Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

Tác dụng của cây hương thảo, loài thảo mộc tuy nhỏ mà có võ

Cây hương thảo không chỉ được biết đến như một loại gia vị được yêu thích trên toàn thế giới mà còn có nhiều ích lợi cho sức khỏe. Tác dụng của cây hương thảo là gì?

Cây hương thảo rất thích hợp để trồng trong văn phòng hoặc nhà ở để xua đuổi côn trùng bởi cây có mùi hương dịu nhẹ, đem đến cảm giác thư thái, thoải mái cho con người nhưng lại là mùi hương khó chịu cho các loại côn trùng. Trong ẩm thực, hương thảo được xem như một loại gia vị. Trong y học, hương thảo cũng được xem như một vị thuốc. Vậy tác dụng của cây hương thảo gồm những gì?

Khi chăm sóc cây, bạn cần chú ý điều gì để cây không bị chết? MarryBaby sẽ chia sẻ đến bạn thông qua bài viết dưới đây nhé.

Đôi nét về cây hương thảo

Hương thảo có tên tiếng Anh là Rosemary, 

Tên gọi khác: Mê điệt hương, Trạch lan

Tên khoa học: Rosmarinus officinalis.

Là một loại cây thuộc họ bạc hà, có nguồn gốc xuất xứ từ các khu vực Địa Trung Hải. Hoa hương thảo có nhiều màu như xanh nhạt, trắng hoặc tím. Trong số đó, loại hoa có màu hoa tím vẫn được ưa chuộng và trồng nhiều nhất.

Lá cây hương thảo hẹp và thon dài như lá kim thông. Cây có mùi thơm ngọt ngào nhưng không gắt. Chính vì mùi hương đặc trưng mà hương thảo thường được dùng như một gia vị hoặc để làm cây cảnh trong vườn nhà hoặc văn phòng.

Cây hương thảo thích hợp trồng ở khí hậu ấm áp, ra hoa từ tháng 3 – 5. Ở Việt Nam, hương thảo sống tại một số khu vực ở miền Trung và miền Nam, đặc biệt xuất hiện nhiều ở Đà Lạt.

Tác dụng của cây hương thảo

Theo y học hiện đại, tinh dầu hương thảo có những tác dụng như: chống co thắt, làm ra mồ hôi, hạ nhiệt, giảm đau đầu, dịu đau, hưng phấn thần kinh, hỗ trợ tiêu hóa, làm giảm đầy bụng khó tiêu, lợi tiểu, giải độc, chống viêm, gia tăng bài tiết mật, làm thuốc bổ đắng và có thể gây sảy thai.

Qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, người ta ghi nhận hương thảo có khả năng ức chế độc tố aflatoxine, hoạt chất hàng đầu được biết đến như thủ phạm chính gây ung thư gan, được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm thực phẩm dùng cho người và động vật, mà bị lên mốc.

Theo Y học cổ truyền, hương thảo có vị chát, mùi thơm nồng, tính ấm nóng, tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sinh lực, hoạt huyết, tẩy uế trọc, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, lợi mật, lợi tiểu, nhuận trường, chống viêm sưng, chống oxy hóa, kích thích tuần hoàn máu lên não, giúp tăng cường trí nhớ và sự tập trung, giúp chống rụng tóc và mau mọc tóc, giúp khử trùng đường hô hấp và làm long đờm, dễ khạc đờm.

Cây hương thảo còn được biết đến với nhiều công dụng cho sức khỏe và đời sống.

1. Làm gia vị

Lá hương thảo thường được thêm vào các món ăn của vùng Địa Trung Hải như bò beefsteak, gà nướng, tôm nướng, sườn nướng. Hương thơm đặc trưng của loài cây này sẽ giúp khử đi mùi tanh, đồng thời tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn.

Một số nơi còn dùng hoa hương thảo rắc lên món ăn khi chế biến xong. Màu tím của hoa làm món ăn thêm đẹp mắt và hài hòa.

tác dụng của cây hương thảo
Lá hương thảo giúp món ăn thêm hương vị hấp dẫn

2. Liệu pháp mùi hương

Toàn cây hương thảo có mùi thơm dễ chịu, giúp giảm stress, thư giãn tâm trí. Một nghiên cứu cho thấy hương thơm của hương thảo có thể giúp não hoạt động hiệu quả hơn, làm giảm buồn ngủ và thậm chí cải thiện tâm trạng nhanh chóng và hiệu quả.

Với vẻ đẹp xanh mát và mùi hương tinh tế, hương thảo khiến không gian xung quanh trở nên thơ mộng và đầy sức sống. Cũng bởi mùi thơm đặc trưng nên hương thảo được sử dụng nhiều trong lĩnh vực làm đẹp.

Tinh dầu của cây thường được dùng làm nước hoa, kem dưỡng da, xà phòng thơm. Lá hoặc thân hương thảo phơi khô có thể cho vào túi thơm, để dưới gối hoặc trong tủ quần áo. Mùi thơm của loại thảo mộc này sẽ khiến bạn thoải mái và buông bỏ phiền muộn.

tác dụng của cây hương thảo
Tinh dầu hương thảo giúp bạn giảm stress, thư giãn tâm trí

3. Tác dụng của cây hương thảo, phòng ngừa chứng Alzheimer

Hương thảo được cho là có thể cải thiện chức năng nhận thức ở người cao tuổi. Các nhà khoa học cho biết chiết xuất lá hương thảo có tác dụng trong điều trị và phòng ngừa bệnh sa sút trí tuệ (Alzheimer).

