Sa tử cung khi đang mang thai khá phổ biến. Sa tử cung không phải là bệnh lý hiếm gặp, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ sau khi mãn kinh và có một hoặc nhiều lần sinh con ngả âm đạo. Trong trường hợp bị sa tử cung nặng có thể phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
Vậy thì sa tử cung khi mang thai có nguy hiểm không?
Khi mang thai, tử cung đóng vai trò gì?
Khi mang thai, tử cung đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đây là bộ phận nuôi dưỡng thai nhi, là nơi thai nhi sinh trưởng và phát triển trong vòng 40 tuần.
Khi trưởng thành, tử cung có kích thước trung bình khoảng 7,5cm. Trong đó, thân tử cung dài 5cm, phần còn lại là eo và cổ tử cung tầm 2,5cm. Cho nên đồng hành cùng sự phát triển của thai nhi, kích thước của tử cung cũng dần tăng lên để tạo không gian cho em bé phát triển.
Do đó, nếu có bất kỳ tổn thương nào đến tử cung cũng làm cho mẹ bầu hoang mang. Và một bệnh lý nguy hiểm khi mang thai khiến mẹ lo lắng chính là sa tử cung hay còn gọi là sa sinh dục.
Sa tử cung khi đang mang thai là bệnh gì?
1. Khái niệm bị sa tử cung khi mang thai
Sa tử cung ở phụ nữ mang thai là trường hợp tử cung đi xuống hoặc qua lỗ âm đạo. Cụ thể, đây là hiện tượng tử cung tụt xuống âm đạo, đôi khi là ngoài âm đạo do cơ dây chằng bị kéo căng, không thể nâng đỡ tử cung.
2. Các giai đoạn của sa tử cung
Sa tử cung khi đang mang thai được chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Tử cung sa xuống nhưng vẫn nằm trong ống âm đạo.
- Giai đoạn 2: Tử cung tụt xuống ngoài âm đạo và khó quan sát bằng mắt.
- Giai đoạn 3: Tử cung tụt hoàn toàn ra ngoài âm đạo và có thể nhìn thấy bằng mắt.
Nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì có thể điều trị khỏi nhưng nếu mẹ bầu phát hiện ở giai đoạn 3 thì rất khó điều trị. Đây là tình trạng báo động. Có khả năng tử cung đã bị viêm nhiễm và phải cắt bỏ do tử cung không còn khả năng co lên như bình thường. Do đó, mẹ bầu nên để ý nhiều hơn đến sức khỏe để có phản ứng kịp thời.
3. Nguyên nhân sa tử cung khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sa tử cung khi mang thai. MarryBaby chia thành 3 nhóm chính:
- Nguyên nhân từ thai nhi: Thai nhi quá lớn hoặc mang đa thai khiến cho tử cung bị sa xuống.
- Nguyên nhân từ bà mẹ: Mẹ mang thai ở tuổi đã cao hoặc đã sinh nhiều lần trước đó. Nguyên nhân khác nữa là do quá trình nạo phá thai nhiều lần hoặc do khoảng cách giữa vùng xương chậu lớn hơn người bình thường.
- Nguyên nhân từ bên ngoài: Các tác nhân bên ngoài như chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu không hợp lý dẫn đến thừa cân, tạo áp lực lên vùng xương chậu hoặc do các bệnh vặt như ho, táo bón kéo dài mà không điều trị kịp thời.
4. Dấu hiệu sa tử cung khi mang bầu
Sa tử cung khi đang mang thai có thể nhận biết qua các dấu hiệu sau đây:
- Cảm thấy nặng vùng bụng dưới, đau lưng, âm đạo và âm hộ nặng. Dấu hiệu này rất dễ nhầm lẫn với các tình trạng đau nhức thông thường trong quá trình mang thai nên mẹ bầu đặc biệt lưu ý nhé.
- Quá trình bài tiết gặp khó khăn như bị đau rát khi đại tiện hoặc tiểu tiện. Đôi khi có cảm giác mắc tiểu nhưng lại không tiểu được.
- Một dấu hiệu khác là bạn luôn có cảm giác như ngồi trên quả bóng hoặc như có cái gì sắp rơi ra khỏi âm đạo.
- Xuất hiện triệu chứng như chảy máu âm đạo hoặc mất cảm giác với thai nhi trong bụng.
Khi gặp dấu hiệu cuối cùng, bạn cần gặp bác sĩ ngay lập tức. Vì có thể bệnh sa tử cung khi đang mang thai ở giai đoạn 3 và khó có thể cứu chữa.
[inline_article id=176748]
Sa tử cung khi đang mang thai có nguy hiểm không?
Sa tử cung khi đang mang thai cực kỳ nguy hiểm. Do đó, mẹ đặc biệt chú ý đến sức khỏe nếu bác sĩ chẩn đoán mẹ bầu bị sa tử cung.
1. Sảy thai hoặc thai chết lưu
Tử cung bị tụt xuống dưới âm đạo khiến thai nhi không thể phát triển như bình thường làm thai chết lưu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người mẹ. Chưa kể trường hợp thai nhi có thể bị các bộ phận khác chèn ép khi tử cung bị tụt xuống.
2. Sinh non và băng huyết
Khi mẹ bị sa sinh dục ở những tháng cuối thai kỳ làm thai nhi trôi ra khi chưa phát triển hoàn thiện. Tình trạng này rất nguy hiểm. Em bé có thể chết yểu, bị dị tật và dẫn đến nguy cơ băng huyết cho người mẹ.
Ngoài ra, bị sa tử cung khi mang thai còn:
- Làm mất khả năng làm mẹ do tử cung bị viêm nhiễm nặng cần phải cắt bỏ.
- Sa tử cung có thể khiến tử cung bị vỡ, gây tử vong cho mẹ và bé.
- Ảnh hưởng đến các bộ phận khác như trực tràng, ruột, bàng quang.
Cách phòng tránh và điều trị bệnh sa tử cung cho mẹ bầu
Vậy làm cách nào để phòng tránh và điều trị bệnh sa tử cung trong thai kỳ?
1. Điều trị bệnh sa tử cung khi đang mang thai
- Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ.
- Chăm chỉ luyện tập những bài tập nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe và vùng chậu.
- Tránh vận động mạnh và ngồi xổm để áp lực không dồn lên vùng bụng.
- Ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý và không sử dụng chất kích thích.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách và đều đặn.
2. Phòng tránh sa tử cung khi mang bầu
- Trước khi mang thai, nên khám sức khỏe tổng quát.
- Theo dõi sức khỏe thường xuyên để có thể phát hiện và điều trị kịp thời nếu bị sa tử cung.
- Nếu bị ho hoặc viêm phế quản, nên điều trị dứt điểm, càng sớm càng tốt.
- Tránh làm các việc nặng. Không nên mang thai nhiều lần. Không lạm dụng các loại thuốc. Không nạo phá thai.
- Theo dõi cân nặng và tránh việc tăng cân quá mức khi mang thai.
- Thường xuyên tập các bài tập nhẹ nhàng trị sa tử cung như Kegel để tăng sức mạnh vùng chậu.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, bổ sung các loại hoa quả tươi mát. Tránh ăn đồ khô và đồ ăn nhanh để hạn chế táo bón.
Sa tử cung khi đang mang thai khá nguy hiểm nên mẹ lưu ý đến các dấu hiệu bệnh nhé. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đặc biệt đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai. MarryBaby chúc mẹ và bé luôn mạnh khỏe.
AN HY