Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

Hội chứng truyền máu song thai, nguy hiểm chớ coi thường!

Hội chứng truyền máu song thai là một trong những vấn đề sức khỏe có thể xảy ra với những mẹ đang mang cặp song sinh. Liệu tình trạng này có nghiêm trọng hay không? Để rõ hơn, mời bạn tham khảo ngay bài viết sau.

Hội chứng truyền máu song thai (hay thuật ngữ y khoa gọi là Twin twin transfusion syndrome – viết tắt TTTS) xảy ra khi người mẹ mang thai đôi cùng trứng và có chung một bánh nhau. Bệnh lý này được Trung tâm thông tin di truyền và bệnh hiếm gặp (GARD) thuộc Trung tâm Khoa học Ứng dụng Tiến bộ Quốc gia Hoa Kỳ (NCATS) phân loại là tình trạng cấp cứu sản khoa cần được điều trị kịp thời.

Hội chứng truyền máu song thai

MarryBaby sẽ chia sẻ đến bạn những thông tin cơ bản nhất về TTTS để bạn có thể hiểu hơn về bệnh lý này, từ đó có cách phòng ngừa hiệu quả.

Giải mã hội chứng truyền máu song thai là gì

Hội chứng truyền máu song thai là một bệnh lý hiếm gặp bởi tỷ lệ mắc bệnh này chỉ rơi vào khoảng 0,1 – 1,9/1.000 trẻ (theo số liệu thống kê từ Bệnh viện phụ sản Trung Ương). Tình trạng này thường xuất hiện trong trường hợp người mẹ mang thai cặp sinh đôi cùng trứng, chung bánh rau (bánh nhau) nhưng khác túi ối. Lúc này có hiện tượng kết nối mạch máu bất thường được hình thành ở nhau thai, dẫn đến máu không được phân phối đồng đều giữ các thai nhi.

Hiểu nôm na rằng trong 2 đứa trẻ người mẹ đang mang sẽ có một thai nhi (gọi là thai cho máu) cho đi máu nhiều hơn so với lượng mà bé nhận được nên thường có kích thước nhỏ hơn và bị thiếu oxy, chất dinh dưỡng để phát triển. Trong khi đó, thai còn lại (gọi là thai nhận máu) sẽ nhận được nhiều máu hơn thông qua đường tĩnh mạch khiến hệ tuần hoàn của bé phải hoạt động hết công suất. Do đó, chức năng tim mạch về lâu dài của bé bị suy giảm.

Bệnh lý này gây ra những hậu quả gì?

TTTS là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Cụ thể, hội chứng truyền máu song thai nếu không kịp thời phát hiện và can thiệp thì xác xuất mất thai sẽ lên đến 90 – 100%. Mặt khác, nếu trường hợp một trong hai thai chết thì 25% khả năng thai còn lại sẽ gặp phải di chứng thần kinh nặng nề.

Trong hội chứng này, thai cho máu sẽ bị giảm thể tích tuần hoàn nên dẫn đến thiểu niệu, thiểu ối (quan sát trên ảnh siêu âm có thể thấy thai bị dính vào thành tử cung không thể cử động hoặc thay đổi tư thế). Ngược lại, thai nhận máu sẽ gặp tình trạng đa niệu, đa ối, phù nề do tăng thể tích tuần hoàn quá mức.

Nguyên nhân hội chứng truyền máu song thai

nguyên nhân dẫn đến hội chứng truyền máu song thai

Nhau thai là cơ quan cung cấp oxy cùng các dưỡng chất thiết yếu nuôi dưỡng thai nhi trong bụng. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mô hình mạch máu ở nhau thai phát triển một cách bất thường, cộng thêm với việc thai nhi dùng chung nhau thai dẫn đến sự mất cân bằng lưu thông máu mà thực tế là một bé nhận được quá nhiều máu trong khi bé còn lại có ít máu hơn. Chính sự mất cân bằng này đã dẫn đến hội chứng truyền máu song thai.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia còn đưa ra nhiều giả thiết khác gây nên tình trạng này, có liên quan trực tiếp đến người mẹ mang song thai nhưng đến nay vẫn chưa được giải thích rõ.

