Một trong các xét nghiệm mẹ bầu cần làm trong khi mang thai là xét nghiệm nước tiểu. Thông tin từ xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán những bệnh lý như tiền sản giật, nhiễm trùng tiểu… Trong đó chỉ số protein niệu khi mang thai là một chỉ số mà các mẹ bầu cần quan tâm.
1/ Protein niệu khi mang thai
Ở người bình thường, thận hoạt động tốt sẽ lọc máu và đào thải những chất không còn cần thiết, cặn bã của cơ thể thông qua đường tiểu. Các protein là những chất cần thiết với cơ thể, vì vậy phần lớn chúng sẽ được giữ lại trong máu, chỉ một số rất nhỏ mới xuất hiện trong nước tiểu.
Protein niệu khi mang thai dương tính nếu chỉ số protein trong nước tiểu mẹ bầu lớn hơn 300mg/24giờ. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy các bệnh lý về thận, cần được các chuyên gia tìm hiểu nguyên nhân và hướng điều trị. Về cơ bản, để dễ định hướng nguyên nhân, người ta chia protein niệu khi mang thai thành 2 loại:
- Protein niệu mãn tính: Là tình trạng protein đã hiện diện trong nước tiểu từ trước khi mang thai. Nếu trước tuần 20 của thai kỳ xét nghiệm nước tiểu xuất hiện protein niệu thì nó có thể được xem là dấu hiệu của bệnh thận trước đó.
- Protein niệu khởi phát: Là tình trạng protein mới xuất hiện trong nước tiểu trong quá trình mang thai và nhiều khả năng liên quan tới tiền sản giật.
>> Mẹ có thể xem thêm: Phù chân khi mang thai tháng thứ 8 và nguy cơ tiền sản giật
2/ Nguyên nhân gây protein niệu khi mang thai
Có sự khác biệt giữa việc định hướng nguyên nhân tiểu protein ở người không mang thai và phụ nữ mang thai. Với một trường hợp protein niệu khi mang thai, các nguyên nhân thường gặp có thể nghĩ tới bao gồm:
– Tiền sản giật và các biến chứng
Tiền sản giật là một hội chứng rối loạn thai nghén đặc trưng bởi tình trạng tăng huyết áp có kèm protein niệu xuất hiện trong nước tiểu từ sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Các mẹ có thể sẽ không nhận ra triệu chứng tăng huyết áp hay tiểu đạm (tiểu protein) của tiền sản giật cho tới khi tình cờ phát hiện. Nhưng trong tình trạng tiền sản giật nặng, có thể có các triệu chứng nghiêm trọng như: đau đầu dữ dội, xuất huyết, đau bụng, buồn nôn – nôn, vàng da, tiểu ít, phù mặt, phù tay, phù chân, khó thở, nhìn mờ…
Tiền sản giật có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như sản giật, hội chứng HELLP, suy thận cấp… ở mẹ.
– Nhiễm trùng tiểu
Một tình trạng nhiễm trùng tiểu có thể khiến protein niệu tăng thoáng qua trong thai kỳ. Các triệu chứng của nhiễm trùng tiểu có thể bao gồm: tiểu gắt, tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, đau vùng bụng dưới… Nếu không điều trị đúng, có thể dẫn tới nhiễm trùng ngược dòng gây viêm thận, viêm đài bể thận… Lúc này các triệu chứng nặng hơn như sốt, ớn lạnh toàn thân, đau hông lưng. Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ kê cho bạn một loại kháng sinh an toàn đối với thai phụ.
– Nhóm nguyên nhân liên quan tới bệnh thận có từ trước đó của mẹ
Nguyên nhân protein niệu khi mang thai lúc này có thể do mẹ bầu có bệnh thận trước đó mà không được phát hiện, hoặc có bệnh thận trước đó mà khi có thai khiến tình trạng này nặng lên. Nếu mốc thời gian phát hiện tiểu protein là trước tuần 20 của thai kỳ, nhiều khả năng là tình trạng này của mẹ đã có từ trước đó. Nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu đạm là rất nhiều: bệnh thận đái tháo đường, bệnh thận lupus, các bệnh cầu thận nguyên phát… Cần gặp các chuyên gia về thận học để tìm cụ thể nguyên nhân và điều trị cho mẹ, tránh các biến chứng có thể dẫn tới bệnh thận mạn.
