U tuyến thượng thận có nguy hiểm không? U tuyến thượng thận là khối u hiếm gặp nhưng một khi đã mắc, tác hại của nó gây ra cho người bệnh rất lớn.
Bệnh u tuyến thượng thận có thể xảy ở mọi lứa tuổi và được chữa trị bằng phương pháp phẫu thuật. U tuyến thượng thận là bệnh gì? Liệu u tuyến thượng thận có nguy hiểm không?
U tuyến thượng thận là bệnh lý gì?
Muốn biết u tuyến thượng thận có nguy hiểm không, cách tốt nhất nên tìm hiểu kỹ về tuyến thượng thận và nguồn gốc u tuyến thượng thận.
Tuyến thượng thận là tuyến nằm phía trên của quả thận. Chức năng chính của tuyến thượng thận là tiết ra hormone giúp cơ thể chống lại stress, cân bằng chất điện giải, điều khiển hoạt động hệ miễn dịch, điều hòa huyết áp…
U tuyến thượng thận là khối u hiếm gặp, thường là u lành tính và phát triển trong tuyến thượng thận, cực kỳ hiếm gặp khối u ác tính (hay ung thư tuyến thượng thận). U tuyến thượng thận thường xuất hiện một bên thận nhưng trong một số trường hợp vẫn có thể xuất hiện cả hai bên.
Đa số các trường hợp mắc u tuyến thượng thận đều là u lành tính, thường xảy ra ở độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi. Có thể chữa trị bằng cách phẫu thuật cắt bỏ khối u để huyết áp trở lại bình thường.
Hiện nay vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây u tuyến thượng thận nhưng một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Bệnh đa u tuyến nội tiết loại II
- Bệnh Von Hippel-Lindau
- Bệnh u sợi thần kinh loại 1 (NF1)
- Hội chứng u cận hạch di truyền
Những triệu chứng thường gặp của u tuyến thượng thận
Chính vì u tuyến thượng thận là khối u ít gặp nên biểu hiện bệnh thường bị bỏ qua hoặc lơ là không quan tâm.
Một triệu chứng điển hình và thường gặp nhất của u tuyến thượng thận chính là tăng huyết áp, đặc biệt là tăng huyết áp kịch phát. Triệu chứng này xảy ra đột ngột, một số trường hợp bị bệnh nặng thường xuyên bị tăng huyết áp và chèn thêm những cơn tăng huyết áp kịch phát không báo trước.
- Huyết áp của người mắc bệnh u tuyến thượng thận có thể tăng lên đến 250 – 280/120 – 140mmHg, kéo dài trong vài phút hoặc vài giờ. Sau đó, huyết áp sẽ tự động trở về mức bình thường mà không cần điều trị.
- Về nhịp tim, người mắc u tuyến thượng thận đập nhanh hơn người bình thường, trên 100ck/phút. Hoặc có thể xuất hiện nhịp nhanh kịch phát từ 140 – 180ck/phút. Bạn sẽ có cảm giác hồi hộp, hoảng sợ và sợ chết những lúc này.
- Ngoài ra, một số triệu chứng thường gặp đi kèm là tăng tiết mồ hôi, đau đầu, run đầu chi, mặt xanh xao, khó thở… Một số dấu hiệu, triệu chứng ít gặp hơn là lo lắng, sụt cân, táo bón…
- Người mắc bệnh u tuyến thượng thận có những cơn tăng huyết áp kịch phát và nhịp tim đập nhanh như vậy liệu có sao không? U tuyến thượng thận có nguy hiểm không?
U tuyến thượng thận có nguy hiểm không?
U tuyến thượng thận có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Nguyên nhân do huyết áp cao, triệu chứng của u tuyến thượng thận, làm tổn thương rất nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể, đặc biệt là hệ tim mạch, não và thận.
Các cơn huyết áp tăng thường xuyên và kèm theo kịch phát có thể làm suy giảm chức năng hệ thống tim mạch. Đồng thời, gây ra các bệnh lý khác như tổn thương đáy mắt, suy tim, xuất huyết, suy thận, trụy mạch, rối loạn chất điện giải…
Đối với sức khỏe sinh sản của nam giới, u tuyến thượng thận có thể làm rối loạn hormone sinh dục dẫn đến giảm ham muốn, giảm sản xuất tinh trùng và chất lượng tinh dịch cũng yếu đi. Nếu kéo dài, có thể gây vô sinh – hiếm muộn ở nam giới.
Ngoài ra, với nữ giới, u tuyến thượng thận gây ra các triệu chứng giống như bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu. Cho nên, người mắc bệnh có thể bị căng cơ, chuột rút, chán ăn, sút cân, suy giảm chức năng sinh lý…
U tuyến thượng thận có nguy hiểm không? Cực kỳ nguy hiểm khi khối u chuyển thành u ác tính. Tuy trường hợp này rất hiếm gặp nhưng khi chuyển sang ung thư, các tế bào ung thư tuyến thượng thận có thể di căn đến các bộ phận khác như xương, phổi, hệ thống bạch huyết…
Cách điều trị u tuyến thượng thận thế nào?
Cách điều trị u tuyến thượng thận phổ biến hiện nay là phẫu thuật để cắt bỏ khối u theo hai trường hợp:
1. Kích thước khối u dưới 5cm
Đối với khối u tuyến thượng thận có kích thước dưới 5cm, không mang chức năng nội tiết và không phát triệu chứng thì chưa cần phẫu thuật. Bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng bệnh, thực hiện các xét nghiệm đi kèm và chẩn đoán bệnh qua hình ảnh để kiểm tra bệnh tình.
2. Kích thước khối u trên 5cm
Trong trường hợp kích thước khối u lớn hơn 5cm và gây tình trạng tăng tiết hormone thì buộc phải phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được chỉ định là mổ hở hoặc mổ nội soi. Tuyến thượng thận có khối u sẽ được cắt bỏ, tuyến thượng thận khỏe mạnh sẽ được giữ lại để thực hiện chức năng như bình thường.
[inline_article id=187274]
Phía trên là hai cách điều trị cho u tuyến thượng thận lành tính. Nếu khối u chuyển thành ác tính thì bắt buộc phải điều trị bằng các phương pháp như xạ hình, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích… Cách làm này nhằm ngăn chặn và tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư ở thận và các tế bào đã di căn sang các bộ phận khác.
Nếu bạn còn thắc mắc u tuyến thượng thận có nguy hiểm không thì MarryBaby sẽ trả lời ngay nó cực kỳ nguy hiểm. Trong trường hợp tăng huyết áp kịch phát mà không có người bên cạnh thì dễ dẫn đến các hậu quả đáng tiếc.
Vì thế, hãy theo dõi sức khỏe của mình và những người xung quanh. Nếu có gì bất thường nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay.
Tùng Chi