Nhiều mẹ cũng băn khoăn không biết ai là đối tượng dễ có nguy cơ mắc phải hội chứng này? MarryBaby xin trả lời bạn đó là những bà mẹ mang đa thai và dùng chung bánh nhau. Nhưng hãy yên tâm rằng bệnh lý này hoàn toàn có thể phát hiện sớm thông qua việc siêu âm thai thường xuyên, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ hai, bệnh dễ xuất hiện nhất.

Nhận biết các triệu chứng của truyền máu song thai

Hội chứng truyền máu song thai có thể phát hiện thông qua phương pháp siêu âm thai. Bằng cách kiểm tra lượng nước ối và kích thước của mỗi thai nhi, bác sĩ có thể đưa ra kết luận rằng người mẹ có đang gặp phải bệnh lý này hay không. Một số ca ngoài siêu âm bác sĩ còn có thể tiến hành chọc dò dịch ối nhằm củng cố thêm kết quả chẩn đoán.

Một khi TTTS tiến triển, mẹ bầu có thể gặp phải hội chứng gương (thuật ngữ y khoa gọi là the martenal mirror syndrome) bao gồm các biểu hiện tương tự với thai nhi nhận máu như là:

Mẹ sẽ bắt gặp những triệu chứng này thường là vào tuần thứ 20 của thai kỳ. Nếu thấy bản thân có bất kỳ những biểu hiện nào vừa liệt kê, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hướng điều trị dành cho người bị mắc hội chứng truyền máu song thai

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như tình trạng sức khỏe cả mẹ lẫn bé cưng. Mục tiêu điều trị lúc này là đảm bảo việc mang thai được an toàn cho đến lúc sinh. Trong trường hợp mẹ sinh non hoặc thai gặp biến chứng, bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe của bé bằng siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Mẹ mắc hội chứng truyền máu song thai có thể được yêu cầu phải “treo chân giữ thai”. Suốt thời gian này, mẹ cũng sẽ được khuyến cáo bổ sung một vài dưỡng chất cần thiết.

Nếu bệnh tiến triển nghiêm trọng hoặc mẹ sắp sinh sẽ phải nhập viện. Lúc này, bác sĩ có thể sử dụng thủ thuật laser đốt mạch máu thông nối giữa hai thai nhằm làm gián đoạn tuần hoàn máu đi qua nhau. Biện pháp này sẽ được chỉ định khi một hoặc cả hai cặp song sinh đang gặp nguy hiểm bởi nó tiềm ẩn một vài rủi ro nhất định.

Một khi cặp song sinh đã phát triển đến mức có thể tồn tại bên ngoài tử cung, bạn và bác sĩ cần phải lên kế hoạch cho việc sinh nở thật kỹ lưỡng. Bác sĩ có thể khuyên sản phụ nên sinh mổ nếu rủi ro có liên quan đến việc sinh non.

Biện pháp phòng ngừa truyền máu song thai

bà bầu bổ sung dinh dưỡng

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để vấn đề sức khỏe này không “quấy rầy” bạn, hãy áp dụng ngay những lời khuyên sau:

  • Sản phụ nên nằm nghỉ ngơi tại giường hoặc nằm ngang, nằm nghiêng một bên nhằm giảm áp lực lên cổ tử cung trong thai kỳ
  • Tư thế nằm ngửa cũng giúp sản phụ cải thiện tuần hoàn máu đến tử cung và thận
  • Tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là quan tâm đến việc bổ sung chất sắt và đạm vì đây là 2 dưỡng chất hay bị thiếu hụt ở thai nhi mắc hội chứng truyền máu song thai
  • Siêu âm ít nhất 2 tuần một lần kể từ 3 tháng giữa thai kỳ bởi nếu phát hiện trước 20 tuần, khả năng chữa trị sẽ cao hơn.

Vừa rồi là những chia sẻ xoay quanh hội chứng truyền máu song thai. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp các bà mẹ có thêm nhiều kinh nghiệm để hành trình mang thai được suôn sẻ.

M.P