4. Phòng bệnh ung thư

Chiết xuất từ hương thảo có khả năng ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư, điển hình như ung thư phổi. Đồng thời, theo một nghiên cứu trên tạp chí Biofactors, cây hương thảo hoạt động như một chất chống oxy hóa bằng cách bảo vệ các tế bào khỏe mạnh.

5. Cây hương thảo ngăn ngừa rụng tóc

Tinh dầu từ cây hương thảo được chứng minh là hiệu quả và an toàn trong việc điều trị chứng rụng tóc.

6. Tác dụng của cây hương thảo đuổi muỗi

Trồng cây hương thảo có tác dụng thanh lọc và điều hòa không khí. Đặc biệt, loại cây này có khả năng đuổi muỗi rất tốt. Cây hương thảo tỏa ra mùi hương khá nồng, khiến các loài côn trùng như muỗi khó chịu và tránh xa.

7. Một số tác dụng khác của cây hương thảo

Hương thảo khi dùng để pha trà hay tắm sẽ giúp bạn ngủ ngon, giảm đau đầu. Trà hương thảo còn có tác dụng hạ đường huyết và là lựa chọn tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh tiểu đường. Hương thảo có thể thúc đẩy lưu thông máu, giảm cholesterol, ức chế béo phì và có tác dụng giảm cân.

Tinh dầu được chiết xuất từ hương thảo có tác dụng chống co thắt, giảm đau đầu, dịu đau, giải độc, chống viêm. Cây hương thảo còn dùng ngâm rượu để xoa bóp cơ bắp lúc mệt mỏi.

Tác hại của cây hương thảo

Tác dụng của cây hương thảo trong đời sống và những lợi ích với sức khỏe là điều đã được chứng minh. Hương thảo sẽ an toàn với sức khỏe khi dùng với liều lượng thấp. Nếu bạn lạm dụng loại thảo mộc này, sử dụng với liều lượng cực lớn, có thể gây ra các tác dụng phụ sau:

  • Nôn mửa
  • Co thắt
  • Hôn mê
  • Phù phổi
  • Có khả năng gây sẩy thai

Ngoài ra, cây hương thảo không tốt cho những người cơ địa mẫn cảm với tinh dầu hoặc có tiền sử động kinh. Bạn cũng nên cẩn thận khi sử dụng cho đối tượng là phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh. 

Cách chăm sóc cây hương thảo

Hương thảo là loại cây khá dễ trồng. Bạn có thể trồng bằng hạt hoặc mua sẵn cây giống từ các vườn ươm. Nếu đã có cây cũ, bạn nên trồng bằng cách cắt cành hương thảo để nhân giống. Trồng cây hương thảo bằng phương pháp cắt cành sẽ dễ trồng hơn và cho tỷ lệ sống cao hơn trồng hạt rất nhiều.

tác dụng của cây hương thảo
Trồng cây hương thảo bằng cách cắt cành để nhân giống

Khi trồng cây hương thảo để trên bàn làm việc, bạn nên lưu ý cách chăm sóc.

  • Nhiệt độ: Tốt nhất là 20 – 32 độ C
  • Tưới nước: Cây hương thảo sẽ phát triển tốt trong môi trường đất khô nên bạn không cần tưới quá nhiều nước. Đặc biệt, không nên tưới nước vào phần ngọn và lá cây.
  • Bón phân: Để cây phát triển tốt, bạn có thể bón vôi cho đất trồng theo định kỳ.
  • Tỉa cây: Khi cây có nhiều nhánh xum xuê, bạn cần cắt bớt nhánh hoặc uốn cây thành các hình theo ý thích. 

Nếu cây hương thảo không may bị chết, có thể do một số nguyên nhân dưới đây.

  • Cây được tưới nước quá nhiều hoặc tưới quá ít.
  • Độ ẩm của gốc cây hoặc độ ẩm trong không khí quá cao.
  • Cây đặt nơi quá kín, thiếu ánh sáng.
  • Bón phân không đúng cách: bón quá ít hoặc vượt quá liều lượng cho phép.

Từ lâu, tác dụng của cây hương thảo trong đời sống đã được nhiều người biết đến và sử dụng. Đây là loại thảo dược dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp trưng bày ở văn phòng và cả vườn nhà. Bạn còn chờ gì nữa mà không tậu một em hương thảo bé bé xinh xinh đi nào.

 Xem thêm:

By Huỳnh Thị Thu Sương

Cộng tác viên Huỳnh Thị Thu Sương đã có gần hai năm kinh nghiệm viết tin bài kiến thức cho các trang tin về sức khỏe, phụ nữ, mẹ và bé. Hiện tại, Thu Sương đang là cộng tác viên viết bài cho website MarryBaby, một trang tin với những bài viết hữu ích về chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé.