Sa tử cung là căn bệnh khá phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt ở giai đoạn sau sinh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Mẹ đã biết đâu là những dấu hiệu sa tử cung sau sinh và cách xử lý chúng? Bài viết dưới đây sẽ chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất các phương pháp nhằm giải quyết tình trạng này.
1. Sa tử cung sau khi sinh là gì?
Tử cung là một trong những cơ quan sinh sản của phụ nữ. Khi mang thai, tử cung chứa thai nhi đang phát triển. Nó dãn ra khi mẹ mang thai để vừa với em bé và thu nhỏ lại sau khi sinh. Sa tử cung sau sinh là tình trạng tử cung trở nên yếu đi theo thời gian.
Tình trạng và dấu hiệu sa tử cung sau sinh có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người. Trong một số trường hợp, tử cung có thể lọt vào âm đạo (ống sinh), tạo ra một cục u hoặc phồng lên. Nghiêm trọng hơn, tử cung có thể trượt xa đến mức có thể sờ thấy bên ngoài âm đạo. Đây là dấu hiệu sa tử cung sau sinh hoàn toàn.
Theo Cleverland Clinic (Mỹ), nguy cơ mẹ bị sa tử cung sau khi sinh tăng lên theo tuổi tác. Đặc biệt, nếu mẹ sinh nở nhiều lần qua đường âm đạo, tình trạng này có khả năng xảy ra cao hơn.
2. Sa tử cung sau sinh có nguy hiểm không?
Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh này sẽ không gây nguy hiểm cho mẹ. Ngược lại, việc điều trị bệnh không kịp thời có thể gây ra những biến chứng như:
- Loét âm đạo: Trường hợp nghiêm trọng nhất là khi tử cung của mẹ tụt ra ngoài âm đạo. Tình trạng này dễ gây nhiễm trùng và loét âm đạo.
- Sa các cơ quan vùng chậu: Những cơ quan khác như bàng quang hay trực tràng cũng bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu.
>> Mẹ có thể xem thêm: Sa tử cung có quan hệ được không? 4 điều bạn cần biết
3. Nguyên nhân và dấu hiệu sa tử cung sau sinh
Nguyên nhân gây sa tử cung sau sinh
Trường hợp sa tử cung sau sinh là do sự suy yếu của các cơ trong vùng xương chậu. Các cơ này hoạt động giống như một chiếc võng cơ ở đáy khung chậu, giúp giữ ổn định các cơ quan vùng chậu.
Việc mẹ mang thai và sinh con qua đường âm đạo có thể tạo thêm áp lực lên các cơ sàn chậu. Điều này khiến chúng yếu đi và trở nên lỏng lẻo do sự căng ra quá mức. Ngoài ra, trọng lượng của em bé có thể kéo căng cơ và dây chằng, ngay cả khi mẹ sinh mổ.
Vì sao mẹ bị sa tử cung sau khi sinh? Các hormone thai kỳ cũng đóng một vai trò quan trọng. Chúng khiến các cơ sàn chậu trở nên đàn hồi hơn, thường vượt quá giới hạn phục hồi.
Các yếu tố khác có thể làm tử cung mẹ bị sa xuống gồm:
- Quá trình chuyển dạ kéo dài hoặc sinh khó
- Một ca sinh nở qua đường âm đạo phức tạp, với nhiều rặn, rách và nơi sử dụng kẹp
- Mô sẹo và tổn thương dây thần kinh cơ sàn chậu khi sinh em bé
- Mẹ bị suy nhược cơ thể, suy nhược toàn thân sau sinh
- Sinh non nhiều lần hoặc sinh con nặng cân qua đường âm đạo nhiều lần
- Ít vận động sau sinh cũng có thể khiến dạ con bị sa xuống dưới.
- Mẹ làm việc quá sức, không chăm sóc sức khỏe đúng cách
Nhận biết dấu hiệu sa tử cung sau sinh
Triệu chứng sa tử cung sau khi sinh có thể được phát hiện ngay hoặc một thời gian sau đó. Sa tử cung ở mức độ nhẹ có thể không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Tuy nhiên, ở trường hợp nặng hơn, nó có thể gây áp lực lên các cơ quan vùng chậu khác – ví dụ như bàng quang hoặc ruột. Những dấu hiệu sa tử cung sau sinh trường hợp nặng bao gồm:
- Cảm giác nặng nề hoặc có áp lực trong xương chậu.
- Đau ở xương chậu, bụng hoặc lưng dưới.
- Ra khí hư có màu trắng loãng hoặc nhầy như nước mũi, đôi khi có thể kèm theo chảy máu âm đạo.
- Thường xuyên bị nhiễm trùng bàng quang.
- Đau khi quan hệ tình dục (giao hợp).
- Táo bón.
Các vấn đề về tiểu tiện, bao gồm mất nước tiểu không tự chủ (tiểu không tự chủ), nhu cầu đi tiểu thường xuyên (tần suất tiểu), đột ngột muốn đi tiểu (tiểu gấp) hoặc són tiểu mỗi lần hắt hơi hay cười.
Khi đứng hoặc đi bộ trong thời gian dài, trọng lực tạo thêm áp lực lên các cơ vùng chậu. Khi đó, các dấu hiệu sa tử cung sau sinh càng trở nên tồi tệ hơn.
[inline_article id=77756]
4. Cần phải làm gì khi có dấu hiệu sa tử cung sau sinh?
Mẹ không nên quá lo lắng khi phát hiện mình mắc phải căn bệnh này. Thay vào đó, mẹ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có những lời khuyên hữu ích nhé.
Tùy vào tình trạng bệnh, sa tử cung sau sinh có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật hoặc không phẫu thuật. Một số phương pháp dưới đây giúp mẹ cải thiện bệnh trong trường hợp:
Điều trị không phẫu thuật
- Thực hiện bài tập Kegel nhằm tăng cường sức mạnh cơ vùng chậu.
- Duy trì cân nặng hợp lý, vì thừa cân gây áp lực lên ổ bụng.
- Sử dụng liệu pháp estrogen âm đạo.
- Hạn chế khiêng vác vật nặng.
- Đặt vòng nâng tử cung qua đường âm đạo.
- Những phương pháp này giúp làm giảm triệu chứng nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn.
>> Mẹ có thể xem thêm: 3 bài tập chữa sa tử cung các mẹ sinh thường cần tỏ tường
Điều trị phẫu thuật
Với những trường hợp nặng (viêm loét hay nhiễm trùng), mẹ sẽ được điều trị bằng phẫu thuật. Tùy mức độ bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp với mục đích bảo vệ tử cung, giảm triệu chứng và ngăn ngừa nguy cơ tái phát bệnh.
Như vậy, bài viết đã chia sẻ cho mẹ cách nhận biết các dấu hiệu sa tử cung sau sinh và thông tin đến mẹ một số nguyên nhân cùng phương pháp điều trị tùy thuộc vào tình trạng và cách xử trí của bác sĩ. Mẹ hãy sớm nhận biết các điểm bất thường trong cơ thể để tránh các tình huống đáng tiếc nhé.