>> Mẹ bầu có thể tham khảo thêm: Bề cao tử cung, hướng dẫn đơn giản cho mẹ bầu tự đo tại nhà
3/ Triệu chứng của protein niệu khi mang thai
Bạn có thể nhận biết tình trạng protein niệu khi mang thai thông qua một vài triệu chứng sau:
- Phù mặt, bàn tay, bàn chân, nặng lên vào buổi sáng khi mới thức dậy.
- Nước tiểu có bọt nhiều như xà phòng.
Từ giữa thai kỳ, bạn nên để ý đến các dấu hiệu tiền sản giật như:
- Đau đầu dữ dội
- Phù tay, chân và mặt
- Khó thở
- Đau dữ dội bên dưới vùng xương sườn phải
- Dấu xuất huyết
- Các triệu chứng thần kinh: Nhìn mờ, nhìn đôi, ảo giác…
4/ Làm sao để phát hiện protein niệu khi mang thai
Có nhiều phương pháp có thể xác định được tình trạng protein niệu khi mang thai. 2 phương pháp thường được sử dụng nhất là:
– Que nhúng nước tiểu Dipstick
Với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy một mẫu nước tiểu của bạn và thử với que thăm dò nước tiểu có dải thuốc thử hóa học. Lúc này, các phản ứng hóa học sẽ xảy ra và cho ra những màu sắc khác nhau. Que nhúng Dipstick phát hiện được Albumin (loại protein chủ yếu bị thải ra trong nước tiểu trong các bệnh lí) và tranferin. Ngoài ra nó còn giúp xác định những thông số khác hữu ích của nước tiểu như tỷ trọng nước tiểu, pH, đường, máu…
– Xét nghiệm protein nước tiểu trong 24 giờ
Mẹ bầu sẽ được lấy mẫu nước tiểu trong khoảng thời gian 24 giờ và đem đi phân tích. Phương pháp này là phương pháp chính xác nhất và là tiêu chuẩn “vàng” trong việc xác định protein trong nước tiểu. Xét nghiệm có thể cho ra con số chính xác về lượng protein trong nước tiểu. Từ đó bác sĩ có thể định hướng được một phần nguyên nhân.
5/ Điều trị protein niệu khi mang thai
Việc điều trị protein niệu khi mang thai tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.
- Trong trường hợp tiểu đạm do nguyên nhân từ bệnh lý thận trước đó của mẹ, cần được theo dõi đồng thời bởi các bác sĩ chuyên khoa thận và khoa sản, để phối hợp điều trị bệnh thận và triệu chứng.
- Đối với nguyên nhân liên quan tới tiền sản giật, vấn đề tiểu đạm của mẹ bầu thường sẽ tự giới hạn sau khi sinh con. Tuy nhiên cần theo dõi sát tình trạng lâm sàng toàn thân của mẹ và sự phát triển của thai nhi thường xuyên để có biện pháp xử trí kịp thời.
>> Mẹ bầu có thể tham khảo thêm: Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại nhà đơn giản mẹ bầu có thể áp dụng ngay!
6/ Mẹ bầu có thể làm gì khi nước tiểu có protein?
Điều trị protein trong nước tiểu là điều trị dựa trên bệnh nguyên, bầu nên tuyệt đối làm theo những chỉ dẫn về thuốc, chế độ ăn, chế độ vận động của bác sĩ, tham vấn ý kiến khi cần thiết..
Bên cạnh việc tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sĩ, thai phụ cũng nên:
- Ăn nhạt, hạn chế muối.
- Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường.
- Tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây vào thực đơn hàng ngày.
- Uống nhiều nước hơn.
- Không vận động quá sức.
- Tránh căng thẳng và tránh tiếp xúc với các yếu tố có thể làm hạ thân nhiệt.
[inline_article id=246880]
Qua đây, hi vọng mẹ bầu đã hiểu hơn về protein niệu khi mang thai cũng như các nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị rồi. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh!