Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Triệu chứng và bệnh phổ biến

Hiện tượng thở dài ở trẻ em là bệnh gì? Có nghiêm trọng không?

Theo nghiên cứu, con người tạo ra khoảng 12 nhịp thở sâu và dài tự phát trong 1 giờ. Điều đó có nghĩa là cứ trung bình 5 phút, chúng ta sẽ có 1 lần thở dài.

Hiện tượng thở dài ở trẻ em là gì? Đây có phải là vấn đề cha mẹ cần phải lo lắng? Trong bài viết, MarryBaby sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về tình trạng này. Đồng thời, cha mẹ cũng sẽ biết cách hỗ trợ cho những trẻ hay thở dài.

Hiện tượng thở dài ở trẻ em có tốt hay không?

Thở dài là một hơi thở sâu hơn bình thường. Hiện tượng thở dài ở trẻ em có thể giúp duy trì chức năng của phổi.

Phổi của trẻ chứa hàng triệu các túi nhỏ gọi là phế nang. Vai trò của phế nang đó là cho phép các khí di chuyển theo đúng hướng (oxy vào máu; và carbon dioxin từ máu ra ngoài cơ thể). Khi trẻ ngồi yên một chỗ lâu; trẻ có thể có đủ không khí di chuyển chỉ bằng cách sử dụng một cơ số phế nang nhất định trong phổi.

Những phế nang không được sử dụng có xu hướng tự xẹp xuống. Khi phế nang lấp đầy phổi xẹp xuống; chúng sẽ không thể được sử dụng để chuyển khí vào hoặc ra khỏi máu nữa, điều này có tác động xấu tới hệ hô hấp.

Hiện tượng thở dài ở trẻ em có khả năng ngăn chặn việc phế nang bị xẹp. Một hơi thở dài có tác dụng tái tạo các phế nang; giúp trẻ cảm thấy nhẹ nhõm hơn ngay tức thì trước một sự kiện hoặc tình huống gây lo lắng, căng thẳng.

Tuy nhiên, hiện tượng thở dài của trẻ em còn phát sinh bởi những nguyên nhân khác. Tùy thuộc vào yếu tố gây ra tình trạng này mà cha mẹ sẽ cần phải lưu tâm và biết cách hỗ trợ con kịp thời.

>> Cha mẹ có thể xem thêm Trẻ bị trúng gió nôn nhiều phải làm sao?

Khi nào cần lo lắng về hiện tượng thở dài ở trẻ em?

hiện tượng thở dài ở trẻ em
Hiện tượng thở dài ở trẻ em chỉ đáng lo khi con không có nhịp thở bình thường của trẻ và những điều kiện khác.

Để biết hiện tượng thở dài ở trẻ em có đáng lo hay không, cha mẹ cần biết nhịp thở bình thường của trẻ theo độ tuổi:

  • Lúc mới sinh đến 1 tuổi: 30 đến 60 nhịp/phút.
  • Từ 1 đến 3 tuổi: 24 đến 40 nhịp/phút.
  • Từ 3 đến 6 tuổi: 22 đến 34 nhịp/phút.
  • Từ 6 đến 12 tuổi: 18 đến 30 nhịp/phút.
  • Từ 12 đến 18 tuổi: 12 đến 16 nhịp/phút.

Ngoài nhịp thở bình thường, cha mẹ cũng chú ý đến những biểu hiện sau để đưa trẻ đi khám bác sĩ:

  • Nhịp thở giảm ngoài phạm vi bình thường ở trẻ em.
  • Các triệu chứng của bệnh hen suyễn hoặc nhiễm trùng phổi, chẳng hạn như ho, thở khò khè và tăng chất nhầy.
  • Các triệu chứng của rối loạn tuyến giáp, chẳng hạn như da khô, tóc thay đổi và mệt mỏi.

Nếu trẻ hay thở hơi dài nhưng vẫn duy trì nhịp điệu hô hấp ổn định; sắc mặt hồng hào; bú khỏe (đối với trẻ sơ sinh); ngủ tốt thì cha me không cần lo lắng. Ngược lại, trẻ hay có những tiếng thở có độ dài hơn hơi thở bình thường kèm dấu hiệu bú kém, thần sắc nhợt nhạt, quấy khóc, nhịp thở khó khăn; cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe.

>> Cha mẹ có thể xem thêm Trẻ em bị COVID-19 bao lâu thì khỏi? Điều ba mẹ nên biết!

Điều gì gây ra hiện tượng thở dài ở trẻ em

Về yếu tố sinh lý, kiểu thở này là cách cơ thể điều chỉnh nhịp thở, cải thiện chức năng phổi. Tuy nhiên, khi tiếng thở sâu và dài xảy ra quá thường xuyên, bạn cần đến bệnh viện để được kiểm tra và chẩn đoán và loại trừ 3 bệnh lý tiềm ẩn sau đây.

1. Căng thẳng

Có rất nhiều yếu tố gây căng thẳng về thể chất và tâm lý xung quanh cuộc sống thường ngày của trẻ. Đó có thể là lần đầu tiên xa mẹ; hoặc đi học buổi đầu trên trường lớp; hay cự cãi với bạn bè.

Khi đối mặt với tình huống gây căng thẳng, cơ thể trẻ sẽ có nhiều thay đổi tức thời như đổ mồ hôi, tim đâp nhanh, thở nhanh, thở gấp… Những điều kiện này làm giảm lượng không khí lưu thông trong phổi nên khiến trẻ cảm thấy khó thở; từ đó, hiện tượng thở dài ở trẻ em gia tăng.

2. Lo âu

Hiện tượng thở dài ở trẻ em cũng có liên quan đến một số chứng rối loạn lo âu như: rối loạn hoảng sợ; rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD); ám ảnh sợ hãi.

Một nghiên cứu nhỏ năm 2008 đã điều tra xem liệu thở dài dai dẳng có liên quan đến tình trạng sức khỏe thể chất hay không. Mặc dù không có mối liên hệ nào được xác định, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 32,5% người tham gia trước đó đã trải qua một sự kiện đau buồn, trong khi 25% mắc chứng rối loạn lo âu; hoặc rối loạn tâm thần khác.

3. Trầm cảm

Ngoài cảm giác căng thẳng hoặc lo lắng, trẻ em cũng có thể tạo ra tiếng thở dài để báo hiệu những cảm xúc tiêu cực khác; bao gồm buồn bã hoặc tuyệt vọng. Do đó, những trẻ bị trầm cảm có thể thở dài thường xuyên hơn.

>> Cha mẹ có thể xem thêm Trầm cảm ở tuổi dậy thì: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả ngay tại nhà

4. Bệnh ở đường hô hấp

Người mắc bệnh ở đường hô hấp thường có triệu chứng khó thở. Khi đó, họ phải hít thở thật sâu để cảm thấy dễ chịu hơn.

Như vậy, tiếng thở dài có chức năng quan trọng trong việc tái tạo phế nang và duy trì chức năng phổi của một người. Tuy nhiên, khi kiểu thở này kèm với tình trạng khó thở hoặc triệu chứng của lo lắng, trầm cảm, bạn cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cách chăm sóc hệ hô hấp ở trẻ em

cách chăm sóc sức khỏe hô hấp của trẻ

Sau khi hiểu rõ hiện tượng thở dài ở trẻ em; cha mẹ lưu ý một số cách để bảo vệ sức khỏe hô hấp của con.

Tránh ô nhiễm không khí và khói thuốc lá:

  • Ngừng hút thuốc và tránh môi trường nhiều khói thuốc.
  • Tránh những con đường đông đúc và giao lộ.
  • Đi bộ thay vì đi ô tô.

Ăn uống lành mạnh:

  • Sức khỏe thể chất và tinh thần phụ thuộc vào lối sống bao gồm một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh.
  • Ăn nhiều trái cây, rau và cá có thể giúp mọi người trong gia đình khỏe mạnh.

Hoạt động thể chất:

  • Biến việc tập thể dục trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày bằng cách đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường.
  • Biết mức vận động phù hợp cho trẻ:
    • Trẻ em dưới 5 tuổi có thể đi bộ nên vận động ít nhất 3 giờ mỗi ngày.
    • Trẻ em từ 5-18 tuổi nên tập 60 phút hoạt động vừa phải đến hoạt động mạnh hàng ngày.
  • Làm gương cho con: Hãy để con thấy cha mẹ thích hoạt động.

[inline_article id=278527]

Nhìn chung, hiện tượng thở dài ở trẻ em không phải vấn đề quá đáng lo ngại. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần kiểm tra với con về những bất ổn tinh thần như căng thẳng, lo âu hay trầm cảm. Đồng thời, cho bé cưng đi thăm khám bác sĩ để theo dõi sức khỏe hô hấp của con.

By Đỗ Khánh Linh

Chuyên viên Nội dung Đỗ Khánh Linh đã có gần 2 năm kinh nghiệm viết kiến thức sức khỏe thể chất và tinh thần dành cho phụ nữ, bố mẹ và những phương pháp nuôi dạy con hiệu quả.
Hiện tại, chị đang phụ trách viết bài Mẹ & Bé cho trang MarryBaby với mong muốn cung cấp các thông tin khoa học, thiết thực để giúp các bố mẹ, các gia đình chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện nhất.