Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

Làm thế nào để hạn chế say bột ngọt trong những bữa tiệc cuối năm

Bạn thường bị say bột ngọt khi ăn hàng quán bên ngoài hoặc tại các bữa tiệc? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về triệu chứng say bột ngọt và các cách chữa say bột ngọt nhé.

Cuối năm luôn là thời điểm bận rộn với những buổi tiệc tùng, ăn uống linh đình. Một số người rất ngại với việc ăn uống bên ngoài vì sợ gặp phải tình trạng say bột ngọt.

Vậy triệu chứng say bột ngọt là gì? Cách chữa say bột ngọt? MarryBaby sẽ giúp bạn tìm hiểu về vấn đề này nhé.

Hiện tượng say bột ngọt là gì

Bột ngọt hay còn gọi là mì chính là gia vị quen thuộc với nhiều gia đình. Bột ngọt được sản xuất bằng cách lên men hỗn hợp gồm tinh bột (từ sắn hoặc ngô), củ cải đường, mía đường. 

Bột ngọt là muối natri của axit amin, thông thường là axit glutamic. Gia vị này khi nêm nếm sẽ giúp món ăn có thêm chút mằn mặn, ngọt ngọt. Vì vậy, bột ngọt thường sử dụng để thay thế một phần muối ăn, vừa để giảm lượng natri, vừa để món ăn bớt mặn gắt.

Say bột ngọt
Say bột ngọt là tình trạng phổ biến ở nhiều gia đình

Hiện tượng say bột ngọt xảy ra khi bạn bị dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong bột ngọt. Một nguyên nhân khác dẫn đến say bột ngọt là do dùng với liều lượng quá nhiều.

Việc dùng một lượng lớn bột ngọt trong một thời điểm khiến lượng axit glutamic hấp thụ quá nhiều vào cơ thể, xâm nhập vào các tế bào thần kinh, gây ra các hiện tượng nhức đầu, say xẩm mặt mày.

Triệu chứng say bột ngọt

Nếu bạn bị dị ứng với bột ngọt, bạn sẽ dễ gặp những triệu chứng dưới đây khi ăn những món ăn được nêm nếm quá nhiều bột ngọt.

  • Đau đầu, chóng mặt.
  • Mặt đỏ bừng, có thể sưng cơ mặt.
  • Phát ban.
  • Đổ mồ hôi, người mệt mỏi.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Nóng ran và tê rần từ mặt xuống cổ, vai, gáy, thậm chí lan xuống sống lưng.
  • Đau, tức ngực, nhất là ở khu vực dạ dày.

Một số triệu chứng say bột ngọt nghiêm trọng hơn như:

  • Khó thở.
  • Đau ngực dữ dội, tim đập nhanh.
  • Sốc phản vệ.

Cách chữa say bột ngọt

Nếu nhận thấy những triệu chứng say bột ngọt sau khi dùng bữa, bạn nên uống thêm nhiều nước ấm, tốt nhất là nước có pha với chanh và một ít muối. Việc uống nước sẽ giúp thanh lọc cơ thể, lợi tiểu, giải độc, làm dịu lại những triệu chứng khó chịu do say bột ngọt. 

Tuyệt đối không tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào để chữa say bột ngọt. Hầu hết các phản ứng dị ứng với bột ngọt đều nhẹ và tự biến mất.

Nếu trong vòng vài giờ sau khi say bột ngọt, các cảm giác khó chịu vẫn chưa hết mà còn có nguy cơ nặng thêm như khó thở, sưng môi hoặc cổ họng, tim đập nhanh, đau tức ngực dữ dội, bạn nên đến ngay bệnh viện để kiểm tra.

Với những trường hợp bị say bột ngọt nặng, bạn nên ngưng hoặc hạn chế sử dụng bột ngọt trong một thời gian. 

Say bột ngọt
Bạn cần ngưng sử dụng 1 thời gian sau khi bị say bột ngọt

Làm thế nào để hạn chế tình trạng say bột ngọt?

Cách trị say bột ngọt hiệu quả nhất là tránh ăn các thực phẩm chứa quá nhiều gia vị này. 

Bột ngọt thường được sử dụng nhiều trong các nhà hàng, quán ăn, thực phẩm đông lạnh, đồ ăn nhanh đóng gói, đồ hộp và cả trong những hỗn hợp gia vị. Các sản phẩm có thành phần bột ngọt thường được ghi dưới những tên gọi như chiết xuất từ thịt, chiết xuất từ gia cầm, protein thuỷ phân, maltodextrin, chất nhũ hoá, chất điều vị hay tinh bột biến tính. Vì vậy, bạn cần kiểm tra thành phần nguyên liệu được in trên nhãn mác của các thực phẩm đóng hộp.

Thay vì dùng các thực phẩm đã qua chế biến, bạn hãy bổ sung vào chế độ ăn của mình những món tươi ngon, giàu dinh dưỡng như trái cây, rau củ quả. Về cách thức chế biến, bạn có thể thay đổi hình thức chiên, xào với nhiều gia vị bằng cách nấu đơn giản là luộc, hấp, vừa giữ được hương vị của thực phẩm, vừa tốt cho sức khỏe.

Một số kết quả nghiên cứu về bột ngọt 

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), bột ngọt được phân loại vào nhóm gia vị an toàn (cùng với muối và hạt tiêu). Tuy nhiên, vẫn có một số kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ dị ứng với bột ngọt ngày càng tăng.

  • Một nghiên cứu năm 2011 trên tạp chí Nutrition, Research và Practice Trusted Source đã tiết lộ mối liên hệ giữa bột ngọt và trẻ bị viêm da. Tuy nhiên, kết luận này được cho là cần thêm nhiều bằng chứng để làm rõ thêm. 
  • Vào năm 2014, Clinical Nutrition Research Trusted Source trình bày mối liên hệ giữa bột ngọt và phản ứng dị ứng ở một nhóm nhỏ những người bị nổi mề đay mãn tính. Theo đó, những người thuộc nhóm này khi dùng thực phẩm chứa nhiều bột ngọt sẽ dễ gặp các triệu chứng như da ngứa ran, đau đầu, cảm giác nóng ở ngực.
  • Cũng trong năm 2014, một nghiên cứu tiến hành trên động vật tiết lộ rằng tiêu thụ bột ngọt có thể dẫn đến nguy cơ trầm cảm do những thay đổi trong serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh trong não ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc.
  • Vào năm 2015, một nghiên cứu khác thực hiện trên động vật cho ra kết quả rằng việc tiêu thụ bột ngọt với số lượng lớn và thường xuyên sẽ dẫn đến tổn thương thận.
  • Năm 2016, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bột ngột có khả năng gây hại cho các tế bào.
Say bột ngọt
Các gia đình cần hạn chế sử dụng bột ngọt khi chế biến thực phẩm

Có nên sử dụng bột ngọt?

Hiện nay vẫn chưa có kết luận chính thức và công bố rộng rãi về tác hại của bột ngọt với sức khỏe. Tuy nhiên, đây chỉ là loại gia vị giúp tăng thêm hương vị cho món ăn trong một số cách chế biến.

Nếu bạn là người có cơ địa dễ say bột ngọt, bạn hoàn toàn có thể chọn cách nấu đơn giản mà không cần nêm bột ngọt. Đặc biệt, bạn nên hạn chế nêm nếm bột ngọt trong những món ăn nấu cho em bé, nhất là bé dưới 1 tuổi.

Thời điểm cuối năm bận rộn, việc ăn ngoài hay tham dự các buổi tiệc là điều không thể tránh khỏi. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên thử trước một lượng nhỏ thức ăn, nếu thấy có dấu hiệu dị ứng bột ngọt, bạn nên đổi qua món khác.

Say bột ngọt là tình trạng thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng với các thành phần trong bột ngọt hoặc do dùng món ăn được nêm nếm quá nhiều gia vị này. Nếu các triệu chứng trở nên bất thường và gây đau đớn, bạn nên đến ngay bệnh viện để kiểm tra nhé.

By Phạm Trung Hiếu

Biên tập viên Phạm Trung Hiếu đã có hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập thông tin sức khỏe nói chung và mảng Mẹ & Bé nói riêng cho các trang tin MarryBaby, theAsianParents...
Hiện tại, anh đang phụ trách biên tập các tin bài về Mẹ & Bé cho trang web MarryBaby với mong muốn cung cấp các thông tin khoa học và hữu ích giúp bạn đọc dễ dàng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình nhỏ của mình.