyên. Thói quen này làm tăng mối liên kết, tình cảm giữa 2 mẹ con. Từ đó kích thích bé thèm bú hơn và làm gia tăng lượng sữa mẹ tiết ra.
2. Thay đổi tư thế bú cho trẻ
Thường xuyên thay đổi tư thế cho bé bú để điều tiết lưu lượng sữa chảy ra. Khi có nhiều sữa, mẹ nên hạn chế cho bé bú nằm mà nên ngồi cho con bú. Mẹ dựa lưng vào tường để hạn chế việc sữa chảy ra ào ạt gây ngộp thở, giúp bé bú thoải mái nhất.
3. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Mẹ nên ăn những thức ăn làm tăng chất lượng sữa để bé siêng bú. Những thực phẩm lợi sữa thường bao gồm: sữa nóng, nước gạo lứt, rau má, rau ngót, mè đen, nước đậu đỏ…
Ngoài ra, mẹ cũng nên để ý chế độ ăn của mình có món nào lạ khiến sữa mẹ có mùi tanh, hôi và làm bé bỏ bú không nhé.
[inline_article id=267527]
4. Vệ sinh miệng cho trẻ
Nếu trẻ bị nấm hoặc tưa lưỡi, mẹ nên sử dụng các loại thuốc theo chỉ định từ bác sĩ để giúp bé tránh được đau đớn, khó chịu. Bác sĩ có thể chỉ định mẹ bôi thuốc trực tiếp vào miệng bé từ 2-4 lần/ngày để cải thiện tình hình.
5. Giúp bé tập trung bú
Mẹ nên cho bé bú ở những nơi yên tĩnh để bé tập trung bú hơn. Tránh cho bé bú những nơi ồn ào khiến bé ham chơi mất tập trung làm lười bú.
Tình trạng trẻ 4 tháng lười bú không quá nghiêm trọng nếu mẹ tìm hiểu rõ các nguyên nhân và biết cách khắc phục cho trẻ. Suy cho cùng, mẹ khỏe thì con mới khỏe được. Vì thế, bạn cũng hãy chú ý chế độ dinh dưỡng của mình để sữa mẹ luôn mát thơm, chất lượng nhé.
Anh Thư